Hôm qua (18/8), Hãng phim Hội Nhà văn đã cho chiếu ra mắt 10 phút tập phim của bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công trên băng video. Cảm nhận chung là "phim có bàn tay của đạo diễn và có tiết tấu nhanh, hành động và lời thoại cũng "điện ảnh" hơn và nhất là bối cảnh thì rất chuyên nghiệp". Phim sẽ được trình chiếu phục vụ khán giả Việt Nam trước ngày 1/9.
|
Áp phích quảng cáo phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông |
Ông Hà Phạm Phú - Giám đốc sản xuất của bộ phim đã trao đổi với báo giới về bộ phim này.
- Thưa ông đây là một bộ phim về đề tài cách mạng và lãnh tụ được Nhà nước đầu tư sản xuất. Đến giờ, khi phim chính thức hoàn thành, ông có thể cho biết kinh phí làm phim lên đến bao nhiêu và việc phân phối lợi nhuận sau doanh thu sẽ như thế nào?
- Phim làm hết 15 tỉ đồng, phía Việt Nam góp 10 tỉ là tiền của Nhà nước, còn 5 tỉ là của hãng phim Châu Giang, hãng phim lớn thứ 5 Trung Quốc và có nhiều kinh nghiệm làm phim về các vị lãnh tụ. Ngoài phim Tình Châu Giang đã quen thuộc với khán giả Việt Nam, họ cũng chính là nhà sản xuất của các phim nổi tiếng khác về lãnh tụ như: Chu Ân Lai, Tôn Trung Sơn, Đặng Tiểu Bình... Hãng Châu Giang sẽ thu lợi nhuận trên cơ sở vốn góp. Hành động bỏ tiền túi ra đầu tư của phía đối tác cũng làm chúng tôi yên tâm phần nào vì nghĩa là họ tin tưởng ở đầu ra và sẽ huy động mạng lưới chiếu phim ở Quảng Đông, Quảng Tây... và cả Trung Quốc tham gia quảng bá và phát hành.
- Có phải vì vậy mà tại Trung Quốc, bộ phim có tên là "Thoát hiểm ở Hồng Công"?
- Với nhân dân Quảng Châu, hình ảnh Bác Hồ rất được sùng kính, nhưng với lớp trẻ Trung Quốc nói chung, Nguyễn Ái Quốc dù sao cũng là một lãnh tụ nước ngoài, khá xa lạ với họ. Vì vậy trước tiên cần phải kéo họ đi xem cái đã. Và với mục tiêu đó, một cái tên như vậy sẽ có sức hấp dẫn hơn nhiều.
- Vậy thưa ông, sức hấp dẫn của bộ phim là ở chỗ nào?
- Là những người làm phim, chúng tôi khó có thể nói khách quan nhưng khi xem duyệt nhiều người trong chúng tôi đã khóc vì xúc động. Còn trong suốt bộ phim, người xem sẽ bị cuốn theo mạch phim khá nhanh, nhiều tình tiết sinh động. Nghệ thuật hoá trang, phục trang và nhất là dàn dựng của các hoạ sĩ Trung Quốc rất tuyệt vời. Hongkong đầu thế kỷ 20 sẽ hiện lên chân thực và kỹ lưỡng. Sự xuất hiện của diễn viên Trần Lực cũng là một yếu tố quan trọng. Người xem sẽ phải mất 15 phút đầu phim để quên đi môt diễn viên đã quá quen thuộc và sau đó sẽ bị cuốn hoàn toàn vào phim, chỉ biết đến Nguyễn Ái Quốc mà quên mất người sắm vai.
(Theo Tuổi Trẻ) |