Sáng ngày 19, 20 &21/11/2002, trên 5 tờ báo Tiền Phong, Thanh Niên, Người Lao Động, Thời báo kinh tế Sài Gòn, và Phụ Nữ TPHCM đồng loạt đăng một trang quảng cáo của Công ty Dệt Thái Tuấn có in kèm ca khúc Bụi phấn. Theo nhạc sĩ Vũ Hoàng và NS Lê Văn Lộc, cả hai đồng tác giả đều không hề nhận được sự xin phép nào từ phía Công ty Dệt Thái Tuấn. Thậm chí, phần quảng cáo cũng không hề ghi tên tác giả. NS Vũ Hoàng nhận xét: "Cách bố trí lời ca khúc Bụi phấn lẫn lộn với vải Thái Tuấn một cách bôi bác, thiếu thẩm mỹ, dễ gây ngộ nhận cho công chúng".
Ngay sáng hôm báo ra, Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam tại TPHCM, được sự chấp thuận của hai tác giả, đã ủy quyền cho NS Lê Quốc Thắng tiếp nhận sự việc. Chiều 20/11, Công ty Dệt Thái Tuấn đã cử đại diện làm việc với NS Lê Quốc Thắng. Với sự cố vấn của NS Lê Quốc Thắng, mức bồi thường hai tác giả được nhận phải là 20 triệu. Con số này thật sự rất lớn, lớn gấp 3 lần nếu ca khúc được thương lượng trước để quảng cáo. Con số ước đoán này dựa trên số tiền 450 USD NS Quốc An nhận được khi đồng ý cho ca khúc "Hát với dòng sông" làm nền trong quảng cáo sản phẩm Sunsilk. Còn trên thực tế, nếu đưa ra tòa, các nhạc sĩ vẫn không có cơ sở nào để đòi mức bồi thường cao như vậy. Thậm chí nếu thắng kiện chưa chắc nhận được số tiền này ngay, mà sẽ lằng nhằng và nhiêu khê như trường hợp NS Lê Vinh thắng kiện vừa qua. Vì vậy, sau khi bàn bạc thảo luận, NS Lê Quốc Thắng đã tư vấn cho hai tác giả nên xem thái độ của Công ty Thái Tuấn, nếu họ chiụ dàn xếp ổn thỏa thì không cần thưa kiện.
Cũng bất ngờ, đại diện Công ty Thái Tuấn đã nghiêm túc nhận sai lầm và chấp nhận giải quyết mọi việc theo hướng thiện chí, tình cảm, với tinh thần tôn trọng hai tác giả. Vì vậy, ngày 4/11 tại Hội Âm nhạc TP.HCM đã diễn ra buổi họp mặt để Công ty Dệt Thái Tuấn thể hiện sự thiện chí của mình. Ngay trong buổi này, NS Vũ Hoàng và NS Lê Văn Lộc đã trao tất cả số tiền trên cho UBMTTQ. Cụ thể, 10 triệu ủng hộ Quỹ Vì Người nghèo TP.HCM, và 10 sổ tiết kiệm - mỗi sổ trị giá 1 triệu cho 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nghĩa cử này cho thấy việc hai tác giả đưa ra đòi hỏi trên không hề xuất phát từ vụ lợi, mà muốn sự việc được đặt đúng tầm của nó.
Qua sự kiện bài Bụi phấn, có thể nói vấn đề bảo vệ tác quyền trong âm nhạc đã tiến thêm bước mới trong việc định giá trị tác phẩm. Vấn đề ở đây không phải là giá trị về vật chất, nó khẳng định giá trị tinh thần, và mang đến cái nhìn trân trọng hơn với nhạc sĩ nói riêng, và âm nhạc Việt Nam nói chung. |