Những thước phim cuối cùng của bộ phim ''Người đàn bà mộng du'' (kịch bản: Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân, quay phim: Nguyễn Hữu Tuấn) đã hoàn thành. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn tỏ ra hài lòng với những cảnh quay mà anh và đoàn làm phim có được từ Hà Tĩnh. Dưới đây là cuộc trò chuyện sau khi anh trở về Hà Nội thực hiện phần hậu kỳ của ''Người đàn bà mộng du''.
- Thưa anh Hữu Tuấn, tỉnh Hà Tĩnh mới trải qua thiên tai do bão lũ gây ra, các bối cảnh đã chọn của đoàn làm phim có gì trở ngại không?
- Trước khi quay chính thức, tôi, Đạo diễn Thanh Vân, họa sĩ Phạm Trung và một số người có liên quan vào Hà Tĩnh lần thứ 2 để kiểm tra lại bối cảnh đã chọn. Sau cơn bão, Hà Tĩnh bị rơi vào khung cảnh hoang sơ và tiêu điều lắm. Bối cảnh chúng tôi chọn cần một bãi đá đẹp, cây cối xanh tươi, thơ mộng để diễn tả, nhưng rồi có sự kiện này xảy ra. Đạo diễn Thanh Vân và chúng tôi phải trải qua một vài đêm mất ngủ khi quyết định thay đổi phương án. Mặc dù vậy có những cảnh lớn chúng tôi vẫn tiếp tục quay ở đấy...
- Được biết đối với mỗi bộ phim, mức chi phí phân bổ bình quân của hãng đều như nhau, ''Người đàn bà mộng du'' là bộ phim phải quay tại 7 địa điểm của cả miền Bắc và miền Trung như: Vĩnh Phúc, Hà Tây, Phủ Lý, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, vì vậy sẽ có rất nhiều tốn kém. Anh và Đạo diễn Thanh Vân đã xoay sở như thế nào với kinh phí hạn hẹp để thực hiện ý tưởng của mình?
- Trên thực tế chuyện kinh phí có ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn hình ảnh cho mỗi bộ phim, tuy nhiên không quyết định hoàn toàn chất lượng phim. Do đó, khi ngồi bàn luận với nhau câu hỏi chúng tôi đưa ra là: Phim nhiều tiền có phải phim hay không, phim ít tiền có bị dở không? Câu trả lời chung là không. Nhiều tiền thì thuận lợi, ít tiền thì khó khăn, thế thôi. Dẫn chứng: Không ít những bộ phim của điện ảnh Iran ít tiền nhưng vẫn hay.
- Với bộ phim ''Người đàn mà mộng du'' anh có thể cho biết một vài nhận xét, trong đó những chi tiết nào sẽ là phức tạp khi quay?
- Người đàn bà mộng du được nhà văn Nguyễn Quang Thiều chuyển thể từ truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, nói về những con người trung hậu trong chiến tranh. Tôi rất yêu những nhân vật trong đó, mà nổi bật lên là nhân vật: Chị Quỳ... Tôi cũng thích hình thức kể chuyện của phim. Nhiều đoạn hồi ức. Nhiều hình ảnh mờ ảo. Không khí của phim không phải lúc nào cũng tỉnh táo, rành rẽ. Nói chung, tôi đã tưởng tượng và thực hiện cảnh quay theo ý tưởng đó. Tuy nhiên, truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành viết vào những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là một tác phẩm văn học hay và được đánh giá cao vào thời kỳ đó. Nhưng bây giờ đã là năm 2002, vấn đề là làm sao để bộ phim vẫn mang được tính thời đại và mọi người cùng quan tâm.
- Ngoài phần thực hiện các cảnh quay, anh còn có điều gì lo lắng khác?
- Giai đoạn sau quay là in tráng. Công việc này người quay phim không thực hiện, tuy nhiên rất có ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh...
(Theo Người Hà Nội)