|
Nhạc sĩ Trần Minh Phi. |
(VietNamNet) - Sau thời gian vắng bóng, Nhạc sĩ Trần Minh Phi trở lại với âm nhạc với phòng thu Music Land. Anh không thích một đời sống âm nhạc thiếu bình đẳng với các ca sĩ có năng lực nhưng thiếu điều kiện.
- Anh mở phòng thu để kinh doanh hay làm nghệ thuật?
Phòng thu Music Land của tôi luôn dành ưu tiên cho các ca sĩ trẻ có triển vọng và tâm huyết với nghề ca hát, đặc biệt là những ca sĩ trẻ đang phải tự lực cánh sinh đến với ước mơ thành một ca sĩ nghiêm túc, đàng hoàng và tử tế. Cụ thể tôi sẽ giảm cho họ khoảng 20%, sẽ cố vấn, giúp đỡ miễn phí để tìm cho họ một phong cách đặc thù phù hợp với chất giọng và khả năng sân khấu của họ. Hiện nay, tôi đang thực hiện những bài hát cho diễn viên Yến Vy và một nhóm nhạc theo phong cách HipHop. Tôi kinh doanh để được sống trong môi trường âm nhạc mình yêu thích.
- So với các phòng thu khác, phòng thu của anh có điểm gì hơn để cạnh tranh?
Dù là kinh doanh nhưng tôi không kiếm lời bằng mọi giá. Tôi đặt lương tâm và trách nhiệm của người nghệ sĩ lên trên hết. Tôi không phải chỉ biết “nhận hàng và thu tiền” từ khát vọng thành ca sĩ của các bạn trẻ mà còn định hướng và giúp đỡ họ vô vị lợi, để họ không phải trả giá quá đắt cho tham vọng của mình. Theo bạn điều này có khả năng cạnh tranh không?
- Từ trước đến nay anh chỉ làm nhạc sĩ và viết báo, bây giờ nhảy vào kinh doanh, anh có bị áp lực không?
Có nhưng không đáng kể. Trước đây tôi đã từng tốt nghiệp ngành quản lý kinh tế, nhưng bây giờ tôi chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn của một nhạc sĩ. Công việc hạch toán kinh tế ở phòng thu là do một người bạn cùng hợp tác với tôi lo.
- Phòng thu do anh hùn vốn, anh có sợ vì một lý do gì đó tính nghệ sĩ sẽ không cho phép mình cứ chạy theo lợi nhuận?
Tôi nghĩ rằng làm một nhạc sĩ trong nền kinh tế thị trường ít nhiều gì cũng phải nghĩ đến lợi nhuận chính đáng của mình. Giới nhạc sĩ đang đấu tranh cho chuyện bản quyền cũng là đang nghĩ đến lợi nhuận của họ. Tuy nhiên chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng và bằng mọi giá là điều tôi rất dị ứng.
- Anh có dự định mở rộng phòng thu thành một nơi đào tạo ca sĩ và tự tin mình sẽ thành công?
Tôi đang ấp ủ dự định đó và cho rằng điều này không quá xa tầm tay của tôi.
- Bắt tay vào kinh doanh, anh còn thời gian sáng tác không? Gần đây thấy anh ít giới thiệu bài mới, có phải là do phòng thu chiếm hết thời gian?
Không hẳn như vậy. Tôi viết rất đều, chỉ có điều tôi không muốn hợp tác với các ca sĩ “ngôi sao”. Tôi đã quá mệt với sự hãnh tiến của họ khi cho rằng bài hát nổi tiếng là do 90% ở tên tuổi ca sĩ. Ngay cả một ông bầu của ca sĩ nổi tiếng trước đây đã thành danh nhờ các ca khúc của tôi cũng có lần xúc phạm tôi bằng một quan niệm coi thường tác giả bài hát như thế. Tôi muốn họ phải trả lại đúng con số 50%.
- Anh có cảm giác thế nào về dòng nhạc trẻ hiện nay? Việc anh bước vào kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc có phải là sự khởi đầu cho một nền công nghiệp?
Một trận cầu tẻ nhạt đã biết trước tỷ số. Ở đó có cả sự bán độ, trình độ kỹ thuật kém và thiếu fair play. Tôi chỉ mới nghĩ đến sự độc lập được làm việc và tự chịu trách nhiệm. Còn sự khởi đầu cho một nền công nghiệp ư, câu hỏi hay đấy. Tôi sẽ suy nghĩ nhiều hơn về điều này.
|