(VietNamNet) - Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT) vừa ban hành văn bản số 132 đề nghị Cục Nghệ thuật - Biểu diễn, Sở VH-TT cần xem xét kỹ trước khi cấp giấy phép sản xuất, biểu diễn, phát sóng các chương trình ca, múa, nhạc có sử dụng bài hát, bản nhạc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và tác giả, hoặc chỉ ghi chung chung là nhạc nước ngoài, nhạc Hoa, nhạc Thái, dùng nhạc nước ngoài đặt lời Việt rồi tự đứng tên tác giả... Các đài phát thanh, truyền hình không nên phát sóng ca khúc dạng này. Với văn bản này liệu nhạc ngoại lời Việt đã đến hồi cáo chung?
Nhạc ngoại "đồng hành" hay "ăn hiếp"?
|
"Anh không muốn bất công với em", một bài nhạc ngoại lời Việt kém chất lượng. |
Bằng góc nhìn hẹp và đơn giản nhất, nhạc trẻ Việt Nam, hay tạm gọi V-pop, đã chịu nhiều ảnh hưởng từ nhạc ngoại. Trừ lớp nhạc sĩ tiên phong của phong trào nhạc trẻ như Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang... xác lập cho mình phong cách riêng và chịu khó tìm tòi sáng tạo, lớp nhạc sĩ hiện tại đang đi trên những con đường dễ dãi hơn: sáng tạo na ná nhạc nước ngoài! Vì vậy, trào lưu nhạc trẻ VN bỗng nhiên đồng hành với nhạc Hoa, nhạc Thái, Hàn, Nhật... một cách tự nhiên.
Sự đồng hành đó bắt nguồn từ những bài hát "nhạc ngoại lời Việt" nhưng chính xác là "đặt lời", thậm chí phá tan hoang bài nhạc gốc. Không hiếm những thành công vang dội tạo dựng tên tuổi cho nhiều ca sĩ trở thành ngôi sao hoặc ăn khách có xuất phát điểm là nhạc ngoại. Trong đó, phải kể đến Đàm Vĩnh Hưng với Bình minh sẽ mang em đi, Thanh Thảo là Ôi tình yêu, nhóm The Bells với hàng loạt ca khúc Thái, Liều thuốc trái tim của Lý Hải... Những tấm gương "ngời sáng" đó đã làm nản lòng bất cứ ca sĩ trẻ nào muốn thử thách tình yêu nhạc Việt của công chúng.
Nhưng quy định hạn chế số lượng các bài nhạc ngoại mỗi lần phát sóng hoặc ra album đã hạn chế phần nào sự thống trị của nhạc ngoại. Tuy nhiên, cũng từ đây đã phát sinh tư tưởng "đồng hóa" nhạc ngoại thành nhạc Việt qua hình thức ảnh hưởng hoặc trắng trợn copy không thương tiếc. Nhiều ca sĩ không ngần ngại yêu cầu nhạc sĩ sáng tác giống bài nhạc ngoại nào đó để "hợp thức hóa". Vô hình, nhạc ngoại đã làm hư hỏng nền nhạc Việt như một tiến trình tất yếu!
Thời của những nhạc sĩ chân chính?
Ông Lê Nam, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa nhạc thuộc Cục NTBD ủng hộ văn bản 132 bằng cách sẽ hướng dẫn cụ thể hơn để việc thực hiện được chính xác và khoa học. Trước khi gia nhập WTO, chúng ta phải làm quen dần và đi vào khoa học trong việc sử dụng tác phẩm nước ngoài. Nếu việc sử dụng bừa bãi, thiếu tôn trọng hoặc không đúng với tác phẩm gốc, sẽ bị kiện rất nặng. Ngoài ra, còn phải nghiêm túc trong việc trả tác quyền cho tất cả tác phẩm nước ngoài chứ không xài... chùa như bây giờ. Như vậy, có khi chẳng bao nhiêu ca sĩ Việt Nam đủ tiền trả tác quyền cho nhạc ngoại, nên việc sử dụng chắc chắn sẽ giảm đáng kể.
Trước những quy định nghiêm khắc của văn bản 132, những bài nhạc ngoại được lượm lặt đâu đó sẽ không có cơ hội tồn tại. Nhạc Việt đang trong tình trạng thiếu bài, càng "khát" hơn! Bi quan một chút, nhạc Việt có... sụp đổ không?
Nhạc sĩ Trần Tiến từng nói, đại ý là gần đây ông không thích giới thiệu những tác phẩm mới vì âm nhạc bây giờ nhộn nhạo quá. Ông muốn chờ đợi một thời điểm thích hợp hơn. Và bây giờ là thời điểm cho những nhạc sĩ không chạy theo phong trào xuất hiện hoặc xuất hiện trở lại. Hãy chờ đợi và đón nhận những giá trị đích thực!
|