Điện ảnh đương đại Việt Nam - Vì sao quá tệ?
Bài 3: Trăm sự tại nỗi "trường quay"
14:04' 13/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) – Trong kịch bản, một cảnh có nội dung như sau: một kẻ chạy trốn sa chân xuống miệng vực, bên dưới có cả bầy rắn độc, thú dữ, kẻ thù cầm dao đuổi đến sau lưng… bằng  một cú nhảy, kẻ chạy trốn phải vung mình qua miệng vực để có thể bám lấy mấy sợi dây leo mỏng manh phía bên kia miệng vực… Sau khi thành phim, đoạn này được thể hiện bằng một cảnh đuổi bắt nhau trên phố và tất nhiên nó chẳng còn giá trị gì đối ý tưởng chính của bộ phim. Đạo diễn phân trần: chỉ tại chúng ta chưa có trường quay...

Một cảnh quay ngoại cảnh của phim ''Người Mỹ trầm lặng''

Những năm gần đây nhiều đạo diễn, nhà làm phim lên tiếng rằng nếu muốn cho điện ảnh nước nhà sánh vai với các cường quốc năm châu thì cần phải đầu tư xây dựng cho được một "trường quay". Phim dở - tại trường quay, ánh sáng hỏng - tại trường quay, bối cảnh đơn điệu - tại trường quay, phục trang không phù hợp - tại trường quay, tiết tấu chậm lê thê - tại trường quay... Tóm lại muôn sự đều tại trường quay gây ra. Không biết trường quay là "kẻ nào" mà ghê gớm đến nỗi kìm hãm cả sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện đại!

Trước khi chúng ta phân tích tại sao trường quay lại có "tội" nhiều như vậy thì mọi người cũng nên biết đến "cội nguồn" sinh ra tội lỗi  ấy. Đời sống kinh tế thị trường hiển nhiên là không chừa một ngành nghề nghệ thuật nào cả. Hơn ai hết, các nhà làm phim tính toán rất "chi li" và tất nhiên không bao giờ chính xác số tiền dành cho từng công đoạn sản xuất bộ phim!

Thường thường khi nhận làm một bộ phim các đạo diễn được lĩnh một cục tiền "trọn gói" làm bộ phim đó. Để cho rành mạch và không tăng chi phí lên, đạo diễn bắt đầu làm cái việc đầu tiên là chia tiền cho từng công đoạn một, từ bối cảnh, ánh sáng, phục trang.... đều có một khoản xác định rõ ràng. Nếu như vậy thì chúng ta có thể đoán ngay ra cảnh hoạ sĩ bối cảnh có cần làm thật kỹ càng đâu, vì nếu dốc toàn tâm toàn lực ra, thì nhiều khi số tiền được giao khoán không đủ làm bối cảnh. Vậy tiền công của anh ta ở đâu. Chúng ta chỉ cần xem những bộ phim có bối cảnh sơ lược, luộm thuộm là biết ngay họ có nhận được thù lao hay không!

Cho nên hầu như tất cả những bối cảnh huy hoàng, đồ sộ nhất trong kịch bản đều bị cắt hoặc biến thể rất buồn cười. Có cảnh phải quay một nhân vật xông vào ngôi nhà lớn đang bốc cháy để cứu người, nếu dựng cả một mô hình ngôi nhà cháy thì số tiền còn lại sẽ là bao nhiêu? (đấy có lẽ là câu hỏi cuối cùng). Chính vậy mà một vài cái phên nứa được đốt lên và việc còn lại phải nhờ đến tài của quay phim và đạo diễn. Nhưng nếu có một mô hình nhà cháy thực thì chúng ta cũng hiểu rằng ấn tượng nghệ thuật nó mang lại có giá hơn bất kỳ tiểu xảo nào.

Đó chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu và đau lòng nhất cho sự "cào bằng" kinh phí dành cho các bộ phim. Nhưng ngay cả những bộ phim có nhiều tiền để sản xuất cũng mắc phải những lỗi tương tự vì trong đoàn phim, từ đạo diễn cho đến hoạ sĩ làm bối cảnh ai ai cũng có đức "tiết kiệm" rất ghê. Lẽ ra tiền sản xuất không nên trao trọn gói cho đạo diễn mà phải có một người quản lý điều phối kinh phí cho từng công đoạn, và là người có "tìm cách" tiết kiệm thì cũng không có điều kiện hợp lý nào làm lợi cho cá nhân mình cả.

Vâng, tất cả những khó khăn trên chỉ cần có một trường quay hiện đại là có thể giải quyết được hết. Nhưng các nhà làm phim phải thấy rằng trong bản dự trù kinh phí làm phim có một khoản không nhỏ dành cho bối cảnh, phục trang... tức là dành cho việc lập một trường quay tạm thời. Tất nhiên là những đều kiện đó không thể bằng một trường quay hiện đại được, nhưng có những đa số những cảnh tẻ nhạt, đơn điệu trong phim đâu có cần đến trường quay để có thể trở nên hấp dẫn hơn đâu!

Trong những bộ phim hiện đại, chúng ta sẽ lấy ví dụ về một cảnh tẻ nhạt nhất, ngô nghê nhất mà không cần đến trường quay cũng có thể làm tốt hơn được. Thường thường chúng ta hay được xem cảnh trai gái đùa vui, âu yếm nhau nếu không "vờn" nhau vài vòng quanh một đống rơm rồi "tóm" lấy nhau thì cũng cùng nhau khúc khích "chạy quanh" một gốc cây nào đó. Trong đó tình huống phim, độ "nóng" của tình cảm y hệt như nhau. Chúng ta không thể bảo các nhà làm phim là phải cho đôi tình nhân vờn nhau quanh cái gì bởi vì nếu khuyên được điều đó thì chẳng hoá ra tất cả mọi người đều có thể đi làm phim cả!

Để chứng minh những điều uẩn khúc đằng sau những lời than thở rất "quang minh chính đại" về việc phim tẻ nhạt chỉ do thiếu trường quay, chúng ta lại phải nhắc đến những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, những bộ phim được làm trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, kỹ thuật lạc hậu nhưng vẫn ngời sáng tinh thần Việt như phim Cánh đồng hoang, Con chim Vành Khuyên... Những người làm phim thời đó không hơn những người làm phim bây giờ một cái "trường quay" mà thậm chí còn thiếu thốn tất cả mọi thứ. Họ chỉ có lòng đam mê nghề nghiệp và tất nhiên cả tài năng nữa!

Tuy vậy, việc thiếu trường quay lại có mặt "tích cực" của nó. Các nhà biên kịch, các đạo diễn tự "nhồi" vào đầu mình một ước mơ không tưởng rằng: Nếu Việt Nam có trường quay để thể hiện hết trí tưởng tượng của họ thì những bộ phim của họ cũng không thua kém bất cứ bộ phim kinh điển nào của điện ảnh thế giới.

Và như vậy, ôi trường quay - ngươi phải gánh lấy không chỉ những "tội lỗi" do đức tính "tiết kiệm" của những nhà làm phim gây ra mà "ngươi" còn phải chắp cánh cho những mơ ước lười biếng nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là nhiều người mặc dù luôn luôn "to tiếng" đòi có trường quay lại là những người luôn mong không bao giờ có trường quay. Vì như thế, những bộ phim tẻ nhạt sẽ đổ lỗi cho ai!

  • Phương Thảo
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ!
CÁC TIN KHÁC:
Lần đầu tiên, phim dài tập Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (12/03/2003)
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ! (12/03/2003)
Quang Hải và những dự định mới (23/02/2003)
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí'' (21/02/2003)
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Chủ bút Hello! xin lỗi gia đình gia đình Michael Douglas (18/02/2003)
Phim mới: ''Chuyện dưới tán lá rợp'' (18/02/2003)
LHP Berlin lần thứ 53 - đề tài chính trị lên ngôi (17/02/2003)
Hấp dẫn và đời thường - chất men để vực dậy phim Việt Nam (14/02/2003)
“Gái nhảy” - Cách đi mới trên lộ trình cũ! (13/02/2003)
Sức hút của hài hước và lãng mạn trong dịp Valentine (13/02/2003)
Đạo diễn hài Đỗ Thanh Hải: "Phía trước tôi là… trường thành" (11/02/2003)
''Vẻ đẹp và sự xảo trá'' (10/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang