(VietNamNet) - Sự nghiệp diễn xuất của Phương Điền, mở đầu dường như có rất ít đất diễn. Thế nhưng, nhìn lại số lượng vai diễn của anh mới thấy Phương Điền đã tạo nên dấu ấn của riêng mình. Anh biết cách biến những vai phụ của mình từ mờ nhạt thành ấn tượng, từ đơn điệu thành cá tính chỉ với một bí quyết duy nhất: diễn xuất bằng cả tâm hồn.
Sinh ngày 18/4/1969, Phương Điền sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình, TP.HCM). Cậu bé mang họ Nguyễn này đã có một tuổi thơ rất cơ cực: cha mất sớm khi Điền lên 9 tuổi, mẹ làm nghề thợ may quần quật nuôi bốn anh chị em Điền ăn học nên người. Sau khi tốt nghiệp PTTH, hoàn thành xong bốn năm nghĩa vụ quân sự, được sự động viên và khuyến khích của đạo diễn Văn Thành (nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM), Phương Điền đã đăng ký dự thi và trúng tuyển vào khoa Diễn viên (khóa 16). Tốt nghiệp năm 1996, Điền lại tiếp tục thi vào khoa Đạo diễn và chính thức ra trường kể từ tháng 11/1999.
|
Từ phải qua trái: Phương Điền, Minh Đức và Trần Kim Ngân sau một cảnh quay của bộ phim "Người đàn bà yếu đuối". |
Trong 6 năm dấn thân vào ngành nghệ thuật thứ Bảy này, Phương Điền đã tham gia đóng khá nhiều phim, điển hình là một số bộ phim: Hạ sĩ quan, Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Những nẻo đường phù sa, Cầu thang tối, Đêm ước nguyện, Sự phản bội vô hình, Người đàn bà yếu đuối, Thời vi tính, v.v… Bên cạnh việc đóng phim, Phương Điền còn “thử tay nghề” ở lĩnh vực viết lách, bởi trước đó, hai kịch bản của anh cũng đã được dựng trên sân khấu kịch nói: Thuyền lá và Điều còn lại của tình yêu. Cả hai kịch bản này đều được Phương Điền viết trong thời gian còn đang theo học khoa Đạo diễn, sau một chuỗi dài những ngày anh có mặt ở các đoàn làm phim với tư cách là diễn viên chuyên đóng vai phụ, và còn gì hạnh phúc hơn khi cả hai kịch bản này đều đoạt Huy chương vàng và Huy chương bạc trong Hội diễn Sân khấu lần thứ 12 năm 1997. Bên cạnh đó, Phương Điền còn tham gia vào công việc trợ lý đạo diễn với hơn 100 tập phim từ trước tới nay. Anh đã từng là phó đạo diễn cho Lê Mộng Hoàng, Lê Cung Bắc, Châu Huế, Đinh Đức Liêm, Xuân Phước, Quốc Hưng… trong một số bộ phim như: Dã quỳ, Cõi tình, Tôi vào đời, Bình minh Châu thổ, Những nẻo đường phù sa, Năm cô gái yêu đời, Người đàn bà yếu đuối, v.v… và hiện nay, Phương Điền đã chính thức “lên chức”… đạo diễn khi cùng với Phú Hải và Bảo Trung đồng dàn dựng bộ phim truyền hình cổ trang dài nhiều tập cho Hãng TFS (Đài Truyền hình TP.HCM) mang tên Kiều Nguyệt Nga.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên VietNamNet với Phương Điền tại nhà riêng sau khi anh vừa từ trường quay trở về…
- Trên bước đường đi tìm vị trí cho mình, bên cạnh những diễn viên đã có tên tuổi và chỗ đứng, anh cảm thấy… có vất vả lắm không?
|
Phương Điền. |
- Ngành nghệ thuật này, Điền nói thật, nó “làm dâu trăm họ”, mặt khác nó cũng dễ
mai một lắm. Các diễn viên một khi đã có tên tuổi, thì càng phải thể hiện làm sao để tên tuổi vẫn còn tồn tại. Điền cũng vậy, Điền đã học hỏi được rất nhiều những điều hay cũng như nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu của họ. Giả sử, nếu có một cơ hội đến với mình (một vai diễn quan trọng nào đó) thì Điền sẽ ráng cố sức thể hiện mình vào nhân vật, thổi được phần hồn và sức sống của mình vào nhân vật, và điều quan trọng là làm sao nhân vật đó đi được vào lòng khán giả… Nghề này, như Điền đã nói, nó dễ mai một lắm. Điều quan trọng là lớp trẻ tụi Điền phải biết học hỏi những kinh nghiệm ở họ, cũng như bản thân của mỗi diễn viên trẻ phải có ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, không tự cao, không “làm mình làm mẩy”… và nhất là phải biết làm sao giữ được khán giả của mình.
- Để trang bị những kiến thức cho bản thân, anh có nhận được sự trợ giúp hoặc cố vấn của ai không?
- Ý tưởng này Điền đã xác định từ lúc vừa mới bước chân vào học tại Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh cũng như Điền đã phải tự lăn lộn từ trước. Điền từng có một suy nghĩ như thế này: vào trường nghệ thuật là phải biết học chờ, học đợi, phải biết học nhẫn nại (Ý tưởng này đã được Phương Điền chọn để làm bài thi tốt nghiệp khoa đạo diễn với bộ phim ngắn dài khoảng 10 phút có tên: “Chuyện”. Nội dung phim nói về một cô gái trẻ (Hồng Ánh đóng) xin vào làm tất cả mọi công việc trong phòng trà với một tâm nguyện duy nhất: được trở thành ca sĩ nổi tiếng… Thông qua bộ phim này, Điền muốn nhắn nhủ rằng: để trở thành một ngôi sao bước lên đỉnh cao của danh vọng, phải nhớ lại tất cả những tháng ngày anh đã từng lăn lộn để đến với nó.
|
Phương Điền trong bộ phim "Cầu thang tối". |
Một khi bạn đã thật sự yêu thích và quyết định cho mình đi theo nghề này, bạn cần xác định là bạn phải học cho chính bản thân, đừng có vô trường nghệ thuật bằng sự đua đòi, quần áo này nọ… Anh cứ “lăn xả" ra sàn tập, cứ nán lại từng phút từng giờ, học lại từ thầy, từ bạn bè ở trường, từ tất cả những bài học trên lớp… Xác định được như vậy, từ khi còn là sinh viên năm 2 khoa Diễn viên, Điền đã tập sự làm phó đạo diễn. Tất cả những kinh nghiệm của thầy cô ở trường cộng với những kinh nghiệm khi đứng quan sát ở phim trường, tổng thể lại rất quý báu. Bài giảng khác xa với thực tế rất nhiều, và thực tế nó sẽ bổ sung thêm cho bài giảng mà mình đã học trên lớp. Điền đã từng đi theo các thầy như Lê Mộng Hoàng, Lê Dũng, Xuân Phước, Châu Huế, Phú Hải, v.v…. Nói chung, đi với bất kỳ một đạo diễn nào thì Điền cũng đều học được ở mỗi người một “miếng”, nhiều “miếng” này cộng lại, mình sẽ có một “miếng” riêng của mình…
- Trong nghề, anh có “hình mẫu” nào để “noi gương” theo?
|
Phương Điền và Trần Kim Ngân trong một cảnh quay. |
- Mẫu người như nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh đúng là một “hình mẫu” – đó là mẫu thanh niên chất phác thường hay đóng những vai nghèo cùng cực, cũng biết đấu tranh cho lẽ phải, cho lý tưởng của mình, làm sao cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Còn để “noi gương” thì cho phép Điền được nhắc đến tên của một nam diễn viên nước ngoài khá nổi tiếng: Tom Hank. Anh cũng chính là “thần tượng” của Điền.
- Công việc hiện tại của anh có gì mới không?
- Sau khi đạo diễn xong bộ phim truyền hình nhiều tập “Kiều Nguyệt Nga” cho Hãng TFS, Điền đang có kế hoạch để hoàn thành một kịch bản văn học. Ý tứ này xin được tóm lược như sau: Một người đàn ông và một người đàn bà ở hai chiến tuyến cùng đi qua cuộc chiến và cả hai cùng trở về với đôi nạng gỗ trên tay. Người đàn ông đi khắp non sông đất nước như chạy trốn quá khứ của mình (anh từng là sĩ quan ngụy), bởi cuộc sống bây giờ đâu có ai tận dụng đến anh. Người đàn ông buôn bán trên sông nước, lấy niềm vui sông nước làm niềm vui riêng cho cuộc sống của mình. Tình cờ trong một cơn mưa, người đàn ông và người đàn bà gặp nhau, rồi họ tự tìm hiểu nhau. Họ nhìn cuộc chiến vừa đi qua rất nhẹ nhàng, bây giờ, chỉ còn tình người với nhau đọng lại. Tên kịch bản mà Điền chọn đặt sẽ là : “Khách thương hồ”. Và sau khi hoàn thành xong khâu này, Điền sẽ nộp lại cho hãng phim nào muốn làm hoặc muốn đầu tư. Kế hoạch chuẩn bị của Điền là sẽ kiêm luôn đạo diễn cho bộ phim này.
|