1.LHP lần thứ 14 - một LHP hướng về khán giả
2.'Sao' và tình yêu thời thơ ấu
3.Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004: Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
4.Các tác giả giải nhì cuộc thi biểu trưng văn hoá TP.HCM trả lại giải thưởng
5.Sẽ khôi phục cầu Long Biên như kiến trúc ban đầu
LHP lần thứ 14 - một LHP hướng về khán giả
Ngày hội lớn của điện ảnh VN - LHP VN lần thứ 14 sẽ diễn ra tại Buôn Ma Thuột từ ngày 4 đến 7-11. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh - về công tác chuẩn bị cho LHP lần này:
* Bà có thể cho biết về tiến độ chuẩn bị cho LH?
- Chúng tôi đã sẵn sàng cho một sự kiện lớn của ngành điện ảnh. Tham dự có khoảng 500 đại biểu, 100 phóng viên báo chí và đông đảo bà con các dân tộc Tây Nguyên. Lễ bế mạc, trao giải thưởng sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình VN tối 7-11.
Hai rạp lớn của Buôn Ma Thuột là Kim Đồng và Trần Hưng Đạo cũng được đầu tư hơn 3 tỉ đồng để nâng cấp, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đủ điều kiện phục vụ cho LH. Chúng tôi đã ký hợp đồng với 7 khách sạn lớn để lo chỗ ăn, ở cho các đại biểu. Ngoài ra, chúng tôi được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc và Tổng công ty Hàng không VN.
* Các LHP trước thường được tổ chức tại các thành phố lớn, tại sao lần này lại được tổ chức tại Tây Nguyên ?
- Đây cũng là điều thú vị của LH lần này. Lần đầu tiên, chúng tôi tổ chức được một cuộc gặp gỡ quy mô của những người làm điện ảnh tại Tây Nguyên, một vùng văn hóa đặc sắc, nơi chắc chắn chứa đựng rất nhiều điều thú vị với các nghệ sĩ.
Lý do khác, chúng tôi muốn LHP thực sự là một tuần lễ văn hóa lớn, có ý nghĩa để phục vụ đồng bào Tây Nguyên, là dịp bà con Tây Nguyên được trực tiếp gặp gỡ với rất nhiều nghệ sĩ mà lâu nay chỉ được thấy trên phim ảnh.
Sẽ có 3 buổi giao lưu lớn của những người làm điện ảnh với bộ đội biên phòng và bà con ở Buôn Đôn; công nhân Nông trường Cà phê Thắng Lợi; sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn có một đêm giao lưu với khán giả; tham gia lễ hội đua voi ở Bản Đôn, lễ hội cồng chiêng...
* Những điểm mới trong LHP lần này?
- Số lượng phim tham gia nhiều nhất từ trước đến nay: 100 phim cho các thể loại, trong đó phim truyện nhựa là 22 phim, đặc biệt là có sự tham gia của Hãng phim tư nhân Thiên Ngân với Những cô gái chân dài. Theo chúng tôi, đây là lần đầu tiên, một hãng phim tư nhân tham gia với trình độ khá chuyên nghiệp, có thể nói là "ngang" với các hãng phim nhà nước.
Hội thảo trong khuôn khổ LH lần này cũng có sự khác biệt lớn. Những LH trước, các hội thảo đều chỉ tập trung bàn về nghiệp vụ, tình hình sản xuất phim, tức là "đầu vào" của phim, thì lần này chúng tôi chỉ dồn sức vào tổ chức một hội thảo duy nhất Phim VN với khán giả, tức là đã bắt đầu quan tâm đến "đầu ra" của phim.
* Tiêu chí lựa chọn và thành phần của ban giám khảo lần này?
- Sẽ có 4 ban giám khảo cho 4 thể loại: phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu và phim hoạt hình. Mỗi ban giám khảo có từ 7-9 người. Thành viên sẽ phải là người đạt được những thành tựu xuất sắc trong nghề nghiệp, có uy tín, công tâm, và đặc biệt là không cực đoan. Thêm nữa, không có phim của mình hoặc của người nhà tham gia dự thi.
Ban giám khảo sẽ có sự tham gia của các đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế... Cho đến giờ phút này, danh sách các ban giám khảo vẫn được giữ kín để đảm bảo công bằng cho cuộc thi. Tuyệt đối không có sự "chạy chọt" như vẫn thường đồn đại.
(Theo TN)
Về đầu trang
|
CS Hồng Ngọc. | 'Sao' và tình yêu thời thơ ấu
Mỗi người đều có một thời thơ dại với những tình cảm dại khờ, ngây thơ và dễ thương, để rồi sau đó trở thành những kỷ niệm đẹp trong mắt nhau. Các "sao" đã yêu mối tình đầu của mình như thế nào?
Hoàng Bách (AC&M)
- Hành động lãng mạn nhất anh đã làm thời tình yêu học trò là gì?
- Năm 4 tuổi, tôi mời một cô bé 5 tuổi khiêu vũ. Tôi và cô bé đứng nhảy trên tấm phản, cũng quay vòng, ngả lưng hẳn hoi. Cả xóm già trẻ lớn bé bu lại xem. Hôm sau, cứ ai nhìn thấy tôi hay cô bé kia là chọc. Chọc đến mức cả hai gặp nhau là trốn biệt.
- Vậy còn cơn ác mộng suốt thời tình yêu bé dại?
- Tôi cứ nằm mơ thấy cô bé ấy cùng một lô xắc xông hàng xóm vừa chọc ghẹo vừa rượt mình chạy. Tình yêu đầu đẹp đẽ của tôi đã tan tành bởi "búa rìu dư luận" hàng xóm.
- Anh đã dùng chiêu thức gì để kéo các cô bé đến gần?
- Năm lớp 2, tôi để ý đến một cô bé tên Nhung. Suốt ngày, tôi cứ ra rả đem ra khoe nào nhà mình có xe máy, có tủ lạnh, có TV... Cô bé vẫn chẳng thèm nhìn tới tôi một cái. Đáng quăng muối nhỉ?
Mỹ nhân ngư Mỹ Lệ
- Quan niệm về tình yêu của chị?
- Ly đã bể làm sao hóa thành tô lành. Dễ hiểu nữa là, người yêu cũ sẽ không làm bạn được.
- Chị nghĩ sao nếu yêu ở tuổi học trò?
- Nên thật thà khai báo cho các vị phụ huynh, nếu thật sự gặp trục trặc về tâm lý để có những lời khuyên kịp thời và đúng lúc. Nhưng nhớ chọn thời điểm thích hợp mà nói. Đừng có kiểu dựng đầu ba mẹ dậy mời nghe "bản tin lúc 0 giờ" thì có thương cũng không ai cứu nổi đâu.
- Chị bắt đầu yêu từ hồi nào?
- Chính xác là năm lớp 7. Hắn là bạn học chung lớp với Ngọc.
- Duyên cớ nào đưa chị đến với mối tình thơ dại này?
- Hắn cùng học võ chung với anh trai của Ngọc. Một lần lớp võ đi đá banh, Ngọc đang híp miệng, hét cổ vũ thì... "bốp", hắn đá trái banh văng nguyên vào giữa trán Ngọc. Sưng u một cục, đau phát khóc. Sau đó người ta hối hận, chạy ra ân cần hỏi han, xoa đầu, xuýt xoa bóp muối loạn lên. Tự nhiên thấy mình bị u đầu cũng đáng.
- Chị đã làm thế nào để bày tỏ tình yêu?
- Ngọc làm Sao đỏ của lớp. Từ ngày đó, có người đi trễ, thiếu khăn quàng, mang dép xẹp lép... bị gì cũng được ung dung thoát tội hết.
- Giữa chị và "hắn ta" giới hạn tình cảm đến mức nào rồi?
- Một lần và duy nhất Ngọc dám cầm tay. Khi cả lớp chụp hình chung, kiểu anh em ta dung dăng dung dẻ ấy mà.
- Bây giờ "hắn" ra sao?
- Anh ấy vẫn ở dưới quê, và lấy vợ rồi. Ngọc cũng đã có anh Nhiên. Thôi, xong!
- Sau này làm mẹ, chị sẽ thế nào nếu con mình yêu quá sớm?
- Đó là tình cảm tự nhiên, và rất dễ thương, có muốn cấm cũng không được, miễn sao đừng làm gì vượt giới hạn là được.
(Theo Hoa Học Trò)
Về đầu trang
Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004: Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
Hết trục trặc về khâu kịch bản lại đến chuyện các đoàn phía Nam chẳng mặn mà tham dự, nhưng cuối cùng, Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004 vẫn khai mạc tại Hải Phòng. Nửa chặng đường đã qua đi. Người yêu sân khấu đã phần nào thấy được diện mạo của hội diễn. Và lo lắng…
Ít ngày trước khi hội diễn mở màn, NSƯT Lê Chức, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức đã có một tuyên bố làm mát lòng người yêu sân khấu: "Hội diễn năm nay không đi vào những câu chuyện truyền thuyết, dã sử mà khuyến khích các đoàn khai thác những vấn đề mới của cuộc sống hiện tại". Chưa nhặt ra được cái mới ở đâu, qua nửa chặng đường đã thấy nhiều người kết luận gọn lỏn về hội diễn: sáng bom đạn, chiều đạn bom, tối hậu chiến! Trên cái nền chiến tranh ấy là những mô-típ nhân vật - số phận một thời từng là cảm hứng chủ đạo của sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng chính là "thủ phạm" đã mài mòn cảm xúc của khán giả với phim truyền hình, và nay, rất có thể đến lượt kịch nói. Đó là các cô thanh niên xung phong ồ ạt rủ nhau lên sân khấu... chửa hoang. Đó là những khúc mắc của thời hậu chiến đẩy người ta đến cảnh điên loạn, nếu không thì thoái hóa biến chất. Nửa chặng đường hội diễn vẫn chưa thấy một nhà viết kịch bản, một đơn vị nghệ thuật nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn chiến tranh - hậu chiến ấy. Không biết ban tổ chức có rầu lòng hay không nhưng người xem thì... quá oải.
Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004 diễn ra tại Hải Phòng từ 14 - 22/10 với 15 đoàn tham dự. Theo Ban tổ chức, Ban giám khảo sẽ không chấm các giải vàng, bạc mà chỉ chọn ra một tác phẩm "đỉnh cao" duy nhất. Giải thưởng dành cho diễn viên sẽ không quá 30% tổng số lượng diễn viên.
Rồi nhan nhản khắp các vở là những lời thoại khi thì chỉn chu, dài dòng, lịch thiệp như văn viết: "Chú ấy không khỏi ngạc nhiên khi biết con quyết định xin về tỉnh" - đấy là con nói với mẹ; khi thì khó hiểu: "Thời gian vật chất của chúng ta không còn nữa", làm ngay đến Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Trọng Khôi cũng cắt nghĩa không ra "thời gian vật chất" là gì. Khán giả ngồi xem thì tha hồ được... đỏ mặt bởi những màn yêu đương sống sượng trên sân khấu. Lắm người hỏi nhau, các cô thanh niên xung phong thời ấy sao mà... phóng khoáng thế. Cứ thản nhiên hô nhau đi... tắm tiên rồi vận quần... đùi mà diễu qua diễu lại trước mắt các anh bộ đội. Rồi tiếp đến là những cuộc tình chớp nhoáng theo kiểu cười một cái là... yêu, là sẵn sàng cho đi... tất cả. Những chi tiết nhỏ nhưng cực kỳ nhạy cảm, rất tiếc lại không được các đạo diễn chú ý. Có ai mà tin nổi, một cô gái vốn nhút nhát, lần đầu tiên ra mắt mẹ người yêu đã thổn thức tâm sự tất tật mọi chuyện riêng tư, và còn nức nở: "Khi anh ấy ngỏ lời, cháu đã khóc". "Tại sao cháu khóc?". "Vì anh ấy là công an". Hóa ra, bố của cô gái ấy cũng là công an. Vậy nên mới khóc(???). Sau khi xem những vở đầu tiên, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đến từ TP.HCM nhận xét rằng: "Bắc quá". Hỏi "Bắc" nghĩa là sao, chị giải: "Là khán giả không tin được, không tin được tức là không bán vé được". Còn nhà văn Ngô Thảo, tham dự hội diễn với tư cách khách mời, cười mà rằng: "Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Một hội diễn của những người muôn năm cũ, đó là nhận xét của cánh phóng viên sân khấu đã theo dõi nhiều kỳ hội diễn. 10 năm, rồi 5 năm gặp lại, mà diễn viên vẫn chỉ ngần ấy gương mặt, đạo diễn cũng chỉ từng ấy "thương hiệu", từng ấy cách dàn dựng (năm nay, từ các đoàn trung ương đến địa phương đều cất công "rinh" về bằng được hai ông Lê Hùng hoặc Doãn Hoàng Giang, khiến không ít người trước hội diễn đã lên tiếng cảnh báo về sự cào bằng chất lượng). Nửa chặng đường đã ngổn ngang mối lo. Dù sao, vẫn còn nửa chặng đường phía trước để hy vọng.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Các tác giả giải nhì cuộc thi biểu trưng văn hóa TPHCM trả lại giải thưởng
Sau khi Thanh Niên ngày 5/10/2004 đăng bài "Phát hiện từ cuộc thi biểu trưng văn hóa TP.HCM: Ý tưởng tác phẩm đoạt giải nhì là của... Thái Lan!", nhóm tác giả gồm KTS Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Văn Sáu và Đỗ Minh Quốc đã gửi UBND và Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM bản tường trình nhận lỗi và xin trả lại giải thưởng cho UBND TP.HCM.
Bản tường trình do KTS Nguyễn Trung Chính - thay mặt nhóm KTS dự thi viết:
“Nhân bài báo Phát hiện từ cuộc thi biểu trưng văn hóa TP.HCM: Ý tưởng tác phẩm đoạt giải nhì là của... Thái Lan! đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 5/10/2004, nhóm kiến trúc sư dự thi chúng tôi (gồm: Nguyễn Trung Chính - chủ trì, Nguyễn Văn Sáu, Đỗ Minh Quốc thuộc Công ty TNHH Thiết kế - Xây dựng NTC) xin trình bày một vài ý kiến đã được thảo luận và cân nhắc kỹ của nhóm như sau:
* Về ý tưởng xuất phát ban đầu của đồ án: Vào khoảng tháng 12/2003, chúng tôi có nhận được thư mời tham gia Cuộc thi thiết kế Logo ASEM 5 - Hà Nội 2004 của Bộ VHTT kèm theo mẫu logo của 4 kỳ ASEM trước. Trong quá trình tham gia thiết kế logo dự thi, do nghiên cứu các mẫu logo đã có, nhóm chúng tôi cảm nhận ý tưởng của logo ASEM 1 - Bangkok'96 có tính mỹ thuật cô đọng nên đã phát triển ý hoàn chỉnh dựa trên hình khối kiến trúc không gian 3 chiều cho biểu trưng văn hóa trên đường Trường Sơn.
* Mặc dù giữa một bên là hình phẳng một bên là hình khối không gian ba chiều nhưng ý tưởng gốc vẫn là chủ đạo nên nhóm tác giả chúng tôi tự cảm thấy có lỗi với tác giả của logo ASEM 1 - Bangkok'96. Qua bản tường trình này, nhóm tác giả chúng tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến tác giả của logo ASEM 1 - Bangkok'96.
* Nhận thấy không xứng đáng với giải thưởng của UBND TP, nay chúng tôi xin tự nguyện gửi lại Quyết định trao giải thưởng của Chủ tịch UBND TP cho đồ án dự thi thiết kế Biểu trưng văn hóa trên đường Trường Sơn (sân bay Tân Sơn Nhất) - ký hiệu E5 - mã số: C.56789 cùng với số tiền thưởng 30 triệu đồng kèm theo lời xin lỗi chân thành nhất”.
Qua trao đổi với PV báo Thanh Niên, KTS Nguyễn Trung Chính cho biết cùng với bản tường trình, nhóm của ông đã mang 30 triệu đồng là số tiền giải thưởng đến Sở VHTT TPHCM trả lại cho BTC cuộc thi.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
|
Cầu Long Biên năm 1925 | Sẽ khôi phục cầu Long Biên như kiến trúc ban đầu
Bộ Giao thông Vận tải vừa chấp thuận báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "Khôi phục cầu Long Biên" do liên danh tư vấn Thales Engineering và Consulting, Coyne và Bellier (Pháp) cùng Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải nghiên cứu.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, cầu Long Biên sẽ được khôi phục lại như kiến trúc ban đầu với tổng mức đầu tư 150 triệu euro, thời gian thi công là 5 năm.
Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 12 triệu euro sẽ tiến hành bảo dưỡng, gia cường kết cấu cũ để đảm bảo tốc độ chạy tàu tối đa là 25 km/giờ và phục vụ người đi bộ, xe thô sơ, xe buýt chạy trên làn đường riêng. Dự kiến 30% kết cấu gốc và 23% kết cấu tạm được sửa chữa, thay thế.
Giai đoạn 2 sẽ tiến hành xây dựng một cầu mới phục vụ tuyến đường sắt trên cao Yên Viên-Ngọc Hồi và sửa chữa, khôi phục gia cường, nâng tĩnh không cầu hiện tại.
Việc khôi phục cầu chủ yếu là phá bỏ 20 trụ tạm, 17 dàn tạm của kết cấu hiện tại. Kết cấu ban đầu của cầu sẽ được khôi phục từ trụ P5 đến P17. Hai bên cánh gà của cầu được mở rộng thêm mỗi bên 1,5m, nâng tĩnh không của cầu thêm 3m từ trụ P14 đến P16 (dài khoảng 200m) để đảm bảo thông thuyền trong mùa mưa bão. Các dầm ngang cũng sẽ được thay thế và gia cường để đáp ứng trọng tải của xe buýt.
Kinh phí cho giai đoạn này khoảng 137 triệu euro, trong đó 85 triệu euro dành cho việc xây dựng 1 cây cầu mới.
Cây cầu mới sẽ được xây dựng cách vị trí cầu Long Biên 50m về phía thượng lưu, thời gian thi công khoảng 2,5 năm, chủ yếu phục vụ cho hai làn đường sắt và làn đường dành cho người đi bộ, vì trong khi tiến hành khôi phục cầu Long Biên sẽ bắt buộc phải ngừng hoạt động giao thông trong một thời gian dài, hơn nữa cầu Long Biên dù đã khôi phục cũng sẽ không chịu nổi trọng tải của hai làn đường sắt.
Cầu Long Biên, có tổng chiều dài gần 2.300m, trong đó cầu chính dài trên 1.800m, được khởi công xây dựng từ năm 1898 và đưa vào sử dụng từ năm 1902.
Qua một thế kỷ khai thác, dưới tác động của thời gian và hai cuộc chiến tranh, cầu đã bị hư hỏng nặng. Hiện tại chỉ có 9 nhịp ở phía Hà Nội, dài 767m, là tương đối nguyên vẹn, còn toàn bộ dầm thép phía Gia Lâm đã bị hư hỏng nặng và đã phải gia cố tạm nhiều lần.
(Theo TTXVN)
Về đầu trang |