|
Yin (phải) và Mỹ Quyên |
“Tìm kiếm tài năng DJ châu Á”: Mỹ Quyên về nhì đêm bán kết
Đêm thi tại CLB Zouk, Kuala Lumpur kéo dài đến tận rạng sáng 10/10 mới có kết quả: DJ Yin về nhất.
DJ Yin vượt qua sít sao DJ Mỹ Quyên (VN), Airmix (Hàn Quốc) và Matt Harris (New Zealand) để giành quyền lọt vào trận chung kết ngày 20/11 cũng tại Malaysia.
Lúc công bố kết quả, người MC hỏi thử "Ai sẽ về nhất?", đám đông đều la lên "Bo - Vietnam!". Rõ ràng phần thi của DJ Mỹ Quyên đã tạo được ấn tượng và giành tình cảm đặc biệt nơi khán giả tham dự.
Chọn thể loại house và tribal, Quyên remix ca khúc Elephant cũng như trình diễn bài của tay DJ nổi tiếng quốc tế Peter Rauhofer (Anh). Thế nhưng đáng tiếc là giám khảo lại chấm khác. Đoàn VN tiếp tục dồn niềm hi vọng còn lại cho DJ Hoàng Anh sẽ thi ngày 16/10 tại Đài Bắc.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với Yin sau đêm thi:
* Cảm tưởng của Yin khi về nhất đêm bán kết?
- Thật may mắn. Tôi rất thích phần thi của nữ DJ Bo bởi chúng tôi chơi cùng thể loại nhạc và trình độ tương đồng. Bo đã thành công khi lần đầu tiên chơi nhạc ở nước ngoài mà tự tin như thế. Trước khi cô ấy tới đây, ít ai nghĩ rằng ở VN có một nữ DJ giỏi như thế.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Một vụ sao chép trong lĩnh vực nghiên cứu
|
Tô sứ vẽ phong cảnh Huế đô hiệu chữ nhật, triều Minh Mạng. |
Vừa qua chúng tôi nhận được thư và bài viết của độc giả phản ánh về một số vụ xâm phạm bản quyền trong sáng tác văn học nghệ thuật. Đáng buồn là trong số đó có cả hiện tượng đạo văn, hoặc sao chép lẫn nhau trên lĩnh vực nghiên cứu qua một vài tác phẩm triết học, tâm lý học, lịch sử thế giới đã xuất bản mà chúng tôi sẽ đề cập các dịp tới.
Riêng kỳ này, xin nêu một trường hợp liên quan tới cuốn Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam của ông Bùi Văn Vượng từng được giới thiệu trong các năm qua như "một công trình rất đáng trân trọng". Nhưng đáng tiếc, công trình này đã sao chép phần biên soạn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn ở các đề tài nêu dưới đây:
Đề tài Khảo cứu về lịch sử đồ sứ men lam Huế của ông Trần Đình Sơn được in thành sách hoặc công bố qua nhiều bài đăng báo từ hơn 10 năm nay. Riêng bài Đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn (1802 - 1945) trên Văn hóa nguyệt san số Tết Ất Hợi 1995 (tạm gọi bản A) đã bị thạc sĩ Bùi Văn Vượng sao chép hầu như nguyên văn, không chú thích tên tác giả, đưa vào cuốn Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam do NXB Thanh Niên in năm 2000 (bản B). Nếu bản A (của ông Sơn) đặt các tiêu đề theo niên đại các vua thời Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng trở đi, thì bản B (của ông Vượng) cũng vậy, chỉ đổi nhan đề thành: Đồ sứ hoa lam đặt mua theo kiểu của triều Nguyễn. Về nội dung, nếu đặt bản A (đồ sứ ký kiểu) cạnh bản B (đồ sứ hoa lam) sẽ thấy hai phần này do "một người viết" mà tác giả là ông Trần Đình Sơn. Để khác đi tí chút, từ trang 224 - 230 sách đã dẫn, ông Vượng "biên tập" một số câu, chữ cho có vẻ "mới", ví dụ: Bản A viết: "Đồ sứ ngự dụng được ghi hiệu Thiệu Trị niên chế, đề tài rồng mây rất đa dạng, đặc biệt là hình rồng cuộn tròn (viên long)... Hiệu chữ NHẬT vẫn còn được sử dụng tiếp". Thì bản B (ông Vượng) sao chép thành: Hầu hết các đồ sứ ấy có ghi hiệu Thiệu Trị niên chế với trang trí các đề tài rồng mây đa dạng, đặc biệt là hình rồng cuộn tròn, gọi là "viên long"... hiệu chữ "nhật" (?) vẫn được sử dụng" (!!!).
So sánh hai đoạn trên - ngoài mấy chữ "nhất là" đổi thành "đặc biệt", hoặc viên long (rồng cuộn tròn) để trong ngoặc đơn, thì bản B tháo ra để trong ngoặc kép - cần chú ý thêm: chữ NHẬT (mặt trời) bản A viết in hoa, tác giả bản B không hiểu nên mở ngoặc đơn đánh dấu hỏi sau chữ "nhật" (?). Nếu một nhà nghiên cứu hiểu biết chuyên sâu về đề tài đang thực hiện hẳn chẳng ai lại đi hạ một dấu hỏi nghi vấn vào chính bài viết của mình. Những đoạn tương tự về nội dung đồ sứ men lam trong sách ông Vượng đã không rời những gì ông Sơn đã viết đã in. Ngay cả lời nhận xét trong một bài thơ của Vua Tự Đức, hoặc phần dẫn cuốn Đại Nam thực lục chính biên dài cả hơn 10 dòng của bản A trích cũng được ông Vượng trích nguyên như thế. Chẳng lẽ "tư tưởng lớn gặp nhau" ngay cả những dòng trích dẫn vốn thường tùy thuận sự ngẫm nghĩ và chọn lựa riêng của từng người?
Về đề tài thú chơi đồ xưa của người Việt, ông Trần Đình Sơn có bài đăng báo Thanh Niên nguyệt san (tạm gọi bản C) cách đây 11 năm (cuối năm 1993) cũng bị ông Vượng hầu như "sao y bản chính" đưa vào cuối sách. Thử so sánh:
Vợ chồng nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (hàng sau) và hai học giả Vương Hồng Sển, Giản Chi (hàng trước), năm 1990
Bản C viết: "Thú chơi đồ xưa phát sinh trong xã hội loài người rất lâu đời và khắp nơi trên thế giới. Người Trung Hoa bản tính rất hiếu cổ (...). Bên phương Tây, giai cấp thống trị, quý tộc từ thế kỷ 15 về sau đã say mê đua đòi tìm kiếm cổ vật của phương Đông" thì bản B của ông Vượng chép: "Một thú chơi sang trọng, thanh tao, thú vị phát sinh trong xã hội loài người ở khắp nơi trên thế giới từ rất lâu đời là thú chơi đồ cổ. Người Trung Quốc có bản tính hiếu cổ (...). Còn ở phương Tây các nhà cầm quyền và giới quý tộc phong kiến ngay từ thế kỷ XV, đã say mê tìm kiếm cổ vật của phương Đông". Hai đoạn trên đổi chữ Trung Hoa thành Trung Quốc, bên phương Tây thành: ở phương Tây... Xem ra, phần "biên tập" của ông Vượng ở đoạn này và các đoạn khác không đáng là bao. Nội dung chủ yếu mà bản B chép lại của bản C là về: "trường phái cổ đồ", phổ biến ở miền Bắc, tức bày biện đồ xưa đúng quy cách mỹ thuật cổ điển, theo 3 điều kiện "cổ, quý, kỳ" ảnh hưởng Trung Hoa. Và "trường phái sưu tập" thịnh hành ở miền Nam chịu ảnh hưởng Âu Mỹ với những hiện vật xưa không đắt tiền lắm nhưng khi góp thành bộ sưu tập đầy đủ sẽ hóa ra vô giá.
Những phân tích và trình bày nét đặc thù của từng "trường phái" trên đưa đến kết luận là "xét cho cùng, thú chơi đồ xưa, vốn có tính văn hóa rất cao..." của bản C cũng được "gút lại" ở bản B trọn gói! Vì thế bản C của ông Sơn đã chạy sang "công trình rất đáng trân trọng" của ông Vượng mang theo cả những lỗi in sai. Ví dụ: tên của các vị sáng lập "trường phái sưu tập" trước đây như kỹ sư Dương Văn Khuê (đúng ra là Vương Văn Khuê), hoặc Tổng đốc Nguyễn Văn Định (đúng ra là Vi Văn Định) đều được bản B in theo (ở các trang 1.157 và 1.153)...
Liệu cuốn Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam dày gần 1.200 trang, in rất đẹp ở bề ngoài này, bên trong có còn "lẫn lộn" phần biên soạn của ai nữa không? Nếu 4 năm qua sách nhận được nhiều lời khen thì những gì nó sao chép vừa phát hiện hôm nay thật đáng chê trách và phê phán.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
|
CS Đàm Vĩnh Hưng |
Đàm Vĩnh Hưng: "Tôi muốn hát về dân tộc của mình"
"Sau một buổi biểu diễn, tôi thường vào trang web đọc thư khán giả thì tôi luôn được "căn dặn": "Hãy cứ như vậy, giữ nguyên như vậy nhé Hưng nhé". Cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa nhận được một sự yêu cầu nào từ phía khán giả rằng phải thay đổi", Đàm Vĩnh Hưng tâm sự như vậy.
Sau album vol 4 tập hợp khá nhiều ca khúc mang tính chất "Tiếng hát truyền hình", Đàm Vĩnh Hưng "bỗng" nhiên là có công làm sống lại những ca khúc một thời đã trôi vào lãng quên. Vừa qua, anh cũng tiếp tục làm "nóng" dư luận với album "Phôi pha" - một hợp tuyển những ca khúc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà Hưng rất yêu thích. Với album này, Đàm Vĩnh Hưng đã khiến cho những ai từng có những mặc định rằng "Nhạc Trịnh Công Sơn là của Khánh Ly, Hồng Nhung..." bị shock. Người ta chỉ nghĩ đến sự bi đát, chua chát, liêu trai trong Trịnh khi nghe Khánh Ly hát hoặc sự trẻ trung, hồn nhiên nhưng sâu lắng với tiếng hát Hồng Nhung chứ chưa bao giờ nghĩ rằng nhạc Trịnh lại có nhiều bão tố sóng gió trong tâm hồn đến thế. Và chính vì thế mà Hưng lại thành công!
Về Album "Phôi Pha"
* Album "Phôi Pha" nhận được rất nhiều nguồn dư luận, theo anh vì đâu album của anh lại gây sự chú ý ?
-Từ ngày phát hành album cho đến nay, tôi muốn gặp trực tiếp những phản ứng bằng những con số cụ thể nhưng vẫn không gặp chỉ được nghe thông báo từ nhà sản xuất là CD phải in tiếp nữa vì đã hết hàng. Tôi cũng rất quan tâm đến dư luận, thật sự mà nói tôi thấy khen nhiều hơn chê.
* Những khán giả đã từng quen nhạc với những giọng ca mặc định như Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân và Quang Dũng cảm thấy rất khó chịu với phong cách nhạc Trịnh mà anh thể hiện trong album " Phôi Pha" ?
- Khó chịu là quyền của họ. Tôi không cố tình thay đổi sự khó chịu đó và tôi không chấp nhận cái quyền chỉ có những giọng ca như vậy mới hát được nhạc Trịnh Công Sơn.
* Anh có thể lý giải tại sao anh lại hát nhạc Trịnh với một tâm hồn đầy giông bão?
- Thật ra trong nhạc của anh Trịnh Công Sơn có rất nhiều gạch đầu dòng. Và tôi chỉ làm được cái điều mà tôi đã phát hiện ra trong nhạc Trịnh Công Sơn phần giông bão trong tâm hồn anh ấy và đó là lợi thế của tôi.
* Người ta đã từng nhận định rằng Khánh Ly là cực âm của nhạc Trịnh còn Hồng Nhung là cực dương, với phong cách hát ở "Phôi Pha" anh nhận định mình sẽ ở cực nào?
- Tôi không là cực gì hết, tôi chỉ là một ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bình thường, yêu nhạc Trịnh và hát nhạc Trịnh theo cách riêng và cách hiểu riêng của mình mà thôi. Tại sao laị phải muốn tôi ở cực nào. Cả hai giọng ca của Khánh Ly và Hồng Nhung tôi đều ngưỡng mộ.
* Để hát được với một sự khao khát mãnh liệt như vậy hẳn anh đã tìm hiểu rất nhiều về cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, anh có thể chia sẻ với mọi người được không?
- Những sự hiểu biết đó không thể nào là một cái bánh để bạn có thể nhấm nháp, tìm hương vị. Đó thuộc về cảm giác, tôi cảm nhận được nỗi đau mà khi nó đến người nhạc sĩ phải chứng kiến, đón nhận và cười thân thiện với nỗi đau đó như "từng người tình bỏ ta đi"
* Những bí mật đó làm sao anh biết?
- Đó là những bí mật mà đã là bí mật thì có thể nói ra không nhỉ?
Về chuyện "viết lách"
* Trước đây anh từng có một số bài viết, từng có những tâm sự trên báo chí rất hay nhưng cũng khá "nhạy cảm", gần đây anh biến mất. Đó là vì dư luận hay vì anh chỉ xem là một sở thích nhất thời?
- Những gì tôi viết đều là thật và đều là cảm xúc thật khi tôi viết, tôi không cho phép mình lựa chọn những cảm giác và những cảm xúc thật của mình để làm sở thích.
* Bản thân anh nhìn nhận thẳng thắn việc nghệ sỹ viết báo như thế nào? Anh có đồng tình với những bài báo của những nhạc sỹ nổi tiếng đã viết hay không?
-Ca sỹ, nghệ sỹ viết báo cũng là một điều hay. Qua từng cách viết, từng bài viết, nghệ sỹ có thể gửi gắm những tình cảm, tâm sự của mình. Tuy nhiên cũng qua bài viết, cách viết đó nói lên được sự hiểu biết và trình độ của người nghệ sỹ đó đến đâu. Thế nhưng cũng có một số người tự bôi nhọ và chà đạp lên đạo đức xã hội. Chỉ biết nói người khác không biết nhìn lại mình, đều này thật ra chỉ đem đến sự ác cảm dành cho nhau mà thôi.
Về Album mới Vol 6 - "Hưng"
*Được biết album vol 6 được phát hành vào đúng dịp sinh nhật của anh, anh định làm album kỷ niệm?
- Tôi hay có thói quen tự tặng quà sinh nhật cho mình vào ngày sinh của mình. Năm nay tôi muốn làm một cái gì đó mới lạ hơn và album này là món quà mà tôi tự tặng cho tôi.
* Nghe chủ đề có vẻ là anh đang theo trào lưu?
-Tôi không thích làm những gì mà người khác đã làm.Trong album có quá nhiều bài hát để có thể làm chủ đề nhưng một CD thì không được. Có quá nhiều chủ đề sau 5 phút suy nghĩ thì tôi quyết định chủ đề tên là Hưng. 50% quyết định là vì ảnh bìa.
* Có phải vì tấm ảnh đó thể hiện rõ cá tính của anh?
- Tôi muốn khẳng định cá tính của mình. Tôi biết nhiều người sẽ cho rằng tôi là một người cứng đầu nhưng tôi là một con người có quyền, có lý luận riêng và lý lẽ riêng của bản thân tôi. Mặt khác tấm hình đó diễn tả đúng một Đàm Vĩnh Hưng và tôi thích mình vì đã có một cái nhìn đẹp.
* Một ca sỹ khi đã nổi tiếng thường bị mắc vào một áp lực "là liên tục làm mới mình" vì sợ khán giả sẽ nhàm chán rồi cũng chính từ đó mà một vài người bị mất đi chính bản thân mình. Bản thân anh có bị áp lực này không?
- Sau một buổi biểu diễn hoặc là vào trang web đọc thư khán giả thì tôi luôn được "căn dặn" "hãy cứ như vậy, giữ nguyên như vậy nhé Hưng nhé". Cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa nhận được một sự yêu cầu nào từ phía khán giả rằng phải thay đổi.
* Anh cảm nhận mình có gì trưởng thành, chững chạc hơn trong album vol 6?
- Giọng ca dày hơn và cứng cáp hơn so với những album 1, 2. Có những bài Đàm Vĩnh Hưng không áp dụng cách hát khàn. Tuy nhiên, cũng có lần ca sỹ Tuấn Ngọc nói với tôi rằng "anh rất thích giọng của em và thích cách "nẹc" khàn của em ở những đoạn cao trào". Tôi sẽ không làm mất mình, tôi là người có thể đoán được và đo lường được tình cảm và những yêu cầu của khán giả dành cho tôi.
* Ngay thời điểm anh trở thành một hiện tượng làng nhạc thì anh đã cho đó là hiện tượng cá biệt. Đến bây giờ khi đã đứng trên đỉnh cao nhất trong sự nghiệp ca hát, anh có còn cảm thấy mình là cá biệt nữa hay không?
-Trước tiên là tôi không dám đặt mình ở vị trí đỉnh cao nhất mặc dù đó là ước mơ của tôi. Cá biệt không phải là một sản phẩm mà tôi có thể tự sản xuất ra được. Tôi không có quyền lựa chọn sự cá biệt đó. Tôi tin có sự sắp xếp của một cái gì đó rất vô hình.
* Được biết sau khi album vol 6 phát hành thì anh sẽ ngưng nhận show diễn đến ngày liveshow?
- Chỉ có đúng một tuần lễ đầu để giới thiệu album rồi sau đó sẽ biến mất cho đến ngày liveshow.
* Anh quyết định "biến mất"?
- Để tập luyện làm chương trình và tránh sự nhàm chán cho khán giả, để khi liveshow diễn ra khán giả sẽ có cái nhìn mới hơn và lạ hơn.
* Anh sẽ thể hiện yếu tố "lạ" đó như thế nào?
- Sân khấu sẽ được thiết kế rất lạ, sẽ có một bài Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện trên sân khấu dài 12 phút "thuyền thuyết Cổ Loa Thành" - sáng tác Hoài An.
* Đây có phải là ca khúc mà giới nghệ vừa qua rất xôn xao về giá độc quyền của nó?
- Đó là một con số cao nhất từ trước đến giờ đối với các ca khúc độc quyền của tôi. Và tôi cảm thấy rất xứng đáng. Tôi rất thích đề tài này vì nó khó, ít người làm và một lý do nữa là tôi muốn hát về dân tộc của mình.
(Theo MASK)
Về đầu trang
Hương 'Tươi' sẵn sàng 'cá chuối đắm đuối vì con'
"Tôi yêu nghề nhưng dứt khoát không để con cái bị xâm phạm quyền lợi, ngay cả việc cai sữa sớm để tênh tênh bay nhảy cũng có làm được đâu. Tôi hài lòng sắm vai... con cá chuối. Dứt khoát sang năm tôi sẽ... có thêm một đứa nữa, nuôi một thể", Hương "Tươi" tâm sự.
- Có ý kiến cho rằng Hương "Tươi" trong cuộc sống rất dịu dàng, chẳng giống chút nào với hình ảnh mấy bà cô suốt ngày "bẻ hành bẻ tỏi" trong mấy vai hài. Chị nghĩ sao?
- Lại mắc bệnh suy diễn rồi! Đúng là tôi hay bẻ này bẻ nọ trong những vai hài thật, nhưng những vai chính kịch thì nghiêm túc lắm nhé! Nhắc lại một câu cũ xì là đời thường khác xa với vai diễn, đừng có "vơ đũa cả nắm" mà... oan cho những người chuyên đóng vai phản diện.
- Nhưng khán giả vẫn nhớ tới chị như một gương mặt hài nhiều hơn?
- Thú thật là ở nơi công tác chính của tôi, Nhà hát Tuổi Trẻ - Hương "Tươi" thường chỉ được nhận vai... dẫn chương trình trong các tiết mục hài. Mười lần có suất diễn hài thì may ra được giao vai một, hai lần. Chỉ có đóng tiểu phẩm truyền hình, hoặc đi diễn ở tỉnh mới "có đất".
- Chị nghĩ sao khi mọi người bảo Hương "Tươi" chạy show không biết mệt?
- Tôi luôn nghỉ đúng phép chứ không bao giờ nghỉ show của Nhà hát để chạy show của mình. Nhưng từ khi có con, bị đi xa một tí không được gần con, là tôi từ chối ngay.
- Vậy chị không sợ con cái bìu ríu kéo sự nghiệp chết chìm?
- Nếu cứ có con mà sự nghiệp đi đời thì xã hội làm gì còn phụ nữ thành đạt nữa. Quan trọng là phải biết sắp xếp thời gian.
- Nếu không diễn, chị định làm gì?
- Nếu có điều kiện, tôi thích mở một cửa hàng thẩm mỹ, làm đẹp cho người khác luôn là một công việc hấp dẫn. Tiền mua mỹ phẩm cũng luôn là khoản đứng đầu trong danh sách chi tiêu của tôi, mê thì mua chứ không mấy khi dùng. Còn chuyện ăn mặc của tôi cực kỳ đơn giản, quanh năm "chơi" toàn quần bò, áo phông.
- Nhìn vẻ ngoài chị rất mạnh bạo, vậy con người thực của chị như thế nào?
- Tiếc là tôi không mạnh bạo như vậy. Hồi trước học ĐH Sân khấu Điện ảnh, tôi còn gây scandal vì nhát; ngày nào cũng bắt mẹ... đi học cùng. Con ngồi trong lớp, mẹ đứng ngoài cửa sổ. Đến mức độ thày giáo bực mình phải ra điều kiện "Nếu ngày mai không bảo mẹ ở nhà thì cô cũng nghỉ luôn đi nhé".
- Còn bây giờ chị như thế nào?
- Tôi đã trưởng thành hơn nhiều. Vả lại bây giờ có muốn thì cũng chẳng còn mẹ mà nũng nữa. Đôi lúc nhớ lại cách bố mẹ đã đối tốt với 4 chị em gái chúng tôi như thế nào, để học và sống với con mình cho tốt hơn.
(Theo Lao Động)
Về đầu trang