Đạo diễn Hồ Quang Minh:
''Thời xa vắng sẽ đủ tiêu chuẩn dự Liên hoan phim Cannes''
14:19' 17/07/2003 (GMT+7)
Đạo diễn Hồ Quang Minh.

(VietNamNet) - Ấp ủ kịch bản 16 năm, đạo diễn Hồ Quang Minh đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để Thời xa vắng có thể bấm máy vào ngày 1/8, đúng kịp mùa nước lên. 125 diễn viên, bối cảnh tại Hưng Yên và Hà Nội, tất cả đều một mình đạo diễn lo, sát nút ngày khởi quay mà Giang Minh Sài cùng nhiều nhân vật chính trong phim vẫn chưa chọn được diễn viên chính thức vì sự cầu toàn của tác giả. Nhưng với sự từng trải và tự tin, đạo diễn Quang Minh khẳng định Thời xa vắng sẽ đủ tiêu chuẩn đi Cannes.

- Một bộ phim quá dài, lại cố gắng thể hiện cho xứng với tầm vóc các nhân vật của tiểu thuyết, liệu khán giả có đồng ý ngồi với anh hai tiếng rưỡi trong rạp không?

- Tất nhiên, đã là phim truyện thì phải có truyện, cái quan trọng là phải thế hiện thế nào. Tôi khai thác triệt để cách kể chuyện hóm hỉnh có sẵn từ tiểu thuyết của Lê Lựu. Đối với tôi, đây là điều khó nhất. Làm người ta khóc không khó, cười khó hơn 1 tí, cười hóm hỉnh mới thực sự là vấn đề, yêu cầu chọn diễn viên phải rất tinh. Một chính ủy trung đoàn ai đóng cũng được, nhưng cần làm sao để ngay khi ông ta ra lệnh vẫn còn cái hóm hỉnh ở đó. Sài cũng vậy. 3/4 diễn viên trong phim đều phải thể hiện được điều này. Chính vì thế, chọn diễn viên rất cực. Cần phải hiểu, để kéo người ta đi hết hai tiếng rưỡi thì bộ phim phải là 1 bức tranh, mỗi đường nét trong ấy đều móc lại với nhau, kéo người ta đi đến cùng sự kiện chứ không phải là 1 album hình ảnh xếp vào nhau. Tất nhiên là hơi khó. Cười đấy, hóm đấy nhưng người xem phải thấy thấm thía.

- Anh đã đi tiếp xúc với các nguyên mẫu ngoài đời của "Thời xa vắng", nhưng những người phụ nữ trong tác phẩm của Lê Lựu đều dữ dội và nghiệt ngã, anh cũng vậy sao?

- Không có vấn đề gì. Anh Lựu và tôi đều hiểu và tôn trọng nhau, anh ấy nói rằng phim là của đạo diễn. Một số nhân vật phụ nữ anh Lựu mang từ đời sống thật nên nó có phần nghiệt ngã, điển hình là nhân vật Tuyết. Nhưng cái nhìn của tôi về phụ nữ khác anh Lựu nhiều lắm, có thể nó sẽ ấm áp và êm ái hơn. Với các nhân vatạ nữ, chúng tôi cố gắng dựng thành một dàn tiêu biểu cho phẩm chất phụ nữ Việt, từ bà đồ, chị Tính, chị Cả, cô Lương... trừ vai tính cách như cô Tuyết. Tôi rất thích nhân vật chị Tính, đây sẽ là 1 vai cực kỳ đẹp, điển hình cho phong cách Annam xưa, phải dịu dàng như ao hồ mùa thu, có chút nắng chiều, ấm áp, trìu mến và thông minh

- Sao việc chọn diễn viên lại quá khó thế, anh muốn làm tâm điểm của sự chú ý hay sao? Hay anh quá cầu toàn?

- Nghệ thuật hóa trang của Việt Nam còn yếu. Tôi không tìm thấy một chuyên viên hóa trang nào, cả trong Nam ngoài Bắc, thấy cũng đáng ngại. Phần lớn các nhân vật sẽ phải kéo dài độ tuổi trong vòng mấy chục năm. Cũng vì thế mà chúng tôi đã phải rất đắn đo khi chọn diễn viên. Tuyết và Sài thì buộc phải là những người trên dưới 30, để khi hoá trang về già không quá lộ liễu gây phản cảm.

- Thời xa vắng tiểu thuyết có một đời sống khoẻ mạnh trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc, có “rớp rồi”, anh không sợ phim thua tiểu thuyết và sẽ vắng khán giả như cái tên của nó sao?

- Mỗi độc giả sau khi đọc tiểu thuyết thì tự làm một bộ phim trong hình dung của mình rồi. Nên khi xem phim sẽ có những nhận xét rằng phim không giống như mình tưởng tượng. Cái quan trọng là các chi tiết phải luôn lôi khán giả đi để họ không có thì giờ mà so sánh giữa văn học và điện ảnh. Khi hết phim, ấn tượng để lại của bộ phim sẽ lớn hơn là những so sánh.

- Phim Việt Nam dễ rơi vào 2 trường phái: làm những chuyện quá khu biệt, chỉ riêng khán giả trong nước hay 1 bộ phận không mang tính phổ biến hiểu được nội dung. Các đạo diễn Việt kiều thì đôi khi lại làm theo 1 gout rất Tây, nhằm đáp ứng sự tò mò trong giải trí của người nước ngoài mà quên đi những chuẩn mực về đạo đức và các giá trị văn hóa của dân tộc. Quan điểm của anh thế nào?

- Tôi không thuộc 2 trường phái này. Tôi là Việt kiều, nhưng tôi tôn trọng đất nước và tự hào về dân tộc mình. Đừng khinh thường những chi tiết nhỏ. Phim hay luôn bắt đầu bằng những chi tiết đắt và hợp lý. Tôi làm phim phát hành ra nước ngoài như muốn bắc một cây cầu nối để họ bước qua và hiểu thêm về VN. Còn cái anh nói về sự khu biệt, đó không phải là vấn đề lớn đâu. Điện ảnh Iran là những câu chuyện riêng biệt đấy thôi. Cái quan trọng là cách ta kể chuyện, nội dung câu chuyện có lay động được tâm can họ hay không.

- Nghe nói anh sẽ dựng Thời xa vắng để đủ tiêu chuẩn dự LHP Cannes, những tiêu chuẩn ấy là cái gì vậy?

- Phải nói rõ với nhau, không thì lại bảo Hồ Quang Minh kém khiêm nhường. Khi nhận được tài trợ Fonts Sud rồi, thì đương nhiên khi tổ chức LHP Cannes phía Pháp sẽ nhìn vào phim mà họ đã tài trợ. Nếu phim của tôi không quá dở, nó sẽ có mặt ở vòng chính thức, không nhất thiết phải ở vòng tranh giải vì vào vòng này còn rất nhiều vấn đề. Ba phim trước tôi cũng đã gửi nhưng không thành công vì việc chuẩn bị không được tốt.

- Anh trông chờ nhiều vào Giang Minh Sài chứ?

- Tất cả còn ở phía trước, nhưng tôi tin bằng khả năng và điều kiện của mình, bộ phim sẽ xem được. Trong phim có hình ảnh cái vó bè xoay tròn và hình ảnh ông già kéo vó như là một quan niệm tôi muốn gửi gắm, khi nào bất bình, chán nản Sài lại quay về cái vó bè ấy, để không bị mất trọng tâm. Không to lớn gì, chỉ đơn giản là như vậy.

Thời xa vắng

Hãng phim Giải phóng

(Dựa theo tiểu thuyết Thời xa vắng và truyện ngắn Bến sông của nhà văn Lê Lựu)


Kịch bản và đạo diễn: Hồ Quang Minh
Quay phim: Trần Hùng
Hoạ sỹ chính: Nguyễn Nguyên Vũ (được biết đến sau thành công của Thung lũng hoang vắng)
Âm nhạc: Đặng Hữu Phúc
Diễn viên: Phương Dung (vợ đạo diễn HQMinh) vai Tuyết, Nguyễn Thị Huyền (á khôi thể thao - thời trang Hải Phòng) vai Hương, Ngô Thế Quân (Hoạ sỹ trình bày tạp chí Văn hoá Văn nghệ) vai Giang Minh Sài.
Kinh phí hơn 7 tỷ đồng, hậu kỳ sẽ được làm tại Pháp với sự tài trợ của quỹ Agence Intergonvernementale de la Francophonie và Fonds Sud (Bộ VH Pháp). Phim nhựa màu, 14 cuốn, độ dài 2,5 tiếng.
Nội dung: Bi hài kịch tình yêu giữa Giang Minh Sài, Tuyết và Hương, hai người đàn bà với hai tính cách trái ngược nhau. Nhằm đảm bảo quyền lợi của các bậc cha chú, Sài phải lấy vợ năm 12 tuổi và buộc lòng phải yêu vợ suốt nửa cuộc đời… Nhà văn Lê Lựu cho rằng Sài là một người đàn ông đớn hèn. Còn đạo diễn HQM cho rằng anh ta rất đáng thương…

  • Dương Bình Nguyên (thực hiện)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đạo diễn Duy Phúc với ''Chiến dịch trái tim bên phải'' (16/07/2003)
Diễn viên truyền hình - nhìn từ "đầu vào" (16/07/2003)
Trọng Trinh trở thành ''cảnh sát điều tra''? (15/07/2003)
Phim hành động vẫn được ưa chuộng ở Bắc Mỹ (14/07/2003)
Catherine Zeta-Jones "lấn sân" phim hoạt hình (03/07/2003)
"Anh hùng xạ điêu" - hoành tráng và hấp dẫn (03/07/2003)
Những người trong cuộc nói gì về "Người khổng lồ xanh"? (02/07/2003)
Trò chơi âm nhạc 2003 có gì mới? (01/07/2003)
Empire bình chọn 10 phim tồi nhất (01/07/2003)
Sẽ có thêm "thiên thần" khác? (01/07/2003)
Huyền thoại màn bạc Katharine Hepburn qua đời (30/06/2003)
Truyền hình tháng 7: Vẫn là phim Trung Quốc và Hàn Quốc (30/06/2003)
"Những thiên thần của Charlie" vượt mặt "Người khổng lồ xanh" (30/06/2003)
Diễn viên điện ảnh: ''Sao'' không rơi từ trời! (27/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang