(VietNamNet) - Nếu có chuyện copy hoàn toàn nhạc của người khác thì quả thực quá xót xa. Tổng thư ký Hội nhạc sỹ Việt Nam Trọng Bằng đã khẳng định như vậy với VietNamNet.
|
Nhạc sĩ Trọng Bằng. |
Chỉ ít giờ sau khi đăng tải bài viết ''Đừng để nhạc Việt Nam phải chịu tiếng xấu'', VietNamNet đã nhận được nhiều thư phản hồi của bạn đọc đề nghị phía Hội nhạc sĩ Việt Nam có ý kiến. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với nhạc sĩ Trọng Bằng - Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam.
- Mấy ngày nay dư luận xôn xao về việc nhạc sĩ Bảo Chấn bị nghi là copy nhạc của Keiko Matsui trong bài hát "Tình thôi xót xa", ý kiến ông ra sao?
- Tôi đang đi công tác ở Điện Biên nên mới chỉ biết mọi chuyện sơ sơ. Về bài hát ''Tình thôi xót xa'' của nhạc sĩ Bảo Chấn rất tiếc là tôi chưa bao giờ nghe trọn cả bài. Còn bản nhạc Frontier của nhạc sĩ người Nhật, tôi cũng chưa có may mắn được thưởng thức nó dù chỉ một lần. Vì vậy chẳng biết hai ca khúc giống nhau thế nào để có thể phát biểu lúc này.
- Trước đây, đã bao giờ ông nghe đến trường hợp nào copy nhạc của nhau trong giới sáng tác ca khúc chưa?
- Tôi đã nghe đến việc copy nhạc. Một lần đọc trên tờ Le Monde de Musique ("Thế giới âm nhạc" của Pháp), thấy họ nêu rất rõ về việc copy nhạc của nhau giữa một vài nhạc sĩ nổi tiếng. Ở Việt Nam, tôi từng nghe đến trường hợp một nhạc sĩ cũng nổi tiếng (xin giấu tên) trong một cuộc thi sáng tác ca khúc, do lười suy nghĩ, đã lấy y nguyên phần nhạc của người khác chỉ đổi mỗi phần lời. Chuyện này đã bị phát hiện ngay sau đó. Theo tôi, đó là một hành vi không hay gì đối với người sáng tạo nghệ thuật.
- Copy nhạc dù ít hay nhiều thì cũng là một việc không nên làm đối với các nhạc sĩ. Vậy với trường hợp ''bê nguyên xi nhạc của người khác ghép lời của mình vào'', thì ông nghĩ sao?
- Về việc copy nhạc một cách trắng trợn, giống hết tất cả, theo tôi không nên một tý nào. Bởi đã là người nhạc sĩ thì đòi hỏi phải có sự sáng tạo. Tất nhiên, trong sáng tác nhiều khi có âm hưởng của người này người kia. Đó là điều bình thường. Nhưng điều đó chỉ nên áp dụng với việc viết một bản giao hưởng. Ví dụ viết bản giao hưởng của Điện Biên có thể lấy một nét nhạc trong bài Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận để phát triển thành một bản lớn thì không sao cả. Còn với ca khúc ngắn thì hoàn toàn đừng nên làm vậy.
- Chính nhạc sĩ Bảo Chấn từng phát biểu rằng không thể giải thích nổi vì sao hai ca khúc lại giống nhau đến 99%(!?). Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác có sự sao chép trong trường hợp này hay không. Nhưng giả dụ sau này câu chuyện dừng lại một cái kết buồn: ''Nhạc sĩ Bảo Chấn copy nhạc của Keiko Matsui'', thì Hội nhạc sĩ Việt Nam sẽ có thái độ gì?
- Nếu mọi việc xảy ra như vậy thì quả thực quá ''xót xa''. Trong trường hợp đó, khi đã là hội viên Hội nhạc sĩ VN, nhạc sỹ đó sẽ bị khiển trách tuỳ theo mức độ, không kể là ai.
- Trả lời phỏng vấn trực tuyến của Tuổi trẻ Online chiều 6/4 về câu hỏi “nhạc sĩ có tự tin là sẽ chiến thắng nếu sự việc này được giải quyết ở toà án'', nhạc sĩ Bảo Chấn khẳng định: ''Tôi chiến thắng tôi!''. Vậy khi mọi việc ngã ngũ, nhạc sĩ Bảo Chấn nếu bị ''oan'' thì phía Hội nhạc sĩ Việt Nam sẽ hành động như thế nào?
- Tôi rất mong sẽ có một kết cục có hậu.
- Nhưng theo ông thì nhạc sỹ Bảo Chấn có bị oan không?
- Xem ra điều đó khó lắm! (Ngưng hồi lâu nhạc sỹ Trọng Bằng nói tiếp) Việc này phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm của mỗi cá nhân! Thôi được rồi tôi sẽ trả lời VietNamNet kỹ và nhiều hơn về vấn đề này vào tuần sau khi đã nghe lại trọn vẹn ca khúc Tình thôi xót xa (Bảo Chấn) và Frontier (Keiko Matsui)".
Xin cảm ơn nhạc sĩ.
|