|
NS Trần Tiến |
Thưa nhạc sĩ, "Mưa bay tháp cổ" ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?
NS Trần Tiến: - Cảm xúc khi sáng tác ca khúc này cũng không có gì đặc biệt lắm. Trong một lần đi thăm vùng tháp cổ ở Ninh Thuận, nhìn ngắm những ngọn tháp xen lẫn những ngôi mộ cổ kính chìm trong mưa, tôi thấy cần phải viết nên một điều gì đó. Tác phẩm âm nhạc này là tình cảm của tôi với một trong những giá trị lịch sử của đất nước.
Ông nghĩ gì khi xem ca sĩ Tùng Dương thể hiện ca khúc này?
NS Trần Tiến: - Thật sự là tôi chưa có dịp theo dõi Bài hát Việt 2005 nên chưa thể đánh giá cậu ấy có thể hiện hết những gì mà tôi muốn nói trong ca khúc này không. Sau khi chương trình này phát sóng, tôi có nhận được nhiều ý kiến của bạn bè, người thân... nhưng điều đó thật sự không quan trọng, quan trọng là mình được viết những gì mình nghĩ, tất nhiên là không quá giới hạn.
Giới hạn ở đây là gì vậy thưa nhạc sĩ?
NS Trần Tiến: - Là những cái mà không "quá trớn". Thật khó có thể đánh giá được phong cách sáng tác nhạc ở Việt Nam hiện nay như thế nào bởi đôi khi, mình cảm giác như ai cũng có thể viết nhạc được. Nhưng tôi nghĩ phải nhìn lại xem chúng ta đang viết cái gì, những ca khúc về nhạc trẻ hiện nay thường hướng tới những đam mê và ham muốn tầm thường thì phải?!
Cảm nhận của ông về liveshow đầu tiên của Bài hát việt 2005?
NS Trần Tiến: - Tôi nghĩ, những sân chơi ca nhạc như liveshow Bài hát Việt 2005 cần được phổ biến một cách rộng rãi hơn. Đó là điều kiện tốt cho những nhạc sĩ trẻ trưởng thành và thế hệ đi trước như chúng tôi có dịp để hoàn thiện mình. Bên cạnh đó, công chúng yêu âm nhạc cũng có điều kiện thưởng thức những ca khúc mới mang tính định hướng nhiều hơn.
Ông nhận xét như thế nào về phong cách sáng tác của các nhạc sĩ trẻ hiện nay?
NS Trần Tiến: - Tôi chắc rằng, nhiều nhạc sĩ ở thế hệ cùng với tôi rất khó có thể... "nuốt" được thứ nhạc trẻ đang phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có một số ít viết rất khá như Lê Minh Sơn chẳng hạn. Một ca khúc thật sự có giá trị phải có sức sống bền vững với thời gian và luôn ở trong lòng người nghe. Lấy một ví dụ, khi tôi còn trẻ, những tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mình nghe không thấy "vào" nhưng một thời gian sau nghe lại, càng nghe càng thấy hay. Đến bây giờ nghĩ lại mới thấy đó là một tài năng. Việc thẩm định một tác phẩm âm nhạc không chỉ ở trong chốc lát mà cần hàng năm hay lâu hơn nữa. Dù sao chăng nữa, tuổi trẻ có suy nghĩ khác và những gì mà họ viết ra theo cách nghĩ của họ. Tôi thuộc thế hệ trước nên những ý kiến của mình có lẽ không hợp thời.
Có nhiều ý kiến cho rằng, càng về sau, những sáng tác của Trần Tiến càng "lạ và kinh dị" hơn, ông nghĩ như thế nào về những nhận định này?
NS Trần Tiến: - Tôi là một con người viết nhạc theo cảm hứng. Chẳng bao giờ tôi phải tự ép mình viết ra một bài hát nào đó. Mưa bay tháp cổ cũng vậy, đến bây giờ, trong tôi vẫn còn nguyên hình ảnh của chiều mưa ở khu tháp cổ đó. Khán giả có quyền đánh giá theo cảm nhận của họ. Những người như chúng tôi làm sao tránh được những ý kiến khen, chê. Tuy nhiên, sự rèn luyện, cố gắng không bao giờ là thừa và người làm nghệ thuật luôn phải nỗ lực rất nhiều.
(Theo VTV)