(VietNamNet) - Với 28 lần đoạt các giải thưởng Văn học - Nghệ thuật - Điện ảnh - Báo chí - Sân khấu, Minh Chuyên trước hết là một cây viết bút ký mặn mòi, với các bút ký thiên về đề tài hậu chiến và nỗi đau của những nạn nhân chất độc chiến tranh.
|
Nha van - nhà báo Minh Chuyên. |
Gần đây người ta còn biết đến Minh Chuyên với thể loại phim Tài liệu, nhất là sau giải thưởng Báo chí toàn quốc 2003 với Nhà khoa học của muối đạt giải A (duy nhất cho thể loại báo hình).
VietNamNet có buổi trò chuyện với ông xung quanh giải thưởng cũng như sự nghiệp sáng tác nói chung.
- Đề tài về nhà khoa học của muối và nhân vật chính của câu chuyện này đã đến với ông như thế nào?
- Đi thực tế nhiều ở các tỉnh miền trong, như Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Bình... tôi thấy cuộc sống của người dân làm muối rất vất vả; đồng thời tôi cũng phát hiện ra nhân tố tháo gỡ các khó khăn đó cho họ chính là các nhà khoa học. Nung nấu đề tài này lâu nay nhưng phải cho đến mấy đợt đi làm phim ở Quỳnh Đôi (Nghệ An) năm rồi, tôi mới gặp được người thích hợp với đề tài của mình. Đó là ông Phan Tâm Đồng. Ông này quê ở Nghệ An, nhà không có nghề làm muối nhưng sống với người dân muối, ông rất hiểu nỗi cực nhọc của họ, nên quyết tâm đi học và nghiên cứu. Ông học tiến sĩ, đã đạt 12 bằng chứng nhận và HCV do Sở hữu trí tuệ thế giới và UNICEF trao, trong đó có bằng chứng nhận công nghệ đưa nước biển lên núi làm muối, phương pháp chắt lọc thạch cao và nước ót; đưa sản lượng muối của VN từ chỗ phải nhập khẩu đến chỗ đủ dùng trong nước và xuất khẩu. Cũng chính ông này đã nghĩ ra cách trộn muối iốt, mở đầu phong trào muối hóa toàn dân iốt của ta, và hoàn thành nó chỉ trong một năm, trong khi các nước khác phải mất đến mười năm muối iốt mới đi sâu vào quần chúng.
Phim đã đoạt HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc 2003.
- Theo ông thì cái gì khiến cho bộ phim này được giải?
|
Nhọc nhằn làm muối. |
- Ngôn ngữ hình ảnh được đánh giá là khá tốt, nói lên được sự nhọc nhằn đến quằn quại của những người dân nghề muối. Lưng áo bạc trắng, bạc y như màu muối bên dưới. Ở miền Trung, không giống như ở ngoài Bắc, mỗi đống muối to đến năm, bảy ngàn tấn. Sở dĩ được như vậy là nhờ người ta biết tận dụng khoa học kỹ thuật, chính những cái mà nhà khoa học của muối Phan Tâm Đồng đã chỉ dẫn cho các diêm dân. Họ bỏ các cánh đồng muối ven biển, dẫn nước biển lên các thung lũng nũi, từ Cà Ná, Vinh Hảo đến Quán Thẻ... Công việc làm muối như thế thoạt hình dung đã có thể cho ống kính máy quay những hình ảnh ngoạn mục. Tôi đã tận dụng những điều này, sử dụng những cảnh quay từ trên đỉnh núi xuống. Tận dụng sự tương phản giữa những cần cẩu khổng lồ xúc muối, những trái núi muối khổng lồ bên cạnh những trái núi thật. Và những người nông dân cần mẫn gánh muối đi vòng chân núi, như những đàn kiến nhẫn nại.
Yếu tố thứ hai được đánh giá cao là đề tài, như đã nói, chân dung một nhà khoa học say mê nghiên cứu và cuối cùng giúp cho người dân muối đỡ nhọc nhằn, biến họ từ những nông dân làm muối trở thành những công nhân làm muối.
Và cuối cùng, lời bình chiếm một vị trí quan trọng. Tôi cố gắng liên tục làm cho người xem ấn tượng, ví dụ khi nhân vật chính tìm cách sâu sát thực tế, đi làm thuê, chở muối bằng xe cút kít, sau lóng ngóng thế nào làm đổ xe muối bị ông chủ, (tức là một dân muối) xông vào đánh. Lúc ấy lời bình diễn tả hình ảnh đêm về ông trằn trọc không ngủ được, và không phải vì đau, vì nhục, mà vì nghĩ thương người dân làm muối khổ sở nhọc nhằn.
- Với các bút ký Ngôi mộ có nửa linh hồn, Di họa chiến tranh, Người không cô đơn... Ông đã có một chỗ đứng trong làng văn với mảng đề tài thời hậu chiến. Căn nguyên nào đã đưa đến duyên nợ với mảng đề tài này?
- Bản thân tôi là bộ đội, đã chiến đấu 10 năm ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 75 tôi bị thương và được chuyển ra. May mà vết thương nhẹ, hiện thương tật của tôi là 18%, nhưng những ám ảnh của tôi về sự hy sinh của đồng đội thì rất mạnh. Nhiều người còn sống trở về nhưng do nhiều sự tắc trách mà chế độ, quyền lợi của họ không được đầy đủ, để đáp lại những công lao mà họ đã bỏ ra. Tôi đặc biệt lưu tâm đến số phận những người bị chất độc hóa học. Những bài bút ký của tôi đã góp phần tác động để Nhà nước đưa ra các quỹ nạn nhân chất độc hóa học, hay các quỹ đền ơn đáp nghĩa hàng trăm triệu đồng.
- Là một biên kịch kiêm đạo diễn cho Chương trình phim Tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng phim tài liệu ở nước ta hiện nay?
- Phim tài liệu nhựa ở nước ta hiện nay hầu như rất ít tác dụng với cuộc sống vì không ai vào rạp để xem, đến phim truyện họ còn không muốn xem trong rạp nữa là! Còn phim video vì phát sóng với số lượng tương đối nhiều hàng năm nên chất lượng chỉ đạt mức trung bình, thỉnh thoảng mới có phim có tính phát hiện đề tài.
- Về kinh phí và lực lượng làm phim thì như thế nào, thưa ông?
|
Tinh khôi của muối đổi bằng bao giọt mồ hôi. |
- Kinh phí chỉ khoảng 12 triệu cho một phim, bao gồm tất cả các khoản, hiện trường, đạo diễn, biên kịch, quay phim, quá trình thực hiện. Trong đó đạo diễn được khoảng 3 triệu, nếu kiêm cả đạo diễn, viết lời bình và chủ nhiệm như tôi thì được khoảng 5 triệu cho 3 tháng - tức là thời gian trung bình làm một bộ phim. Cộng với lương nữa thì cũng đủ sống, chỉ có điều không giàu như người ta tưởng về những người làm truyền hình thôi!. Kinh phí thường được cấp một phần ba trước, còn lại tự chi rồi về thanh toán sau. Việc này cũng phiền, vì nhiều khi quá tốn kém, ví dụ như đợt này tôi đang quay bộ phim về Côn Đảo, phải bay ra Côn Đảo mấy chuyến...
Về lực lượng người làm phim thì được học hành cơ bản nhưng phương pháp còn hạn chế. Theo tôi đánh giá, 40% là khá, 30% trung bình, còn lại yếu.
- Xin cảm ơn ông!
Nhà văn Minh Chuyên Sinh năm 1948 tại Thái Bình. Là Hội viên Hội Nhà văn VN Hiện là biên kịch kiêm đạo diễn, Chương trình phim tư liệu-VTV1. Các tác phẩm chính: Miền quê anh đến (tập truyện ngắn, NXB Quân đội 1985); Nhớ Su-ren-cô (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên 1986); Người lang thang không cô đơn (tập ký, Nxb Hội Nhà văn 1992); Vết thương không mảnh đạn (Kịch bản phim 1995); Trở lại kiếp người (kịch bản sân khấu 1995); Người không cô đơn (tập truyện ký, Nxb Hội nhà văn tái bản 1995); Di hoạ chiến tranh, bút ký, Nxb văn học 1997);... |
|