Điện ảnh đương đại Việt Nam - Vì sao quá tệ?
Bài 2: Kịch bản - Khi nức nở! Khi chũm choẹ!
09:02' 12/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Điều gì nên một bộ phim hay? Chúng ta không thể trả lời câu hỏi này một cách thật rõ ràng vì một bộ phim hay là sự thăng hoa viên mãn của tất cả các yếu tố nghệ thuật, lao động. Tuy nhiên để làm một bộ phim tồi thì quả là chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng bao giờ cũng vậy, đầu tiên bạn phải có một kịch bản tồi. Và quả là để có một kịch bản tồi cũng "gian nan" lắm!

Trong đời sống điện ảnh hiện đại, câu chuyện "luẩn quẩn cối xay" không chỉ là câu chuyện hài hước mà nó có thật. Một bộ phim khi công chiếu nếu nhận được lời khen thì chúng ta sẽ biết ngay những ai sẽ đứng ra nhận công lao đấy. Nhưng nếu bị chê dữ quá thì nhà sản xuất kêu kịch bản kém, "kịch bản" đổ cho đạo diễn chữa sai lệch đi, đạo diễn trách diễn viên, diễn viên "oán" nhà sản xuất trả thù lao kém... và dù chưa đến "hồi kết" nhà sản xuất lại kêu kịch bản kém.. Cứ vậy nên hàng chục tỷ đồng của nhà nước vẫn theo nhau ra đi còn công chúng có nườm nườm vào rạp cũng chỉ để thưởng thức phim Mỹ, phim Hàn Quốc...

Vậy bây giờ chúng ta sẽ mở "nút buồn" đầu tiên của câu chuyện đó. Trong mươi năm trở lại đây, nguồn kịch bản dành cho điện ảnh trở nên khan hiếm rõ rệt. Điều này có thể là do kinh phí của nhà nước đổ vào điện ảnh nhiều hơn nên kế hoạch sản xuất của các hãng phim được tăng lên. Dù vậy cũng không thể che lấp một thực tế là chúng ta đang có quá ít các nhà biên kịch chuyên nghiệp. Chúng ta không hiểu nổi học viên các khoá biên kịch của trường SKĐA ra trường, đi đâu và làm gì?

Một sinh viên ra trường được vài năm (anh ta năn nỉ không nhắc đến tên mình vì anh ta đang làm việc... văn phòng cho một Hãng phim) nói rằng dù có một kịch bản hay nhưng nếu không có "quan hệ" thì cũng không được duyêt! Mỗi năm một đạo diễn được chia làm"một phim" và chúng ta cũng hiểu rằng đó gần như chiếm phần lớn "thu nhập" của họ trong một năm... Tuy vây, không biết lời phàn nàn kia có chính xác đến đâu bởi vì các nhà sản xuất vẫn "hô hét" rằng có kịch bản hay đắt mấy cũng mua.

Trong các cuộc thi kịch bản hàng năm do Cục Điện ảnh, hãng phim truyện hoặc một cơ quan nào đó tổ chức, các nhà biên kịch chuyên nghiệp lặn mất tăm trên bảng "phong thần" của giải thưởng. Thay vào đó là các nhà văn. Chúng ta khoan nói đến việc các nhà văn viết kịch bản và đoạt giải thưởng là tốt hay xấu mà trước hết phải nhận rõ "chân dung" nhà biên kịch chuyên nghiệp đã.

Thật khó để nhớ những gì họ đã viết ra. Và thú thực tôi cũng không nhớ nổi. Nhưng may sao, đa số những bộ phim của chúng ta trong mươi năm lại đây thường "dập" theo một hình thức "kể chuyện" rất điển hình. (Ở đây không bàn tới nội dung, đề tài vì nếu không là những hồi ức chiến tranh, cuộc sống sau khi trở về của người lính, đời sống thị trường len lỏi vào các giá trị gia đình... thì phim Việt Nam không còn trí tưởng tượng nào bay bổng hơn nữa).

Các nhà biên kịch "kể chuyện" bằng đúng cách.. "kể chuyện", nghĩa là có một cốt truyện xung đột tình cảm nào đấy được diễn ra nhưng những gì mà chúng ta vẫn thường gặp. Nhưng còn một điều kiện nhất thiết nữa là, cốt truyện "phải" được kể trên một cái phông lao động, sản xuất, tăng gia nào đó... Nhất định phải thế dù cho có hợp cốt truyện hay tính cách nhân vật hay không! Cho nên chúng ta có thể xem được, nhân vật đang trong tình huống giằng xé nội tâm lại có thể đột ngột đi tưới rau, hoặc đuổi gà... Đấy không phải là phim ảnh. Dù ngoài đời có diễn ra thực sự như vậy thì điện ảnh không phải là cái bản nháp của đời sống như vậy.

Các nhà biên kịch có thể cãi lại rằng đấy cũng là một trong những nhiệm vụ "tuyên truyền" của điện ảnh! (Và họ phải làm thế. Giống như một đạo diễn đã phát biểu trên báo chí rằng anh ta cũng phải làm phim để "cúng cụ". Ngay cả anh có làm vì mục đích tuyên truyền nhưng với một tinh thần không "vui vẻ" như thế thì mục đích tuyên truyền đạt được bao nhiêu phần trăm). Nhưng ai cũng biết, nhiệm vụ đấy trong mươi năm lại đây đã thuộc về phim truyền hình. Nếu các nhà biên kịch không thay đổi được cách làm việc (thực tế các qua các cuộc thi kịch bản đã chứng minh như vậy), công việc của họ đành nhờ tới các nhà văn.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà văn cho nền điện ảnh hiện đại. Hầu hết các giải thưởng cao nhất của các cuộc thi kịch bản điện ảnh đều trao cho các nhà văn và những kịch bản của họ góp phần tạo nên thành công của một vài bộ phim gần đây. Những kịch bản của các nhà văn có một ưu điểm là ý tưởng chính và các mạch câu chuyện rất rõ ràng. Họ tìm ra được những hình ảnh thực sự ấn tượng có thể cứa vào lòng người xem... Tuy vậy những kịch bản của họ cũng không vì thế mà hoàn hảo. Vì nếu hoàn hảo thì chẳng hoá ra chúng ta đã có một nền điền ảnh tuyệt vời! Nó cũng mắc phải nhiều lỗi vì những người viết ra chúng lại là các... nhà văn.

Viết một kịch bản điện ảnh cần rất nhiều phẩm chất mà nhà văn Việt Nam không có được. Nhà biên kịch phải biết thắt nút, mở nút, khơi gợi, chuyển đoạn, thoại ấn tượng, hành động không thừa, ý tưởng thống nhất... (xin lỗi những nhà chuyên môn, nhưng bài viết  này đang vì chất lượng của các kịch bản... sắp tới). Các hầu như các nhà văn viết kịch bản cho... sướng tay. Họ cứ kể một câu chuyện. Nhưng do cách hành văn "lộng ngôn" nên cũng thu hút được ban giám khảo! Những lời thoại của họ do tưởng tượng ra, vừa phi thực tế, vừa dài lê thê, không thích hợp với tình huống của truyện. Trong những cảnh phim có cả những cảnh tưởng tượng mà ngay cả kỹ thuật hiện đại nhất cũng bó tay.

Trong các kịch bản do các nhà văn viết, hành động, lời thoại rất ít khi "khớp với" nhau. Chính vậy mà để có một kịch bản "dùng tạm" thì phải có thêm bàn tay của người biên tập và... đạo diễn. Điều này không có gì sai vì họ "đọc" kịch bản tất nhiên có "nghề" hơn nhà văn. Nhưng điều đó đôi khi biến một kịch bản thành một thứ "lẩu thập cẩm", đoạn trên thì ai oán bi thương, đoạn dưới thì khải hoàn ca, mặc dù giữa chúng chẳng có tình tiết nào có thể khiến số phận nhân vật biến đổi nhanh như vậy.

Biên tập viên và đạo diễn nhúng tay quá sâu vào kịch bản khiến cho cùng một kịch bản nhưng có "ba dụng ý" khác nhau. Mới rồi một tác giả kịch bản đã phải kiện không cho chiếu trên truyền hình một bộ phim mà kịch bản mang tên mình. Tác giả giải thích rằng "người ta" - tức là biên tập viên và đạo diễn - đã bóp méo, sửa chữa, thay đổi hoàn toàn kịch bản ban đầu của mình! Nhưng thực ra nếu không thay đổi thì các kịch bản do nhà văn viết rất khó để trở thành một kịch bản điện ảnh thật sự. Còn nếu thay đổi thì dẫn đến chuyện như "phường kèn", mỗi người chơi một nhịp như hiện nay!

Chúng ta làm gì để đi qua "nút buồn" kịch bản nhỉ! Các cụ đã dạy, không biết thì chúng ta phải học lại từ đầu. 

  • Phương Thảo
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Điện ảnh đương đại Việt Nam - Vì sao quá tệ?
CÁC TIN KHÁC:
Quang Hải và những dự định mới (23/02/2003)
''Phim hay không chỉ phụ thuộc vào kinh phí'' (21/02/2003)
''Phim tài liệu đã bám chắc vào hiện thực hơn'' (20/02/2003)
"Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" đã hoàn thành phần quay tại Việt Nam (19/02/2003)
Chủ bút Hello! xin lỗi gia đình gia đình Michael Douglas (18/02/2003)
Phim mới: ''Chuyện dưới tán lá rợp'' (18/02/2003)
LHP Berlin lần thứ 53 - đề tài chính trị lên ngôi (17/02/2003)
Hấp dẫn và đời thường - chất men để vực dậy phim Việt Nam (14/02/2003)
“Gái nhảy” - Cách đi mới trên lộ trình cũ! (13/02/2003)
Sức hút của hài hước và lãng mạn trong dịp Valentine (13/02/2003)
Đạo diễn hài Đỗ Thanh Hải: "Phía trước tôi là… trường thành" (11/02/2003)
''Vẻ đẹp và sự xảo trá'' (10/02/2003)
Chương trình Chào xuân 2003 (21/01/2003)
Kim Thư - cô diễn viên có cá tính mạnh mẽ (13/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang