|
Chi Bảo và Hồng Ánh trong phim truyền hình nhiều tập "Lục Vân Tiên". |
(VietNamNet) - Gần đây, điểm khởi sắc của truyền hình trong vài năm qua đã được kiểm chứng bởi thực tế: tỷ lệ phát sóng những bộ phim do đạo diễn trong nước thực hiện so với các tác phẩm nước ngoài đã tăng lên rõ rệt…
Khán giả màn ảnh nhỏ giờ đây không chỉ nhớ tới những bộ phim truyền hình nhiều tập của nước ngoài như: “Hoàn Châu công chúa”, “Khang Hy vi hành” (Trung Quốc), “Anh em nhà bác sĩ”, “Giày thủy tinh” (Hàn Quốc), “O Shin”, “Ngôi sao may mắn” (Nhật Bản), “Những cuộc phiêu lưu của Sinbad” (Úc - Canada), “Mái ấm thiên đường” (Mỹ) v.v… mà ít nhiều cũng quan tâm đến những “Đất phương Nam”, “Giã từ dĩ vãng”, “Những nẻo đường phù sa”, “Đồng tiền xương máu”, “Dòng đời”, “Người đàn bà yếu đuối”, “Blouse trắng”, những “Cảnh sát hình sự”, “Sống ở đáy sông” v.v… và v.v… do một số hãng phim truyền hình của Việt Nam sản xuất. Để rộng đường dư luận, một số báo chí cũng đã đăng tải nhiều thông tin đồng thời đưa ra những ý kiến phân tích trái ngược nhau. Các nhà quản lý, các nghệ sĩ cùng những người làm phim trong và ngoài ngành truyền hình cũng ít nhiều lên tiếng về sự “bộc phát” ấy.
Quả thực, phim truyền hình đã tạo được một tác động xã hội đáng kể trong cộng đồng, và phần nào đã “lấn át” người “anh em ruột thịt” của mình vốn là điện ảnh - một quan hệ gần gũi như “cá với nước”, thậm chí có người còn cho rằng: “Cả hai đều có cùng chung một ông Tổ”. Chính trong bối cảnh “nhạy cảm” ấy mà một số nhận định từ bên ngoài xem chừng không được khách quan và chuẩn xác cho lắm.
|
Một cảnh trong bộ phim truyền hình nhiều tập: "Trùng Quang tâm sử". |
Một số người cho rằng truyền hình đã “đủ lông đủ cánh”, tự mình có thể tồn tại độc lập mà không cần một sự trợ giúp nào, đặc biệt là từ “người anh ruột” điện ảnh với nguồn nhân lực, vật lực giàu kinh nghiệm và đầy bản lĩnh. Một số khác thì nhận định sự “trở mình” của truyền hình là “mặc nhiên”, không cần phải quan trọng hóa bởi các đài, đặc biệt là Đài Trung ương trong những năm qua đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tốt. Bên cạnh đó, sự hợp tác bất thành văn của một bộ phận không nhỏ các nhà chuyên môn, các nghệ sĩ điện ảnh, một số cá nhân “chạy sô” - “đánh thuê” đã trở thành một đảm bảo ở khâu “đầu vào” cho sáng tác. Đặc biệt hơn, những người khó tính đã kết luận rằng: những phim “khá nhất” của Việt Nam hiện nay, nếu đem so sánh với khu vực (và cả… thế giới), vẫn còn một khoảng cách đáng kể (nếu muốn nói là… khá xa) - có nghĩa rằng, phim truyền hình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vươn lên nếu như không muốn tụt hậu so với thời cuộc…
Tất cả những quan điểm trên, thoạt nhìn, đều có nhân tố hợp lý của nó, song còn nhiều vấn đề chưa thật chuẩn xác và đủ độ bao quát. Có thể nói, hiện trạng của phim truyền hình được định hình và tồn tại trên bình diện 3 yếu tố chính: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Về “thiên thời”: sự kế vị và “lên ngôi” của phim truyền hình ở giai đoạn chuyển tiếp khi điện ảnh tỏ ra chựng lại (nhìn toàn cục) là một tất yếu. Lẽ dĩ nhiên, điện ảnh cũng đã phần nào bước ra khỏi khủng hoảng và đang cố gắng tìm kiếm một điểm tựa mới. Sự thiếu hụt của mảng phim thời sự tài liệu (một thời gian từng được chiếu rộng rãi tại các rạp chiếu bóng trước khi chiếu bộ phim chính) cũng góp phần tạo một lực hút cho truyền hình. Nhìn rộng hơn, ở vào thời điểm của sự bùng nổ thông tin mà có người đã dùng đến khái niệm “thời đại” để mô tả, chắc hẳn truyền hình càng ý thức được vai trò và tầm quan trọng mà mình đang nắm giữ.
|
"Nợ đời" - bộ phim truyền hình 20 tập của Hãng TFS, đang trong giai đoạn quay. |
Về “địa lợi”: chúng ta đang ở trong giai đoạn “bùng nổ thông tin” - một ý nghĩa sâu sắc trong giai đoạn hội nhập và đổi mới kinh tế. Và truyền hình, với một “mặt bằng” thông tin phong phú và đa dạng như hiện nay, vẫn là một phương tiện hữu hiệu nhất. Còn về “nhân hòa”? Nhà nước ta vẫn chủ trương bao cấp (phần lớn) cho truyền hình, bởi đây là “công cụ thông tin” sắc bén nên vẫn thu hút được đống đảo người xem.
Đặc trưng lớn nhất dễ nhận thấy của tác phẩm truyền hình hiện nay là luôn luôn có một kịch bản giàu chất sống, nội dung gần gũi với cuộc sống, thông tin mới mẻ, đặc biệt là đặt nặng vào lời thoại của nhân vật. Cái “chất” điện ảnh - những thứ được gọi là bối cảnh, thiết kế mỹ thuật, ánh sáng hoặc hiệu quả đặc biệt đều không (hoặc có lẽ là chưa) thích hợp đối với đòi hỏi của một tác phẩm truyền hình trong giai đoạn hiện nay. Chính đạo diễn Đinh Đức Liêm (người từng đạo diễn thành công những bộ phim truyền hình dài nhiều tập, như: Giã từ dĩ vãng,
|
Phim truyền hình "Những đứa con thành phố", đã phát sóng trên HTV. |
Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối…) cũng đã từng khẳng định rằng: các bộ phim của anh chỉ là sự đối thoại thông qua hình ảnh về nhân tình thế thái… hay nói đúng hơn - đó là một thứ văn chương bằng hình ảnh.
Rõ ràng, rằng: Sức mạnh biểu hiện của phim truyền hình chưa thể so sánh với điện ảnh. Sự tồn tại khách quan hiện nay của phim truyền hình phần nào đã được khẳng định, và đằng sau những mặt mạnh cơ bản vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục và giải quyết. Một cái nhìn khoa học và bao quát giúp tự nhận rõ mình - là điều quan trọng sống còn đối với sự phát triển của phim truyền hình trong tương lai…
|