Nghịch lý làm phim tài liệu: Phim hay nhưng... chiếu ở đâu?
09:30' 11/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hãng phim Giải phóng vừa xuất xưởng 4 bộ phim tài liệu nhựa và video. Cả 4 được giới chuyên môn đánh giá chất lượng từ khá đến hay. Thế nhưng sau buổi chiếu ra mắt các phim trên, cả người trong cuộc lẫn báo giới giật mình: phim rồi sẽ được chiếu ở đâu hay lại vòng về kho?                                                                                                  

Cảnh làm phim Thời chiến họ còn rất trẻ trên chiến trường xưa. Ảnh: Đức Tầm

Phim tài liệu là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Riêng Hãng Giải phóng hơn 40 năm làm phim tài liệu đã có rất nhiều đầu phim nổi tiếng: Du kích Củ Chi, Đường ra phía trước (trong chiến tranh chống Mỹ)..., Người công giáo huyện Thống Nhất, Di chúc của những oan hồn (sau giải phóng)...

"Phong độ" của thế hệ làm phim kế tiếp của Hãng cũng không kém bao xa so với những Hồng Sến, Mai Lộc, Phạm Khắc... khi xưa. Trong 4 phim mới, Thời chiến họ còn rất trẻ của đạo diễn Văn Lê thể hiện rõ kinh nghiệm của một đạo diễn phim tài liệu lão làng. Chân dung những nhân vật nữ chiến sĩ miền Nam hiếm hoi còn sống qua chiến tranh, hiện ra mộc mạc mà xót xa: "Du kích thấy đó là chết đó, chết tức khắc". Dũng sĩ diệt Mỹ Võ Thị Mô (Bảy Mô) kể lại, song không vì thế mà Bảy Mô có thể giương súng vào lính Mỹ khi bọn họ đang chụm đầu vào nhau cùng khóc...

Dẫn chuyện phim bằng đại từ "tôi", song cái tôi của người làm phim không lộ liễu. Sự tài tình của đạo diễn nằm ở chỗ, khơi cho nhân vật sống lại với hồi ức của chính mình, để họ nói những điều tận tâm can, thật như chính họ đã từng "lao vào cuộc chiến tự nhiên như vốn dĩ cuộc sống cần phải thế".

Bà tôi (đạo diễn Hải Anh) lại mang một màu sắc khác dưới bàn tay của một nữ đạo diễn. Nhân vật chính của phim cũng chính là người bà ở ngoài đời của Hải Anh. Không biết tên nhân vật là gì, cả những nhân chứng sống của Hà Nội những tháng năm chiến tranh chống Pháp xuất hiện trên phim cũng không nốt. Thế nhưng, như đạo diễn Hải Anh cho biết "tôi chỉ có một tôn chỉ duy nhất là phải làm phim thật chân thực đúng như đời sống nó thế", người bà - nhân vật nhớ đủ tên tuổi, địa chỉ của 56 cháu, chắt, chít của mình, vẫn gieo vào lòng người xem nhiều ấn tượng.

Hai phim về vùng cao, Hai người đàn ông tình nguyện (đạo diễn Phan Quang Minh) và H'Nơn (đạo diễn Văn Lê) là một dạng đề tài người tốt việc tốt. Hai người đàn ông tình nguyện từ huyện đồng bằng Tuy Hòa (Phú Yên) mất 8 năm lặn lội nơi núi rừng Tây nguyên để có được kết quả: biến đổi hẳn đời sống cho nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn một nữ hộ sinh người Bana không mất nhiều thời gian để nhớ hơn 1.000 cặp vợ chồng xem cặp nào sắp có con để nhớ ngày đi đỡ đẻ, nhưng đã mất đến 10 năm để thuyết phục bà con xã Glar, huyện Mang Yang (Gia Lai) có thói quen đi tiêm chủng cho con, đến trạm xá khi ngã bệnh...

Ai xem những phim này?

Nhân vật H'Nơn (bìa trái) trong phim cùng tên. Ảnh: Đức Tầm

Đạo diễn Văn Lê bức xúc đến độ nhấn mạnh nhiều lần câu "Phim tài liệu làm ra rồi chỉ cất vào kho". Anh kiến nghị: "Đây rõ ràng là vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên. Bộ Văn hóa Thông tin và các đài truyền hình cần có giải pháp trong chuyện đầu ra cho phim tài liệu".

Điều nghịch lý là phim tài liệu của ta thường đoạt các loại giải thưởng ở... nước ngoài song trong nước thì dân ta chẳng mấy ai xem (hay chẳng có điều kiện để xem?). Hằng năm, ngành điện ảnh nước ta sản xuất khoảng 20 đầu phim tài liệu nhựa và video. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương làm 15 phim (10 phim nhựa), phần của Hãng Giải phóng mỗi năm khoảng 3 - 5 phim. Thế nhưng, phim tài liệu làm ra không đi theo đường các chương trình phục vụ miền núi thì cũng không ai biết... đi đâu.

Đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim Giải phóng, khẳng định: "Chuyện phát hành phim tài liệu không nằm trong phạm vi công việc của hãng". Nhưng ông cũng cho biết thêm: "Sắp tới chúng tôi cũng sẽ cố gắng cho chiếu các bộ phim tài liệu trước các buổi chiếu phim truyện. Phim tài liệu nhựa chiếu màn ảnh lớn còn video chiếu trên truyền hình".

Có 5 kịch bản đang được triển khai cho kế hoạch sản xuất phim tài liệu trong năm nay của Hãng Giải phóng. Kế tiếp là một dự án làm phim tài liệu khá quy mô với bộ phim 30 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dài 10 tập sẽ ra mắt trong năm tới. Guồng sản xuất phim không dừng lại mà đầu ra thì mịt mờ. Chỉ có một hy vọng với thông tin giờ chót: Đài Truyền hình TP.HCM đã đặt vấn đề với Hãng nhận mua 4 phim tài liệu kể trên để phát sóng. Nhưng niềm vui không trọn vẹn, theo lời bà Dương Cẩm Thúy, Xưởng trưởng Xưởng phim tài liệu Hãng Giải phóng, trước cái tin này: "Hơi nghịch lý là phim nhựa lại đi chiếu trên màn ảnh nhỏ. Nhưng dù sao cũng là một cách để đưa phim đến với công chúng".

  • Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Những cuộc chia tay "đắt đỏ" ở Hollywood (10/03/2004)
Sean Connery (10/03/2004)
Hà Nội qua ống kính của hai nhà làm phim Đức (10/03/2004)
Tìm diễn viên ở đâu? (09/03/2004)
Ai cũng muốn thử... ngoại tình (09/03/2004)
Thêm những thước phim quý về Điện Biên (09/03/2004)
"The Passion of the Christ" vượt ngưỡng 200 triệu USD (08/03/2004)
"Madeleine" - nhẹ nhàng và sâu lắng (07/03/2004)
Tom Hanks muốn chinh phục mặt trăng (04/03/2004)
Quang Thắng, Xuân Bắc với nghề mới... MC (04/03/2004)
Mel Gibson nổi đình đám với "The Passion of the Christ" (02/03/2004)
Bắt lỗi phim: lăng-xê điện ảnh kiểu mới? (02/03/2004)
"Hơn cả tình yêu", đáng xem và đáng để suy ngẫm (02/03/2004)
Jennifer Aniston ra mắt khán giả Việt Nam (02/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang