Phần trong ngoặc kép chính là câu đề dẫn trong bài hát “Woman” mà John Lennon đã từng viết nên để dành tặng cho Yoko yêu quý của mình. 25 năm đã trôi qua mà ý nghĩa bài hát vẫn nguyên vẹn cảm xúc ban đầu, viết cho Yoko mà dường như John viết luôn cho cả những người ở lại…
Ngày 8/3 đã đến, có lẽ sẽ không trở nên thừa thãi khi tôn vinh những người phụ nữ, những hình mẫu “nguyên thủy” trong sáng tác của những gã đàn ông.
|
John Lennon và Yoko Ono. |
“Người đẹp hỡi, anh biết rằng em sẽ hiểu, vẫn luôn có một đứa trẻ trong thể xác của một người đàn ông”. Người đàn ông ấy thua “người đẹp” của mình đến 8 tuổi, một sự cách biệt khá lớn cho những ai đứng ngoài trông vào nhưng với John đó chỉ là một con số mơ hồ. Kể cả khi những tín đồ Beat “kết án” Yoko là nguyên nhân gây nên đổ vỡ Beatles thì cũng chả ai phủ nhận được rằng bà là niềm cảm hứng xuyên suốt của John cho đến cuối đời. Tình yêu vốn không có chuẩn mực và cũng chẳng có những thông số chung để hình thành nên một công thức. Có thể do đã đi qua quá nhiều cảm giác, tận hưởng quá nhiều niềm vui nên cuối cùng John đã thật sự tìm thấy “bản ngã” của mình ở Yoko, người đàn bà với những nét quyến rũ “độc quyền”.
Đứa trẻ trong lòng người đàn ông vẫn cần hơi ấm người mẹ, cần cảm giác đem lại một niềm an ủi, một sự vỗ về. Những buổi xuống đường tìm “cơ hội cho hòa bình”, những lần bắc loa kêu gọi “Power to the people”… trở về nhà “Người anh hùng của giai cấp cần lao” vẫn nằm gọn trong vòng tay Yoko. Sự yếu đuối của đàn ông thường được nhen nhúm từ sự cưng chiều của người phụ nữ. Đôi lúc trong sự đầy đủ vẫn tiềm ẩn một chút thiếu thốn mong manh. Yoko là câu trả lời đầy đủ nhất cho những mất mát của John từ thuở thiếu thời “Cho đến lúc nào đấy anh có phải bay xa vạn dặm, đến một nơi chưa được gọi thành tên, thì Yoko hỡi, tâm hồn em vẫn luôn chỉ lối cho anh” (Bài Dear Yoko).
|
John và Julia: trong một lần gặp gỡ chóng vánh. |
Thiếu thốn tinh thần từ bé, cuộc đời John xoay vần trong một tam giác với 3 góc là hình bóng 3 người đàn bà: Julia (Mẹ), Mimi (Dì) và Yoko (Vợ). Cả 3 đầy ắp trong John với tình yêu thương vô hạn. Bố bỏ nhà ra đi lênh đênh trên biển, mẹ cũng thành thân với người khác, John bơ vơ giữa tình thương của dì mà tất nhiên chẳng thể đem lại cho John cảm giác vẹn tròn như một người mẹ. Anh sáng tác “Julia” như hình mẫu của một thiên thần, một vẻ đẹp trên cao mà không bao giờ có thể khẽ chạm vào cuộc đời anh giống như những “áng mây tĩnh lặng”, chỉ cần 1 cây guitar thùng trên tay, John tự sự “Mỗi khi trái tim con không thể cất lên lời hát thì lúc đó con sẽ gọi thầm tên mẹ trong lòng, Julia”. Vì thế ở John vẫn luôn tồn tại 2 con người, con người của công chúng và con người đối diện với bản thân. “Con người trước công chúng” đã một lần kết hôn nhưng sau những tiếng reo hò ầm ĩ chỉ còn đọng lại dư vị chán chường. Người đàn bà trẻ tuổi Cynthia Lennon không đủ sức lấp đầy khoảng trống cho người đàn ông tối đến lại phải đối diện với bản thân mình, chỉ có Ono Lennon mới đủ sức làm điều đó, người vợ, người chị và cộng thêm người mẹ, đó mới là những gì John khao khát và vì thế mới hiểu vì sao anh lại luôn tự nhận mình là “đứa trẻ nhỏ trong tấm thân người đàn ông”…, một “đứa trẻ” dường như chưa bao giờ lớn…
|
George và Patty những ngày hạnh phúc. |
Nhắc xong Yoko Ono có lẽ nên đề cập ngay một cái tên cũng chẳng bao giờ cũ, Patty Boyd, người phụ nữ trong đời hai người đàn ông nổi tiếng cho dù cuối cùng chả thật sự thuộc sở hữu của một ai. Cả thế giới đều biết đến Something và Layla - hai trong nhiều ca khúc rực rỡ nhất trong sự nghiệp âm nhạc của George Harrison và Eric Clapton, đều liên quan đến người đàn bà xinh đẹp này. Patty Boyd trước hết thuộc về George. Anh yêu cô giống như tình yêu của John dành cho Yoko cho dù anh không có quá nhiều mất mát tinh thần như John thủa nhỏ và người đàn bà của anh cũng chẳng có nhiều “góc cạnh” như Yoko. Anh sáng tác rất nhiều ca khúc cho Patty như I need you, Think for yourself, Something… nhưng có lẽ cảm xúc không bao giờ tạo ra được ranh giới trong tình yêu và cũng chả ai có thể ngồi một chỗ tưởng tượng ra điểm đến cuối cùng của nó, đôi lúc sự sung sướng của kẻ này là niềm đau của người khác. Sự mất mát của anh nằm ở tình bạn, Patty đến để rồi cuối cùng anh mất luôn cô và Eric, người bạn thân của mình. “Layla” được Eric dành tặng riêng Patty khi cô vẫn còn trong vòng tay George (1970) “Đừng bao giờ nói chúng ta không tìm được một lối thoát và cũng xin đừng bảo rằng tình yêu của anh chỉ còn trong tuyệt vọng”. “Sự tuyệt vọng” hóa thành “Wonderful tonight” (1977), một tình khúc bất hủ lấy từ cảm hứng Patty. Đôi lúc con người cứ ngỡ mình thật sự hạnh phúc nhưng đâu biết rằng nhiều khi đó chỉ là cảm giác của một kẻ thích đi chinh phục. Năm 1988, hai người chia tay, bằng đúng thời gian của cuộc hôn nhân với George. Nhưng dù sao, sự mất mát đó cũng “di chúc” lại cho Rock được 2 khúc tình ca muôn đời.
|
Patty Boyd và Eric Clapton trong lễ cưới. |
Còn rất nhiều tình khúc mang dấu ấn của những người đàn bà, nói như Johnny Hallyday, “cây đa cây đề” của làng nhạc hiện đại Pháp quốc thì “Hãy cứ yêu ai mà bạn muốn, thật nhiều vào, phụ nữ yêu tôi vì bởi lẽ với ai tôi cũng đều có cảm giác họ là mối tình đầu của mình”. Paul McCartney cũng nghĩ thế, đã 3 người đàn bà quan trọng nhất đi qua đời anh nhưng với ai anh cũng tìm được những cảm xúc đặc biệt và vì thế họ tiếp sức cho anh rất nhiều trong các sáng tác của mình, từ Jane Asher, Linda Eastman cho đến Heather Mills. Có ai nghĩ rằng “The first time ever I saw your face” trầm mặc từng vinh danh Grammy cho Roberta Flack năm 1972 lại là một tình khúc mà Ewan MacColl đã sáng tác từ 15 năm trước đó, chỉ riêng dành cho Peggy Seeger, người vợ thứ 3 và cũng là một ca sĩ đồng quê nổi tiếng của Mỹ.
Sau này khi ca khúc đã được phổ biến thì đối với ông, chả ai (kể cả Roberta Flack hay Engelbert Humperdinck) có thể đem lại cảm giác vẹn tròn như Peggy Seeger, chẳng phải vì chất giọng hay hoặc kỹ thuật tốt mà đơn giản chỉ có bà hiểu được tình yêu của Ewan dành cho mình và thể hiện nó một cách có hồn nhất. John Denver sáng tác “Annie’s song” và đưa nó trở thành một trong những khúc tình ca được mọi người yêu thích nhất. Nhân vật đó chính là Ann Martell, người vợ cũng như là “Nàng thơ” trong hầu hết sáng tác của John. The girl from Ipanema - một sáng tác nổi tiếng của Antonio Carlos Jobim (được thể hiện bởi Astrud Gilberto) là một cô gái “vô tình”, bởi lẽ giữa họ chưa một lần chào hỏi, thăm viếng nhưng vẻ đẹp của cô lại đủ sức làm Antonio “rung động thả hồn theo khuôn nhạc”. Hoặc sự thất bại trong tình yêu cũng đủ để Screamin’ Jay Hawkins đưa I put a spell on you trở thành một những bài hát hay nhất trong lịch sử Rock’n’roll…
|
Paul McCartney và Jane Asher. |
“Trắng đêm đốt thuốc vàng mắt nhớ”, câu thơ của Trần Hữu Nghiêm đôi lúc lại có sức mạnh vượt biên giới. Mỗi bài hát, khúc ca đều ẩn chứa những câu chuyện bên trong mình. Đối với những người nghệ sĩ, đôi khi “nỗi nhớ” hay sự “mãi mãi” chỉ tồn tại ở dạng bản thảo. Đôi lúc cũng tự hỏi, liệu những người đàn bà trong các ca khúc ấy bây giờ ở đâu và làm gì? Không xác định được, có thể những người đó đã đi xa hay vẫn còn ở lại hoặc vẫn ở lại với tâm trạng chóng vánh. Chỉ có điều, không có họ, những khúc tình ca sẽ chẳng bao giờ xuất hiện, sẽ không thể có những Oh my love (John Lennon), Autumn leaves (Jacques Prévert), Take me to the river (Al Greens) hay I am yours (Eric Clapton)… Và vì thế, hãy dành cho họ một cái nhìn biết ơn nhất, "phân nửa còn lại của bầu trời"…
|