|
Chi Bảo và Trương Ngọc Ánh trong bộ phim "Hồn ma". | |
|
(VietNamNet) - Muốn làm phim phải có tiền, không có tiền không thể làm phim, đó là điều rõ ràng và hiển nhiên. Nhưng không phải có nhiều tiền là làm được phim hay…
Có nhiều bô phim chi phí tốn kém hàng tỉ đồng nhưng vẫn không hay, vẫn không có người xem. Có nhiều bộ phim dở, có những cảnh phim dở bị Hội đồng duyệt phim phê bình hoặc yêu cầu phải sửa chữa, phải cắt bỏ... Đạo diễn, nhà sản xuất phim cho là Hội đồng duyệt khắt khe để... “bào chữa” cho cái yếu kém của mình.
Nhìn chung, để biện hộ cho tình trạng chất lượng phim yếu kém hiện nay của chúng ta, nhiều người đã viện lý do… tiền của chúng ta bỏ ra làm phim quá ít, máy móc trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn và lạc hậu. Có người còn đem so sánh với nước ngoài làm một bộ phim phải chi tới hàng triệu USD, như vậy là giá thành làm phim của họ cao hơn giá thành làm phim của chúng ta đến mấy chục lần, vậy làm sao đòi hỏi phim của chúng ta hay được?
Chúng ta mong muốn các nghệ sĩ của mình có điều kiện làm phim rộng rãi và đàng hoàng hơn, vì những điều kiện cần thiết đó sẽ giúp họ có nhiều khả năng sáng tạo hơn, thực hiện được nhiều ý tưởng của mình hơn. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta không dám nhìn thẳng, nói thẳng ra một sự thật: một nguyên nhân chính của chất lượng phim yếu kém hiện nay là do khả năng, trình độ của chúng ta còn… quá thấp, ít chịu suy nghĩ tìm tòi và sáng tạo, đã quen một nếp nghĩ và cách làm phim cũ của thời bao cấp hoặc giản đơn, sơ lược, sáo mòn, vay mượn và sao chép…, đã thế lại bị lôi cuốn vào cơn lốc của thương trường với mục tiêu lợi nhuận mà coi thường hoặc quên đi chất lượng nghệ thuật và thiên chức của người nghệ sĩ.
Còn nhớ cách đây không lâu, bản báo cáo do ông Cục trưởng Cục Điện ảnh đọc tại Hội nghị nâng cao chất lượng sáng tác điện ảnh (do Cục Điện ảnh tổ chức) đã đánh giá một cách nghiêm túc mặt mạnh, mặt yếu của tình hình sáng tác điện ảnh thời gian qua cũng như chỉ ra những khuynh hướng lệch lạc cần phải khắc phục, sửa chữa - đó là khuynh hướng thương mại hóa, nghiệp dư hóa, bắt chước phim nước ngoài và khuynh hướng né tránh hiện thực. Chỉ với những khuynh hướng trên đây cũng đủ để cắt nghĩa nguyên nhân vì sao phim của chúng ta yếu kém.
|
Áp-phích bộ phim "Tình như chiếc bóng" |
Qua khảo sát tình hình chiếu phim Việt Nam ở một số rạp chiếu bóng tại TP.HCM, thực tế cho thấy, số người xem phim Việt Nam hiện nay đã giảm sút đến mức nghiêm trọng, mà một trong những nguyên nhân là do chất lượng phim của chúng ta không đủ sức hấp dẫn.
Bản thân các rạp chiếu bóng sau khi nhận được chương trình chiếu phim Việt Nam cũng có lúc phải hồi hộp, ngao ngán. Nhiều suất chiếu chỉ bán được trên chục vé, và với số vé như vậy, nếu không chiếu thì không giữ được khách, mà chiếu thì doanh thu không đủ trả tiền điện chứ chưa nói đến những khoản khác. Nhận xét chung của nhiều vị giám đốc công ty điện ảnh và trưởng rạp là… phim của chúng ta vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là phim nhựa. Nhiều bộ phim quá tẻ nhạt vô duyên, người xem không thể chấp nhận, nhiều khán giả còn phản ảnh là xem xong bộ phim không hiểu các tác giả phim muốn nói cái gì? Sao phim như vậy cũng mua, cũng đem ra chiếu?…
Kịch bản có liên quan rất lớn đến chất lượng phim, gần đây đã được nhiều người quan tâm và cho đó là khâu đầu tiên cần nâng cao chất lượng. Chúng ta đã từng tổ chức những cuộc thi kịch bản và đặt ra các giải thưởng cũng khá cao. Thế nhưng, những cuộc thi như vậy cũng không phải dễ dàng nhận được những kịch bản hay. Nhiều tác giả ghi nhận có nhuận bút cao, giải thưởng cao chưa hẳn đã viết được những kịch bản hay. Vấn đề chính là trí tuệ, tâm huyết và tài năng của người nghệ sĩ làm phim.
Nhiều người đã xem, đã biết những bộ phim hay của Việt Nam (và thế giới) thường không phải là phim tốn kém, nhiều tiền, mà ngược lại, đôi khi lại là những phim rất dung dị, đơn giản, không cần đến những thủ pháp cầu kỳ, không cần đến quy mô lớn lao hoành tráng.
|
Lâm Tới và Thúy An trong "Cánh đồng hoang". |
Suy cho cùng, sự hấp dẫn của một tác phẩm nghệ thuật chính là việc miêu tả thể hiện một cách sâu sắc những tính cách con người, các vấn đề của đời sống xã hội chứ không phải là sự trưng bày của những bối cảnh. Bộ phim “Cánh đồng hoang” đã được tặng giải vàng tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva trước đây, và gần đây là bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đời cát”… đều được dư luận thế giới đánh giá cao - chính là do các tác giả phim đã miêu tả một cách sâu sắc, độc đáo số phận của con người trong chiến tranh, chứ không phải là bằng chứng của những trận đánh ùng oàng và số lượng bom đạn.
Và “Cánh đồng hoang”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đời cát”… cũng không phải là những bộ phim tốn kém .
|