Vẫn không chệch bước...
05:38' 02/01/2003 (GMT+7)

Phim ''Hà Nội 12 ngày đêm'' lập một số kỷ lục như thời gian làm phim kéo dài tới 7 năm, chi phí 7 tỷ đồng, lần đầu tiên được làm kỹ xảo ở nước ngoài...Đây cũng là bộ phim truyện mang tính tư liệu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam có tham vọng tái hiện toàn bộ 12 ngày đêm đau thương mà hào hùng đánh thắng bọn giặc trời trên bầu trời Hà Nội... 

Buổi ra mắt báo chí ở Hà Nội, nhiều nhà báo chau mặt cau mày về chất lượng phim, nhưng cũng chính họ sau đó lại buông lời khen trên báo chí. Vì sao vậy?

Trò chơi game trên màn hình lớn?

Cả đàn máy bay B52 và máy bay hộ tống dàn hàng ngang đặc trời, cánh máy bay này có thể chạm máy bay kia qủa là phép màu của kỹ thuật điện tử, không thể gây được cảm giác thực. Máy bay ta chiến đấu với máy bay địch, tên lửa ta phóng sang pháo đài bay, bom Mỹ hủy diệt trận địa tên lửa và bệnh viện Bạch Mai… những chùm lửa tóe ra vẫn còn nguyên vệt quét và dấu carô như trò chơi game. Đây là trò chơi của thiếu nhi hay là bài vỡ lòng kỹ xảo tại một trung tâm giá cả phải chăng ở Australia?

Nghe nói 3 phút 38 giây kỹ xảo ấy có thể phải chi tới cả triệu đô la ở những hãng kỹ xảo xịn, nhưng ta chỉ dám tìm tới một trung tâm khiêm tốn với khoảng 40.000 đô la. Thà rằng không đủ kinh phí thì không bày đặt ra, tôi dám chắc những nhà điện ảnh thiếu tiền mà cao tay vẫn có cách xoay chuyển, sẽ sáng tạo kiểu khác chứ không tròn mắt ngây thơ bằng lòng với kỹ xảo chơi game như thế. Bộ phim rất cần cho nhân dân ta và bạn bè thế giới xem để sống lại những ngày oanh liệt, nhưng kỹ xảo đã gây phản cảm và người ta làm sao có thể tin những cảnh chiến đấu trên không chơi chơi như vậy?

Sự lắp ghép giữa sự thật và hư cấu

Phim thuộc thể loại docu-fiction (có người nhầm là phim sử thi), một dạng phim truyện tư liệu, kết hợp hiện thực lịch sử với sự hư cấu, nhằm làm cho lịch sử trở nên sinh động và chân thực hơn. 12 ngày đêm Hà Nội cuối năm 1972 được diễn tả khá trôi chảy, tuy chưa hẳn đã sâu sắc; như vậy phần lịch sử đã hiện ra như ý những người làm phim. Nhưng phần hư cấu với những nhân vật chàng trai cô gái bình thường đã được lắp ghép khiên cưỡng. Họ xuất hiện vì nhóm tác giả cần làm cho phần lịch sử thêm mát mẻ, dễ xem, chứ họ không được chăm chút cho dầy dặn hình hài nhân vật. Có cảm tưởng nhóm tác gỉa kịch bản ngồi với nhau và đưa ra những gạch đầu dòng theo kiểu: - phải cho vào đây một cô bác sĩ bệnh viện Bạch Mai - phải đưa vào một cô giáo - một cô nông dân - thêm cho tôi một anh bộ đội tên lửa - một anh phi công - một anh pháo tầm thấp nói giọng Nam Bộ... Công thức cứ thế mà được lập ra, mâm bát đã đầy đủ, gia vị cũng đã nhiều. Nhưng gia vị thập cẩm lắp ghép vào với nhau không đúng chỗ, nếu không nói là vá víu hời hợt.

Tuyến nhân vật hư cấu vì vậy đã dàn hàng ngang mà tiến. Không có những nốt nhấn và những nét lướt, tất cả đều ngang bằng một tông, và hiệu qủa tất nhiên là không có gương mặt thực sự đáng nhớ, không có những tình huống thật sự gợi cảm, thật gây ấn tượng. Sự hy sinh của người phi công, của anh bộ đội tên lửa, của cô bác sĩ sẽ đau xót tột cùng, nếu như số phận và tính cách họ được khắc họa sâu hơn, bằng những chi tiết sinh động và đắt giá hơn.

Diễn viên hay đạo diễn?

Như mới nói ở trên, các nhân vật chưa đủ sức làm người ta quên đi người diễn viên đang tái hiện họ. Nhà văn Kim Lân chắp tay trước bàn thờ kể lể dông dài, từng chữ được nhả ra rời rạc cách nhau bao nhiêu khoảng cách sốt ruột. Có nhất thiết những điều kính cẩn thiêng liêng cứ phải nói ra đằng miệng, hay là hãy nói cô đúc hơn và là tiếng nói ngoài hình, trong tâm tưởng? Cô bác sĩ ''Mai Thu Huyền'' trước khi chết cũng thều thào quá dài làm tan loãng cảm xúc thương cảm. Cũng xin nhắc các nhà làm phim: giới chuyên môn y học cho biết trối trăng là điều khó thực hiện đối với người hấp hối, văn nghệ nhiều khi đã lạm dụng sự thiếu kiến thức y học.

Không hẳn đã tại diễn viên. Những Quốc Tuấn, Chiều Xuân, Nhật Mai, Xuân Tùng...đã làm trọn vai trò đơn giản của họ. Nhân vật mới chỉ là khái niệm và nếu có khả ái thì chỉ là nhờ gương mặt khả ái của diễn viên. Đạo diễn đã in dấu ấn rất rõ trên diễn viên, lối diễn xuất già kịch non phim bao trùm hầu hết dàn diễn viên này. Những cảnh tuyên bố của phía đối phương chứng tỏ sự hiểu biết thô sơ đơn giản. Những cảnh chiến tranh lẽ ra phải đẩy tới trong một tiết tấu nhanh mạnh, thì người xem phải nhiều lần sốt ruột thay những anh bộ đội lững thững, những cô cáng thương lạch bạch đi qua mà ảnh. Dàn dựng cũng không có sự tiết chế về liều lượng: đám tang người cha của anh bộ đội tên lửa kéo dài như thể đạo diễn lúng túng không tìm ra điểm dừng. Người mẹ ôm quan tài khóc lóc kể lể, anh bộ đội chạy về cũng khóc thương kể lể, cho đến khi tiếng súng bom từ Hà Nội dội về. Anh chạy ra sân đòi chỉ huy cho phép mình trở về đơn vị chiến đấu, rồi quay vào quỳ xuống chắp tay trước quan tài người cha. Lẽ ra đạo diễn có thể cắt cảnh ở đó, nhưng ông không tin sự dàn dựng của mình đã đủ độ, không tin vào trình độ cảm nhận của người xem. Và cảnh khóc lóc giãi bày kéo dài thêm vài phút nữa.

12 ngày đêm ấy mãi mãi làm cho chúng ta ngẩng đầu kiêu hãnh, đồng thời phải cúi đầu tưởng niệm. Người xem phim Hà Nội 12 ngày đêm cũng nhiều lúc phải cúi đầu, nhưng là vì sự dàn cảnh vụng, thô, gỉa tạo. Điện ảnh không chỉ là nghệ thuật của ánh sáng, của khuôn hình... điện ảnh nhiều khi còn là nghệ thuật của dựng phim montage. Trường đoạn kể trên còn chứng tỏ sự thiếu tinh tế trong cảm xúc, thiếu khả năng nắm bắt tâm lý người xem - cảm xúc mong manh của họ rất dễ đổi chiều thành phản cảm.

Tự phê bình

Thuộc số những nhà báo ngồi xem nhiều lần phải cúi đầu vì phản cảm, tôi đã định bắt chước các đồng nghiệp vừa chê đấy nhưng khi viết bài lại khen phim làm công phu, hoành tráng, kỹ xảo tuyệt vời, hiệu qủa cao về hình ảnh và âm thanh... Sao lại thế? Có phải vì phóng viên chuyên theo dõi điện ảnh không muốn đối đầu và còn giữ chỗ mà đi lại cộng tác với ngành?

Vậy xin có đôi lời thẳng thắn, coi như một hình thức tự phê bình - cho mình và cho cả đồng nghiệp không tiện thẳng thắn.

Công bằng mà nói, phim cũng có những trường đoạn xúc động: cô Chiều Xuân bị kẹt dưới hầm ngập nước, bàn tay kêu cứu thò ra dưới đống đổ nát. Và cái giọt nước mắt chỉ mới ứa ra, đọng trong khoé mắt cô bộ đội vẽ đường bay khi anh phi công không trở về...Phim càng hoành tráng càng cần những chi tiết nhỏ đắt giá như thế. Chỉ tiếc là quá ít.

Sau 30 năm, cùng một đề tài lớn, bộ phim mới vẫn chưa bước chệch khỏi lối đi của phim Em bé Hà Nội, cả về tư tưởng, cả về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất...Liệu có thể xem đó là một lời khen?

  • Nguyễn Bình Dưng                  
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phim ''Người đàn bà mộng du'' sang giai đoạn mới (02/01/2003)
Truyền hình số Bình Dương: Mở rộng cửa đón người xem (02/01/2003)