Nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng bài hát độc quyền ... đã nổ ra từ đầu chí cuối năm 2004. Thật buồn! Nhưng sau nỗi buồn còn là một dấu hỏi: Chẳng lẽ ca khúc Việt đang thiếu thốn trầm trọng đến mức dẫn tới sự giẫm chân đầy xộc xệch và thiếu tính chuyên nghiệp đến thế ?
Khủng hoảng bài hát: thật hay giả?
|
Thanh Thảo - HIền Thục cùng "dẫm chân" lên một ca khúc |
Xin khẳng định là có thật. Có thật, nên rất nhiều ca sĩ trẻ lẫn ca sĩ nổi tiếng đều than thở rằng bây giờ làm album việc "trầy vi tróc vảy" nhất là đi tìm ca khúc.
Hàng loạt vụ "cơm không lành, canh không ngọt" đã diễn ra trên thị trường nhạc Việt năm 2004: Thanh Thảo - Hiền Thục cùng hát một ca khúc của Phương Uyên, Trần Tâm - Ưng Hoàng Phúc tranh chấp ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, Nguyên Vũ bực mình khi đã mua độc quyền ca khúc của nhạc sĩ trẻ Nhất Trung song nhạc sĩ này lại đưa bài hát cho ca sĩ khác phổ biến. Mới nhất là việc ca sĩ Sỹ Ben và ông bầu Quang Cường của ca sĩ Quang Hà mâu thuẫn nhau căng thẳng về một ca khúc của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt...
Ngoài việc khan hiếm ca khúc phù hợp thị hiếu người nghe, nguyên do còn là sự thiếu hẳn tính chuyên nghiệp trong cung cách quan hệ giao dịch, làm việc giữa các nghệ sĩ. Có trường hợp nhạc sĩ là nạn nhân. Và cũng có trường hợp nhạc sĩ vì động cơ nào đó (danh tiếng, tiền) đã cố tình "một đứa con đem gả hai, ba nơi"!
Khi công ước Berne được thực thi (theo đó nhạc nước ngoài muốn ghi âm biểu diễn phải có bản quyền) thì thị trường âm nhạc Việt lại càng khan hiếm ca khúc hơn. Những bản nhạc ngoại lời Việt không sử dụng được nữa nếu như không có bản quyền, cho nên các ca sĩ, nhà sản xuất băng đĩa lại càng chạy vắt giò lên cổ tìm ca khúc "made in VN" để ghi âm, phát hành album và biểu diễn trên sân khấu.
Tréo nghoe là khi nhu cầu ngày càng phình to thì nguồn cung lại teo tóp. Hầu như các vị nhạc sĩ có tuổi, vang bóng một thời thì rửa tay gác kiếm, hoặc tẩy chay thị trường âm nhạc bát nháo hoặc chính sáng tác của họ tỏ ra không còn theo kịp tâm lý giới trẻ hôm nay.
Trong khi đó, các nhạc sĩ trẻ bắt kịp thế hệ của họ thì lại sa đà vào tình trạng sáng tác ca khúc như... sinh sản vô tính. Bài hát ra lò liền tù tì song bài hay, bài chất lượng, ấn tượng trong lòng công chúng thì lại quá ít. Vài nhạc sĩ nổi lên được vài ca khúc đầu tiên được yêu thích, song hàng loạt ca khúc về sau thì lại chóng chìm vào lãng quên và không mấy ai biết.
Vì thế, thị trường âm nhạc bỗng chốc rơi vào cảnh nhàn nhạt, nhàm chán và thiếu sinh khí mới. Nghe những ca khúc tại giải Làn Sóng Xanh 2004, dư luận bỗng nhớ về một thời kỳ đầu cách đây năm, sáu năm mà thở dài...
Những ngọn nến le lói
|
Lương Bằng Quang, nhạc sĩ trẻ nhất đoạt giải Làn sóng xanh 2004. |
Năm 2004 có một số cái tên được nhắc đến và tạm gọi là thành công như Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo. Đặc biệt Lê Minh Sơn chứng tỏ một phong độ chín muồi với hàng loạt ca khúc được các ca sĩ trẻ trong Sao Mai điểm hẹn hát, rồi sau đó là sự hợp tác ăn ý với Thanh Lam.
Đỗ Bảo trẻ hơn đã ra album đầu tay Cánh cung gây ấn tượng đẹp từ ý tưởng thiết kế bìa đĩa đến nội dung CD. Đức Trí trở về từ ĐH Berklee tung ra vài sáng tác cho Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà hát. Tuấn Khanh khởi động những album nhạc rock Tuấn Khanh & friends cũng tạo được dấu ấn nhất định.
Các gương mặt Lê Quang, Vũ Quốc Việt, Phương Uyên, Vĩnh Tâm, Võ Thiện Thanh, Minh Khang là những nhạc sĩ hoạt động tích cực nhất năm qua. Họ chẳng cần hô phong hoán vũ, chỉ cặm cụi làm nhiều, miệt mài sáng tác, hòa âm, tư vấn chuyên môn cho nhiều ca sĩ và đưa ra được nhiều tác phẩm cho thị trường âm nhạc.
Một gương mặt trẻ đáng chú ý là Lương Bằng Quang. Các sáng tác của anh chưa thật sự ấn tượng và thể hiện một phong cách riêng, song chúng lại mang tính phổ thông cao và mang ba cái dễ: dễ hát -dễ nghe -dễ cảm. Rất mong rằng Lương Bằng Quang sẽ nỗ lực hơn nữa để những sáng tác của anh không rơi vào cái dễ thứ tư mà nhạc sĩ nào cũng sợ: Dễ quên!
Tất cả những cái tên kể trên sẽ tiếp tục sáng tác khỏe trong năm 2005 để đáp ứng nhu cầu từ thị trường âm nhạc vốn đã như con hổ đói mồi. Họ sẽ viết rất đa dạng: ballad, world music, rock alternative, hiphop, R&B... Song điều công chúng mong chờ là được nghe những nhạc phẩm vừa có chất lượng vừa mang tính giải trí, đặc biệt tránh những trường hợp ca khúc viết rất "cao siêu" nhưng chẳng ai hiểu nổi, hoặc ca khúc giải trí được phổ cập ầm ĩ song quá dễ dãi và nhạt nhòa...
(Theo Tuổi trẻ) |