Có chất giọng ngọt ngào thiên phú, lại được sống ở môi trường âm nhạc từ trong bụng mẹ, người con gái của đất nghèo Quảng Trị đã thành danh nơi phố thị, nhưng không muốn làm ngôi sao thị trường mà chỉ muốn ẩn mình trong dòng chảy ngầm của âm nhạc trữ tình
|
Ca sĩ Vân Khánh |
Trên đất nước ta, cỏ lau mọc nhiều nơi nhưng không ở đâu bạt ngàn thành rừng, thành một thứ “đặc sản” như ở Quảng Trị. Có lẽ vì vậy mà nhân buổi họp mặt đầu năm của Hội đồng hương Quảng Trị TPHCM tại hội trường Đại học Kinh tế, 59C Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 vào sáng chủ nhật 20-2, ca sĩ Vân Khánh sẽ cho ra mắt album Bông lau trắng gồm 10 ca khúc về Quảng Trị, như một món quà trao tặng cho quê hương. Tấm lòng của chị thiết tha như câu hát: “... Nếu một mai phải xa Quảng Trị. Lưu lạc phương Nam ngày tháng nổi trôi. Nhớ quê hương như gà nhớ mẹ, nhớ tiếng quê mình trọ trẹ thân thương. Ôi thương quá đi thôi... Đất Vĩnh Linh tấm lòng chung thủy. Áo nâu sờn mẹ vẫn dạy con: Đói cho sạch, rách cho thơm...” (Quảng Trị trong tôi, nhạc Xuân An, thơ Tạ Nghi Lễ).
Làm ca sĩ năm 12 tuổi.- Vĩnh Linh – miền đất đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm với bộ phim tài liệu nổi tiếng Lũy thép Vĩnh Linh (tác giả – đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Quỳnh) - chính là quê hương của Vân Khánh. Có cha là nhạc công (sử dụng đờn cò, kìm, tranh,...) và mẹ là ca sĩ (Kim Oanh) – đều là nghệ sĩ của Đoàn Văn công Vĩnh Linh nên năm 12 tuổi, Vân Khánh đã đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ và trở thành thành viên nhỏ nhất của đội ca Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị. Học xong lớp 10 THPT, Vân Khánh rời Quảng Trị vào Trường Âm nhạc Huế. Xong trung cấp thanh nhạc, Vân Khánh đến TPHCM tiếp tục theo bậc đại học và chị vừa tốt nghiệp Nhạc viện TPHCM năm 2004 vừa qua.
Thành quả:
- Đã phát hành sáu CD: Thương mãi câu hò (vol 1 + vol 2), Thương Huế mùa đông, Tưởng như Huế trong lòng, Huế xưa, Một thời Tôn nữ.
- Đoạt Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động lần X - 2004. | Cũng dịu dàng, đằm thắm như những giai điệu thường thể hiện trên sân khấu, Vân Khánh ngoài đời trông thật giản dị, khiêm tốn nhưng hết sức tự tin khi nói về dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca mà mình đang theo. Dòng nhạc ấy đến với Vân Khánh tự nhiên, vừa êm đềm, lặng lẽ trong xanh như nước sông Thạch Hãn, vừa chịu đựng, nhẫn nhịn như hơi nóng gió Lào khắc nghiệt thổi qua rừng lau quê hương. Quê hương đã gửi vào Vân Khánh tất cả những gian nan ấy ngay từ thuở mới lọt lòng nên chị không một lần phải băn khoăn chọn lựa, cho dù trào lưu âm nhạc thời thượng vẫn không ngừng “tấn công” sự nghiệp ca hát của một ca sĩ tuổi đời còn khá trẻ như chị.
Ở tuổi 12, ban ngày cắp sách đến trường phổ thông, ban đêm làm ca sĩ nhí, theo các cô chú trong Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị đi hát phục vụ bà con. “Chú cháu đèo nhau bằng xe đạp, lắm khi bị gió Lào thổi muốn bay khỏi cầu Đông Hà”. Những kỷ niệm gian khổ mà vô cùng khó quên đã làm nên tính cách của một Vân Khánh nghị lực. Những năm theo học thanh nhạc ở Huế, cũng với một thời khóa biểu đều đặn sáng học, tối đi hát ca Huế trên ghe đã bồi đắp thêm cho Vân Khánh tình yêu dành cho những điệu hò trầm ngọt của quê hương miền Trung cùng bản lĩnh của một nghệ sĩ sớm vào đời. Có lẽ vì vậy mà khi lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ca nhạc TPHCM, tại quán Nhạc sĩ số 7 Nguyễn Văn Chiêm, cô ca sĩ nhỏ bé vừa đến từ miền Trung đã không một chút tự ti, mà trái lại thật tươi mới với ca khúc Huế thương (An Thuyên) quen thuộc.
Hạnh phúc với thiểu số thầm lặng.- Cũng như hầu hết các ca sĩ theo dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, nhiều lúc Vân Khánh không khỏi chạnh lòng, có cảm tưởng như mình đi bên lề đời sống ca nhạc khi phần đông công chúng trẻ tỏ ra vồ vập một cách quá ồn ào với dòng nhạc thị trường thời thượng. Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Còn hiện nay, nhìn đông đảo khán giả trẻ có mặt trong các chương trình Điểm hẹn quê hương hằng tuần tại Nhà hát Bến Thành, chương trình Bức tranh quê hương hằng tháng tại Nhà hát TP, Vân Khánh cho rằng xu hướng thưởng thức âm nhạc của giới trẻ đã có chiều thay đổi, trở lại với những giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng, phù hợp với những suy tư đang lớn dần trong họ theo tuổi tác.
Đêm nào Vân Khánh cũng có sô diễn, bận rộn nhất là vào bốn đêm cuối tuần, phải sắp xếp để vừa làm nhiệm vụ của một ca sĩ đoàn Nhà nước: Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, vừa “tăng ca” ở tụ điểm 126, phòng trà ATB và sân khấu CLB OV của khách sạn Equatorial. Sô của ca sĩ theo dòng nhạc dân ca không quá tất bật nhưng thường đem lại cho người nghệ sĩ hạnh phúc vì biết rằng đang hát cho những khán giả thực sự của mình, họ đến là vì muốn nghe mình hát chứ không vì gì khác. Thỉnh thoảng, nếu bị lọt vào một sân khấu mà phía dưới đa phần là fan nhạc trẻ, tiếng vỗ tay thưa thớt, Vân Khánh cũng không còn buồn như những ngày mới đi hát vì biết rằng trong số đó vẫn có khán giả của mình – một thiểu số thầm lặng.
Ẩn mình trong dòng chảy ngầm.- Ai đó đã có lần hỏi Vân Khánh có khi nào muốn thay đổi, gia nhập đội ngũ ca sĩ thời thượng pop rock hoặc hip-hop không, chị mỉm cười lắc đầu, nói chắc nịch: “Không bao giờ!”. Và với thái độ của một người tự tin, lạc quan, chị hóm hỉnh nhận định: “Nhạc trẻ như lửa ngọn, nổi nhanh nhưng chóng tàn, còn dân ca thì ăn ít, no lâu!”. Vân Khánh cho rằng dòng nhạc trữ tình dân ca như dòng chảy ngầm, ít ai thấy, nhưng lại chảy mãi và sẽ không bao giờ dứt, bởi con người ta khi trưởng thành thường tìm về với cội nguồn, trở vào với tiếng nói riêng của lòng mình. Một bằng chứng là tất cả các ca sĩ đã thành danh ở dòng nhạc này như Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Vân, Bích Phượng, Hạnh Nguyên, Thùy Trang, Nhất Sinh,... vẫn đi hát thường xuyên và vẫn sống được bằng nghề. Riêng Vân Khánh, không chỉ hát ở TPHCM, chị còn thường xuyên được mời đi tỉnh, được làm khách đặc biệt trong các hội nghị khách hàng, được bà con Việt kiều ở hải ngoại ưu ái. Ngay những ngày đầu của năm 2005 này, chị vừa làm một chuyến lưu diễn phục vụ bà con Việt kiều ở Thụy Điển nhân Tuần lễ Văn hóa Việt Nam.
Bông cỏ lau có màu trắng. Bông lau trắng trong tâm tưởng của những người con Quảng Trị xa quê luôn gợi nhớ về một quê hương nghèo khó, gian khổ trong chiến tranh và vất vả trong hòa bình. Thành danh nơi phố thị, trở thành một trong những niềm tự hào của quê hương, ca sĩ Vân Khánh vẫn luôn giữ lại trong mình cốt cách của một người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ trong gian khó. Đó là một giọng hát ngọt ngào, thiết tha nhiều tâm trạng nhưng không kém phần mạnh mẽ, khỏe khoắn. Trong CD Bông lau trắng vừa thực hiện nhằm tặng quê hương, Vân Khánh hiện ra như hình ảnh người con gái về thăm quê trong thơ của nhà thơ Quảng Trị Đào Trường San:
Vĩnh Linh nay thoát cảnh đói nghèo,
Điện Hồ Xá sáng góc trời Quảng Trị
Con gái nhà ai đi về xinh thế
Tủm tỉm cười, ngượng nghịu làm duyên...
(Theo Người Lao động) |