(VietNamNet) - Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng đội ngũ tác và đạo diễn tài năng chuyên nghiệp. Hầu hết các tác phẩm còn mắc các lỗi như: dài lê thê, thừa thãi về lời, về ca từ, về cảnh...nhưng lại thiếu đời sống nhân vật, thiếu quá trình hành động nhân vật! Trang phục thiếu tính chân thực lịch sử, cảnh trí thiếu sự hài hoà với số phận, nội tâm nhân vật, tạp âm hiện trường lấn át ca từ, âm nhạc...
|
Các thành viên Hội đồng giám khảo. |
Từ thành công cuộc thi Tác phẩm sân khấu bằng băng hình tổ chức vào năm 1997, Bộ VHTT đã tổ chức Hội thi Băng đĩa hình Ca múa nhạc, sân khấu toàn quốc 2004. Hội đồng giám khảo đã chọn ra 3 giải A: Em đã yêu (Bến Thành audio), Ước mơ thần tiên (Trùng Dương audio) và Vươn tới tương lai (Cty TNHH VH-NT và Thương mại Vũ Luân) và các giải B và C.
Dù cuộc thi được phát động trên toàn quốc nhưng số lượng hãng băng đĩa tham gia chỉ đạt con số 20! Vì vậy, ở mức độ đánh giá chưa mang tính đại diện cho tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm của toàn quốc. Ngoài ra, việc các hãng đĩa gửi sản phẩm dự thi đa số đã được sản xuất khá lâu, có sản phẩm phát hành gần chục năm, không khỏi bị đánh giá yếu về chất lượng và kỹ thuật. Trong xu thế hội nhập và phát triển, để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, sản phẩm băng đĩa hình đã có những bước tiến bộ vượt trội về nội dung và hình thức. Hội đồng đã giám định 26 chương trình, do các hãng và các đơn vị tự đề cử và gửi đến. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội đồng giám khảo ca nhạc, cho biết: “Tiêu chí của Hội đồng giám khảo là chú trọng đến phần âm nhạc như chọn bài hát, chọn ca sĩ, sự diễn xuất của ca sĩ, phần nhạc phối khí và cách sắp xếp chương trình. Chúng tôi ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt ở khâu biên tập, dàn dựng và âm thanh. Các sản phẩm dự thi còn chú trọng công tác đạo diễn, diễn xuất, dựng cảnh, minh hoạ… ngày càng có nhiều tìm tòi cải tiến đã cuốn hút khán giả. Nhiều sản phẩm đã đầu tư công phu cầu kỳ, đầu tư lớn từ trí tuệ đến chi phí, áp dụng nhiều kỹ nghệ âm thanh và ghi hình hiện đại”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã thay mặt Hội đồng giám khảo Ca múa nhạc rút ra những điểm yếu của các sản phẩm dự thi cần phải khắc phục. Đó là: Chú trọng việc biên tập âm nhạc sao cho hài hoà, tránh một màu. Chú trọng hài hoà thống nhất nội dung bài hát và hình ảnh đi kèm. Tránh lạm dụng kỹ thuật và kỹ xảo để lấn lướt giai điệu bài hát. Đôi khi hình ảnh quá công phu cầu kỳ phụ hoạ cho một bài hát dở thì lãng phí và uổng công. Cần phân thể loại sản phẩm nghe nhìn. Có loại thích hợp để phát sóng truyền hình nhưng vẫn không phải là thương phẩm băng hình. Mảng ca nhạc thiếu nhi rất cần khâu phối khí dàn dựng, tránh tư tưởng đơn giản vì thế giới trẻ thơ rất sinh động và nhiều màu sắc. Cần chú ý chất lượng kỹ thuật các băng hình dự thi vì còn nhiều chương trình nhiều lỗi, đĩa gốc mất hình mất tiếng.
Có thể chương trình được đánh giá cao nhưng số lượng phát hành không nhiều và ngược lại. Đây chính là bài toán và mục tiêu của chúng ta để hướng đến sản phẩm văn hoá giải trí đích thực. Hy vọng hàng năm sẽ tổ chức đều đặn và đề nghị nhà nước có kế hoạch mua những chương trình tốt để phục vụ.
Qua 6 ngày làm việc, Hội đồng giám khảo sân khấu làm việc với 12 chương trình. Các chương trình được thể hiện ở băng đĩa hình sân khấu (lấy không gian tự nhiên làm chính và sân khấu băng đĩa hình (lấy không gian sân khấu làm chính). Các băng đĩa hình sân khấu được kết cấu theo dòng sự kiện và hướng đến khán giả bình dân và đại chúng. Còn các sân khấu băng đĩa hình tập trung làm tư liệu hoặc tình cờ trở thành tư liệu quý đã được đầu tư công phu để biểu diễn tại sân khấu, sau đó áp dụng thêm kỹ thuật xử lý hình ảnh. Nếu 21 băng đĩa hình sân khấu dự hội thi năm 1997 tại Hà Nội phần lớn quan tâm đến số phận quốc gia, dân tộc trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, công cuộc lao động xây dựng bảo vệ tổ quốc, thì hội thi năm nay đi sâu vào số phận cá nhân, thân phận của mỗi con người trong đời thường và đặt nhân cách của họ lên cân với giá trị đồng tiền. Thông qua mỗi tác phẩm, khán giả sẽ cảm nhận được hơi thở của đời sống đương đại với những quan niệm rõ ràng: nhà kinh doanh với mọi người là phải có trách nhiệm, không thờ ơ với số phận đau khổ của người khác trong thế giới đồng tiền khắc nghiệt. Đặc biệt là phải giữ gìn sự thuỷ chung của tình yêu, tình anh em, tình mẹ con…
Tác giả Lê Duy Hạnh - chủ tịch Hội đồng sân khấu đúc kết một số kinh nghiệm: “Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng đội ngũ tác và đạo diễn tài năng chuyên nghiệp. Hầu hết các tác phẩm còn mắc các lỗi như: dài lê thê, thừa thãi về lời, về ca từ, về cảnh...nhưng lại thiếu đời sống nhân vật, thiếu quá trình hành động nhân vật! Trang phục thiếu tính chân thực lịch sử, cảnh trí thiếu sự hài hoà với số phận, nội tâm nhân vật, tạp âm hiện trường lấn át ca từ, âm nhạc…”.
Kết quả |
Băng đĩa hình ca múc nhạc: A: Em đã yêu (Bến Thành audio ), Ước mơ thần tiên (Trùng Dương audio) B: Hát với tuổi thơ (Tùng studio), Đà Lạt mộng mơ (Hãng phim Phương Nam), Một thoáng VN 2 (TTBN Rạng Đông) C: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Hãng phim Trẻ) , Như một lời chia tay (Hãng Phim Phương Nam), Con cò bé bé 1 (Cty TNHH Con cò bé bé), Mùa ở lại ( Sai Gon audio), Sài Gòn tình ca- Nỗi nhớ quê xa (TT DV truyền hình, Ban mê chiều ráng đỏ (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu)
Băng đĩa hình sân khấu: A: Vươn tới tương lai (Cty TNHH VH-NT và Thương mại Vũ Luân) B: Dế mèn phiêu lưu ký (Hãng phim Trẻ) và Duyên phận má hồng (TTBN Rạng Đông) C: Huyền trinh nữ Tây Ninh (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), Sui gia khắc khẩu (Cty Điện ảnh Băng từ Bạc Liêu). |
|