(VietNamNet) - Với giọng nữ trung, Nguyễn Thị Tố Uyên đã giành được giải nhất (trị giá 13 triệu đồng) Cuộc thi hát Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần III. VietNamNet đã có cuộc trao đổi nhanh với NSND Trung Kiên - Trưởng BGK cuộc thi ngay sau buổi trao giải.
|
Phạm Thị Thăng Long - thí sinh đoạt giải nhì. Ảnh: HH |
Với tư cách là Trưởng ban giám khảo, ông đánh giá thế nào về chất lượng cuộc thi năm nay so với những năm trước?
NSND Trung Kiên: - So với hai lần trước cuộc thi này có chất lượng hơn cao hơn còn ở mức độ nào thì chưa dám nói. Về mặt số lượng tham gia đông đảo hơn, mở rộng ở nhiều đơn vị hơn.
Ông nhận xét thế nào về giọng hát của Tố Uyên - học trò ''cưng'' của ông đoạt giải nhất cuộc thi này?
Nguyễn Thị Tố Uyên: Giải nhất
Lê Minh Tuyến (Nhạc viện Hà Nội): Giải nhì
Hà Phạm Thăng Long ( Nhà hát Nhạc vũ kịchVN): Giải nhì.
Hồng Vi ( Đoàn ca múa Quân đội): Giải ba
Huy Hoàng (CĐ Văn hoá nghệ thuật Quân đội) : Giải ba
Khánh Linh (Nhạc viện Hà Nội): Giải ba
Phúc Tiệp (Nhạc viện Hà Nội): Giải ba
Trần Hoàng Đức (ĐH Nghệ thuật Huế): Giải thí sinh hát ca khúc Việt Nam hay nhất.
Võ Thị Ngọc Tuyền (Nhạc viện TP.HCM): Giải ca sĩ triển vọng)
|
NSND Trung Kiên:- Tố Uyên có giọng nữ trung, trầm rất hiếm đối ở Việt Nam ta hiện nay. Tất cả các thành viên trong ban giám khảo đều nhất trí khi chọn Tố Uyên để trao giải nhất. Tôi nghĩ nếu Tố Uyên tiếp tục nỗ lực trau dồi và tập luyện thì một thời gian không xa em có thể tự tin đi tham dự các cuộc thi Opera quốc tế và giành giải thưởng cao.
Trong số những thí sinh tham gia và đoạt giải cuộc thi năm nay có đến gần một nửa là học trò của ông, điều đó rất dễ gây sự ''nghi ngờ'' của khán giả bởi có sự ''ưu tiên'' nào chăng?
NSND Trung Kiên: - Trong quá trình chấm tôi luôn lắng nghe dư luận chung của Hội đồng giám khảo. Thứ hai, dù là các thí sinh do mình hướng dẫn nhưng tôi không đánh giá theo kiểu ''con hát mẹ khen hay'' bởi cả quá trình giảng dạy tôi tiếp xúc không chỉ với các bạn của Nhạc viện Quốc gia mà cũng làm thầy của Nhạc viện TP.HCM và nhiều nơi khác nên tôi hiểu và biết hát thế nào là ''chuẩn''. Nói thật khi cho điểm bao giờ tôi cũng rộng mở hơn với những em kém hơn một chút.
3 năm liên tiếp, những thí sinh đoạt giải cao đều được đào tạo từ 2 cái nôi nghệ thuật lớn nhất Việt Nam đó là Nhạc viện Quốc gia và Nhạc viện TP.HCM, ông có giải thích về điều này?
NSND Trung Kiên:- Tôi nghĩ luyện hát để thi thể loại này không như luyện đá bóng chỉ trong một thời gian ngắn đâu mà nó là cả một quá trình dài học tập. Với tư cách là một chuyên gia về đào tạo của Bộ VH-TT thì tôi không chỉ có trách nhiệm đối với Nhạc viện Quốc gia mà phải ở cả Nhạc viện TP.HCM và các trường văn hoá nghệ thuật khác ở các địa phương. Có điều kiện tôi cùng các giảng viên khác đều có những trao đổi với nhau về tài liệu giảng dạy và những cuộc hội thảo từ nhỏ cho đến lớn... Đáng ra trước cuộc thi này chúng tôi phải có những đợt tập huấn nhưng vì điều kiện không cho phép. Trong tương lai, trước mỗi ''cuộc đấu'' chúng tôi sẽ có những đợt tập huấn cho những người luyện thi để hạn chế việc sai sót trong kỹ thuật, cho việc chọn bài....
- Chạy điểm - điều mà báo chí vẫn thường nhắc tới ở nhiều cuộc thi, ông nghĩ gì về ''hiện tượng'' này?
NSND Trung Kiên:- Ở những cuộc thi khác thì tôi không biết nhưng ở cuộc thi này tôi có thể khẳng định ngay là không có hiện tượng đó. Riêng cá nhân tôi cũng như các anh chị trong BGK đều coi các thí sinh là học sinh của mình, phải có trách nhiệm giảng dạy.
- Những ca sĩ sau khi giành giải thưởng ở những cuộc thi nhạc trẻ thường được biết đến rất nhanh. Sở dĩ có điều đó là do họ có nhiều cơ hội xuất hiện trong những chương trình ca nhạc lớn, phát sóng trên truyền hình. Việc phát hiện ra những tài năng hát thính phòng qua những cuộc thi như thế này được nhiều người hoan nghênh nhưng khá nhiều người còn lo ngại ''sức lan toả'' của một số tài năng sau đó, ông nghĩ sao về vấn đề này?
NSND Trung Kiên:- Cái đó là một quy luật. Bởi lượng khán giả của dòng nhạc này không nhiều và cũng kén chọn đòi hỏi phải hiểu biết chút xíu. Thứ hai điều kiện sân khấu cho thể loại này không rộng mở như dòng nhạc nhẹ. Thứ ba là các cơ quan báo chí cũng không quan tâm nhiều.
|