Ô Quan Chưởng mới quá...

Cập nhật lúc 08:03, 05/11/2010 (GMT+7)
- Ô Quan Chưởng mới quá, giả quá, phần điện thờ phía trên được sơn lại nuột nà quá. Đành rằng phải trùng tu, việc trùng tu là cần thiết ... nhưng kết quả trùng tu lại như thể đang sửa sang lại một góc nhà - chứ không phải một di tích.
Đình Chu Quyến được vinh danh bởi trùng tu

Đình Chu Quyến thuộc làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, có niên đại tương đối lớn vào khoảng cuối thế kỷ XVII - tức là tuổi thọ khoảng 400 năm, được Nhà Nước xếp hạng vào năm 1962. Đầu năm 2010, việc trùng tu di tích đình Chu Quyến đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc, khi lần đầu tiên, một dự án trùng tu của Việt Nam đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế được công bố vào đầu tháng 10/2010. Dự án trùng tu đình Chu Quyến đã đoạt giải cao nhất về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Du-an-Trung-tu-dinh-Chu-Quyen-Gianh-giai-thuong-l_Tin180.com_001.jpg
Đình Chu Quyến sau khi trùng tu (10/2010)

Dự án do KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích là chủ nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên, một dự án trùng tu của Việt Nam đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế. Dự án này đã được xây dựng một cách bài bản trên cơ sở một kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Việc trùng tu này dựa trên cơ sở sử dụng kĩ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện nét đẹp của một ngôi đình cổ. Di tích đình Chu Quyến đã hy vọng trở bài học lớn trong việc trùng tu các di sản kiến trúc của Việt Nam.

Tân trang Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn sót lại của Hà Nội, trong khi 15 cửa ô khác đều đã bị mất dấu bởi sự tàn phá của chiến tranh và thời gian. Ô Quan Chưởng có lịch sử gần 300 năm tuổi, được xây dựng vào năm 1749 vào thời nhà Lê, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1994. Dự án bảo tồn di tích Ô Quan Chưởng với 1,3 tỉ đồng (ít hơn rất nhiều so với di tích thành nhà Mạc) được Thành phố Hà Nội kí quyết định khởi động từ tháng 11/2009.
o1jpg-101253.jpg
Di tích Ô Quan Chưởng năm 2002

Những tưởng việc trùng tu di tích thành nhà Mạc sẽ trở thành kinh nghiệm đắt giá cho mỗi đơn vị tổ chức, thi công trong việc tu bổ lại những di tích lịch quý giá của nước nhà. Cũng có vẻ như đơn vị thi công đã chuẩn bị, tính toán hết sức chu đáo, từ việc lựa chọn gạch vồ từ di tích Hoàng Thành Thăng Long, tới việc dỡ gạch và đánh số từng viên để không xê dịch vị trí nguyên gốc... Họ cũng rất cẩn thận trám trát từng viên, phun thuốc diệt cỏ, đặt thuốc chống thấm, nhưng sao kết quả thì vẫn cứ ... thế nào ấy.
IMG_3439.JPG
Ô Quan Chưởng - ảnh chụp ngày 2/11/2010

Ô Quan Chưởng mới quá, giả quá, phần điện thờ phía trên được sơn lại nuột nà quá. Đành rằng phải trùng tu, việc trùng tu là cần thiết ... nhưng kết quả trùng tu lại như thể đang sửa sang lại một góc nhà - chứ không phải một di tích. Có khi nào đơn vị thi công tự hỏi, hồn cốt của một di tích lịch sử nằm ở đâu?
IMG_3450.JPG
Màu tường trên mái
IMG_3503.JPG
Một màu tường đang được dự tính thử, sẽ thay cho màu vàng đất vừa sơn
IMG_3431.JPG
Cận cảnh những góc vừa thi công

Năm 1993, cách đây hơn 10 năm, trước khi có các kỹ thuật trùng tu tiên tiến của thế kỉ 21, ngôi Chùa Phật giáo Todai-Ji ở cố đô Nara Nhật Bản - được biết đến như là quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới và là nơi có tượng đồng của Phật Tỳ Lô Giá Na cũng đã được người Nhật trùng tu sau khi bị cháy. Đó là lần trùng tu thứ 2 - kéo dài từ năm 1988 đến năm 1993.
todaiji_hondo_sunset.jpg
Ngôi chùa Nhật Bản, nơi các nghệ nhân thi công phải chờ tới 3 năm để hoàn thiện vật liệu sau khi thử nghiệm không đạt

Bức tường làm bằng rơm trộn đất sét, các nghệ nhân và chuyên gia đã tìm cách sử dụng loai vật liệu tương tự, ủ rơm và đất sét trong vòng 1 tuần. Nhưng sau khi thử nghiệm, họ nhận thấy loại vật này sẽ không tương đồng với những bức tường xung quanh, do thời gian ’oải’ của những bức tường đó nhanh hơn. Họ quyết định ủ rơm với đất sét trong vòng 3 năm để có được loại vật liệu gần tương ứng với vật liệu gốc ở thời điểm hiện tại - để có thể tu bổ ngôi chùa.
Nếu chúng ta không thống nhất được một tiêu chuẩn sàn cho việc trùng tu hiện trạng, thì sẽ còn nhiều di tích ’run rẩy’ chờ đến lượt ’tân trang’

Tại sao đình Chu Quyến được trùng tu thận trọng nghiêm túc đến mức quốc tế phải khâm phục mà những di tích khác quý giá hơn lại được phép tiến hành theo kiểu "thích làm gì thì làm, muốn ra sao thì ra"? Câu hỏi này chắc chỉ có các nhà quản lý văn hóa mới trả lời thấu đáo được.
  • Bài và ảnh: Hồ Hương Giang

Các tin khác