Triển lãm tranh ở VN: Chuyện không đơn giản
Mỗi năm ít nhất 1 triển lãm tại nước ngoài (Pháp, Canada, Đức, Thái Lan) nhưng ở VN, đợi mãi mới thấy Đỗ Quang Em tái xuất với Da cam (từ 14 đến 20-9 tại Không gian xanh) với một lời than: Triển lãm ở VN khó quá!
* Thế mà tôi nghĩ ngược lại: triển lãm ở nước ngoài mới khó chứ?
- Triển lãm ở nước ngoài thực sự chỉ khó khăn lúc đầu tiên. Nếu anh có mặt ở một trung tâm mỹ thuật lớn ở nước ngoài thì anh sẽ được chú ý ngay. Các tổ chức triển lãm thường tham khảo thông tin về các họa sĩ thông qua các trung tâm này.
Sau đó thì nhà tổ chức sẽ tìm đến gặp họa sĩ, mình nói ý tưởng của mình và họ sẽ trực tiếp xem tác phẩm. Quan trọng nhất đối với họ là ý tưởng, còn việc làm như thế nào là khả năng của họa sĩ.
* Một họa sĩ làm việc ở trong nước làm sao gây đựoc chú ý với các trung tâm mỹ thuật nước ngoài? Ý tôi muốn nói là làm thế nào để vượt qua khó khăn lần đầu tiên như anh nói?
- Hiện nay họa sĩ VN có 2 cách để đưa tác phẩm ra nước ngoài. Một là tập trung làm việc ở trong nước. Hai là tìm kiếm và gửi thông tin về mình tới các triển lãm nước ngoài.
Có người chọn các này, có người chọn cách khác, nhưng tôi hiện nay thì chỉ tập trung làm việc thôi vì tôi cảm thấy mình chưa đủ mạnh để "xin" những nơi mình muốn, những triển lãm lớn.
Ở nước ngoài, triển lãm mở rất thường xuyên, như Paris chẳng hạn, trong 1 tháng có thể có tới 2000 triển lãm. Nhưng triển lãm ở đâu mới là quan trọng, cũng giống như ở TP. HCM có bảo tàng, gallery và phòng tranh Đồng Khởi vậy.
Hồi tôi mới sang Pháp học, có gallery mời triển lãm, lúc đầu mình cũng thích, sau mói hiểu họ mời mình như vật lạ, kiểu mây tre lá từ VN sang để mua bán thôi. Mỗi gallery có một mục đích riêng mà.
Với tôi, quan trọng mình phải là người có khả năng ở trong nước mình trước, và rồi có khả năng ở trong vùng của mình, khi có mặt trong một triển lãm quốc tế phải với tư cách họa sĩ của vùng mới là vị trí lâu dài và bền vững.
* Không chỉ anh, mà nhiều họa sĩ có tên tuổi khác, tôi đều thấy họ triển lãm ở nước ngoài nhiều hơn tại VN. Anh nói triển lãm ở VN khó hơn, vậy khó hơn ở điều gì?
- Thứ nhất, khó về tài chính. Hiện nay muốn triển lãm ở VN, họa sĩ phải bỏ tiền túi ra hết mà không biết đề tài mình làm có được triển lãm không. Xin phép triển lãm hiện nay là điều các họa sĩ như tôi rất ngán.
Như triển lãm Da cam lần này, thời gian cấp phép đúng bằng thời gian gallery sắp xếp cho mình chỗ bày. Chị sẽ nói là tại sao không chịu xin phép trước. Nhưng nghệ thuật có những lúc làm sao biết trước được hàng tháng trời.
Triển lãm Da cam là một phản ứng xã hội (hưởng ứng cuộc vận động vì những nạn nhân chất độc màu da cam), văn hóa là phản ứng xã hội. Phải đợi xin phép mới được phản ứng thì còn có giá trị gì.
Tại sao không áp dụng một cách làm khác: họa sĩ báo những gì mình làm (ý tưởng, hình ảnh...), nếu Sở VH-TT thấy có vấn đề gì thì xuống làm việc trực tiếp với họa sĩ. Sở VH-TT phải tin tưởng vào nghệ sĩ chứ. Hiện nay cả hai phía đều không tin nhau.
Tôi nói thật, khi họa sĩ còn làm việc ở VN là họ còn yêu nước, không bao giờ họ muốn gây rắc rối. Tất nhiên cũng có thể có một vài người "quậy". Nhưng không thể vì thiểu số ấy bắt số đông phải chịu.
* Thêm một thắc mắc nhỏ: các tác phẩm sắp đặt, video-art của anh không bán (kể cả triển lãm tại nước ngoài), vậy họa sĩ sống bằng gì?
- Chỉ ở VN làm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video-art... mới không có tiền thôi chứ ở nước ngoài có tiền đấy. Nghệ thuật mới nhắm vào khai thác thông tin, biến sự kiện thành tiền. Như ở triển lãm Bản sắc với toàn cầu hóa tại Thái Lan mới đây, các tác phẩm của sinh viên trường Đại học Silpakorn được treo ở sân bay Chiangmai thì sân bay trả tiền cho các sinh viên này.
Còn hiện tại ở VN tôi sống bằng tranh vẽ. Tôi vẽ lại hình ảnh những tác phẩm trong triển lãm sắp đặt, mỗi tháng cũng bán được 15 triệu. Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ có một triển lãm tranh tại Đà Lạt. Tại sao lại ở Đà Lạt ư? Nơi nào triển lãm được thì tôi tới thôi. Họa sĩ nào cũng muốn được làm việc
(Theo TTVH)