Ngoảnh đi ngoảnh lại, thoắt đấy, Hồng Nhung đã có đến 9 albums mang tên mình, như một thương hiệu đã định hình.
Với Bống, hình như dòng chữ "sản xuất bởi" có ý nghĩa hơn là "production", cả về mặt tiếp thị lẫn hình thức nghệ thuật. Mới đây, tôi đọc trên một tạp chí thấy họ nói rằng người Hoa đang muốn biến dòng chữ "made in China" thành "made by China", làm bởi nước Trung Hoa, nghe tự hào hơn hẳn. Tôi muốn dùng lại ý tưởng ấy, mà đặt tên cho tạp bút này là "made in Bong", làm tại Bống.
Làm tại Bống nghĩa là làm tại khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung, làm tại tâm thức yên ả và sáng suốt của Hồng Nhung, làm bởi ê-kíp nếu không có Đức Trí thì cũng Quốc Trung, nhưng luôn do Hồng Nhung "chỉ đạo". Từ lâu lắm rồi, mười năm trước, một đĩa nhạc như đĩa Chợt Nghe Em Hát (Tình khúc Trần Quang Lộc & Lã Văn Cường) đã khiến tôi sửng sốt vì sự tươi mới của nó, thì đến giờ, khi Nhung đã đánh số album hết dãy một chữ số, sự tươi mới không hề giảm. Sự tươi mới - tôi nhấn mạnh, của một đầu óc sáng suốt và yên ả.
Yên ả chẳng hề nhờ yoga. Yoga hay tên tuổi Trịnh Công Sơn, với Nhung, tôi e rằng chỉ là những chi tiết gia giảm vào việc PR một sản phẩm. Những sản phẩm made in Bong được làm ra trong bầu không khí thế này, tôi xin chép lại từ bìa sau đĩa Khu Vườn Yên Tĩnh:
"Có một trận mưa đã đi qua
Có thể là một trận mưa giông rất lớn
Nhưng tôi chỉ nghe tiếng nước mưa
Giỏ giọt trên mái hiên vườn sau
Khu vườn yên tĩnh của tôi..."
Những dòng chữ ấy, nếu thật là của nhạc sĩ Dương Thụ viết (như tôi đọc thấy từ mục credits bên cạnh), thì Dương Thụ đã vẽ nên một tâm-thế-Nhung hết sức chính xác. Diễn đạt nôm na là thế này: trời mưa to, giông tố khủng khiếp, nhưng tôi có biết đâu, tôi ở trong nhà mà, nhìn ra vườn chỉ thấy mưa nhỏ giọt êm êm, thậm chí tôi còn không biết trời mưa nữa kia. Ai giông tố thì mặc, còn tôi vẫn yên tĩnh... Wow! Hồng Nhung, Bống nhỏ khôn ngoan, luôn tìm thấy cho chính cô (và cả những người liên quan đến cô) một thế sống nhẹ nhõm, kín đáo, và hẳn cách rất xa những sóng gió.
Ở thế sống ấy, Nhung làm việc. Làm những sản phẩm chỉ cho riêng mình, lặng lẽ, êm ả, và hiệu quả. Tôi nghe lại Ru Tình (vol. mấy nhỉ?) thấy Đức Trí không theo kịp sự êm ả của Nhung, thành ra âm nhạc không "thoát" được, tuy khá trẻ trung, ngọt ngào. Tôi nghe lại Bài Hát Ru Cho Anh, thấy Nhung càng lúc càng biết cách đào thoát khỏi miệng tiếng, khỏi những scandal không đáng, khỏi vòng vây của "giới văn nghệ". Đứng riêng, ngồi lặng, và làm việc hiệu quả. Đáng phục thay!
Ngoài người bạn thân của Nhung là nhiếp ảnh gia Đoàn Minh Tuấn, người chụp hình cho Nhung thích hợp nhất ngay từ những bức đầu tiên, thì trong khoảng ba, bốn album mới nhất, tôi để ý thấy trong ê-kíp-Nhung có thêm một tên tuổi: Nguyễn Thanh Trúc. Nhân vật này cũng trầm lặng, cũng "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ", mà cũng hiệu quả như Nhung. Những tấm bìa đẹp trong sáng, kiệm chữ, kiệm ảnh, kiệm cả format, là "bộ mặt" của những gì made in Bong. Bống thật khéo chọn người cộng tác.
Khác với Thanh Lam, Bống kín đáo, ít ồn ào khoa trương, và biết kiểm soát mọi thứ liên quan đến tên tuổi mình. Ba mươi lăm tuổi, ngày càng trẻ ra thì phải, Hồng Nhung là một hiện tượng lạ trong làng nhạc Việt. Lạ cả từ cách sống. Và đáng quý.
|