Dự án "Phổ cập cây đàn ghi ta tới sinh viên"
11:35' 02/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) – Khơi dậy sự yêu thích ghi ta cho những người chưa biết, chưa yêu ghi ta; giúp các trường thành lập CLB ghi ta để sinh viên có thêm sân chơi bổ ích là mục tiêu mà GuitarList Tuấn Khang cùng các “đồng nghiệp” của mình hướng tới khi thực hiện dự án...

Thêm một sân chơi tinh thần?

GuitarList Tuấn Khang.

 “Đàn hay, nhiệt tình, sống có trách nhiệm và đầy chất nghệ sỹ", đó là lời khen tặng của Vũ Quốc Cường - Phó Bí thư Đoàn Phân viện Báo chí & Tuyên truyền khi nói về GuitarList Tuấn Khang, người từng đoạt giải Nhất tại Đại Nhạc hội ghi ta toàn quốc năm ngoái và là tác giả của dự án  “Phổ cập cây đàn ghi ta tới sinh viên”, được đông đảo sinh viên nhiệt tình hưởng ứng. Đem điều này thuật lại với Khang, tôi chỉ nhận được câu trả lời bình dị, khiêm tốn: những gì mình muốn làm chỉ là góp một phần nhỏ giúp cho đời sống tinh thần của sinh viên được phong phú hơn, trong khi nhu cầu giải trí của sinh viên hiện nay khá lớn. Mình hy vọng qua dự án này, sẽ làm sống dậy được hình ảnh cây đàn ghi ta thân thuộc đã một thời gắn với hình ảnh của sinh viên ...

Nghĩ là làm, không chút tính toán thiệt hơn, Khang cùng hai “đồng nghiệp” nữa là Lê Linh (sinh viên Học viện Ngân hàng) và Tiến Thành (sinh viên ĐH Y Hà Nội) cùng bắt tay triển khai dự án, với sự hậu thuẫn nhiệt tình của Trung tâm Hỗ trợ & Phát triển sản phẩm trí tuệ. Những ngày đầu "ra quân", Khang vừa phải lo khâu tổ chức, vừa đảm nhiệm vị trí … chơi đàn. Sàn diễn không đâu khác chính là nền sân khấu xi măng của Hội trường lớn các trường ĐH. Sự nhiệt tình, lòng đam mê của Khang cùng nhóm bạn diễn đã được đền đáp xứng đáng khi đêm biểu diễn ở Phân viện Báo chí & Tuyên truyền, có tới hơn một nghìn sinh viên háo hức tìm đến để được biết sự kỳ diệu của tiếng đàn ghi ta qua phong cách biểu diễn của Khang và đồng đội.

Nhớ lại buổi diễn đầu tiên trong… khuôn khổ dự án, Khang tâm sự: tưởng rằng đã “chai” sau bao năm lăn lộn trên sàn diễn, CLB, quán nhạc… nhưng khi biểu diễn chương trình miễn phí đầu tiên cho sinh viên, mình vẫn cảm thấy xốn xang thật khó tả. Một phần vì không gian diễn chủ yếu là … sàn xi măng hội trường, một phần vì đối tượng nghe đàn không phải ai cũng hiểu, cũng yêu ghi ta. Thế nhưng khi tiếng đàn dìu dặt cất lên, nhiều sinh viên đã ào lên sân khấu xin được "diễn" cùng. 

Không có “fan” nữ nào lên xin chữ ký và … ôm hôn thắm thiết sao? Tôi thăm dò. Khang tủm tỉm: có một bạn nữ tìm Khang nhưng không phải để … ôm hôn, bày tỏ xúc cảm gì cả mà chỉ lăm le “chấn vấn”: sao tiếng đàn ghi ta kỳ diệu thế? Sao lại có thể chơi được nhiều loại hình âm nhạc thế? Lâu nay em cứ tưởng ghi ta chỉ dùng để … bập bùng cho vui hoặc chỉ đệm cho người ta hát là cùng…? Nghe cô bé hỏi, mình bật cười. Về nhà nghĩ lại mới thấy, tạo được cho người khác cảm giác tò mò là coi như đã thành công rồi. Bởi theo quy luật, từ tò mò, ngạc nhiên dẫn đến yêu thích chỉ cách nhau có một khoảng ngắn. Đó là cơ sở để mình tin là dự án sẽ thành công tốt đẹp, vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

“Tiền không phải yếu tố quyết định thành công”

Khang đã khẳng định như vậy khi tôi hỏi anh lấy đâu kinh phí để trang trải chi phí tổ chức biểu diễn. Trước đó, khi trò chuyện với Phạm Ngọc Thủy, Phó Bí thư Đoàn Học viện Hành chính Quốc gia, tôi cũng đã nghe phong thanh “ Nhóm ghi ta của Khang diễn ròng mấy tiếng đồng hồ và ra về chỉ được bồi dưỡng bằng … nước sinh tố và tấm ảnh kỷ niệm”. Thấy tôi vẫn chưa hết băn khoăn, Khang cười lý giải: Ngoài những lần diễn cho sinh viên, mình thường đàn cho các quán nhạc tranh, CLB ghi ta để kiếm sống. Với những nghệ sỹ chân chính, để kiếm sống thật đơn giản nhưng để làm giàu thì không dễ chút nào. Mình quan niệm, đã không thể làm giàu cho bản thân thì tốt nhất là cống hiến được điều gì đó cho xã hội. Đó là lý do để mình dám dấn thân thực hiện dự án này, mặc dù để bắt tay thực hiện được, mình đã phải đấu tranh và vượt qua bao nhiêu định kiến, hiểu lầm, thậm chí phỉ báng.

Thấy tôi tỏ vẻ không tin, Khang ngậm ngùi: Người ta vẫn cho rằng, làm gì có chuyện tốt với người khác một cách vô điều kiện nên khi bọn mình có ý tưởng “phổ cập” ghi ta đến sinh viên miễn phí, không ít người đã dè bỉu, cho là mình hám danh, thích chơi trội, muốn đánh bóng chủ nghĩa cá nhân. Thậm chí, không ít đồng nghiệp còn lên án, chỉ trích hành động này và cho rằng, ghi ta phải được chơi trong những phòng ốc sang trọng để tiếng đàn trở nên cao quý, tao nhã. Nếu đưa ra phổ cập đại trà sẽ trở nên tầm thường, rẻ rúng?!

Tôi chợt nhớ lại tâm sự của Vũ Quốc Cường: Thoạt đầu, khi thấy Khang đặt vấn đề được biểu diễn ghi ta ở trường phục vụ sinh viên, mình hào hứng lắm nhưng nghĩ đến ngân sách hoạt động Đoàn, Hội quá eo hẹp, sợ không đủ trang trải nên từ chối. Khang biết nên “trấn an”, mục tiêu của tôi là khơi dậy được lòng yêu thích ghi ta của sinh viên, còn kinh phí không quan trọng. Anh còn đùa: nếu đòi các trường “bồi dưỡng” 4 – 5 triệu đồng cho một buổi diễn theo giá thị trường, ai còn thèm tìm đến tiếng đàn của chúng tôi. Lúc đó, có ra sức quảng bá sự kỳ diệu của tiếng đàn ghi ta, tôi dám chắc chẳng mấy sinh viên thèm hưởng ứng.

Trước khi chia tay, Khang háo hức “bật mí”: trong quá trình biểu diễn, mình đã tìm được một vài tri âm có “tâm hồn đồng điệu” hứa sẽ biểu diễn ghi ta miễn phí cho sinh viên cùng bọn mình. Điều khiến mình kinh ngạc là những người đó tuy không có tên tuổi gì trong làng nhạc nhưng đàn còn giỏi, còn hay hơn mình. Họ cũng đã từng là sinh viên, từng hiểu sinh viên muốn gì, khao khát những gì...

  • Nguyệt Minh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của John Lennon (02/12/2003)
Danh sách 22 ca sĩ thể hiện bài hát SEA Games (01/12/2003)
Trụ cột của nhóm Westlife muốn ứng cử Tổng thống Ai-len (30/11/2003)
Rolling Stones hoàn thành chuyến lưu diễn bội thu (29/11/2003)
Sôi động trên cả hai miền đất nuớc (28/11/2003)
Phát hành album mới về Chủ tịch Mao Trạch Đông (28/11/2003)
Sir Elton John lên kế hoạch trình diễn vào mùa hè năm tới (28/11/2003)
Britney Spears - sống cô đơn để làm mới mình (27/11/2003)
Beyoncé, Clay Aiken, Shania Twain sẽ tham gia biểu diễn (27/11/2003)
''Đường tới đỉnh vinh quang'' sẽ đem lại khoảnh khắc đẹp, ngoạn mục (27/11/2003)
Saigon Audio phát hành album cổ động SEA Games (26/11/2003)
Justin Timberlake - Người tuyệt nhất thế giới năm 2003 (26/11/2003)
Nhạc sĩ nói gì về hát nhép và trang phục? (25/11/2003)
"Agadoo" - Ca khúc chán nhất mọi thời đại (24/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang