(VietNamNet) - Hip hop đã bước qua tuổi 32 và ngày càng có một chỗ đứng trong đời sống âm nhạc quốc tế. Thế nhưng, ở Việt Nam, dòng nhạc này mới chỉ đang "phát triển trong ảo giác" của nhiều người.
Hip-Hop là thể loại nhạc đang thịnh hành. Ở bất cứ đâu cũng có thể nghe thấy những giai điệu của Hip-Hop, nhìn thấy những trang phục mang sắc màu Hip-Hop... Ở VN, phải đợi đến cuộc viếng thăm của nghệ sĩ nhảy Hip hop hàng đầu châu Âu, Neils "Storm" Robitzky tháng 10/2003, giới trẻ VN mới thực sự có trong đầu khái niệm Hip hop. Sự xuất hiện của nghệ sĩ múa Hip-Hop Neils "Storm“ Robitzky tại Việt Nam 1 năm trước với màn biểu diễn Hip-Hop ấn tượng đã thực sự hâm nóng không khí trầm lắng của Hà Nội và khiến khán giả "choáng váng" vì...
Hip hop Việt dừng lại ở những... đơn đặt hàng!
|
Nhóm nhảy Hip hop của VN xuất hiện ngày càng nhiều. |
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hút của Hip hop ngoài những âm điệu dữ dội, những ca từ xuất phát từ đời thường là những vũ đạo tuyệt vời bắt nguồn từ văn hoá đường phố với Bboying (thường được biết đến dưới cái tên phồ biến là Breakdance) Locking, Popping. Đa số chúng ta chỉ nghe thấy dòng nhạc Hip Hop còn múa Hip Hop thì mới chỉ được giới thiệu phổ biến ở các nước phương Tây. Giới trẻ Việt gần đây chỉ nhìn thấy chất Hip-Hop trong vũ điệu của các nhóm múa phụ hoạ như: C.O.L.D, Big Toe, Fantasy, ZickZac...và những ca khúc dòng Hip-Hop hiếm hoi. Trong đời sống âm nhạc Việt Nam, Hip-Hop mới chỉ được một bộ phận nhỏ chấp nhận bởi nó kén người nghe và vẫn còn vấp phải những định kiến không đáng có.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh được coi là một trong những nhạc sĩ khá "mạnh dạn thử nghiệm" dòng nhạc còn rất mới mẻ ở VN này. Anh đã sáng tác được trên 10 ca khúc mang âm hưởng của Hip hop trong đó ca khúc phổ biến nhất và được yêu mến nhất là Chuyện nhỏ với sự thể hiện ấn tượng của Kasim Hoàng Vũ. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng đã sáng tác xong ca khúc Chuyện to cho một bộ phim truyền hình. Anh vẫn chưa có niềm tin lớn vào người thể hiện nào và trong một số trường hợp "bất khả kháng", biết đâu Tuấn Khanh sẽ thể hiện ca khúc này. Điều này cho thấy việc sáng tác và thể hiện ca khúc Hip hop không dễ.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng ở VN, Hip hop mới chỉ dừng lại ở mức độ mọi người đang tìm hiểu về nó, "mới dừng ở mức đang được ứng dụng trong những sở thích mang tính cá nhân. Các ca khúc Hip hop hiện nay chủ yếu là do các ca sĩ đặt hàng nhạc sĩ còn bản thân các nhạc sĩ chưa thực sự tìm hiểu để khám phá Hip hop". Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh thì "Sự có mặt của Hip hop tại VN mới chỉ mang tính tạm thời theo dạng đơn đặt hàng của các ca sĩ". Đây là dòng nhạc đang thống lĩnh thị trường âmn nhạc thế giới, là xu thế tất yếu. Thế nhưng, ở VN nó lại chưa thực sự được coi trọng. Nhạc sĩ Tuần Khanh chia sẻ: "Khi xem MTV châu Á hay VH1, tôi thấy nhiều dòng nhạc của VN có thể hoà chung hơi thở và nhịp đập đương đại. Mình không thiếu khả năng mà chỉ thiếu một cái nhìn cởi mở".
Hip hop không phải là căn bệnh của giới trẻ!
|
Hip hop cần một cái nhìn công bằng. |
Nhạc sĩ Huy Tuấn, một trong những nhạc sĩ sáng tác các ca khúc R&B có tiếng với những Em mơ về anh, 24h/7 ngày, Mơ hồ... Các sáng tác của anh là sự pha trộn nhiều dòng nhạc như Pop, R&B... nhận xét: "Sẽ là vội vàng nếu đưa các yếu tố dân tộc hay chất Việt vào Hip hop khi mà nhiều người chưa hiểu nó là cái gì. Bàn đến Hip hop Việt bây giờ cũng là hơi sớm vì nó cũng chẳng có gì để nói. Với một số người Hip hop là trào lưu, là dòng nhạc "đang ăn" và cứ nghĩ cứ mặc tí quần áo Hip hop, cho một số câu đọc Rap vào là thành Hip hop. Biểu diễn các ca khúc R&B, Hip hop rất khó bởi nó đòi hỏi các ca sĩ phải có kỹ năng thanh nhạc cao, có gu mới thể hiện được".
Rất nhiều người cho rằng Hip hop không những không phù hợp với cách thưởng thức của người VN mà còn rất khó sáng tác cũng như thể hiện bởi tiếng Việt có dấu. Song, nhạc sĩ Tuấn Khanh thì không nghĩ như thế. "Với những người bắt đầu làm quen với Hip hop thì Tiếng Việt có dấu là một thách thức nhưng tôi nghĩ đó lại là cách độc đáo để tạo nên bản sắc của Hip hop Việt. Quan trọng là việc lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh đưa vào ca khúc sao cho không bị khiên cưỡng". Nhạc sĩ Huy Tuấn thì cho rằng: "Nhiều người nghĩ đã là Hip hop là phải có đọc Rap. Hip hop nguyên thuỷ là ngôn ngữ của người da đen, ngôn ngữ đường phố. Nếu đưa nguyên vào sáng tác của ca khúc Việt thì không ổn".
Do Hip hop vẫn còn quá mới mẻ ở VN nên chuyện có những nghệ sĩ thể hiện tốt loại nhạc này là điều vô cùng khó. Ở mức độ nào đó, họ mới chỉ chạm đến dòng nhạc này chứ không thể chế ngự nó. Chuyện các nhóm nhảy Hip hop phụ hoạ trên sân khấu là điều không khó tìm vì đã có Big Toe, C.O.L.D, Michael... Ca sĩ mặc đồ Hip hop, yeah ah mấy câu, nói chêm vào giữa bài hay làm tóc kiều Hip hop, bài hát chẳng ăn nhằm gì với những những màn múa phụ hoạ đầy chất Hip hop chẳng còn hiếm thế nhưng theo nhận định của nhạc sĩ Tuấn Khanh thì hầu như chưa có ai đủ khả năng để diễn Hip hop và vẫn còn hát cực kỳ "khiên cưỡng".
Vậy thì phải cởi nút ở đâu? Cũng theo nhạc sĩ Tuấn Khanh thì vấn đề quan trọng đầu tiên là sự "cởi mở" của các nhà quản lý, một cách nhìn phóng khoáng về Hip hop. Trong khi nhiều người có những cách nhìn còn phiến diện về dòng nhạc mạnh này và coi Hip hop như một "căn bệnh" của giới trẻ đường phố thì không thể dự đoán đuợc khi nào mới có một dòng nhạc Hip hop "made in VN" đúng nghĩa. Sơn, một trong những thành viên đầu tiên của nhóm nhảy Hip hop C.O.L.D cũng đồng tình: "Bọn em gặp rất nhiều vấn đề về chuyện duyệt chương trình. Nếu trong màn nhảy phụ hoạ mà có cảnh đấm nhau thì phải chuyển sang... nắm tay nhau vì nếu không sẽ không được... diễn".
Cuộc "xâm lăng" của Hip hop
|
Hip hop đang "thống trị" âm nhạc thế giới. |
Trào lưu nghe Hip-Hop và mốt các trang phục rộng thùng thình cũng đã xuất hiện cách đây khá lâu. Sự lên ngôi của dòng nhạc Hip hop với Jay Z, OutKast, 50 Cent, Missy Elliott... , những "chàng bự" của Hip hop đương đại đã hâm nóng trào lưu nghe Hip-Hop của giới trẻ trên khắp thế giới. Những fan hâm mộ của MTV không thể bỏ qua chương trình Wade Robson Project mang đậm âm hưởng của hip-hop. Phần lớn các vũ đạo và ca khúc được lựa chọn diễn trong chương trình thuộc về Hip hop... Ngay cả Nhật Bản, một quốc gia nổi lên như một ví dụ tiêu biểu về sự bảo vệ tính dân tộc cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Hip hop.
Bạn có thể nghe thấy những giai điệu mạnh mẽ và trẻ trung của dòng nhạc này tại các CLB đêm ở thủ đô Tokyo. Không chỉ thích những ca khúc của các nghệ sĩ nước ngoài, Nhật Bản cũng đang hình thành những ngôi sao Rap mới và tự "sản xuất" được những "hit" của riêng mình và góp phần hình thành văn hóa thưởng thức nhạc mới của giới trẻ. Là một đất nước coi trọng truyền thống thế nhưng Hip hop lại được đón nhận đến không ngờ mà ngay cả đến những nhạc sĩ cũng không thể tin vào sự phát triển vượt bậc của dòng nhạc Hip-Hop "made in Japan" từ năm 2004 trở lại đây. Nhạc sĩ Hideaki Tamura cho rằng bí mật đằng sau thành công này chính là ở các nghệ sĩ hip-hop Nhật Bản. Họ đã đứng được trên đôi chân của mình thay vì bắt chước các đồng nghiệp Mỹ. "Các nghệ sĩ Nhật có lợi thế ở chính những lời ca khúc mang đậm bản sắc dân tộc. Trước đây, nhiều người bắt chước các nghệ sĩ Mỹ, hát lên những lời lẽ chỉ có súng và bạo lực nhưng nay thì đã khác. Họ cho ra các ca khúc ca ngợi hòa bình, cuộc sống hàng ngày... ".
Sự lên ngôi của JHip hop cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách ăn mặc của giới trẻ Tokyo. Những góc phố của Shibuya tràn ngập những chàng trai và cô gái mặc đồ giống với các ngôi sao hip-hop họ yêu thích. Asumi Sato, một sinh viên đang sống tại Tokyo nói: "Mọi người ở Tokyo dường như đều đang sống trong thế giới của hip-hop. Nó không chỉ đơn thuần là âm nhạc mà tôi nghĩ mọi người còn thích hip-hop bởi khía cạnh thời trang của nó. Những bộ trang phục đó khiến các chàng trai hấp dẫn hơn còn các cô gái thì duyên dáng hơn. Tất cả bạn bè của tôi đều mặc quần áo theo phong cách hip-hop. Từ những đứa trẻ đến ông bà tôi đều thích những trang phục này". Riêng tại trung tâm Tokyo hiện đã có hơn 300 cửa hàng bán đồ đậm màu sắc hip-hop. Vậy thì tại sao Việt Nam lại không thể có được một dòng nhạc Hip hop của riêng mình và tạo nên những văn hoá mới từ Hip hop?
|