(VietNamNet) - Năm 2005, TPHCM có đi đầu trong cải cách việc cấp phép băng đĩa và duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật?
|
Mỹ Linh có hát nhép không? |
Sáng nay, Sở VHTT TPHCM tổ chức buổi gặp gỡ đầu năm với các hãng sản xuất băng đĩa và biểu diễn. Năm 2004, số lượng hồ sơ xin cấp phép tăng gấp 2 lần so với năm 2003 nhưng nhân sự phụ trách công việc này của Sở vẫn như cũ. Vì vậy, dù rất cố gắng giữ lời hứa 7 ngày cấp xong giấy phép nhưng thỉnh thoảng Sở VHTT vẫn trễ hẹn. Lần trễ hẹn dài nhất của Sở, theo ông Thân Lộc - GĐ công ty TNHH Thuỳ Dương - là tại máy in bị hư nên làm trễ kế hoạch phát hành chương trình Giáng sinh.
Ông Hữu Luân - PGĐ Công ty Tổ chức biểu diễn TPHCM - bức xúc trước việc máy in hư liền đề xuất một ý tưởng cấp phép trong một ngày và ít tốn giấy mực. Đó là "tin học hoá quy trình cấp phép". Ý tưởng của ông Hữu Luân, hiện nay rất nhiều nơi đang thử nghiệm như một bước song hành với phương thức "một cửa một dấu". Tuy nhiên, có lẽ do việc cấp phép biểu diễn và băng đĩa mang tính đặc thù riêng biệt nên được bà Nguyễn Thế Thanh - PGĐ Sở VHTT "vui mừng đón nhận" như một "sáng kiến cấp quốc gia". Như vậy, ước mơ biến TPHCM trở thành thành phố điện tử có vẻ còn xa vời chăng?
Từ ngày 28/7/2004 đến ngày 31/1/2005, Sở VHTT TPHCM đã cấp phép cho 320 hồ sơ sản xuất ca nhạc, 291 hồ sơ phát hành, trong đó có 1.209 là sáng tác mới; cấp phép 42 chương trình sân khấu audio và 39 chương trình sân khấu video; cấp phép 38 phim. |
Nổi cộm nhất vẫn là việc khó khăn trong cấp phép những bài hát trước 1975. Sở VHTT cho rằng một số biên tập có tâm lý "ném đá dò đường", bài hát trước 1975 chưa có trong danh mục được phép phổ biến nhưng vẫn biên tập vào chương trình, hoặc không biết rõ xuất xứ vẫn biên tập cho Sở duyệt, cho thì tốt còn không cho thì thôi. Đại diện Sài Gòn audio lập tức cho ví dụ: Có bài hát đã phát hành băng đĩa, do một NSND hát, nhưng Sở thì không cho.
Trong báo cáo của Phòng Quản lý Nghệ thuật nhận xét về nhạc sĩ (hầu hết đều là người mới viết, trẻ) có một số văn bản nhạc viết còn cẩu thả, không rõ ràng hoặc ghi sai nguyên tắc ký âm pháp, từ vựng không phù hợp... Còn đối với ca sĩ thì hú hét không phù hợp, diễn xuất đau khổ thái quá khi hát về tình yêu, một số giọng hát chưa đạt yêu cầu cơ bản về kỹ thuật thanh nhạc, trang phục không phù hợp... Rõ ràng "sạn" rất nhiều nhưng Sở vẫn đang lúng túng và chưa dứt khoát trong cách giải quyết. Ông Huỳnh Tiết đề xuất Sở phải thể hiện quyền lực của mình trong những trường hợp bậy bạ như vậy để dồn sức giải quyết những việc khác.
Riêng các đơn vị, công ty biểu diễn rất bức xúc với số lượng thành viên Hội đồng phúc khảo các chương trình nghệ thuật của Sở VHTT quá đông. Theo ông Lê Việt Thắng - GĐ Trung Tâm Ca Nhạc Nhẹ TPHCM nhận xét: "Hội đồng phúc khảo đông một cách quá mức cần thiết và nên gọn nhẹ hơn".
Trước khi kết thúc buổi gặp mặt đầu năm với nhiều hứa hẹn cải cách, bà Nguyễn Thế Thanh nhắc nhở những ca sĩ thường bị phản ảnh hát nhép như Thái Thuỳ Linh, Việt Quang... Trước đó, bầu sô Hoàng Tuấn đã phát biểu và "giới thiệu" vài ca sĩ có hát nhép như Mỹ Linh, Trọng Tấn và Thái Thuỳ Linh. Bắt đầu quý 2 năm 2005, Sở VHTT sẽ thẳng tay hơn với các ca sĩ hát nhép và sẽ có mức phạt cụ thể chứ không cảnh cáo hay nhắc nhở như những năm cũ.
|