Truyền hình trực tiếp vở tuồng "Hồ Quý Ly"
17:52' 15/09/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) -  Là vở tuồng đầu tiên của chương trình Nhà hát truyền hình, "Hồ Quý Ly" sẽ ra mắt khán giả cả nước trực tiếp trên VTV1 lúc 20h, ngày 20/9 tới. Vở được dàn dựng bởi đạo diễn - NSƯT Nguyễn Đình Quang, kịch bản - tác giả Xuân Yến, và diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam.

 

 

Tuồng cổ là loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc. Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người, giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc..

Tất cả những lời nói, động tác hình thể, sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp.

Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, cách điệu đường nét, nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương. Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành "khuôn vàng thước ngọc", hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí. Tuồng là loại sân khấu tổng thể, ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được phát triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.

Đặc sắc và tinh hoa là thế, nhưng tuồng cổ lại là một bộ môn nghệ thuật ngày càng hiếm hoi khán giả. Đáng lo ngại nhất là lực lượng diễn viên trẻ, thí sinh thi vào bộ môn này tại trường đào tạo hiện rất ít ỏi. Những tích tuồng hay, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc không còn được khán giả quan tâm, chào đón. Hồ Quý Ly là một trong số ít những tác phẩm tuồng vang bóng một thời và vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả.  Vở diễn được giới thiệu rộng rãi cũng là dịp để đông đảo khán thính giả, nhất là giới trẻ có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức loại hình nghệ thuật đặc sắc, phong phú này.

Các diễn viên trong vở tuồng cổ Hồ Quý Ly:

 

- NSƯT Ánh Dương

vai

Hồ Quý Ly

- NSƯT Hán Văn Tình

 

Hồ Vấn

- NSƯT Minh Gái

 

Khâm Thánh

- NSƯT Hương Thơm

 

Vợ Lê Khương

- NS Văn Thủy

 

Hồ Nguyên Trừng

- NS Minh Tâm

 

Hồ Hán Thương và Lê Khương

- NS Xuân Quý

 

Hồ Xạ

- NS Hán Thân

 

Vua Trần

- NS Ngọc Tuấn

 

Trần Khát Chân

- NS Văn Thọ

 

Trần Hằng

- NS Trọng Khoa

 

Trần Nhật Đôn

 

Nhà cải cách Hồ Quý Ly

Vào cuối thế kỷ XIV, đất nước ở trong tình trạng rối ren, triều Trần đã trở nên ruỗng nát, bị lung lay tận gốc. Nhân hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một quý tộc có thế lực và thanh thế trong triều, đã lấn át dần quyền lực nhà Trần rồi đến năm 1400, phế truất hẳn vua Trần lập ra một vương triều mới: Triều Hồ.

Hồ Quý Ly dòng dõi người Chiết Giang, Trung Quốc. Từ đời Ngũ Quý sang Việt Nam sống ở Quỳnh Lưu, (Nghệ An) sau chuyển ra Thanh Hoá. Hồ Quý Ly tham dự vào chính sự nhà Trần khoảng 28 năm, sau khi vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400) Quý Ly truất ngôi Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu (Nguyên họ Hồ là dõng dõi nhà Ngu bên Trung Quốc, nên Quý Ly đặt quốc hiệu là Đại Ngu). Quý Ly làm vua chưa được một năm, bắt chước tục nhà Trần nhường ngôi cho con thứ Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng hoàng cùng coi việc nước.

Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, Quý Ly đã từng bước tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt. Về mặt hành chính, Quý Ly đổi các lộ xa làm trấn, đặt thêm các chức An Phủ phó sứ, Trấn thủ phó sứ cùng các chức phó khác ở các châu huyện. Ở các lộ thì đặt những chức quan lớn như Đô hộ, Đô thống, Thái thú quản cả việc quân sự và dân sự. Quý Ly còn đặt chức Liêm phóng sứ tại mỗi lộ để dò xét tình hình quân dân.

Về mặt kinh tế, cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là phép hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy và đổi mới chế độ thuế khoá. Đó là những cải cách tiến bộ nhằm tước giảm thế lực của bọn quý tộc Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ tài chính của triều đình. Theo phép hạn điền, trừ đại vương và trưởng công chúa, mỗi chủ đất chỉ được giữ 10 năm trở xuống, sổ sách phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Ai có tội được phép lấy ruộng mà chuộc tội.

Về văn hoá xã hội, Hồ Quý Ly phản đối lối học sáo rỗng, nhắm mắt học vẹt lời nói của cổ nhân để xét việc trước mắt. Năm Nhâm Thân (1392), Quý Ly soạn sách "Minh Đạo" gồm 14 thiên đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng tử và những nghi vấn có căn cứ về sách "Luận ngữ", một trong những tác phẩm kinh điển của Nho giáo.

Hồ Quý Ly cũng có hoài bão xây dựng một nền văn hoá dân tộc. Ông trọng dụng chữ Nôm, dịch Kinh thư ra Nôm để dạy hậu phi, cung nữ. Ông còn quan tâm đến việc mở thêm trường học ở các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông và định lại phép thi cho có quy củ.

Về mặt xã hội, Hồ Quý Ly mở "Quảng Tế Thư" một loại bệnh viện công, chữa bệnh bằng châm cứu và lập kho bán thóc rẻ cho người nghèo. Việc ông ban hành cân, thước, đấu, thưng để thống nhất đo lường cũng góp phần làm tăng thêm giá trị văn minh của đời sống xã hội.

Hồ Quý Ly đã thực hiện những cuộc cải cách ấy với một quyết tâm cao, một tài năng xuất chúng và một bản lĩnh phi thường. Và dù những cải cách đó có ý nghĩa tích cực nhưng nhìn chung toàn bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và những đòi hỏi cấp thiết của dân tộc. Chính sách cải cách của nhà Hồ có hạn chế bớt thế lực họ Trần nhưng lại làm lợi riêng cho họ Hồ nhiều hơn là lợi ích quốc gia. Vì vậy ông đã thất bại. Cái mà ông làm ra không bằng những bài học ông để lại. Bài học lớn nhất, dẫn đến thất bại của ông là để mất lòng dân. Quý Ly đã tiến hành cải cách và đoạt chính quyền bằng bạo lực tàn bạo. Trong cuộc tàn sát các tôn thất nhà Trần và những người không ăn cánh, Quý Ly đã giết một lúc 370 người, gián tiếp và trực tiếp giết nhiều vua, và còn tiếp tục tàn sát trong nhiều năm sau, làm cho người quen biết nhau "chỉ nhìn nhau bằng mắt không dám nói chuyện với nhau bằng lời". Một triều vua như vậy thật khó đứng vững.

(Sưu tầm)

 

  • Nhật Mai
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nữ đạo diễn Mỹ Khanh và cuộc tìm kiếm vẻ đẹp vô danh (15/09/2003)
Lizzie McGuire và cuộc hành trình đến với khán giả Việt Nam (15/09/2003)
Tiếu ngạo giang hồ có ''đắt khách'' bằng Anh hùng xạ điêu? (11/09/2003)
Roman Polanski, mất 6 tháng để có được tượng vàng Oscar (10/09/2003)
Diễn viên Hàn Quốc xuất ngoại - được và mất (09/09/2003)
Phim ''Road to Perdition'' đến Việt Nam (09/09/2003)
Nhọc nhằn 'đãi cát tìm vàng' cho phim truyền hình VN (09/09/2003)
Lần đầu tiên một bộ phim được phát hành trên Internet (06/09/2003)
Hoạ sĩ thiết kế - người tạo đường nét cho bộ phim (05/09/2003)
Liệu có 'Đời cát' thứ hai tại LHP châu Á - Thái Bình Dương 48 (04/09/2003)
Đặng Nhật Minh hạnh phúc với những ngày thực hiện ''Thương nhớ đồng quê'' (03/09/2003)
"Mùa Len trâu"- chưa khởi quay đã được nước ngoài đặt mua (03/09/2003)
Joris Ivens - Người từng làm phim về Hồ Chí Minh và Việt Nam (01/09/2003)
Việt Nam sẽ có phim lịch sử dài tập ngang với TQ? (01/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang