1. Nếu nói “gần đây” thì buộc phải bắt đầu bằng “trước kia”
“Trước kia”, chẳng có vấn đề gì cả. Truyền hình (TH) phát chương trình ca nhạc do các nhạc sĩ Viêt Nam sáng tác (tôi tạm không đề cập đến ca nhạc nước ngoài). Bản thân truyền hình trăm phần trăm nhận Ngân sách Nhà nước, chẳng thu của ai đồng nào. Điều đó ai cũng biết và vì thế nhạc sĩ cũng chẳng nghĩ đến chuyện đòi tiền truyền hình, truyền hình cũng “vô tư” phát. Vào thời ấy, tất cả chúng ta đều "vô tư"!
Nếu nói cho thật chính xác thì TH cũng có trả nhuận bút cho các ca khúc mới giới thiệu trên màn ảnh nhỏ, với mức rất tượng trưng (nhưng tôi ngờ rằng phần đông các ca khúc mới bây giờ vẫn đang được trả hoặc bị trả theo kiểu tượng trưng như thế). Còn ca khúc sử dụng lại thì... như tôi nói, "vô tư" từ ba bên: nhạc sĩ, TH, người xem. Cho đến gần đây, bức tranh có thay đổi. Bạn nhớ chương trình ca nhạc cách đây vài năm thế nào không: Mỗi chương trình 30 phút, vị chi khoảng 8 bài hát; ghi hình, "đớp" tiếng; ca sĩ hoặc hát dưới đèn nhấp nháy (mua từ biên giới TQ, khá rẻ) hoặc ngoài trời, dưới một bóng cây nào đó, thỉnh thoảng lại "vạch lá tìm sâu". Kinh phí cấp cho một chương trình ca nhạc phát truyền hình thấp đến nỗi cũng là bất công nếu trách đạo diễn: "Sao không chịu làm khác?"
Truyền hình thấy như vậy không ổn. Cần làm chương trình ca nhạc hay hơn, và nhất là không chỉ làm các chương trình 8 bài như vậy mà bám vào các sự kiện ca nhạc (tường thuật, trực tiếp), rồi đi xa hơn, TH muốn tạo ra, tổ chức các hoạt động âm nhạc (như: Sao Mai, các buổi truyền trực tiếp ca nhạc cuối tuần...). Nói tóm lại, từ chỗ chỉ làm các chương trình âm nhạc mang tính “đóng gói”, truyền hình chuyển sang làm các chương trình mang tính “sự kiện” và tiếp nữa, tham gia tổ chức ra sự kiện để làm chương trình.
Như vậy hay hơn, nhưng lại tốn tiền hơn. TH, vào một ngày đẹp trời, thấy rằng có khi phải "lấy mỡ nó rán nó", chứ cứ bám vào Ngân sách thì rất thụ động (những người tổ chức biểu diễn ca nhạc thấy điều này sớm hơn nhiều, nhưng những người ấy, vào một ngày chưa hẳn đẹp trời với họ, lại thấy nhiều khi khó làm được điều này nếu thiếu TH).
Vì thế hiện nay, nhiều chương trình ca nhạc quy mô lớn, có tài trợ, có quảng cáo... cũng là vận dụng cơ chế thị trường để làm tốt hơn công việc của mình (còn nếu sa vào cơ chế thị trường, bị thương mại hóa, lại là câu chuyện khác!). Đa số các nhạc sĩ vẫn... "vô tư". Nhưng một số người có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nhạc sĩ thì bắt đầu nhìn TH bằng con mắt khác: "Nó" (tức là TH), có thu đấy chứ! Vậy vấn đề bản quyền thế nào?
Và những ngày tươi đẹp của hôm qua đã kết thúc như vậy! Những ngày tiếp theo vẫn có thể là những ngày tươi đẹp, nếu chúng ta vừa rành mạch với nhau hơn vừa không đánh mất cái "vô tư"!
|
Bảo vệ tác quyền âm nhạc trên truyền hình là vấn đề nên được quan tâm. ( Ảnh: Trung Nghĩa) |
2. Tôi nghĩ là đúng! Tại sao lại không thu tiền tác quyền?
Tôi xin nhắc lại: Nếu chúng ta vận dụng một số quy luật của cơ chế thị trường để làm các hoạt động văn hóa nghệ thuật mà không sa vào thương mại hóa thì trong mọi trường hợp đều tốt, hơn là ngồi đợi Ngân sách. Nếu TH làm được điều đó thì thành quả của nó phải được phân chia công bằng lại cho tất cả mọi thành phần đã chung lưng đấu cật để làm việc này. Riêng về ca nhạc, thành phần đầu tiên là các nhạc sĩ. Thực ra, họ bị quên trả tiền đã khá lâu.
Hơn ai hết, truyền hình phải bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, những người luôn "chung chiến hào" với truyền hình. Từ khi có các chương trình ca nhạc “có thu” (tạm gọi là thế), truyền hình (hoặc công ty tổ chức biểu diễn liên quan đến TH) luôn trả bản quyền tác giả. Các chương trình trực tiếp có yếu tố thu tiền đều phải thực hiện điều này.
Nhưng ở đây có việc cần phải nói rõ thêm: Trước hết, nói chung về TH chứ không phải riêng về ca nhạc phát trên truyền hình. Tôi không hề mâu thuẫn chút nào khi nói rằng dù có thu quảng cáo, VTV bây giờ vẫn là VTV dùng Ngân sách nhà nước 100%. Ai cũng biết truyền hình quảng bá ở nước ta là TH không thu tiền. Không ai xem TH quảng bá mà phải nộp lệ phí xem TH... Bởi vì TH, mà nói hẹp đây là VTV, chưa bao giờ, kể cả không thu quảng cáo, lại là một doanh nghiệp. Thu từ quảng cáo, tài trợ (nói chung hai khái niệm này gần như là một) cũng là thu vào Ngân sách, nộp vào Kho bạc Nhà nước, rồi Nhà nước lại cấp kinh phí cho TH.
Gần đây, cơ chế có khác một chút: Nhà nước khoán thu chi cho TH, tức là gán chi luôn các khoản thu từ quảng cáo. Đường đi của kinh phí ngắn hơn, nhưng bản chất vẫn như vậy. Do đó, chớ nghĩ rằng nếu một chương trình ca nhạc có quảng cáo thì TH đang “kinh doanh”. Vả lại, nếu tính rõ ràng thì chi phí để làm các chương trình ca nhạc hiện nay đang lớn hơn số thu được từ quảng cáo trong chương trình ca nhạc. Bên cạnh đó, ai xem TH cũng biết, có phần rất lớn các chương trình ca nhạc không có quảng cáo, nhưng TH thấy đó là các chương trình cần làm và vẫn thực hiện. Do vậy, nói tóm lại, việc phát tác phẩm âm nhạc trên TH hiện nay là "bức tranh xôi đỗ", bao gồm:
- Có những chương trình có thể thu quảng cáo, bán vé. Chi phí cho chương trình lấy từ nguồn thu được, tạm gọi đây là loại chương trình thứ nhất.
- Có những chương trình có thu quảng cáo, có kêu gọi tài trợ, nhưng khoản thu chỉ đủ bù đắp một phần chi phí, còn lại TH vẫn phải điều động nguồn thu từ các chương trình khác: Trò chơi TH, phim... để "bù" vào chi phí sản xuất. Tạm gọi đây là loại chương trình thứ hai (ví dụ: Đờn ca tài tử Nam bộ là cuộc thi lớn, có nhà tài trợ, có quảng cáo, nhưng từ 1/2 đến 2/3 chi phí phải bù. Sao Mai cũng vậy. Nhưng ưu tiên của TH lại là các chương trình này).
- Có những chương trình ca nhạc phát sóng hoàn toàn không có quảng cáo, không tài trợ. Nhưng TH đã, đang và sẽ thực hiện các chương trình này. Tạm gọi đây là loại chương trình thứ ba.
Tất nhiên ranh giới của ba loại chương trình này có thể có lúc là tuyệt đối, rõ ràng, có lúc đan xen lẫn nhau.
3. Giải pháp hợp lý nhất hiện nay
- Trường hợp loại chương trình thứ nhất: TH phải trả nhuận bút tác quyền cho nhạc sĩ trực tiếp (trường hợp đặt hàng tác phẩm hoặc sử dụng lần đầu ) hoặc gián tiếp, thông qua các tổ chức như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả (nếu như sử dụng lại).
- Trường hợp loại chương trình thứ hai: Nhìn chung, đây là chương trình không đem lại doanh thu, phần doanh thu từ tài trợ, quảng cáo chỉ là làm bớt gánh nặng chi từ Ngân sách. Tuy nhiên, do có thu nên TH nên cố gắng vẫn trả tác quyền, nhưng ở mức nào đó, thấp hơn loại chương trình thứ nhất (tỷ lệ cần thống nhất với phía bảo vệ bản quyền).
- Loại thứ ba: Nên vận dụng theo Khoản 2 - Điều 29 - Nghị định 61 của Chính phủ, không phải trả tác quyền.
Đó là cách làm, theo tôi, phù hợp với tình hình, thực lực của truyền hình bây giờ và đúng với nội dung Nghị định 61. Còn về lâu dài, TH sẽ cố gắng để đến lúc nào đó ở mọi chương trình đều trả tác quyền đầy đủ, kể cả chương trình không có nguồn thu. Chúng tôi cũng muốn TH mau lớn mạnh để làm điều này (mà làm điều này sẽ là "vượt mức" theo quy định nêu tại Nghị định 61).
4. Bất cập thì chưa, nhưng sẽ bất cập nếu xảy ra một trong hai trường hợp sau:
- Trường hợp các đài TH do các khó khăn về kinh phí của mình, hoặc do đội ngũ làm chương trình không làm việc chặt chẽ, dẫn đến việc không làm nghĩa vụ trả nhuận bút cho tác phẩm âm nhạc, làm nảy sinh các tranh chấp pháp lý.
- Trường hợp phía các tổ chức bảo vệ tác quyền không nghiên cứu kỹ tình hình và khả năng thực tế hiện nay của việc sản xuất các chương trình ca nhạc ở TH, cho rằng vì trên sóng truyền hình nói chung có quảng cáo thì mọi tác phẩm đã phát sóng phải trả nhuận bút hết. Điều này sẽ dẫn đến một hệ quả không mong muốn kể cả từ phía TH lẫn phía nhạc sĩ: Do các đài TH không kham nổi việc trả nhuận bút trong tất cả các trường hợp phát sóng nên sẽ buộc phải hạn chế việc sử dụng các tác phẩm ca nhạc Việt Nam. Tình huống xấu nhất khi đó là dùng tác phẩm ngoại còn "dễ" hơn là dùng tác phẩm nội. Như vậy chẳng ai trong "tam giác" khán giả - tác giả - truyền hình có lợi cả.
Chúng ta đều trên một con thuyền, vậy cả hai phía đều phải có sự hiểu biết và phối hợp chặt chẽ. Nếu có một bên nào cực đoan thì sẽ hỏng việc.
5. Khó khăn lớn nhất
Là vấn đề làm sao có đủ tiền để trả nhuận bút cho đầy đủ, nhất là các đài PT, đài TH không có nguồn Ngân sách lớn. Nhưng có lẽ bây giờ cũng chưa có gì là quá khó không vượt qua được. Thực ra, Nghị định 61 cũng vừa mới ra đời, hướng dẫn thực hiện lại muộn. Bây giờ, nên mau chóng thảo luận, thống nhất giữa bên sử dụng và bên sáng tác để có cơ chế và sự đồng thuận, rồi thực hiện cho nghiêm túc.
6. Văn bản pháp lý thì đã có - đó là Nghị định 61
Như tôi nói ở trên, các đài PT, đài TH nên cùng các tổ chức bảo vệ tác quyền bàn cặn kẽ với nhau việc thực hiện. Không bàn bạc, cụ thể hóa, rồi cứ bức xúc, có khi chê trách nhau quá lời, đó không phải là cách làm khoa học, có khi còn mất hòa khí giữa những người vốn là “cạ” với nhau. Có các tác phẩm âm nhạc hay trên truyền hình thì truyền hình mạnh lên, và truyền hình mạnh lên thì cũng có những điều kiện để tăng thêm khả năng thu tác quyền.
Riêng về phía VTV, chắc chắn chúng tôi sẽ chủ động bàn với Hội Nhạc sĩ để đề ra, thỏa thuận một quy định cụ thể hóa Nghị định 61 và thông tư hướng dẫn: ở các dạng chương trình nào thì thu bản quyền, thu mức ra sao, loại chương trình nào tạm thời chưa thu; lộ trình nào để dẫn đến việc hoàn toàn trơn tru trong mối quan hệ liên quan đến bản quyền giữa hai bên - tức là nên có một dạng văn bản quy định cụ thể giữa hai bên.
Tôi nghĩ rằng khẩu hiệu của chúng ta trong việc này là: Cần rạch ròi để công bằng. Nhưng đây là sự rạch ròi trên cơ sở hòa đồng và thiện chí, chứ không phải là thứ rạch ròi mua bán thông thường. Bởi quan hệ giữa các nhạc sĩ và các cơ quan báo chí chưa bao giờ là chuyện mua bán thông thường. Nếu mua bán thông thường, sẽ là: Có tiền thì mua, không có tiền thì không mua, không dùng nữa. Như vậy sóng TH sẽ ra sao? Âm nhạc Việt Nam trên truyền hình sẽ ra sao? Mà cả khi mua bán thông thường, người ta cũng nhìn túi nhau mà thỏa thuận, nếu quả thật muốn việc mua bán đó thành.
Tôi nói như vậy là cho hết nhẽ, chứ hiện giờ, bức tranh toàn cảnh nhìn chung là sáng sủa: Truyền hình đã lớn mạnh lên, có phần do sự đóng góp của âm nhạc VN. Chuyện thực hiện một cơ chế để giới sáng tác, giới truyền thông sử dụng tác phẩm hợp tác với nhau, đảm bảo quyền lợi của nhau và đáp ứng quyền lợi của khán, thính giả là hoàn toàn hiện thực. Việc cần làm ngay là cùng bàn bạc và đề ra quy định hợp lý, sau đó phối hợp thực hiện cho tốt.