Tin văn hoá trên các báo ra ngày 28/10
09:32' 28/10/2004 (GMT+7)

1. Người nước ngoài mê nghệ thuật làm dấu khắc gỗ

2. Khán giả truyền hình với "hiện tượng" F4 

3. Xem "Cung đàn nào cho em: Sinh khí mới từ lớp trẻ

4. Vang mãi tiếng trống Ginăng 

 

 

Người nước ngoài mê nghệ thuật làm dấu khắc gỗ
Soạn: AM 182049 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Dấu khắc gỗ là một trong số nhiều sản phẩm thủ công của Hà Nội được nhiều du khách nước ngoài ưa thích. Thật thú vị khi đi dạo trên những đường phố cổ của thủ đô Hà Nội ngắm cảnh, tìm hiểu về một Hà Nội ngàn năm văn hiến và đặc biệt là lựa chọn, mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như là những con dấu truyền thống này.

Phố Hàng Quạt - một trong rất ít nơi của Hà Nội hiện còn làm nghề khắc dấu gỗ, một sản phẩm thủ công truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay. Trên chất liệu gỗ Lộc Mực vừa mềm lại mịn thớ, người thợ khắc vẽ lên đó những họa tiết hoa văn, kiểu chữ theo yêu cầu của khách hàng rồi dùng dao, đục khắc những đường nét một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Ngày xưa, những con dấu gỗ được người ta dùng để thể hiện tên, chức danh trên các văn bản hoặc các bức thư họa.

Anh Phạm Đức Trí, thợ khắc dấu phố hàng Quạt nói: "Theo tôi được biết con dấu khắc gỗ được bắt nguồn ở Đồng bằng Bắc Bộ, các làng nghề ở xung quanh Hà Nội như là ở Hà Tây, làng Đông Hồ ở Bắc Ninh, dòng tranh Hàng Trống rất là nổi tiếng. Hiện nay dấu khắc gỗ phát triển và trở thành một thứ hàng hóa. Du khách đến Việt Nam mua dấu khắc gỗ như là một món quà kỉ niệm để nhớ đến Việt Nam".

Những con dấu khắc những hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam như: cô gái gánh hàng rong, tháp rùa hay những con dấu có khắc tên cùng với con giáp trùng với năm sinh của mình theo quan niệm của Á Đông. Họ dùng nó làm quà lưu niệm hoặc để đóng lên tấm bưu ảnh gửi cho bạn bè, người thân của mình để cùng chia sẻ về những ngày tháng tươi đẹp đầy kỉ niệm trên đất nước Việt Nam.

Anh Haruyoshi Ohkuma, du khách Nhật Bản nói: "Ở Nhật Bản cũng có nghề làm dấu truyền thống nhưng có sự khác biệt ở chỗ người Nhật làm dấu bằng ngà voi, dấu chỉ khắc chữ và mẫu mã không đuợc phong phú như ở Việt Nam".

Không ngại trời mưa, chị Benedicte Netais vẫn tìm đến để chọn và mua một sản phẩm khắc gỗ truyền thống của Việt Nam mà chị ưa thích trước khi rời Việt Nam trong nay mai.

Chị Benedicte Netais, du khách Pháp nói: "Tôi sẽ mua cái bùa gỗ này về để trang trí nhà mình vì tôi thấy nó rất đẹp".

Ấn tượng sâu sắc về dấu khắc gỗ, một nữ họa sỹ Nhật Bản đã thể hiện về nó dưới dạng truyện tranh và trên nhiều tờ báo của Nhật đã viết khá sinh động để giới thiệu cho những người Nhật chưa đến Việt Nam, biết đến một sản phẩm thủ công truyền thống mà sâu xa hơn đó là hình ảnh về một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

(Theo Đài Truyền hình VN)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 180955 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Các thành viên nhóm F4
Khán giả với truyền hình với "Hiện tượng" F4

"Tôi không hiểu sao các em học sinh của mình mê F4 đến thế... Chúng đem ảnh của F4 dán đầy lớp, đầy tập vở. Nhiều em nhịn ăn sáng để dành tiền mua các tạp chí có ảnh và bài viết về F4. F4 tan hợp thế nào, yêu ai, sắp đóng phim gì được các em bàn luận rất sôi nổi" - một cô giáo Trường PTTH Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết.

Trước cơn lốc phim Hàn Quốc, các nhà làm phim truyền hình Hoa ngữ đã vắt óc nghĩ cách giành lại khán giả nhưng hiệu quả của các kế hoạch này không khả quan. Năm 2000, Công ty Comic Thoại Trí tại Đài Loan sản xuất bộ phim Sao băng (Đài Truyền hình Bình Dương phát sóng đầu năm nay) với các diễn viên mới toanh, chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Những tưởng đây chỉ là một thử nghiệm và có thể thất bại, nhưng không ngờ Sao băng thắng đậm trên mức tưởng tượng, hàng trăm đài truyền hình trong và ngoài nước tranh nhau mua bản quyền Sao băng để phát sóng. Sau khi phim thành công, bốn chàng trai Ngôn Thừa Húc, Châu Du Dân, Ngô Kiến Hào, Chu Hiếu Thiên lập thành một nhóm lấy nghệ danh là F4, bắt đầu tung hoành trên sân khấu ca nhạc và được nhiều fan nữ khắp Đông Nam Á hâm mộ. Báo chí khi viết về F4 đều đề cập đến tài lăng-xê diễn viên mới rất thành công của Comic Thoại Trí.

Các nhà phê bình đã đem hiện tượng Sao băng ra mổ xẻ để tìm hiểu lý do tại sao phim ăn khách. Cuối cùng họ kết luận, Sao băng thắng là nhờ vào chiêu thức mới: thu hút khán giả bằng nội dung phim nhẹ nhàng, đôi khi hơi viễn tưởng nhưng thích hợp với sự lãng mạn của giới trẻ, kèm theo đó là dàn diễn viên chính cao lớn, điển trai. Tóm lại, đây là loại phim mới: phim "thần tượng" (Idol Darma).

Tuy nhiên, có một điều mà đến nay giới phê bình phim và công chúng vẫn không thể hiểu được là vì sao khi đã tỏa sáng, các thành viên F4 hoạt động riêng rẽ lại không đạt được thành công vang dội như trước. Các phim sau này như Công tử bần hàn (Châu Du Dân đóng vai chính); Cơn lốc tình yêu (đã phát sóng trên VTV3) với Châu Du Dân và Chu Hiếu Thiên, Hãy về với anh (VTV3) với cả bốn người góp mặt đều không đạt được thành công như Sao băng. Nhà biên kịch Đài Loan Sài Trí Bình nói: "Không phải diễn xuất của F4 kém đi, không phải nội dung phim dở hơn, đơn giản là vì hồi đó Sao băng được phát hành đúng vào thời điểm mà công chúng đã xem quá nhiều phim Hàn".

Sau thành công của Sao băng, hàng loạt phim truyền hình nhiều tập của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông ra đời với "công thức F4": sử dụng diễn viên trẻ - đẹp không cần biết diễn xuất đảm nhận vai chính, kết hợp cùng dàn diễn viên phụ là những diễn viên kỳ cựu, nội dung phim éo le, lãng mạn. Đó là các phim Chuyện tình biển xanh do Hứa Thiệu Dương, Trương Thiều Hàm, Hoắc Kiến Hoa đóng vai chính, Thiên thần tuyết thì có To Ro, Nhan Hành Thư, Vương Vũ Tiệp (hai phim này đã phát sóng trên HTV9), rồi Người tình MVP, Khúc nhạc tình, Huân y thảo, Hương luyến, Ngôi sao trên mặt tuyết, Nụ hôn định mệnh… rất được khán giả trẻ yêu thích.

Cũng có người đặt câu hỏi, chẳng lẽ khi loại phim "thần tượng" nở rộ, sẽ không còn cần đến những diễn viên được đào tạo bài bản và có tài diễn xuất thực sự? Các nhà làm phim của các công ty Comic Thoại Trí và Tam Lập (S.E.T) khẳng định: "Khó có thể đánh giá cao về nội dung và diễn viên đóng phim "thần tượng", nhưng phải thừa nhận rằng những phim ấy đã gỡ rối cho chúng tôi khi bị phim ngoại xâm lấn. Chúng tôi không hề bỏ quên dòng phim cần đến những diễn viên có tay nghề diễn xuất cao, bằng chứng là chúng tôi luôn sản xuất song song 2 loại phim này, vì mỗi loại phim đều có khán giả riêng".

(Theo TN)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 180957 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một cảnh trong vở
Xem Cung đàn nào cho em: Sinh khí mới từ lớp trẻ

Có thể nói, Cung đàn nào cho em cũng chính là tuyên ngôn của nhóm làm chương trình "Thắp sáng niềm tin" tại rạp Hưng Đạo, với mong muốn đem tiếng nói mới, không khí mới cho cải lương.

Khán phòng không nêm chặt, không tưng bừng cờ hoa như các ngày khai trương, có lẽ vì lần đầu tiên rạp Hưng Đạo nhất quyết áp dụng nội qui: trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng các bà, các chị không được vào khán phòng.

Ngạc nhiên, thậm chí bất bình, vì mọi ngày trước đây vẫn vậy. Nhưng phải công nhận vở diễn này hay. Vai nào cũng hay...

Một câu chuyện nhân tình thế thái...

Khán giả đến với Cung đàn nào cho em là vậy, vẫn vậy. Chỉ đơn giản nhận thấy vở này, so với vở nọ, hay. Quá ít dân trong nghề, hay đông đảo thanh niên trí thức (sinh viên - học sinh) đến xem, để vui mừng thấy cuộc tập hợp của các triển vọng trẻ Trần Hữu Trang đã thật sự được mở màn bằng cái mới.

Một câu chuyện nhân tình thế thái giản dị, có thăng trầm biến đổi, bi hài đan xen hợp với chất cải lương. Một cô gái nông thôn tên Út Lượm (Thanh Ngân) có giọng ca ngọt ngào, sống tạm dưới gầm cầu Cá Rô cùng ông nội (Hữu Quốc). Bước ngoặt lớn lao khi cô lọt mắt xanh ông bầu gánh cải lương thành đào hát Ngọc Trầm, rồi được bầu đại ban mua đứt mang về thành phố...

Cô gái trẻ thả mình theo những lời mời gọi hấp dẫn, đồng thời thâm tâm ray rứt nhớ gầm cầu Cá Rô, nhớ ông nội mà mình đã chối bỏ... Chỉ cần bấy nhiêu, giản dị mà gãy gọn khúc chiết đủ ra một vở xem được, huống gì kịch tính được xây dựng không chỉ bằng tình huống bên ngoài, mà còn đầy mâu thuẫn nội tâm thúc đẩy thành cao trào, và được giải quyết hợp lý.

Nhưng không chỉ có thế

Cung đàn nào cho em còn là những dằn vặt, tuyên ngôn về nghề. Lớp diễn hay nhất của vở là lớp Ngọc Trầm và ông bầu yêu nghệ thuật (Lê Tứ) tranh luận cùng nhau về những tràng pháo tay của khán giả. Trong khi cô đào vừa diễn vừa cương để nhận những tràng pháo tay dễ dãi thì ông thầy nhất mực rằng ấy là phản nghệ thuật. Cuộc xô xát nổ ra dẫn đến bước ngoặt tâm lý thuyết phục cho Ngọc Trầm lấy cớ dứt áo ra đi theo đại ban thành phố. Đó cũng chính là ưu tư của các tác giả trước thực trạng nghề: nghệ thuật đích thực đôi khi phải nhường chỗ cho những hâm mộ mù quáng, nảy sinh những giá trị ảo, được qui định bởi giá catsê.

May mắn là những lời dạy ấy không hoàn toàn vô nghĩa. Ngọc Trầm nhận ra mình không thể bước qua ranh giới cuối cùng: thoát y “rửa mắt” khán giả nhân danh nghệ thuật. Cô quay về gánh hát nghèo vừa được đầu tư lại, với chủ trương đề cao nghệ thuật đích thực, tuồng tích không nói chuyện xưa mà phải là chuyện thời nay, chuyện thiết thực, để mọi người còn quan tâm theo dõi...

Có thể nói, Cung đàn nào cho em cũng chính là tuyên ngôn của nhóm làm chương trình "Thắp sáng niềm tin" tại rạp Hưng Đạo, với mong muốn đem tiếng nói mới, không khí mới cho cải lương.

Có một điều chắc chắn là với Cung đàn nào cho em, những Thanh Ngân, Lê Tứ, Quốc Kiệt, Hữu Quốc, Lê Hồng Thắm... đã có những vai diễn mới, đậm dấu ấn để kể trong hành trang nghề nghiệp, chứ không phải là những vai lớn - đồ lại những cái bóng lớn. Trong vai Út Lượm - và sau này trở thành cô đào Ngọc Trầm - Thanh Ngân diễn tự nhiên, không bị áp lực rất nhiều màu tính cách: một cô gái quê thật thà tận tâm, rồi một cô đào hời hợt đỏng đảnh ham tiền, ham danh vọng - cái ham hố tự nhiên của bản năng, không làm người ta thấy ghét, thấy sợ mà thấy thương, vì thấy trước cái kết cục. Lê Tứ chững chạc trong vai ông soạn giả - bầu gánh hết lòng vì nghề nghiệp.

Hữu Quốc có thêm một vai già cảm động. Đặc biệt, Quốc Kiệt lần đầu tiên chứng tỏ khả năng làm chủ sân khấu, cực kỳ bản lĩnh trong một vai “độc lẳng”: kép Hoàng Sơn, một kẻ sở khanh thay người tình như thay áo và chẳng biết gì là nghĩa tình. Và Lê Hồng Thắm càng bất ngờ trong vai cô nữ sinh hiền lành biến thành cô đào thay thế vai trò chính của Ngọc Trầm, vì trẻ hơn, và “chịu chơi” hơn... Dàn diễn viên trẻ của cải lương rất cần những vở diễn mới, vai diễn mới và cách dàn dựng mới mẻ như thế để khẳng định mình.

Cung đàn nào cho em sẽ diễn tiếp vào đêm 31-10 tới đây cũng tại rạp Hưng Đạo. Và hai vở tiếp theo của loạt "Thắp sáng niềm tin", Trời Nam (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Thanh Tòng) và Bông ô môi (tác giả Hữu Tài - Vĩnh Lộc, đạo diễn Nguyễn Quân) vừa lên sàn để kịp ra mắt vào tháng mười một tới, hứa hẹn mang lại những vai diễn đậm nét mới rất đáng được cổ vũ...

(Theo TT)

Về đầu trang 

 

Soạn: AM 180961 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nghệ nhân Lai Xuân Điểm đang dạy trống.
Vang mãi tiếng trống Ginăng

Bất cứ lúc nào, chỗ nào, hễ các em nhỏ đến nhờ dạy trống, nghệ nhân Lai Xuân Điểm, dân tộc Chăm, ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cũng vui vẻ nhận lời. Có nhiều bữa bọn nhỏ đến rất đông, thiếu trống, ông phải đi mượn hàng xóm để tập.

Ở tuổi 71, nghệ nhân Lai Xuân Điểm vẫn còn năng động, hoạt bát lắm, đâu có đám đình lễ hội cần là ông sẵn sàng đến giúp. Cả cái làng Chăm Bỉnh Nghĩa gần 3 ngàn nhân khẩu, nhưng chỉ một mình ông và người em họ biết đánh trống Ginăng bài bản. Đây là một loại trống đặc sắc của đồng bào Chăm, dùng trong các lễ hội truyền thống dân gian của người Chăm. Mỗi bài tế có 4 nhạc cụ là: kèn Saranai, Chang, trống Baranưng và cặp trống Ginăng, trong đó trống Ginăng đóng vai trò chủ lực. Nghệ nhân kể, xưa theo ông bà học trống rất khổ, nhờ đam mê ông mới học thành tài. Đám trẻ học trống bây giờ đơn giản lắm, chỉ chăm chú luyện cho đôi tay nhuần nhuyễn, mềm mại là đánh được rồi.

Ông đã bỏ công sức nghiên cứu tạo nên các nốt (như bên tân nhạc) và viết thành từng bài một cho học trò học, nhìn vào những bản nhạc là biết ngay nhịp trống. Trong bộ nhạc, trống Ginăng có 2 cái, một trống để hòa nhịp, trống còn lại đánh từng nốt chính của bài tế. Với người Chăm tiếng trống Ginăng hết sức linh thiêng, nó được dùng trong các lễ hội tế thần, lễ được mùa...

“Ngày xưa, muốn làm ra được một cặp trống Ginăng, trước hết phải kiếm cho được một cặp da con nai, còn đỏ ở trong rừng. Thân trống phải được đẽo từ cây lim xanh, cây cốc da đá. Dây buộc trống cắt từ da của những con trâu đực tơ... Công phu lắm mới làm được trống Ginăng” - nghệ nhân Lai Xuân Điểm cho biết. Ở trong làng này không mấy gia đình có trống Ginăng. Do vậy việc lưu truyền dạy đỗ cho đám nhỏ là nguyện vọng cuối đời của nghệ nhân Lai Xuân Điểm.

Phải đến cả trăm đứa đến học mới được đôi đứa thành tài, riêng hai đứa cháu của ông thì ông buộc phải học bằng được cách đánh trống Ginăng. Ông đã từng đi biểu diễn khắp nơi trong nước, tiếng trống làm mê lòng nhiều du khách quốc tế. “Thế hệ mình già hết rồi, phải dạy cho đám nhỏ biết để lưu truyền tiếng trống Ginăng của dân tộc mình” - ông Điểm bộc bạch.

(Theo TN) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi