ĐD Lâm Lê Dũng: Phim thiếu nhi càng khó, càng thích...
06:10' 09/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đã từ lâu, phim thiếu nhi Việt Nam mất hút trên các rạp. Nhưng hè năm nay, lũ trẻ đã có phim để xem, mà lại về một đề tài đầy mê hoặc - bóng đá.  

Đạo diễn Lâm Lê Dũng đang chỉ đạo các diễn viên nhí.

Người mang đến sự mê hoặc, không chỉ đối với trẻ con, vào phim là Đạo diễn Lâm Lê Dũng (Hãng phim Giải phóng) với U14 - đội bóng trong mơ, một phim truyện nhựa hẳn hoi. Chiếu đồng loạt từ 21/5 tới tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng với giá vé cực kỳ hấp dẫn, U14 - đội bóng trong mơ trẻ trung, vui nhộn, đủ sức "dụ dỗ" khán giả nhí vòi tiền bố mẹ ra rạp mua vé. VietNamNet hỏi chuyện vị đạo diễn đang chuẩn bị "dụ con nít" mùa hè này.

- Bắt tay vào làm phim ở một mảng đề tài mà nhiều người nghi ngại, hoặc sẽ sượng trong diễn xuất của diễn viên nhí, hoặc nói đến những vấn đề to tát chứ không còn là chuyện của trẻ con nữa, anh có cảm thấy mình vượt qua được tiền lệ không hay này?

- Tôi đã có một số kinh nghiệm chỉ đạo diễn xuất cho các em thiếu nhi trong phim Cha con ông Mắt Mèo trước đây, nên khi thực hiện bộ phim này, tôi không thấy lo lắm về diễn xuất của các em. Tuy nhiên, lại gặp một vấn đề khá hóc búa khác, là các em vừa phải biết diễn xuất vừa phải biết đá bóng...

- Nhưng anh đã tìm và "huấn luyện" các em thế nào mà các nhóc đã diễn xuất khá tự nhiên như vậy? Theo anh, diễn viên nhí trong phim thiếu nhi quyết định bao nhiêu phần trăm hiệu quả của phim?

- Trong quá trình chuẩn bị làm phim, tôi đi đến quyết định tiêu chí đầu tiên của diễn viên nhí là phải đá bóng giỏi cái đã. Tôi đã chọn gần 400 em từ các đội bóng trong thành phố (các quận 1, 3, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Trung tâm Đa Phước...), sau đó cho diễn xuất thử rồi loại dần đến khi chỉ còn 6 em. Lúc này các em mới được học diễn xuất theo kịch bản phim. Làm việc với mấy nhóc này vô cùng mệt vì chúng lần đầu đóng phim, nhưng lại vui vì tất cả đều rất vô tư và nhiệt tình không ngờ. Theo tôi, phần đóng góp của diễn viên nhí chiếm đến 90% hiệu quả của phim (phim dành cho thiếu nhi mà).

U14 đội bóng trong mơ là câu chuyện về một nhóm thiếu nhi mê bóng đá gồm Hòa "Ronaldo", Duy béo, Tiến đen, Sáng cận... được bác Quý tập hợp lại thành đội bóng Bạch Đằng. Một đội bóng khác có tên Nghĩa Hiệp cũng toàn cầu thủ nhí nhưng do tên Dưỡng "xồm" gom lại để núp bóng kiếm tiền tài trợ và buôn lậu. Câu chuyện bắt đầu khi hai đội bóng trở thành kình địch và cùng vào trận chung kết giải Sao Biển...

Có đến 2/3 thành phần diễn viên là không chuyên. "Kỷ lục" đã được lập là chỉ một cảnh quay theo các pha bóng phải tiến hành từ 18 đến 19 lần quay đi quay lại (thông thường chỉ 3-4 lần), mà trong phim thì có rất nhiều pha bóng như thế, "nuốt" trọn gần 5.000m phim Négative tài trợ của hãng Fuji. Một kỷ lục khác là cảnh quay trận chung kết ở Trung tâm Thành Long, đoàn phim phải thuê gần 5.000 diễn viên quần chúng hò hét trên khán đài.

Giá vé xem phim này rất hấp dẫn cho thiếu nhi: vé tập thể từ 4-6.000 đồng/vé, vé lẻ từ 10-12.000 đồng, tùy thời điểm trong ngày. Riêng ở Đà Nẵng có giá từ 6-8.000 đồng/vé. Phim sẽ chiếu đồng loạt tại 10 rạp trên toàn quốc.

- ''U14 đội bóng trong mơ'' cũng thấp thoáng căn bệnh cố hữu của phim thiếu nhi Việt Nam là mượn chuyện thiếu nhi để nói chuyện người lớn? Nếu phim thiếu nhi chỉ thuần nói chuyện trẻ con, liệu nó đủ sức nặng và tự đứng được?

- Không hẳn vậy đâu. Trên thế giới cũng thế thôi. Một bộ phim luôn phải nói được nhiều điều, và được hiểu theo từng cấp độ khác nhau. Phim thuần chuyện trẻ con khó có thể có, vì trẻ con đâu chỉ ở... một mình. Xung quanh còn có rất nhiều sự tác động của xã hội, của thế giới người lớn.

- Chuyện phim có nội dung na ná bộ phim thiếu nhi khá nổi tiếng ''Sơn ca trong thành phố'' (năm 1983), cũng một nhóm thiếu nhi ở thành phố biển có liên can và giúp công an phá án. Anh thấy kịch bản "được" ở những điểm nào để chọn nó?

- Tôi chưa xem Sơn ca trong thành phố nên không biết. Sự đam mê bóng đá của những nhân vật trong kịch bản chính là động lực thúc đẩy tôi bắt tay vào làm phim. Khi nhận kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn Có một mùa bóng đá của tác giả Lưu Văn Khuê, tôi đã phải sửa lại rất nhiều, vì phải biến câu chuyện có bối cảnh năm 1982 sang thời điểm hiện nay.
 

Cảnh trong phim: Hòa "Ronaldo" trốn học hè đi đá bóng.

- Nhận thực hiện bộ phim đầu tiên của Xưởng phim thiếu nhi (Hãng phim Giải phóng) đã là một sự "dũng cảm" của Đạo diễn Lâm Lê Dũng, vì thực tế hiện nay có rất nhiều đạo diễn không muốn nhảy vào mảng phim "khó gặm" này...

- Thật sự có rất nhiều đạo diễn muốn làm phim thiếu nhi, nhưng có lẽ chỉ dừng lại ở chữ "muốn", vì họ biết mình sẽ phải đối mặt với trăm bề khó khăn. Tôi nhận làm phim này cũng vì lòng yêu nghề, vả lại cũng đã 5 năm rồi tôi ngưng làm phim sau Cha con ông Mắt Mèo.

- Đồng cảm được với thế giới trẻ thơ là yếu tố bảo đảm cho phim thiếu nhi thành công, hay nói rõ hơn là khán giả nhỏ tuổi sẽ thích. Anh thấy mình làm được như thế chưa? Sau U14..., anh có ý định tiếp tục làm phim thiếu nhi nữa hay... thôi?

- Tôi mới chỉ thấy mình gần hoàn thành vai trò một người lớn biết đồng cảm với thiếu nhi thôi. Vì thật sự chưa hài lòng những gì đã làm được trong U14... Nếu kinh phí cao hơn, có lẽ phim sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng tôi vẫn muốn được tiếp tục làm phim thiếu nhi, có thể là đề tài về lứa tuổi 3-4. Khó khăn đấy, nhưng càng khó khăn càng khoái...

  • Võ Tiến (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phim chỉ trích TT sẽ không được chiếu tại Mỹ? (07/05/2004)
Cá Nemo ''nói tiếng Việt'' sắp ra mắt! (07/05/2004)
"Những cô gái chân dài" chơi nổi? (05/05/2004)
Ngày mai, công chiếu "Ký ức Điện Biên" (05/05/2004)
"Agent Cody Banks", điệp viên nhí siêu hạng (04/05/2004)
''Người tình tổng thống'' hấp dẫn, vì sao? (02/05/2004)
Đại lộ danh vọng "kết nạp" hai thành viên "nhí" (30/04/2004)
"Cầu ông Tượng": Thêm một bộ phim được tài trợ tiền tỉ (30/04/2004)
"Kill Bill" tự thuật (29/04/2004)
Leonardo DiCaprio (28/04/2004)
"Kill Bill" bị hạ bệ tại các rạp Bắc Mỹ (27/04/2004)
Cuộc ra quân của phim nội (27/04/2004)
Thành Long làm Đại sứ thiện chí của UNICEF (26/04/2004)
Discovery Channel làm phim về Điện Biên Phủ (26/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang