(VietNamNet) - Nếu như "Vì một thế giới ngày mai" đã hoàn thành sứ mệnh "thổi lửa" cho những ngày đầu SEA Games 22, thì trong lễ bế mạc diễn ra tối 13/12, bài hát ''Tạm biệt SEA Games 22'' của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ vang lên như một lời chia tay "rưng rưng nhòa nước mắt".
|
Khánh Linh, ca sĩ được chọn hát bài ''Tạm biệt SEA Games 22''. |
"... Xin cám ơn các bạn, về chung xây Đài chiến thắng. Vinh quang chiếu sáng ngời. Đến giờ chia xa rồi, bạn bè mến thương, rưng rưng nhòa nước mắt...", những lời tạm biệt đầy lưu luyến này sẽ được 3 ca sĩ đến từ Nhạc viện Hà Nội: Lan Anh, Thu Uyên và Khánh Linh trình bày. VietNamNet vừa có cuộc trò chuyện nhanh với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về kịch bản Lễ bế mạc SEA Games 22 và những vấn đề liên quan đến bài hát ''Tạm biệt SEA Games 22''.
- Nhạc sĩ đã gửi gắm gì vào ca khúc ''Tạm biệt SEA Games 22''?
- ''Tạm biệt SEA Games 22'' xuất phát từ ý đồ kịch bản. Hội đồng nghệ thuật SEA Games 22 ngay từ những ngày đầu đã muốn có bài hát chia tay để khắc sâu tình cảm, còn mãi vấn vương trong tâm hồn những người đã tham gia, những ai đã dự những buổi lễ đó và giai điệu đó còn vang mãi theo các bạn bè về các nước. Vì vậy, tuy bài hát bế mạc chỉ là một phần trong tổng thể chương trình âm nhạc nhưng Hội đồng nghệ thuật đã giao cho tôi, với tư cách là nhạc sĩ phụ trách phần âm nhạc, thực hiện cả lễ khai mạc và bế mạc. Đây không chỉ đơn thuần là bài hát của cá nhân tác giả mà nó phải trung thành với ý đồ kịch bản, tức là mở ra bằng giai điệu nhẹ nhàng, ngậm ngùi, chia tay, nhưng vẫn nói được tinh thần bạn hữu, tình nồng ấm của nhân dân Việt Nam nước chủ nhà, đồng thời đưa đến một cao trào tất cả cùng hòa đồng trong không khí chia tay rạo rực, lưu luyến nhưng rất hào khí.
- Có nhiều ca khúc khác đã dự thi. Theo anh, vì sao ''Tạm biệt SEA Games 22'' "ăn điểm"?
|
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. |
- Đúng là Hội đồng nghệ thuật đã nhận được một số ca khúc được viết từ tình cảm cá nhân. Những bài hát đó nếu đặt riêng thì có thể đạt độ xúc động nào đó, nhưng trong bối cảnh của một đêm có bố cục tổng thể thì đòi hỏi nhiều yếu tố. Để cẩn thận, Hội đồng nghệ thuật cũng đã đưa những bài hát nhận được cho các nhạc sĩ thẩm định. Nhưng cuối cùng ca khúc Tạm biệt SEA Games 22 của tôi ''lọt'' vào mắt của BTC. Bài hát ngắn, tổng lượng thời gian hơn 5 phút, có hai phần: phần êm dịu, lưu luyến và phần hòa đồng. Có một điều thế này, chưa bao giờ tôi phải sửa đi sửa lại bản thảo nhiều lần như ca khúc này. Số lượng sửa lên tới 10 lần (cười).
- Lần đầu tiên anh được ''giao'' viết ca khúc cho một sự kiện thể thao, cảm xúc của anh thế nào?
- Năm 1998, tôi có nhận được lời mời của Dàn nhạc Giao hưởng TP.HCM sáng tác một tác phẩm giao hưởng với quy mô lớn để chào mừng 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Ðối với tôi đây là một vinh dự lớn, vì được trực tiếp góp phần sáng tạo phục vụ sự kiện trọng đại của đất nước và thành phố. Ý thức được vinh dự và trách nhiệm của mình, tôi đã hoàn thành bản giao hưởng này một mạch trong vòng 5 tháng, đầy hứng khởi. Năm nay, sự kiện thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, tôi thấy tự hào vô cùng vì được giao phần âm nhạc của cả lễ khai mạc và bế mạc. Tôi nghĩ quá trình sáng tác của mỗi nhạc sĩ có những lúc thuận lợi, lúc gặp khó khăn, có những môi trường, lĩnh vực thuận tay hoặc đôi khi phải trải qua thử thách. Với tôi, bài hát viết ra không khó lắm về mặt kỹ thuật nhưng khó hơn cả là nắm bắt được cảm xúc của mọi người và lồng vào trong bài hát.
- Ca khúc này do 3 ca sĩ thể hiện. Vì sao lại là 3 người hát chứ không phải là một, thưa anh?
|
Khuôn nhạc bài ''Tạm biệt SEA Games 22''. |
- Trong ý đồ sáng tác tôi đã định viết cho 3 "bè", vì vậy không thể một người hát. Bài hát có âm vực tương đối cao, quãng rất rộng. Bởi vậy việc hướng tới ca sĩ có kỹ thuật tốt là tiêu chí đầu tiên, thứ hai là các giọng hát đó phải hòa quyện với nhau. Ngay đầu tiên tôi đã chọn Lan Anh - ca sĩ được giải nhất cuộc thi Hát thính phòng và nhạc kịch chuyên nghiệp năm 2000, giọng trong sáng và khỏe khoắn của Khánh Linh - giải ba cuộc thi Sao Mai 2003 và Thu Uyên giọng truyền cảm, hơi trầm. Tôi muốn qua bài hát ngắn và đơn giản này để bạn bè trong khu vực thấy rằng, Việt Nam, ngoài nền văn hóa về âm nhạc dân tộc đậm đà và đặc biệt thì nền âm nhạc kinh điển cũng rất phát triển.
- Nghe nói ban đầu bài hát được đặt tên là ''Tạm biệt SEA Games, tạm biệt Trâu vàng'', sau đó lại bị đổi lại chỉ còn ''Tạm biệt SEA Games 22''. Vì sao vậy?
- Tên bài hát ''Tạm biệt SEA Games, tạm biệt Trâu vàng'' không nằm trong ý tưởng sáng tác của tôi. Chắc là một số người muốn lấy mô típ "Tạm biệt trâu vàng" giống như "Tạm biệt Misa", con gấu của Olympic Matxcơva năm 80 chăng.
- Thưa anh, kịch bản lễ khai mạc SEA Games 22 trình diễn hôm 5/12 được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao. Vậy chương trình nghệ thuật bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á sẽ như thế nào?
- Chương trình nghệ thuật kết thúc SEA Games sẽ gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ có 4 màn: Bài ca ASEAN với sự tham gia của 300 nhạc công của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và 500 diễn viên dàn hợp xướng; Chào thiên niên kỷ mới thể hiện khát vọng vươn tới những thành công lớn trong thiên niên kỷ mới của gần 1.000 nhạc công và diễn viên; Giai điệu bạn bè sẽ là một tổ khúc 10 bài dân ca chọn lọc của các nước ASEAN (theo các hình thức song ca, đơn ca, tốp ca) cùng phần trình diễn múa và tạo hình của gần 1.000 diễn viên và Hòa tấu bộ gõ là sự trình diễn của 200 chàng trai với các đoạn múa mang đậm chất dân gian Đông Nam Á . Ở phần hội, lễ đón cờ SEA Games 23 của Philippine và tiết mục Tạm biệt Việt Nam - Hẹn gặp lại sẽ diễn ra trong 15 phút. Màn diễn này được thực hiện trên nền nhạc bài hát Tạm biệt SEA Games 22.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc cho buổi bế mạc thành công!
|