Lê Minh Sơn: Tôi thờ 7 nốt nhạc
09:31' 21/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sài Gòn rả rích mưa tháng Tám. Có một người đàn ông tóc búi cao phả khói thuốc và ngồi ngắm mưa ở một quán café nhỏ ven đường. Với anh, cảm hứng đến bất chợt, có khi chỉ 15 phút, nhưng có khi anh phải mất hơn 10 năm thai nghén để cho ra đời một đứa con tinh thần. VietNamNet vừa có một buổi trò chuyện với anh.

- Anh bảo rằng âm nhạc với anh là một thứ "đạo", vậy trong thánh đền âm nhạc ấy, anh thờ ai?

- Tôi thờ 7 nốt nhạc, vì chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã là cả một vấn đề rồi.

- Nhiều người cho rằng, một phần thành công của Lê Minh Sơn là do những sáng tác của anh là tự anh phối, anh thấy điều đó đúng không?

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ảnh M.C

- Thường thì những tác phẩm tôi mà sáng tác thì hầu hết tôi đều tham gia hòa âm phối khí theo cách của mình, nhưng không vì thế mà tôi khắt khe hơn với những ai phối lại nhạc của tôi. Trong lao động nghệ thuật, nếu có ai làm lại nhạc của mình thì đó là điều rất tốt, bởi họ sẽ nhân sự thăng hoa của mình lên rất nhiều, nhưng nếu chưa đạt yêu cầu thì cũng phải chấp nhận thôi, vì khi tác phẩm được tung ra thì dường như nó không còn là của riêng mình nữa.

- Tùng Dương bảo rằng anh ấy thích góc nhìn của anh, ở đó nhiều nét mới lạ, độc đáo và không thiếu sự uyên thâm, cá nhân anh nghĩ sao?

- Với tôi, âm nhạc là cuộc đời, ca khúc cũng vậy. Hãy cảm nhận âm nhạc bằng trái tim nhiệt thành, quan sát nó, xem những chuyển động của nó xung quanh mình và bằng tất cả những gì mình đã được học hành, còn nó được như thế nào thì đó là trời cho. Tôi cũng không lý giải được vì sao những điều đó đã đến với mình, có những bài tôi chỉ sáng tác trong 15 phút, nhưng có những bài tôi phải mất 10 năm trời mới hoàn thành được (Trăng khuyết, Tùng Dương sẽ thể hiện trong show 2 vòng 3 SMĐH tới). Có những câu ở bài Chuồn chuồn ớt như “Chuồn chuồn ớt/ trưa hè nóng bức/ bắt đem cắn rốn tập bơi” giống như là ma nhập vậy, khi viết xong cảm thấy như người mình bị hụt hẫng, trống rỗng, có lẽ vì đã dồn hết mọi tinh lực cho nó rồi. Hay như câu “dầm dập, dầm dập” thì tôi phải chắt lọc từ chất liệu cuộc sống đời thường, giống như cơn mưa đổ dầm dập ngoài đường, giống như tâm trạng của một cô gái đang chờ đợi ai đó, nỗi nhớ dầm dập đến với mình… Ôi quê tôi cũng thế, đó là một lần tôi về đưa tang cụ nội mình, suốt 3 tiếng đồng hồ rảo chân trên đường làng tôi chợt cảm nhận được nét đẹp của vùng quê làng, sự quyến rũ đến khó tả, nó xâm chiếm tôi và tôi đã viết nó chỉ trong vòng 15 phút. Tất cả những sáng tác của tôi, từ ca khúc cho đến khí nhạc đều được chắt lọc từ máu và nước mắt, vì thế mỗi khi sáng tác xong đều phải nghỉ ngơi vì bị hụt hơi

- Trong bối cảnh âm nhạc hiện nay anh có thấy những sáng tác của mình là bình thường không và anh hài lòng ở mình điều gì nhất?

- Tôi nghĩ là bình thường còn những chuyện bất bình thường trong đời sống âm nhạc thì tôi không quan tâm lắm. Tôi hài lòng ở khả năng kiểm soát tác phẩm của mình. Tính dân gian, tính dân tộc bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu để khi mọi người nghe thì sẽ nhận ra rằng đó không phải là nhạc Tàu, nhạc Tây mà là nhạc của người Việt Nam và rộng hơn tí nữa thì đó là nhạc của dân da vàng.

- Theo anh, một ca khúc hay phải chứa đựng những yếu tố gì?

- Theo tôi, một tác phẩm hay là tác phẩm mà người nghe muốn nghe đi nghe lại và càng ngày sẽ càng khám phá thêm tinh thần bên trong bài hát. Mà điều này lại phụ thuộc phần nhiều vào người sáng tác. Như Nguyễn Cường chẳng hạn, mỗi lần nghe nhạc của anh ấy là tôi nhận ngay ra "mùi" Tây Nguyên và lúc nào cũng có cảm giác khác. Dương Thụ cũng thế, sáng tác hàng trăm ca khúc nhạc trẻ nhưng cho dù nó được mở song song với những ca khúc của tác giả khác vẫn nhận ngay ra được chất nhạc của Dương Thụ, điều đó chứng tỏ họ thật sự là một “tác giả”, người có những ngôn ngữ biểu cảm riêng không thể trộn lẫn với ai.

- Trong sáng tác của mình thông thường anh bấu víu vào điểm tựa nào?

- Điểm tựa chính vẫn là tính dân gian vì tôi là một người đam mê dân gian, mê quan họ Bắc Ninh, mê tuồng cổ. Mê và tìm hiểu xem nó như thế nào. Tôi đã nghiên cứu khá nhiều chất nhạc dân gian của nhiều nước, từ Celtic của Ai Len cho đến Phục Hưng rồi cả Polka của Đông Âu, nhưng tôi có thể khẳng định một cách không chủ quan rằng Việt Nam là nước có nền âm nhạc giai âm dân gian hay nhất trên thế giới, rất trữ tình. Có thể thấy rõ điều này ở Nguyên Lê, anh là một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới nhờ biết truyền cảm hứng dân gian Việt Nam vào các tác phẩm của mình.

- Ngoài dân gian ra anh có thích những dòng nhạc khác?

- Có, tôi thích nhiều lắm, ví dụ tôi rất thích nhóm Queen bởi chất Rock Opera cao trào mà sâu lắng, tôi thích Sting bởi giai điệu đẹp, ngôn ngữ triết lý giống như J.S. Bach cổ điển, tính triết lý rất cao. Trong sáng tác của tôi cũng thế, bao giờ tôi cũng đề cao tính chân, thiện, mỹ cả ở giai điệu lẫn ca từ.

- Anh đánh giá thế nào về Ngọc Khuê, đặc biệt ở Sao Mai điểm hẹn lần này?

- Đó là một cô gái đầy cá tính, Khuê bao giờ cũng có một chỗ đứng riêng trong bất cứ một cuộc thi nào, tính lẳng lơ, đỏng đảnh kiểu Thị Màu trên sân khấu ca nhạc như Khuê tôi nghĩ vẫn còn hiếm lắm. Nhưng để Khuê phải hát Rock hay Hip-hop thì tôi nghĩ đó chưa phải là sở trường của Khuê cho dù cô ấy đã thể hiện khá tốt. Nhưng dù gì đi nữa, ví dụ tôi là người chơi guitar nhưng bắt tôi thổi kèn thì tôi sẽ thổi được đấy, nhưng làm sao có thể hay bằng cây guitar kia đã gắn bó máu xương với tôi bấy lâu nay. Những người làm nghệ thuật luôn luôn cần sự giúp đỡ và cả sự may mắn nữa, nhiều khi có tài thôi chưa đủ mà cần phải trông chờ vào cơ hội, nếu tóm được nó thì sẽ thành công.

- Đánh giá chung của anh về SMĐH lần này?

- Tôi nghĩ đây là một cơ hội rất tốt cho các thí sinh. Các ca sĩ trẻ bây giờ sướng hơn bọn tôi ngày xưa, chưa bao giờ được đầu tư kỹ lưỡng như thế. Sau một thời gian tôi để ý, các ca sĩ SMĐH đã có một sự chuyển biến rõ rệt, từ phong cách biểu diễn đến kỹ năng sân khấu. Tôi nghĩ rằng các bạn ấy đã rất may mắn. Có tài và được lăng-xê như vậy thì đó là số dzách rồi!

- Sau Tùng Dương, liệu anh sẽ tìm thêm một giọng nam nào đó cho sáng tác của mình?

- Thú thật là tôi vẫn chưa tìm vì tôi thấy, các giọng nam trẻ hiện nay rất thiếu chất nam tính. Còn Tùng Dương, tôi thấy đó là một giọng ca đầy tiềm năng, không phải là thầy khen trò mà đã có rất nhiều người bảo tôi như thế, giọng hát của cậu ấy phả đầy nam tính. Lần đầu tiên tôi gặp được một giọng ca nam trẻ như thế mà có thể chơi được bất cứ các thể loại và thể loại nào cũng thành công.

  • Minh Cường (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ca sĩ Thái Thuỳ Linh: Mềm mại không có nghĩa là cong! (20/08/2004)
Ảo tưởng về giải "Lá phong" của ca sĩ Mỹ Tâm (19/08/2004)
Gặp sứ giả nhạc Jazz tại Hà Nội (17/08/2004)
Britney Spears hủy bỏ hôn lễ (17/08/2004)
Liên hoan Guitar toàn quốc tại KDL Hòn Ngọc Việt (17/08/2004)
Phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình (17/08/2004)
Nhạc Trịnh và những phiên bản mới? (17/08/2004)
Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi thực sự thấy mình may mắn (16/08/2004)
Tinh tế hơn, chuyên nghiệp hơn (16/08/2004)
Hứa hẹn những cuộc bứt phá ngoạn mục (15/08/2004)
NSƯT Quang Lý: Khổ luyện mới thành tài (14/08/2004)
Ấn tượng Ashlee Simpson! (14/08/2004)
Hiện tượng Gretchen Wilson… (13/08/2004)
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: Chia sẻ với người không may mắn (12/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang