|
Ngọc Dung (phải) - vai Ba Định trong phim Đêm Bến Tre. |
"Người Bến Tre muốn có mặt trong bộ phim làm về mảnh đất yêu dấu của họ. Có bà má xin vào đóng vai quần chúng trong phim cùng với con gái. Trong một đêm, nhân dân đã tự làm hàng ngàn bó đuốc để phục vụ cảnh quay. Xúc động nhất là có những người từng tham gia đồng khởi Bến Tre năm 1960 nay còn sống, đã thức trắng nhiều đêm để xem đoàn làm phim. Họ sẵn sàng góp ý cho cảnh quay và luôn hỏi đạo diễn: Bao giờ thì chúng tôi được xem phim?". Đạo diễn, NSND Trần Phương nói:
"Đêm Bến Tre" lúc đầu tưởng như không thể ra nổi vì yếu tố "đầu tiên", nhưng Điện ảnh Quân đội Nhân dân vốn có truyền thống "tay không bắt giặc". Đầu tiên là sự liên kết với phát hành phim quân đội và có được 700 triệu đồng, tiếp đó xin Tổng cục Chính trị cắt lại một phần kinh phí tổ chức cuộc thi kịch bản 200 triệu đồng, rồi Cục điện ảnh "rót" cho 300 triệu đồng và tỉnh Bến Tre ủng hộ thêm 300 triệu đồng nữa, thế là có 1,5 tỉ đồng để làm phim. "Đồng khởi Bến Tre là món nợ của điện ảnh quân đội" - Ông Đặng Xuân Hải, Giám đốc Điện ảnh QĐND đã nói, và nay ông có thể thở phào.
Có lẽ để tạo một sắc thái tươi mới cho phim, đạo diễn, NSND Trần Phương đã chọn một nhóm toàn diễn viên trẻ, thậm chí có người chưa đóng phim nhựa bao giờ. Và cách làm phim của NSND Trần Phương điềm đạm, chắc chắn, nhưng không kém nhiệt huyết. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Định là trọng tâm, nhưng lồng trong bối cảnh cuộc đấu tranh ác liệt của nhân dân Cai Lậy (Bến Tre) với Mỹ- Diệm đang lê máy chém đi khắp nơi, thực thi luật 10/59... Và một nhân vật khác cũng được ưu ái qua tần số xuất hiện trên màn ảnh là cô gái trẻ UÁt Hường (Yến Vi đóng) sôi nổi, ngây thơ, trong trắng được giác ngộ làm cơ sở cách mạng. Không quá lên gân, không quá dễ dãi, Trần Phương đã lựa những chi tiết, hình ảnh đắt để biểu đạt tội ác của Mỹ - Diệm. Cảnh hành hình người cách mạng bằng máy chém, hay trói gô tống vào bao bố ném xuống sông thủ tiêu, cảnh hai mẹ con Út Hường đi thắp hương an ủi vong hồn cho các liệt sĩ... làm khá dữ dội.
Hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định qua thể hiện của nữ diễn viên Ngọc Dung (vốn quen thuộc qua nhiều phim truyền hình ở vẻ đẹp mặn mòi và diễn xuất duyên dáng) khá đạt. Đặc biệt là những cảnh cô diễn xuất qua đôi mắt như chất chứa cả một trời đau đớn, với những giọt nước mắt cố kìm mà cứ ứa ra khi núp dưới hầm nhưng cảm nhận được cảnh tra tấn tàn bạo của kẻ thù với đồng đội nay trên nóc hầm...
Quay phim Trinh Hoan lần đầu quay phim truyện nhựa đã có những góc máy tìm tòi, đặc biệt lưu ý đến cận cảnh. Nhiều cảnh quay đêm thực hiện cho thấy không khí ngột ngạt dưới sự áp bức của Mỹ - nguỵ. Mạch phim nhanh và câu chuyện lôi cuốn người xem đến hai phần ba phim - điều hiếm hoi đối với các phim làm vào những dịp kỷ niệm, mà dân ta quen gọi là phim "cúng cụ", cho thấy một Trần Phương chắc nghề, và bản lĩnh. Nhưng thật tiếc, sự hụt hơi của lão tướng lại đến vào phút thứ 90. Đoạn kết của phim thiếu thuyết phục, và cái chết của Út Hường không đem lại sức nặng đáng kể cho phim, ngoại trừ nó lặp lại motif bi kịch thường thấy ở các phim VN làm về chiến tranh.
Đúng dịp 30/4, người dân Bến Tre sẽ được coi "Đêm Bến Tre" trên phim - và dù gì đó là món quà tinh thần đặc biệt có ý nghĩa vì đó là phim truyện nhựa đầu tiên làm về mảnh đất này.
(Theo Lao Động) |