Tin văn hoá trên các báo ra ngày 14/10
08:42' 14/10/2004 (GMT+7)

1.Tại sao cứ phải ''là'' Tuấn Ngọc?

2.Nhà văn Việt Nam đoạt Giải thưởng văn học ASEAN 2004 

3.Hội diễn SK kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2004: Hy vọng tìm được giá trị thuật 

4.Kasim Hoàng Vũ:''Tôi đi chậm, nhưng chắc''...

 

Soạn: AM 170305 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
CS Tuấn Ngọc
Tại sao cứ phải ''là'' Tuấn Ngọc?

Tại sao cứ phải so hay tự so mình với một ca sĩ khác? Phải chăng ca sĩ đó lại là chuẩn mực của sự hát và thành công? Tại sao cứ tự huỷ diệt cái ''tôi'' độc nhất của mình, dù hay dù dở ''mình vẫn là mình'', để rồi tự mình "nhân bản vô tính" theo một khuôn mẫu?

Một buổi tối, ghé vào quán nhạc ngã tư Võ Thị Sáu - Trương Định nghe nhạc, được một nam ca sĩ trẻ hát vài bản nhạc ưa thích, khá êm tai. Giọng của ca sĩ trẻ này nghe cũng được, cho dù, (nếu không lầm) không có dấu hiệu gì chứng tỏ đã qua đào tạo thanh nhạc.

Một buổi tối khác, bước vào một quán nhạc khác trên đường Ngô Đức Kế, anh chàng nhạc công kiêm ca sĩ này có chất giọng khoẻ hơn, hơi dài hơn, nhả chữ chính xác, luyến láy vững vàng, mang dáng dấp của một cựu sinh viên nhạc viện. So với cậu ca sĩ kia, "công lực" có phần hơn.

Rồi thì một "sao". Thú thật là chưa từng "diện kiến" trên một sân khấu nào. Mới chỉ "văn kỳ thanh" qua vài đĩa nhạc, sau khi được một bạn già phía Bắc giới thiệu: "Nghe đi. Hơn đứt Tuấn Ngọc". Nghe qua, cũng thấy hay hay.

Thế nhưng trong cả mọi trường hợp, cảm giác duy nhất lại là chán ngán. Tại sao cứ lại phải so hay tự so mình với một ca sĩ khác? Phải chăng ca sĩ đó là cái chuẩn mực của sự hát và thành công? Tại sao cứ tự huỷ diệt cái Tôi độc nhất của mình, dù hay dù dở "mình vẫn là mình", để rồi tự "nhân bản vô tính" theo một khuôn mẫu?

Thú thật, tôi là một người già đã nghe Tuấn Ngọc từ giữa những năm 1960, nghe "sống" từ "Đêm Màu Hồng" đến "Tự Do"... Từ khi anh còn trong ban nhạc Spotlights cùng với Đức Huy (lead guitar, vocal), và Tùng Giang (drums), chơi từ rythm guitar chuyển qua chơi bass thế cho Billy Shane rời Việt Nam và ban nhạc The Strawberry Four, nhờ quốc tịch Hồng Kông của mình.

Sau này, tôi cũng thích nghe Tuấn Ngọc hát. Song không phải thích tất cả các bài anh hát. "Riêng một góc trời", "Cỏ hồng"... có thể là những bài hát thành công của anh. Gần 30 năm xa xứ, Tuấn Ngọc vẫn được nhiều khán giả trong nước cũng như hải ngoại yêu mến. Giọng ca của anh trở thành "khuôn vàng thướt ngọc" cho một số nam ca sĩ. Cứ tự rèn luyện cho "giống Tuấn Ngọc"! Trái lại với ngày xưa, cùng thời với Tuấn Ngọc có Anh Ngọc, Sĩ Phú, Elvis Phương, Duy Trác, Anh Khoa... mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai, chẳng ai muốn (thèm) giống ai. Vì mỗi người trong số họ đều tự hào "tôi là tôi". Cái đẹp của mỗi con người là ở chữ ''ngã'' đó. Cái "ngã" độc nhất, tại sao lại đi "diệt ngã" phi lý?

(Theo Đẹp)  

Về đầu trang 

Nhà văn Việt Nam đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN 2004

Tối 12/10, tại Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2004. Dự lễ trao giải có đại sứ các nước ASEAN tại Thái Lan, đại diện Hội Nhà văn Thái Lan. Nhà văn quân đội Đỗ Chu, vinh dự đại diện cho các nhà văn Việt Nam, được nhận Giải thưởng này.

Nhà văn Việt Nam Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh năm 1944 tại Bắc Giang, Hội viên Hội Nhà văn từ năm 1971, hiện là Trưởng ban Văn học trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà văn viết truyện ngắn và ký văn học xuất sắc nửa sau thế kỷ 20 với những tác phẩm đã đi vào lòng bạn đọc nhiều thế hệ như: Hương cỏ mật (1963), Phù sa (1966), Trung du (1967), Tháng hai (1969), Vòng trời quen thuộc (1969), Đám cháy trươc mặt (1970), Gió qua thung lũng (1971), Những chân trời của các anh (1990)… Với bút pháp văn xuôi độc đáo, tác phẩm của ông phần lớn lấy đề tài từ các làng quê, đạo lý của những con người, phong tục tập quán dân tộc.

Tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng đã được trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2004.

Giải thưởng Văn học ASEAN là hoạt động nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ và tài năng văn học của các quốc gia trong khu vực lần đầu được tổ chức vào năm 1979 và từ đó đã trở thành giải thưởng uy tín hằng năm.

(Theo VOV) 

 

Về đầu trang 

Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2004: Hy vọng tìm được giá trị thật

Bắt đầu từ hôm nay, 14/10 đến 22/10, sau 5 năm, Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2004 sẽ diễn ra tại Hải Phòng. Trong thực trạng sân khấu như... "chợ chiều" hiện nay, việc tổ chức các hội diễn, liên hoan chắc hẳn có không ít chuyện để bàn.

Điều khác so với các hội diễn trước đây là Ban tổ chức chỉ tập trung trao giải thưởng cho diễn viên, còn đối với vở diễn sẽ chỉ có một tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu nhất. Giải thích với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Lê Chức, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Trưởng ban Tổ chức cho biết: "Sở dĩ hội diễn này chúng tôi đề ra tiêu chí như vậy vì thực tế sân khấu hiện nay và nhất là sau khi Hội đồng xem xét các vở đăng ký tham gia hội diễn thấy rằng các vở diễn đều chưa đạt được những giá trị cao về mặt nghệ thuật... Chính vì thế việc lựa chọn trao giải thưởng cho diễn viên có thể coi là cái mới trong hội diễn sân khấu lần này...".

Theo thông báo của BTC giải thưởng dành cho diễn viên cũng không quá 30% so với số diễn viên tham gia và như vậy có thể nói mô hình "cả làng được huy chương" xem ra được loại bỏ ngay từ đầu, tuy nhiên theo chúng tôi tỉ lệ 30% vẫn còn là quá cao so với một hội diễn và rất khó thuyết phục với công chúng khi sân khấu đang bị đánh giá là sa sút như hiện nay.

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về việc BTC sẽ đánh giá như thế nào là một tác phẩm xuất sắc và được gọi là "đỉnh cao" từ hội diễn này, ông Lê Chức giải thích: "Tôi muốn nói một cách rõ ràng là việc lựa chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất trong hội diễn cũng chỉ dừng lại là tác phẩm xuất sắc nhất của hội diễn 2004 (ông nhấn mạnh 2004) chứ không phải là tác phẩm đỉnh cao của sân khấu kịch nói. Nếu chúng ta không rành rọt và sòng phẳng về khái niệm này sẽ là vấn đề không hay và tạo tiền lệ để ai đó có thể vống lên thành những thương hiệu thì quả là tai hại...". Cục NTBD đã yêu cầu các đơn vị nghệ thuật tạm gác lại các đề tài khác và tập trung chủ yếu vào đề tài đương đại trong hội diễn mà thôi.

NSND Trọng Khôi, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu VN: Trao giải thưởng cho diễn viên là hợp lý bởi vì chính diễn viên là những người có nhiều đóng góp nhất đối với việc thể hiện tác phẩm sân khấu. Bên cạnh đó việc trao thưởng cho diễn viên còn là những ghi nhận của Nhà nước, của các tổ chức nghề nghiệp đối với diễn viên, đây cũng là cơ sở để sau này có thể xem xét việc phong tặng các danh hiệu, chức danh của người nghệ sĩ sân khấu. Việc trao thưởng cho các vở diễn như trước đây cũng có nhiều vấn đề. Trao nhiều giải thì thực sự không có giá trị, không trao giải hoặc giải thưởng thấp thì các đơn vị sẽ không vui vì đơn vị nào, địa phương nào cũng chạy theo bệnh thành tích. Chính vì thế hội diễn lần này chỉ chọn lựa trao giải cho một vở diễn xuất sắc nhất theo tôi là cách làm hay vì không chỉ tránh được chuyện "vui vẻ cả" mà còn chọn được vở diễn nổi trội để tiếp tục đầu tư nâng cao để trở thành những tác phẩm sân khấu có giá trị thực sự.

Đối với việc các đoàn sân khấu xã hội hoá phía nam không tham gia cũng đặt ra với chúng ta vấn đề có nên tổ chức một liên hoan sân khấu giữa các đoàn xã hội hóa hay không? Tuy nhiên cũng cần cân nhắc liệu có bão hòa liên hoan hội diễn...

NSƯT Lê Chức, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Hội diễn sẽ là thi thố thực sự, tôi khẳng định sẽ không có sự cơ cấu. Chính vì thế mà Cục NTBD sẽ lựa chọn một Hội đồng giám khảo gồm những người có uy tín mà đến giờ phút này tôi chưa thể công bố ngoài vị chủ tịch là GSTS Đình Quang và thành phần sẽ không có nhạc sĩ. Tôi cũng như BTC đều hy vọng Hội đồng giám khảo lần này sẽ công tâm, khách quan để chấm chọn ra vở diễn và những gương mặt diễn viên xuất sắc của hội diễn. Tôi cũng xin lưu ý rằng trong trường hợp hai vở diễn cùng bằng điểm nhau có thể BTC sẽ lựa chọn trao đồng giải xuất sắc.

Trong buổi họp báo ngày 9.10.2004, Cục NTBD cũng chính thức thông báo số lượng 15 vở của 15 đoàn địa phương phía bắc đăng ký tham gia hội diễn mà không có đoàn nào đến từ các tỉnh phía nam. Thay mặt BTC, ông Lê Chức cho biết: "Lúc đầu cũng có một vài đoàn nghệ thuật kịch xã hội hóa TP.Hồ Chí Minh tham gia nhưng cuối cùng cũng xin rút vì lý do kinh tế. Cục NTBD cũng có thiện chí bằng cách hỗ trợ 50% kinh phí đi lại cho các đoàn kịch xã hội hóa với mong muốn đông đủ các thành phần tham gia song đến phút cuối vẫn không có đoàn nào nhận lời". Có nhiều cách đánh giá về vấn đề này. Thực tế các diễn viên trong các đoàn kịch xã hội hóa phải tự trang trải và chi phí rất nhiều và cuộc hội diễn như thế này thực ra cũng không phải hấp dẫn đối với họ, kể cả đoạt giải thưởng có lẽ cũng không quan trọng đối với họ. Hơn nữa việc phải thi thố với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước cũng không phải là điều dễ dàng mà nếu không được kết quả gì thì đúng là chuyện "tự bôi mỡ vào người cho kiến đốt". Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên hội thi tài năng trẻ mới đây khi hàng loạt những diễn viên cải lương từng đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang lại không đoạt được giải gì dù chỉ là giải khuyến khích.

Tiếng trống của hội diễn sân khấu kịch toàn quốc 2004 chưa khai cuộc song biết bao những vấn đề đã được đặt ra. Thật khó cho BTC và cho các đơn vị nghệ thuật tham gia vì từ lâu nay hội diễn luôn bị trượt theo vết rãnh cũ: Tính phong trào. Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VHTT đã từng thừa nhận là hội diễn, liên hoan để "động viên là chính". Liệu hội diễn lần này có hy vọng khẳng định được công chúng và ngay những người làm nghề sân khấu mới giật mình và cố gắng để tìm lại những giá trị thật mà lâu nay đã bị những giá trị ảo che lấp.

(Theo Lao Động) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 170297 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Kasim Hoàng Vũ
Kasim Hoàng Vũ: "Tôi đi chậm, nhưng chắc"

Kể từ sau đêm chung kết cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn, khán giả thấy Kasim Hoàng Vũ thường xuyên bay ra Hà Nội, Đà Nẵng... biểu diễn. "Tôi đi chậm, nhưng chắc!" - Kasim mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên TTO.

* Sau "Sao Mai điểm hẹn" thì Kasim có những kế hoạch gì để phát triển nghề nghiệp?

- Sao Mai điểm hẹn như một mốc son đáng nhớ, nhưng đó là mốc son nối giữa một Kasim trước đây và một Kasim sắp tới. Có nghĩa là tôi vẫn giữ cho mình những mục tiêu, hoài bão trong âm nhạc.

Trước Sao Mai tôi đã ra album Vol.1 Vì yêu được nhiều khán giả đón nhận. Sau khi thành công tại Sao Mai, album tôi sức tiêu thụ lại tăng vọt còn bản thân ra sân khấu được khán giả đón chờ hơn. Niềm vui đó tạo cho tôi một sức ép dễ thương. Nghĩa là tôi phải gắng sức làm việc nhiều hơn nữa.

Cuối năm nay tôi phải ra mắt album Vol.2 với những sáng tác mới, đồng thời một kế hoạch ghi hình cho MTVAsia cũng đang xúc tiến.

* Còn những dự định gần nhất?

- Trong ba đêm 15, 16 và 17-10 này tôi sẽ hát riêng tại Dragon Wine Bar (48-Đồng Khởi, quận 1). Chương trình sẽ gồm khoảng 12 ca khúc. Tôi sẽ trình bày lại chùm ca khúc từng thể hiện thành công tại Sao Mai điểm hẹn như Đường xưa, Hãy đến với em, Sói con ngơ ngác, Đôi mắt Pleiku, Sài Gòn đêm nay, Chuyện nhỏ... Một số bài trích từ album Vol.1 như Vì yêu, Khó nói lời chia tay (Elton John & Blue)...

Đặc biệt tôi sẽ trình làng ca khúc mới sáng tác của mình Yêu em để biết xót xa. Từ sau Sao Mai điểm hẹn tôi đã sáng tác khá nhiều bài. Phong cách biểu diễn thì sẽ chú tâm hơn nữa đến việc tự đệm guitar hay piano. Tôi hy vọng khán giả sẽ thấy một Kasim đi chậm nhưng ngày càng chín chắn hơn.

(Theo TN)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi