NS Trần Long Ẩn:
Phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình
09:13' 17/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đêm nhạc Trần Long Ẩn với chủ đề Trên mảnh đất tình người sẽ diễn ra vào ngày 20/8/2004 tại Nhà hát Bến Thành.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Đêm nhạc của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó tổng thư ký thường trực Hội Âm nhạc TP.HCM - nằm trong những hoạt động chào mừng CMT8 và Quốc Khánh 2/9 của Hội Âm nhạc và Nhà Hát Giao hưởng TP.HCM do Đài TH TP.HCM hỗ trợ. Với chủ đề Trên mảnh đất tình người, khán giả sẽ có dịp nghe lại những sáng tác không bao giờ cũ về tình yêu và cuộc sống như Người mẹ Bàn Cờ (Thanh Thúy), Tình đất đỏ miền Đông (Lê Hành), Bước xuống đời (Mỹ Tâm), Xin làm người hát rong (Phương Thanh), Một đời người một rừng cây (Trần Tâm), Trên mảnh đất tình người (Thanh Thúy), Đi qua vùng cỏ non (Tam ca Áo Trắng), Đêm thành phố đầy sao (Mỹ Hạnh), Người từ phương xa về (Quang Dũng), Cây hai ngàn lá (Ánh Tuyết), Gửi vầng trăng xưa (Mỹ Lệ), Nhớ Huế (Vân Khánh)... VietNamNet có cuộc trao đổi ngắn với nhạc sĩ Trần Long Ẩn về những sáng tác của anh.

- Anh là nhạc sĩ viết nhiều về những đề tài xã hội. Đó phải chăng là sở thích, sở trường của anh?

- Tình yêu là sự sống vĩnh cửu của con người mà tạo hóa đã ban cho con người và muôn loài. Chính tình yêu đó lan tỏa thành sức sống. Dù là tình yêu của mỗi cá nhân, ta cũng thấy nó luôn gắn với xã hội. Khi tôi viết những bài tình ca cho riêng tôi thì tôi để đó chơi hoặc hát cho bạn bè nghe. Còn khi đưa tác phẩm ra xã hội thì tôi phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình và với xã hội. Vì vậy khán giả biết đến tôi qua những ca khúc mang hơi thở cuộc sống nhiều hơn tình ca cá nhân.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn còn có bút danh là Ðoàn Công Nhân, sinh ngày 29/9/1943, quê ở Bình Ðịnh. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" và nổi lên với bài "Người mẹ Bàn Cờ" và một số ca khúc khác. Sau đó, ông ra Bắc và tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội.

Ca khúc của Trần Long Ẩn vừa da diết, tình cảm vửa phảng phất tính triết học. Ông đã tự giới thiệu rất thành công những ca khúc của riêng ông trên sân khấu cho sinh viên và cho các thính giả trẻ. Một số tác phẩm tiêu biểu: Trên mảnh đất tình người, Ði qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Ðàn sáo Hậu Giang, Ðêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Tiếng hát từ ánh lửa mặt trời... Bài ca "Cây hai ngàn lá" (phỏng thơ Pờ Sào Mìn) được giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994.

Ðã xuất bản một số tập ca khúc "Vẫn hát ru em", "Một đời người một rừng cây"...

- Anh viết khoảng bao nhiêu bài về những vùng đất và con người anh đã đến và đã gặp?

- Tôi đi khắp nơi để cảm nhận và viết trên dưới 100 bài về những vùng đất. Riêng huyện Giồng Riềng hay tỉnh Kiên Giang tôi đã có gần 20 bài. Tôi thích dùng âm nhạc và lời ca để khắc họa những vùng đất tôi đã đến và đã yêu thương. Ai bảo người viết như vậy không viết tình ca được! Ấy thế mà riêng quê tôi thì tôi mới viết có vài bài như Trên quê hương Nguyễn Huệ, Hát về thành phố biển Quy Nhơn (cười...biết lỗi!). Tôi thích viết về miền Đông và Tây Nam bộ.

- Để viết về cuộc sống đời thường, về những con người lao động, anh có cho rằng người nhạc sĩ cần phải đi nhiều để có cảm xúc thật?

- Độ nhạy cảm của người nghệ sĩ là rất quan trọng. Ví dụ sau giải phóng tôi có bài Sài Gòn ta từ một sớm 30. Sau đó tôi bắt tay viết Tình đất đỏ miền Đông, viết về vùng đất tôi đã ở và sống. Đến miền Tây tôi lại cảm xúc và có chất liệu để viết Đàn sáo Hậu Giang. Đi nhiều đúng là một cách để có cảm xúc thật.

- Trước đây những bài hát của anh được phổ biến rất nhiều, tại sao dạo gần đây ít người biết hơn?

- Bài Tình đất đỏ miền Đông là một ca khúc hay, nhưng nếu không có các đài truyền hình và đài phát thanh phát liên tục thì cũng không được nhiều người yêu thích như vậy. Hiện nay tình hình âm nhạc có những nghịch lý: Nhiều tác phẩm ra mắt, tác phẩm hay đôi khi khó phổ biến, nhưng có những tác phẩm chưa hay lại được phát sóng, phát hình nhiều. Trên các đài còn nhiều chương trình thương mại do chủ trương mỗi nơi mỗi khác. Vì có sự phát triển không hài hòa, không đồng đều và mất cân đối nên nền âm nhạc cả nước có sự phát triển chưa vững chắc.

  • T.C (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhạc Trịnh và những phiên bản mới? (17/08/2004)
Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi thực sự thấy mình may mắn (16/08/2004)
Tinh tế hơn, chuyên nghiệp hơn (16/08/2004)
Hứa hẹn những cuộc bứt phá ngoạn mục (15/08/2004)
NSƯT Quang Lý: Khổ luyện mới thành tài (14/08/2004)
Ấn tượng Ashlee Simpson! (14/08/2004)
Hiện tượng Gretchen Wilson… (13/08/2004)
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: Chia sẻ với người không may mắn (12/08/2004)
Hồng Nhung: "Thái Sơn không phải người nông nổi...'' (11/08/2004)
Cao Thái Sơn rút lui, Nguyễn Hồng Nhung thế chỗ! (11/08/2004)
Mọi cánh cửa đều rộng mở với các ca sĩ (11/08/2004)
Bầu sô Thuỷ Nguyễn: "Chuyện nhầm lẫn là rất bình thường"!? (11/08/2004)
Ca sĩ Mai Thanh - Gương mặt người phụ nữ hiện đại (10/08/2004)
Cuộc cách mạng về tư duy nhạc trẻ (09/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang