Tự bạch của nhạc sĩ Dương Thụ
10:23' 21/04/2005 (GMT+7)

Dương Thụ nói: "Từ bé đến lớn tôi là người quá khổ. Không biết chơi bời gì, nên không ai rủ. Thì giờ rảnh, thay vì uống cà phê, uống rượu, thì tôi làm một cái gì đó. Đâu phải lúc nào cũng sáng tác được. Vả lại, làm một cái gì khác là một cách thay đổi trạng thái, một cách giải trí. Nó cũng là một thú vui".

Tôi vốn là người làm vườn

Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Khánh Linh

Ngày xưa, tôi vốn là một người làm vườn, có kỹ năng và có thích thú thật. Nhà của tôi ở đâu cũng có vườn, có cây ăn quả, chẳng phải để kinh doanh mà để bạn bè đến thăm có cái mà cho. Các cụ ngày xưa có thú chơi tao nhã như chơi cây cảnh, bonsai... Tôi không tao nhã nên trồng cây ăn quả. Thực dụng cũng có mà thú vui tinh thần cũng rất lớn. Thay vì chờ trăng lên ngắm hoa nở như các cụ, tôi nhìn cây xoài nhà mình ra mầm mới thấy sung sướng lắm. Nơi tôi ở, có thể mời bạn bè đến câu cá, đãi. Có thể tặng người này quả xoài, người kia quả mận, người khác chùm khế ngọt... Đấy là niềm vui của người lao động, không phải người chơi.

Đời sống hay thì tác phẩm hay

Từ xưa đến nay, dù chỉ ở trong mấy mét vuông chăng nữa, chỗ sống của tôi bao giờ cũng được sắp đặt ngăn nắp, dễ nhìn. Đồ người ta cho, cũ hoặc xấu xí, tôi vẫn tìm cách trưng bày cho coi được. Tôi thích sống trong môi trường do mình tạo ra để cái mắt mình được dễ chịu. Đó là nhu cầu sống rất tự nhiên, không phải tài năng design gì cả.

Thật ra, tôi cũng quen sống bừa bãi, nhưng khi dọn dẹp thì mỗi đồ vật đều có chỗ của nó. Đối với một người thích đi, ngày xưa người ta gọi là lãng tử, thì chỗ nào cũng là nhà của mình. Tôi cũng hay đi như họ, nhưng vẫn thích cái nhà của mình, dù nhỏ bé, để trở về. Có lẽ tôi vốn là một người đi nhiều, xa nhà, lam lũ từ bé, nên luôn muốn có một chỗ để về. Nó giống như một nhu cầu vô thức, ngôi nhà là cái mình biết chắc nó là chỗ của mình. Nó phải thuận mắt, phù hợp với đời sống của mình. Nó làm mình dễ chịu. Cái giá trị ở chỗ đó, chứ không phải sự sang trọng. Có lẽ bởi tôi vốn không phải là người sang trọng. Tôi là người biết thích nghi và chấp nhận cái không thể vượt qua được.

Tới một chỗ đông người, tôi thường cảm thấy bị đàn áp, nên tôi tránh. Có những cái tôi không thích không phải vì định kiến, mà vì nó không hợp, không thuận với mình.

Tôi thích cái đẹp giản dị. Một cái bát mẻ hay một đóa hoa rau muống, tôi cũng có thể làm đẹp cho mình. Tôi thường đi tìm những cây vớ vẩn mọc ở đâu đó bên sông mang về trồng. Và hình dung ra một tổng thể, trước khi trồng cây nào bên cạnh cây nào. Giữ sự hoang dã nhưng trật tự. Tôi thích những vẻ đẹp tự nhiên, cũng như viết nhạc, thấy hay một cách tự nhiên mà không bị phô bởi các yếu tố kỹ thuật. Tôi nghĩ nghệ sĩ phải là một con người nhất quán. Tôi không tin một người nhân cách kém, thẩm mỹ kém mà lại có thể có những tác phẩm giá trị. Đời sống hay thì tác phẩm hay. Nếu không chỉ là vay mượn. Một người làm nghệ thuật, toàn bộ cuộc sống của họ chính là tác phẩm. Tinh hoa mọc trên chính cái đời sống ấy.

Còn là nhà thiết kế trang trí... theo hứng

Tôi cũng thỉnh thoảng thiết kế trang trí nhà cho những người thân quen, xuất phát từ tình cảm, như tôi đã thiết kế trang trí nhà cho ca sĩ Hồng Nhung. Theo tôi, nhà là câu trả lời của chủ nhân về đời sống của chính họ. Người ta nhìn ngôi nhà, có thể biết chủ nhân. Cần hữu dụng trước khi có cái đẹp. Bởi thế, tôi đã giúp cho Hồng Nhung trước hết là một không gian hữu dụng, hợp lý, có tính tổ chức, rồi mới phủ cái đẹp lên sau. Đối với cô Nhung thì có thể nói đến cái đẹp được, vì cô ấy có tiền. Nhưng cái đẹp trước hết vẫn là cái đẹp tự nhiên. Tôi thiết kế cho cái vườn chạy ùa vào phòng khách bằng một hồ nước, cá có thể bơi từ sân vào nhà. Tường bảo vệ bằng kính trong suốt, cho nên không có cảm giác bị che chắn. Nhà không cần sử dụng máy lạnh vẫn mát. Hoa cỏ đầy cả trên lầu, ban công cũng là sân cỏ, ngôi nhà giống như một vườn treo, không khí và ánh sáng chan hòa. Tôi tạo ra một môi trường thiên nhiên từ phòng khách đến phòng tắm chỉ trong vòng 200 m2 giữa TP.

Tôi là người bị bệnh tham công tiếc việc. Khi không làm gì thì thấy chân tay bứt rứt. Có lẽ chỉ vì tôi vốn thật sự là con người lao động và không biết chơi bời gì cả. Cũng có thể đó là cách tôi lấy lại thăng bằng, thay cách giải trí. Đôi khi trong lúc bận bịu ấy, tôi vẫn làm nhạc tốt. Chúng không triệt tiêu nhau. Nghệ thuật phải can dự vào đời sống một cách nào đó, tôi nghĩ thế".

 (Theo Thể Thao)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Con đường âm nhạc'' sẽ tạo dấu ấn khác biệt? (20/04/2005)
Để ''Bài Hát Việt 2005'' đãi cát tìm được vàng (18/04/2005)
Nhạc sĩ Vũ Văn Hà và bản tình ca Hoa nắng (16/04/2005)
Ca sĩ Lâm Nhật Ánh sẽ ngồi "bóc lịch"? (14/04/2005)
Nghe nhạc truyền thống qua VietNamNet (13/04/2005)
Ca sĩ Bảo Lan: Góp thêm lời khẩn cầu cho tình yêu... (13/04/2005)
Lê Trình đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ DJ 2005 (13/04/2005)
30 năm nhạc Việt: Mấy lần hồi sinh một hệ thẩm mỹ? (12/04/2005)
Gretchen Wilson thắng lớn tại CMT 2005 (12/04/2005)
Ca sĩ Nam Khánh: Đa tình không phải là xấu... (12/04/2005)
Havikoro không được giao lưu tại trường Marie Curie! (11/04/2005)
Lý Vân Địch, nghệ sĩ piano 18 tuổi tài năng (09/04/2005)
Rock tê liệt, Hip-hop vào mùa (08/04/2005)
Sự cố mới của The Beatels: Giảm giá vé, gộp đêm diễn? (07/04/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang