(VietNamNet) - Ngày 26/3 tới, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn sẽ nhận giải The Guide Awards của Viet Nam Economic Times cho CLB Jazz số 1 VN trong khi Sax n' Art Club mới được vài tháng tuổi.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn về giải thưởng, về niềm đam mê Jazz, thú sưu tầm kèn saxophone cổ và một niềm tin mãnh liệt vào Jazz Việt.
|
Trần Mạnh Tuấn. |
- Anh cảm thấy thế nào khi Sax n' Art Club được trao giải The Guide Awards cho CLB Jazz số 1 Việt Nam (The best Jazz Club in VN)?
- Tôi rất mừng khi được nhận giải này bởi lẽ Sax n' Art Club chỉ mới ra đời cách đây vài tháng nhưng đã được bạn đọc yêu mến bầu chọn. Giải thưởng là động lực rất lớn cho tôi và các nghệ sĩ cộng tác ở Sax n' Art Club, sẽ phấn đấu hơn nữa.
- Sax n' Art Club không phải là CLB Jazz đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, trước đó anh có nghĩ mình sẽ nhận giải?
- Tôi cũng đã được xem qua danh sách đề cử và thấy hội tụ đầy đủ những cái tên vào loại top ten của làng giải trí VN nhưng tôi vẫn rất tự tin Có thể nói Sax n' Art Club đã được ủng hộ rất nhiều và cũng đã làm hết mình vì nghệ thuật. Đây thực ra cũng chỉ là một cuộc chơi và ít nhiều tôi cũng đã có 20 năm chơi nhạc và tham gia các liên hoan âm nhạc trong nước và thế giới, chỉ có điều giải thưởng này có thêm tiêu chí về sự phục vụ tốt song tôi hoàn toàn tin tưởng vào Sax n' Art Club. Tôi chỉ phụ trách mảng biểu diễn và nghệ thuật của CLB nhưng vẫn luôn muốn những người tới đây cảm thấy như đang được ở nhà.
- Để có được một CLB Jazz được yêu mến sau một thời gian ngắn, chắc anh đã phải chuẩn bị nhiều năm và gặp khá nhiều khó khăn?
- Ý tưởng mở CLB Jazz đã có từ rất lâu. Tôi đã có cơ hội đi biểu diễn ở hơn 30 nước và đến bất cứ thành phố nào tôi cũng thấy các CLB Jazz. Trong khi đó, ở VN, ngay bản thân tôi cũng có rất ít cơ hội chơi loại nhạc này cho đến khi Liên hoan nhạc Jazz châu Âu tổ chức tại VN. Niềm đam mê Jazz, niềm khao khát có một sân chơi đã thôi thúc tôi mở một CLB để giới thiệu Jazz. Dù chỉ là một không gian nhỏ, có 150 chỗ ngồi nhưng nó phải toát lên một không gian của Jazz, của saxophone. Trong một thời gian dài, tôi đã sưu tập khá nhiều tranh ảnh và kèn để có một ngày đặt chúng trong Sax n' Art Club. Rất may là tôi nhận được khá nhiều sự hỗ trợ nên có thể hoàn thành ước mơ có một sân chơi riêng cho mình.
|
Duyên nợ với cây kèn. |
- Điều gì đã khiến anh đến với niềm đam mê sưu tầm kèn saxophone cổ?
- Tôi chơi kèn không phải vì cái thú nào đó mà là một đam mê, sự đam mê có thể phục vụ cho công việc của mình. Tôi có 15 cây saxophone cổ nhưng chất lượng thì hoàn hảo, âm thanh chuẩn.
- Sau một thời gian không dài hoạt động, anh thấy Sax n' Art Club đã kịp góp phần làm nóng phong trào nghe Jazz tại Sài Gòn?
- Rất may tôi luôn được mọi người tin tưởng gọi với cái tên... sứ giả nhạc Jazz và hầu hết các chương trình diễn Jazz tại TP.HCM đều liên hệ với Tuấn. Tại LH nhạc Jazz châu Âu 2004 vừa qua, cũng có đến 8 ban nhạc Jazz nước ngoài đến với Sax n' Art Club và hàng tuần có rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến với chúng tôi dưới góc độ nghệ thuật.
- Jazz là dòng nhạc kén người nghe và chưa thể trở thành thứ nhạc phổ thông tại VN. Anh nghĩ những người chơi Jazz và mở một CLB Jazz như anh có quá nhiều khó khăn khi mang trên vai trách nhiệm đưa Jazz đến gần công chúng?
- Đây cũng là điều tôi trăn trở khá lâu rồi. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người yêu Jazz muốn giới thiệu loại nhạc này đến công chúng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các nghệ sĩ lao theo thị trường, như thế sẽ làm Jazz Việt thiếu màu sắc nhưng để một dòng nhạc khởi sắc thì cần có thời gian. Tôi đặt lòng tin vào CLB Jazz của mình và cả dòng nhạc kén người nghe này. Bây giờ tôi có thể nói Jazz Việt không còn ở giai đoạn thể nghiệm nữa mà đã thành hình.
- Có một điểm dễ nhận thấy là khán giả của các CLB Jazz ở cả Hà Nội và TP.HCM đa phần là người nước ngoài, thực trạng này đến giờ đã thay đổi chút nào ở Sax n' Art Club kề từ ngày đầu?
|
Niềm đam mê mãnh liệt với Jazz. |
- Thời gian đầu, có đến 99% thính giả đến với CLB của tôi là người nước ngoài. Nhưng bây giờ, chính nhờ tính ngẫu hứng của Jazz mà người nghe VN đã đông hơn. Khi mở CLB, tôi không bao giờ chỉ nhắm đến đối tượng người nước ngoài mà mục tiêu cao nhất vẫn là mang Jazz đến công chúng VN. Bây giờ thì đã có 40% khản giả đến Sax n' Art Club là người VN. Cách duy nhất để kéo công chúng đến với Jazz là chơi một cách uyển chuyển, đưa những yếu tố quen thuộc vào đó để thính giả cảm thấy thích thú, đặc biệt là những người chưa biết nhiều về Jazz. Nguyên tắc chơi nhạc của tôi là phải có người nghe, nếu làm một sản phẩm không đến với công chúng thì là thất bại.
- Từng học Jazz ở Mỹ và biểu diễn ở nhiều nước. Anh thấy Jazz Việt có thế mạnh gì, có điểm gì tương đồng và khác biệt với các nền nhạc Jazz khác?
- Trên thế giới, không riêng gì VN, Jazz không có tính quảng đại lớn như những dòng nhạc khác, chỉ có điều ở những nước có nền âm nhạc phát triển thì có nhiều thị phần hơn. Các nghệ sĩ VN chỉ còn cách làm thật uyển chuyển giới thiệu chất Jazz Việt mà công chúng đang cần mà vẫn không mất đi bản sắc của mình. Đặc trưng của Jazz Việt chính là sự hoà quyện giữa âm nhạc dân gian và hiện đại, chất dân gian là thứ đặt các nghệ sĩ Jazz Việt Nam ngang tầm với thế giới. Ở hầu hết các liên hoan nhạc Jazz, khán giả quốc tế đều đánh gái rất cao chất dân gian trong Jazz Việt Nam. Sự cách biệt giữa Jazz Việt và thế giới chỉ có ý nghĩa về thời gian, năm tháng. Khi Jazz Việt mới chỉ hình thành thì họ đã có một nền tảng vững chắc với chất Jazz đã ngấm vào máu.
- Anh có thể tiết lộ dự định của anh trong thời gian tới?
- Sắp tới tôi sẽ thu chung các bản nhạc với nhóm Mercal Jazz Unit của Pháp. Chúng tôi đã chơi cùng với nhau một đêm duy nhất tại TP.HCM trong Liên hoan nhạc Jazz châu Âu 2004 và họ rất thích chất Jazz Việt trong nhạc của tôi. Tháng 9 tới họ sẽ sang VN sau đó chúng tôi sẽ cùng sang Pháp. Trước mắt, cuối tháng 5 tới tôi sẽ kết hợp làm một chương trình chung với các nghệ sĩ chơi nhạc dân gian hàng đầu Việt Nam với các sáng tác của tôi.
|