Hoạ sĩ thiết kế - người tạo đường nét cho bộ phim
13:27' 05/09/2003 (GMT+7)

Thư phòng của Tôn Trung Sơn được cải tạo lại thành phòng làm việc của luật sư Loseby (Phim Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong).

(VietNamNet) - Một bộ phim thành công, người ta thường nhắc đến diễn viên, đạo diễn, nhưng để quyết định sự thành bại của bộ phim còn có sự đóng góp không nhỏ của hoạ sĩ thiết kế. Với phim lịch sử thì vai trò của họ được đề cao hơn, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm công sức cả đoàn đi tong. Tuy nhiên, công việc cụ thể của họa sĩ thiết kế thì không phải ai cũng hiểu rõ. 

Trong điện ảnh nói chung, đặc biệt là phim đề tài lịch sử, cần thiết phải tái hiện một giai đoạn lịch sử nào đó thì không thể thiếu hoạ sĩ thiết kế. Khó mà xác định được họ đóng góp bao nhiêu phần trăm vào thành công của một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, nhưng thiếu bàn tay của hoạ sĩ thiết kế, chúng ta sẽ không có những bộ phim thực sự thuyết phục.

"Nếu hoạ sĩ không làm đúng thì đạo diễn sẽ đổ theo"

Khi có kịch bản văn học trong tay, hoạ sĩ thiết kế sẽ cùng đạo diễn bàn bạc ý tưởng hình thành bộ phim. Đạo diễn sẽ phải trình bày cách thể hiện, cùng trao đổi, xây dựng cá tính nhân vật. Ví dụ một nhân vật nam nóng tính thì sẽ sử dụng những màu có vẻ thô kệch một chút, sử dụng những màu nóng, kiểu dáng trang phục hơi thô ráp... Để làm nổi bật tính cách nhân vật này, kinh nghiệm của hoạ sĩ thiết kế là vô cùng quan trọng. Họ sẽ cùng đạo diễn "phát hiện" ra nét chính nhất của nhân vật, gắn họ với số phận và thực tế cuộc sống để các cảnh quay thuyết phục hơn.

Một trong những khâu vất vả nhất trong công đoạn thiết kế bối cảnh cho một bộ phim là đi chọn cảnh. Một ngày, đạo diễn và hoạ sĩ thiết kế có thể đi đến vài chục đến hàng trăm cây số để tìm ra những cảnh phù hợp để đặt máy. Có những bối cảnh họ không sử dụng được cho phim của mình nhưng việc đi thực tế sẽ cho hoạ sĩ thiết kế, đạo diễn rất nhiều tư liệu quan trọng về cuộc sống thường nhật. Trong quá trình này, những cảnh đã được hoạch định trên giấy có thể được sửa đổi. Không thể đưa những chiếc xe ô tô của những năm 40 vào một bộ phim miêu tả cuộc sống cách đó 10 năm, thế là hoạ sĩ thiết kế phải góp ý để sửa lại cho thật hơn và để khỏi mang tiếng là "bóp méo lịch sử".

Nhận thức được vai trò của họa sĩ thiết kế đối với phim lịch sử, các đạo diễn đều đánh giá cao công việc và sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng này. Đạo diễn - NSND Trần Phương nhận định: "Ta vẫn chưa có studio để thực hiện những cảnh quay cần thiết nên công việc dàn dựng bối cảnh sẽ rất khó khăn, không cẩn thận một cảnh trong phim nhựa sẽ trông giống như xem trên TV. Trước khi bấm máy, đạo diễn sẽ cùng hoạ sĩ thiết kế chọn bối cảnh, nếu không làm tốt khâu này thì sẽ rất vất vả vì phải làm đi làm lại. Có thể nói, công việc của đạo diễn và hoạ sĩ thiết kế gắn bó mật thiết với nhau. Nếu hoạ sĩ không làm đúng thì đạo diễn sẽ đổ theo". 

Người tạo ra hình hài và màu sắc cho phim

Người hâm mộ điện ảnh chắc chắn không dưới một lần bắt gặp những hạt sạn tương tự như cảnh thời chiến tranh, bao cấp nhưng tay quay phim lại "lỡ" lấy cả những toà nhà cao ngất lờ mờ phía xa... Lỗi này một phần thuộc về hoạ sĩ thiết kế. Do vậy, để tạo được những bối cảnh thuyết phục, họ không chỉ có tài, "được học hành tử tế" mà còn phải yêu nghề, chăm chỉ và cẩn trọng trong việc đi tìm tư liệu và thiết kế bối cảnh một cách trung thực.

Thiết kế bối cảnh cho phim lịch sử không dễ.

Hoạ sĩ thiết kế Ngọc Mai, một trong những người chịu trách nhiệm thiết kế chính của bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong tâm sự rằng khi thực hiện giai đoạn chọn bối cảnh cho phim, anh đã phải sang Trung Quốc trước đoàn làm phim một tháng trong điều kiện bất đồng về ngôn ngữ. Một ngày, hoạ sĩ Ngọc Mai có thể đi liên tục tới 500 cây số chỉ để chọn ra được cảnh như ý. Vì đây là một bộ phim lịch sử khắc hoạ chân dung Bác Hồ nên anh đã rất vất vả khi tìm tư liệu. Ngọc Mai đã phải huy động tất cả các tư liệu về Hongkong, đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện lưu trữ TW Đảng, tập hợp những hình ảnh liên quan đến bộ phim kể cả của Việt Nam và Trung Quốc với hàng trăm đầu tư liệu mà anh không đếm xuể. Ngay cả khi bắt tay vào phác hoạ bối cảnh, anh vẫn phải luôn "kè kè" đám tư liệu bên cạnh. Vì không có bộ phận lo về phục trang riêng nên anh kiêm luôn cả phần giám sát thiết kế trang phục, đề ra yêu cầu về màu, chất liệu vải, kiểu dáng, chú ý đến từng đường may...

Đối với những bộ phim phản ánh cuộc sống hiện đại thì công việc của hoạ sĩ thiết kế tương đối nhàn. Nhất là khi ở nước ta, trường quay vẫn là vấn đề khá nan giải, các đạo diễn thường "đi mượn" những ngôi nhà phù hợp của vị chủ nhà "dễ tính" nào đó cho tiện. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cũng ngôi nhà ấy nhưng lúc này là nơi cư ngụ của một gia đình nhà giáo, lúc khác lại là của đôi vợ chồng buôn lậu... Trong quan niệm của nhiều đạo diễn, việc chọn bối cảnh cho phim hiện đại quá đơn giản, đơn giản đến nỗi họ sẵn sàng "lờ tịt" đi cái khoản thuê anh hoạ sĩ thiết kế. Thế là khi phim ra lò, khán giả được phen cười vỡ bụng. Giá như... vai trò của hoạ sĩ thiết kế được chú trọng hơn.

Không thể nói rằng hoạ sĩ thiết kế của Việt Nam yếu kém, chỉ có điều chúng ta chưa tận dụng được lực lượng này. Việt Nam hoàn toàn có khả năng thiết kế bối cảnh một cách chuyên nghiệp ngang tầm thế giới mà tiêu biểu là sự hợp tác giữa các hoạ sĩ Việt Nam và thế giới trong Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng... Hoạ sĩ thiết kế cho phim là công việc đòi hỏi sự sáng tạo và lao động nghiêm túc vì làm hay hoặc dở đều rất dễ "bị phát hiện". Chừng nào điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp hoá được khâu này và chịu đầu tư, tìm tòi thì chúng ta sẽ tránh được những hạn sạn đáng tiếc trong phim.

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Liệu có 'Đời cát' thứ hai tại LHP châu Á - Thái Bình Dương 48 (04/09/2003)
Đặng Nhật Minh hạnh phúc với những ngày thực hiện ''Thương nhớ đồng quê'' (03/09/2003)
"Mùa Len trâu"- chưa khởi quay đã được nước ngoài đặt mua (03/09/2003)
Joris Ivens - Người từng làm phim về Hồ Chí Minh và Việt Nam (01/09/2003)
Việt Nam sẽ có phim lịch sử dài tập ngang với TQ? (01/09/2003)
Liên hoan phim ngắn Việt Nam 2003 (28/08/2003)
Oliver Stone sợ "Alexander Đại Đế" (27/08/2003)
"Chốn quê" dự tuần phim các nước sử dụng tiếng Pháp (26/08/2003)
TFS sẽ tiếp nhận công nghệ mới để có phim hay (25/08/2003)
TP.HCM sẽ thử nghiệm truyền hình số trong năm nay (25/08/2003)
"Với Trần Ngọc Phong, không có chuyện 'ngôi sao' trong việc chọn diễn viên" (22/08/2003)
Phục chế và phát hành một số phim của Charlie Chaplin (21/08/2003)
Chùm ảnh về phim "Bí mật ngôi mộ cổ II" (21/08/2003)
'Gái nhảy' đi liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương (20/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang