(VietNamNet) - Báo chí đã nhiều lần phát hiện và cảnh báo hiện tượng một số nhạc sĩ VN copy nhạc của nước ngoài để biến thành tác phẩm của mình, nhưng chuyện này vẫn tiếp tục xảy ra và đang để lại những tiếng xấu cho nhạc trẻ VN...
Nhạc đạo và "đạo" nhạc
|
Album Cherry Blossom (Bản phát hành năm 1992) | |
|
Bất cứ ngành, nghề nào cũng có tiêu chí đạo đức riêng, gọi tắt là Đạo (đức). Đạo giúp con người hoàn thiện mình và hướng đến đỉnh cao trong nghề nghiệp. Trong âm nhạc cũng vậy, ngoài sự thăng hoa của giai điệu, sự sáng tạo của nhạc sĩ còn mang lại cho người nghe thông điệp kỳ diệu về cuộc sống. Chỉ có trân trọng sự sáng tạo thì âm nhạc mới chạm đến những tầng cao của tâm hồn.
Trong một lần trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nhạc sĩ Thế Bảo đã tâm sự với chúng tôi về hai chữ Nhạc đạo rất xúc động. Từ buổi đầu tiên học nhạc, ông đã được thầy giảng rất kỹ về 3 điều không bao giờ được phép quên. Đó là người nhạc sĩ phải sáng tạo ra ca khúc mới, yêu quê hương và là người phát ngôn của dân tộc, phản ánh được thời đại của mình. Trên chặng đường sáng tác và dạy học của mình, ông đã mang theo 3 qui tắc ấy và truyền thụ cho các thế hệ học trò.
Trong văn học, "đạo" văn là ăn cắp và xào nấu văn chương thì trong âm nhạc cũng có "đạo" nhạc. Có thể phân làm hai loại đạo nhạc: không cố ý và cố ý. Bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng có những thần tượng hoặc người thầy, nên ảnh hưởng của họ thể hiện trên tác phẩm của nhạc sĩ rất lớn. Tuy nhiên, đó là những ảnh hưởng mang tính chất nền tảng. Cũng có trường hợp hai tư tưởng lớn gặp nhau, cùng giống nhau ở vài điểm, nhưng không phải giống hoàn toàn. Như nhạc sĩ - nhà soạn nhạc tài ba Mozart có dùng chất liệu của Haydn nhưng sau đó phát triển lên tầm vĩ đại khác.
Còn loại "đạo" nhạc thứ hai không ngần ngại, thậm chí trắng trợn sao chép y chang, hoặc thay đổi chút ít. Thật bực mình khi một nhạc sĩ đã phát biểu một cách thản nhiên rằng, miễn nhạc của anh ta “đắt hàng” còn chuyện giống ai không quan tâm(?) Trong trường hợp này quả là người nghe có thể lầm chứ người sáng tác lầm sao được! Đụng chạm đến vấn đề này là đụng chạm đến vấn đề đạo đức của người sáng tác. Nên không dễ gì ai chịu nghe ai. Do đó, nếu tự thân người sáng tác không biết xấu hổ vì hành vi của mình thì mọi chuyện rồi cũng sẽ đâu vào đấy. Đó cũng là một trong những lý do vì sao nhạc trẻ hiện nay bài nào nghe cũng na ná nhau, hoặc na ná một bài nhạc ngoại quốc nào đó. Thậm chí còn giống từng chỗ “dằn”. Theo đà này, nhạc Việt sẽ đi vào ngõ cụt!
Không người Việt Nam nào không biết bài Tiếng chày trên sóc Bombo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Khi nghe, có thể thấy quen vì nó được viết trên nền điệu Lý bình vôi, mang chất liệu dân gian, nhưng lại hoàn toàn mới lạ với tài sáng tạo của nhạc sĩ. Thỉnh thoảng nghe những bài Rap Việt Nam được cố ép mình sao cho giống Phương Tây mà vẫn gượng, chợt buồn cười (vừa cười vừa buồn). Trong âm nhạc truyền thống của chúng ta thể nhạc này đã có từ xa xưa, có thể khẳng định là sớm hơn Phương Tây... mấy trăm năm, đó là thể hát nói. Tại sao không dựa trên cái có sẵn để phát triển, mất thời gian học đòi chi cho mệt mà có “rút ngắn khoảng cách” được đâu! Nhạc muôn đời quanh đi quẩn lại 7 nốt đó. Cái quan trọng là người nhạc sĩ phải luôn luôn vẫy vùng thoát mình khỏi cái quen thuộc. Đó mới là sáng tạo!
Nhiều khuất tất chưa được sáng tỏ...
|
Nhạc sĩ Bảo Chấn | |
|
Cách đây 2 năm, sau khi giải VTV Bài hát tôi yêu lần 1 vừa kết thúc, bài hát Nhé anh của nhạc sĩ Nguyễn Hà bị phát hiện rất giống một bài nhạc Thái. Nhạc sĩ Nguyễn Hà đã giải thích thế này: " Tôi viết Nhé anh năm 1998, ghi âm cho Mỹ Tâm, phát hành trong album của Vafaco một năm sau. Hồi đó, thực ra tôi không viết một mình mà có sự giúp sức của tay trống ban nhạc Hải Âu là Lý Huỳnh Long. Khi bài mới phổ biến, đã có người nói là giống nhạc Nhật vì hồi đó tôi đang làm việc nhiều với phía Nhật, nhưng tôi không quan tâm lắm. Như kinh nghiệm của tôi thì ngẫu nhiên cũng chỉ có thể giống nhiều lắm là 50%, còn giống hoàn toàn về giai điệu ở đoạn đầu như thế này có lẽ là trường hợp đầu tiên. Nhưng điều này đã xảy ra ở nhiều nước trong khu vực". Có lẽ, vào thời điểm đó chưa nhiều điều kiện như bây giờ, nên nghi án này bị "chìm xuồng". Nhưng bây giờ, khi nhạc sĩ Bảo Chấn bị nghi ngờ copy nhạc của nhạc sĩ Keiko Matsui, tất cả đã bị lật tung đến từng sợi tóc nhỏ.
Trước hết, để so sánh sự giống nhau đến 95% của hát Tình thôi xót xa và bản hoà tấu Frontier của Keiko, các bạn có thể đăng nhập tại website http://club.mp3search.ru, vào mục Artists tìm tên Keiko Matsui, chọn album Chery Blossom, chọn bài số 7 tên Frontier để nghe trực tuyến. Nghệ sĩ Keiko Matsui đã khẳng định "Tôi muốn dùng từ ăn cắp" để nói về sự sao chép trắng trợn này. Tuy nhiên, nhạc sĩ Bảo Chấn đã rất ''thông minh" bỏ một đoạn nhỏ cao trào để sự Việt hoá ca khúc dễ dàng hơn''.
Trong thời buổi thông tin dễ dàng như hiện nay, chẳng có gì khó nếu muốn xác minh gốc gác của ca khúc nào đó. Nếu bài hát Nhé anh được làm đến nơi đến chốn như bài Tình thôi xót xa hiện nay thì có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Hà sẽ không dám mạnh miệng như ở trên. Gần đây, dư luận còn nói đến sự giống nhau đến "bất ngờ" giữa ca khúc Mẹ yêu của Phương Uyên với một ca khúc gốc Hồng Kông khác. Tiếc rằng, hầu hết các trường hợp bị phát hiện đều không được sáng tỏ đến tận cùng! Nếu những khuất tất ấy được phơi bày, nhạc trẻ Việt Nam sẽ như bị giáng một cái tát. Có lẽ, các nhạc sĩ "đạo" nhạc của người khác cần phải ý thức thật rõ nỗi đau này.
|