|
Dustin Hoffman (phải) |
(VietNamNet) - Cả ngày bù đầu vào công việc, tối về thèm một cảm giác nào đó thật nhẹ nhàng nhằm thư giãn tinh thần để sáng mai lại tiếp tục công việc mới. Mở “Hero” với mục đích xem để ngủ, vậy mà cuối cùng lại nằm thao thức. Chẳng có pha đánh đấm nào ra trò, chẳng có đoạn giật gân nào lôi kéo trí tò mò, vậy mà “Anh hùng” Bernie LaPlante (Dustin Hoffman) vẫn làm cho 2 con mắt người xem dán tròn vào màn ảnh.
Thất nghiệp, vợ bỏ, bơ vơ không tình yêu, không gia đình, không bạn bè và là tuýp người “luôn bị từ chối”, thế nhưng cuối cùng lão vẫn khệnh khạng bước vào đời thường như một người "Anh hùng".
“Sống ở đời cần có một nhân cách, một nhân cách để khi mọi người nhìn vào họ sẽ nhận ngay ra bạn”. Thường có hai loại người, một loại khi thấy bạn gặp khó khăn họ sẽ không nề hà chìa tay ra giúp đỡ bạn, đó là những người tốt. Còn một loại khi thấy bạn khó khăn, họ làm như không có vấn đề gì và bỏ đi, đừng vội kết án họ là người xấu bởi đó chính là bản chất tự nhiên của con người. Bernie LaPlante (Dustin Hoffman) thuộc loại người thứ hai. Và ở lão không có một nhân cách nào nổi bật cả. Lão đẩy đưa cuộc sống của mình bằng những công việc nhàm chán và vặt vãnh. Không gian của lão là phòng xử án mà lúc nào lão cũng phải đối mặt, là quán bar nhỏ hàng đêm lão thậm thụt ra vào để bán những món đồ ăn cắp được. Né tránh đám đông, ghét sự phiền phức, sống vị kỷ, nhưng điều đó không có nghĩa lão là một kẻ bỏ đi, lão chỉ chìa bàn tay mình ra nếu thực sự điều đó cần thiết. Li dị vợ nhưng Bernie rất yêu thương đứa con trai mà lão không được nuôi, Joey LaPlante. Những khi có dịp bên cạnh, lão luôn hướng con mình vào những điều tốt đẹp. Có lẽ khi con người đi tận cùng vào những cảm giác thua thiệt và không thể đối phó lại được với định mệnh thực tế thì họ sẽ đem ngọn lửa nhen nhúm trong mình truyền sang cho người khác. Bernie muốn trong ánh mắt của con trai mình lúc nào lão cũng là một người cha tốt và có trách nhiệm. Hai cha
|
Poster phim Hero |
con đi ăn và tình cờ nhặt được một chiếc bóp trong toilet, người con muốn đem đưa cho ông chủ quán để trả lại cho người đánh mất, còn ông bố thì lắc đầu quầy quậy: ”Đưa cho bố, đừng làm thế ngốc ạ, rồi cái lão chủ ấy cũng móc hết tiền trong ví thôi, để ngày mai bố sẽ dò ra địa chỉ theo danh thiếp trong ví và trực tiếp trả lại cho người mất, thế có hay hơn không”. Và tất nhiên người con không có một chút thắc mắc gì, còn ông bố thì sở hữu luôn cái ví ấy. Ngày hôm sau, không gặp được con trai, Bernie đưa cho người vợ cũ của mình một số tiền và nhắn gửi tới Joey: ”Đây là số tiền của con, hôm qua bố đã tìm được người mất chiếc ví và bố đã yêu cầu họ phải tưởng thưởng xứng đáng cho người tìm lại được nó”. Thế đấy, để dạy con mình thành một người tốt, lão phải đóng một vở kịch chẳng đến nỗi xoàng. Ông bố chấp nhận cho mình một đáp số cuộc đời không tròn trịa, nhưng chắc chắn ông không muốn để đáp số đó ứng với số phận con trai mình.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên rắc rối từ khi chuyến bay 104 đó lâm nạn. Trong một đêm giông gió trên đường đón con trai mình đi xem phim, Bernie phát hiện chiếc máy bay nằm chỏng chơ trên đầu cầu Chicago. Phải đến khi vấn đề trở nên thực sự thúc bách thì lão mới ra tay. Cố hết sức để mở cánh cửa thoát hiểm bên hông cho mọi người ra ngoài, lão lầm lũi đi về, vậy là lão đã làm xong nghĩa vụ của một con người trước thảm cảnh của đồng loại. Nhưng trái tim của Bernie chỉ thực sự phát tỏa trên phim khi một đứa trẻ trạc tuổi Joey van xin lão hãy vào trong và cứu người cha đang kẹt lại ở đó. Đáp số của đời lão đã không tròn trịa, và bây giờ lại đứng trước một tương lai không tròn trịa của đứa bé đồng lứa con mình, thế là lão lại lao vào, cứu cha đứa bé và cuối cùng cứu luôn tất cả những người còn kẹt lại, vô tình có cả Gale Gayley (Geena Davis, phóng viên truyền hình nổi tiếng của chương trình “Channel 4”). Và theo thói quen, lão cũng không quên thộp luôn vài thứ cho mình. Khi cảnh sát và lính cứu hỏa có mặt cũng là lúc lão mất dạng, hiện trường chỉ còn lại một chiếc giày mà lão vô tình để rớt.
Sự kiện những người được cứu sống khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Nhân chuyện này, người ta quyết định mở một chương trình truyền hình lấy tên “Thiên thần hộ mệnh của chuyến bay 104” để tìm người anh hùng đã cứu sống 54 người trên máy bay và cũng là một cách để kinh doanh. Một triệu đô la cho ai sở hữu chiếc giày còn lại. Và như vậy, lão trở thành nàng Lọ Lem tân thời. Nhưng khác với cổ tích, Lão Lọ Lem lại không được đứng trên bục cao nhất. Chấp nhận sống là chấp nhận sự tồn tại của những điều phi thực tế, là chấp nhận sự tồn tại của quy luật bù trừ, chiếc giày còn lại lúc này đã thuộc về tay John Bubber (Andy Garcia), một người cho lão đi nhờ xe. Phần còn lại của bộ phim là sự tung hứng giữa cá tính của ba nhân vật trung tâm và cuối cùng kết quả là tồn tại ba người hùng, một người hùng sạch sẽ, tươm tất trên màn ảnh và một người hùng nhếch nhác, xiêu vẹo giữa đời thường. Lão không muốn trở thành một người hùng, nhưng nếu cái mác anh hùng đó có giá một triệu đô la thì chả dại gì lão bỏ.
Bernie là nhân vật có những cá tính và phong cách đối lập hoàn toàn với những chuẩn mực “Anh hùng” thường gặp và vì thế dường như chất “Anh hùng” của lão có nét gì đó gần gũi và đời thường hơn. Hành động của lão tưởng chừng mâu thuẫn nhưng hợp lý vô cùng. Lão cần tiền nhưng không có nghĩa là lão sẽ lao thẳng vào chiếc máy bay đang bốc cháy kia với mục đích kiếm một nắm tiền, lão vào đó chỉ vì ánh mắt nhìn như muốn van lơn của đứa trẻ trạc tuổi con mình. “Hero” của đạo diễn Stephen Frears lột tả được hai mặt đối lập trong một thể thống nhất của một con người. Bộ dạng xốc xếch, đầu tóc rối bù và một cá tính không có gì nổi bật. Nhân cách lão hình thành qua cả một quá trình sống và va chạm, chầm chậm trôi và phát tỏa trong một khoảnh khắc. Có một triết lý nào đó có thể hiểu được, ai cũng có thể trở thành anh hùng nhưng “sự anh hùng” đó phải đến trong cùng một thời điểm hợp lý. Chả có ai là thừa thãi trong xã hội, thất bại lúc này nhưng phát tỏa vào thời điểm họ không ngờ tới. Và dường như vì thế cuộc sống này vẫn còn tồn tại rất nhiều “Bernie LaPlante”, những anh hùng của “khoảnh khắc”.
|