Hành trình tư tưởng của L. Tostoi:

Từ bất tín đến niềm tin nồng cháy vào Thượng đế

Cập nhật lúc 17:15, 16/11/2010 (GMT+7)

 - Trong tất cả các khoa học mà con người có thể biết và cần biết, chính yếu nhất là khoa học về việc cần phải sống thế nào để làm thật ít điều ác và làm thật nhiều điều thiện; trong tất cả các nghệ thuật chính yếu nhất là nghệ thuật tránh cái ác và làm cái thiện một cách ít mất sức nhất. 

Mô tả ảnh.
Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910)

Cuộc khủng hoảng này, xảy ra trong cuộc đời của Tolstoi vào cuối những năm 70 thế kỷ XIX, tái hiện trong tác phẩm “Tự bạch” được viết ngay sau đó. Sự xác thực hoàn toàn của những gì được kể ở đây, thái độ chân thành tuyệt đối của người kể, thể hiện ngay ở lối kể, ở hành văn xa lạ với mọi thứ hoa hòe hoa sói của thuật viết văn, mọi thủ pháp hướng tới hiệu quả tức thì của nghệ thuật hùng biện đã làm cho tác phẩm này trở thành vừa một tài liệu nhân học đáng tin cậy bậc nhất, vừa một kỳ đài vô tiền khoáng hậu của tư tưởng và nghệ thuật ngôn từ con người.

Tolstoi kể, và chúng ta tin ông, rằng vào tuổi năm mươi, thân thể còn tràn đầy sinh lực, trí tuệ còn rất mực minh mẫn, hạnh phúc trong đời riêng, giàu có và được xã hội trọng vọng và như một người cầm bút đã đạt được vinh quang toàn cầu, ông bỗng nhận thấy cuộc đời của mình là vô nghĩa hoàn toàn trước viễn cảnh của cái chết không thể tránh khỏi. Cái chết sẽ cào bằng tất cả, tước giá trị của tất cả và hủy tiêu tất cả. Đáng để ý là Tolstoi không dành ngoại lệ cho những trước tác văn học của mình, đang được cả thế giới văn minh tán thưởng. Mọi sản phẩm của con người đều bất toàn và sớm hay muộn đều chìm xuống dòng sông quên lãng. Triển vọng được hưởng vẻ vang trong hậu thế của Shakespeare, Goethe, Molière tuyệt không quyến rũ Tolstoi.

Nhưng ông không đặt vấn đề về sự bất tử của con người và loài người, như Dostoievski từng làm, như Vladimir Soloviev, triết gia Nga trẻ hơn ông và hay tranh luận ngầm với ông, đương làm. Câu hỏi Tolstoi đặt ra là liệu có tìm được hay không trong cuộc sống phù du, nay còn mai mất của con người một ý nghĩa mà cái chết cũng không tiêu hủy được? Cách đặt vấn đề như thế, không cao vọng như ở Dostoievski và Soloviev, bám sát thân phận hữu tử không có ngoại lệ của tất cả mọi người trên trái đất, một cách tự nhiên dẫn dắt tác giả “Tự bạch” đến sự khảo sát đời sống tâm linh, tín ngưỡng của các giới xã hội đương thời với ông. Và từ sự khảo sát ấy ông đi đến một nhận định đáng mừng vui cho mình, nó giúp ông từng bước chiến thắng nỗi tuyệt vọng và ý muốn tự sát.

Tolstoi nhận ra rằng nếu trong các tầng lớp xã hội thượng lưu, dưới cái vỏ toàn tòng bất biến của đạo Kitô chính thống được xem là quốc hồn quốc túy, đức tin tôn giáo thực thụ đã biến mất, nhường chỗ cho sự thờ ơ phổ biến hay sự trọng lễ vụ lợi đi đôi với thái độ phủ định mọi ý nghĩa siêu tại của cuộc sống con người, thì trong quần chúng nhân dân lao động đức tin ấy, cùng với niềm tin son sắt vào ý nghĩa của cuộc sống vẫn được bảo toàn không suy xuyển. Tin yêu nhân dân lao động, Tolstoi tiếp nhận tôn giáo của họ, nhận thức của họ về ý nghĩa của nhân sinh và cảm thấy mình thoát khỏi khủng hoảng tinh thần, nhận ra được “đường sống” chính thực. Cần phải tin vào Thượng Đế (Thiên Chúa), cần phải sống trong Chúa và vì Chúa, như tất cả những tín đồ chân chính của đạo Kitô - đó là tín niệm mà Tolstoi đã đi đến.

Mô tả ảnh.
Tostoi tại điền trang của mình

Hành trình tư tưởng của Tolstoi, như nó được tái tạo trong “Tự bạch”, là khá điển hình cho giới trí thức quý tộc Nga thế kỷ XIX đã cống hiến cho văn hóa thế giới nhiều nhân vật kiệt xuất đến thế. Ta có thể tìm thấy nó, thí dụ, trong tiểu sử của Dostoievski - một thiên tài quá hay bị đặt đối lập về mọi phương diện với Tolstoi. Cũng như Tolstoi, Dostoievski theo lời thú nhận của chính ông “là con đẻ của thời đại, con đẻ của sự bất tín và hồ nghi cho đến bây giờ và thậm chí đến tận lúc xuống mồ”. Và ông “đã và đang phải trả bằng những khổ đau ghê gớm biết chừng nào cho khát vọng tín ngưỡng”, nó “càng mạnh mẽ trong hồn” ông thì ông lại càng tìm thấy “nhiều lý lẽ chống lại”. Và cũng không phải từ sách vở mà từ sự tiếp xúc trực tiếp với nhân dân lao động mà Dostoievski đã lấy lại được niềm tin tôn giáo, và niềm tin ấy đã trở thành hệ thần kinh trung ương của toàn bộ sáng tác chín muồi của Dostoievski, cả văn học lẫn nghị luận.

Cho đến khi Dostoievski qua đời những tương đồng trong tư tưởng giữa ông với Tolstoi nhiều hơn là những dị biệt, chính điều đó đã khiến Tolstoi phải xót xa đến thế trước sự ra đi của Dostoievski (xem thư của ông gửi N.N. Strakhov đề ngày 5 tháng Hai 1881). Điểm tương đồng chính, quan trọng hơn cả là cái mà sau này Tolstoi sẽ gọi là “nhân sinh quan thượng đế luận”, nó được thấu triệt như nhau bởi cả Tolstoi lẫn Dostoievski và làm cho hai thiên tài Nga này khác biệt đến thế các văn hào Tây Âu thế kỷ XIX, với thế giới quan ít nhiều bị thế tục hóa nơi họ. Đối với tư duy thế tục hóa, cái thực tại xã hội luôn luôn xấu xa tồi tệ hiện ra trước mắt người cầm bút dễ có thiên hướng bị xem là thực tại duy nhất mà ngoài ra nó không có và không thể có một thực tại nào khác, nhưng đồng thời những mục tiêu đấu tranh trước mắt, nhất thời và cục bộ, lại dễ thu lượm tầm quan trọng, ý nghĩa của những mục đích cuối cùng.

Thế giới quan “thượng đế luận”, được hấp thụ triệt để và có ý thức, đã giúp Dostoievski và Tolstoi tránh khỏi cả hai kiểu nông cạn ấy, đạt tới những chiều sâu vô song trong tư duy nghệ thuật, đồng thời cũng giúp họ trong hoạt động xã hội với tư cách những nhà tư tưởng không ngừng nâng mình lên tầm cao của những lợi ích chân chính, những giá trị trường cửu của toàn thể nhân loại và dưới ánh sáng của chúng mà nhìn nhận, đánh giá tất cả những gì diễn ra trong thời đại của mình, ở đất nước mình, nhờ đó mà không chỉ những kiệt tác văn chương, mà cả những tác phẩm nghị luận của họ không mất đi ý nghĩa cho đến tận hôm nay.

Như một nhà tư tưởng, Tolstoi đã đi tiếp con đường từng đi cùng với Dostoievski, nhưng trong vòng ba thập niên tiếp theo đã phát triển, sửa đổi, bổ sung nhiều quan điểm và ý tưởng cơ bản, mà Dostoievski, giả sử ông còn sống, chưa chắc đã tán thành (có thể đoán biết điều này qua quan hệ tinh thần phức tạp giữa Tolstoi và Vladimir Soloviev, người khá gần gũi về tư tưởng với Dostoievski). Một bất đống quan trọng sẽ có thể xảy ra giữa họ nằm ngay trong lĩnh vực tôn giáo. Như đã nói, cả Tolstoi lẫn Dostoievski đều đi từ sự bất tín đến niềm tin nồng cháy và kiên định vào một Thượng Đế chí công chí thiện, bất tử và thập toàn, người sáng tạo hay khởi nguyên của tất những gì tồn tại. Nhưng ở Dostoievski niềm tin ấy đồng nhất với một tín ngưỡng cụ thể và một tôn giáo thực định, nó cũng là tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân ông - đạo Kitô chính thống. Ông không hoài nghi một nguyên lý và một nghi lễ chính yếu nào trong tôn giáo ấy.

Tolstoi thì không thế. Ngay trong “Tự bạch”, mà Dostoievski đã không thể đọc, ông đã cho biết rằng ông không thể tiếp nhận toàn bộ giáo thuyết và lễ thức của đạo chính thống Nga, cũng như của các giáo phái khác: công giáo, tin lành, do những yếu tố siêu nhiên, những mâu thuẫn nội tại và những điều phi lý chứa đựng trong đó mà lý trí con người không thể chấp nhận. Theo Tolstoi, học thuyết tôn giáo của Kitô (mà ông chỉ coi là người, y như Phật Đà, Khổng Tử, Mohammed, chứ không phải Thần - Nhân) trong quá trình lịch sử đã bị bóp méo và kiến giải sai trái làm cho nó biến chất, mất đi sức sống, sức chinh phục trái tim và khối óc của nhân loại.

Sau “Tự bạch” Tolstoi đã bỏ ra ba năm để nghiên cứu và phê phán thần học Kitô giáo chính thống, để dịch lại và hợp nhất bốn sách Phúc Âm trong kinh Cựu Ước chứa đựng sự tích và những lời dạy của Kitô và từ đấy trở đi kiên trì bảo vệ những quan điểm tôn giáo của mình, bất chấp sự không đồng tình của hầu hết mọi người mà ông có quan hệ huyết nhục hay thân thiết, chứ chưa nói đến quần chúng nhân dân Nga mà tuyệt đại đa số vừa không biết gì về những tìm kiếm giáo lý nơi ông vừa tiếp tục tin theo vô điều kiện cái tôn giáo hiện hành, được nhà nước quân chủ chuyên chế bảo trợ.

Không đi sâu vào những bất đồng giữa Tolstoi và đạo Kitô lịch sử, xin chỉ ra cái động cơ sâu kín của chúng đã được chính Tolstoi thổ lộ trong nhật ký thời trẻ - “sáng lập một tôn giáo mới phù hợp với sự phát triển của nhân loại…”. Cái tôn giáo mới dành cho cả nhân loại ấy, khác với những tôn giáo cổ truyền mà tất cả đều có nguồn gốc địa phương, cội rễ sắc tộc, phải chứa đựng chỉ những chân lý mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chấp nhận. Để xây dựng một học thuyết tôn giáo như thế, Tolstoi đã không ngại ngần bước vào xung đột trực tiếp với giáo hội chính thống của nước ông, khiến hầu hết các tác phẩm nghị luận của ông đều bị cấm và phải in ở ngoài nước, phát tán bí mật ở trong nước, gây hệ lụy cho những người phát tán, và cuối cùng chính ông, như ta biết, đã bị thánh vụ viện Nga khai trừ ra khỏi giáo hội.

Một diễn biến tư tưởng quan trọng nữa nơi Tolstoi, liên quan mật thiết với sự thay đổi lập trường tôn giáo, đó là sự đổi thay thái độ đối với chính thể quân chủ chuyên chế rồi sau đó đối với mọi chính thể nhà nước nói chung. Nhà đại quý tộc và điền chủ cha truyền con nối Tolstoi, mà lợi ích giai cấp được chế độ Sa hoàng ưu tiên bảo vệ, trong ba mươi năm cuối đời công khai gạt bỏ chế độ ấy, khẳng định nó là một chính thể đã lỗi thời, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và tiến bộ lịch sử. Bằng hành động ấy, Tolstoi tạo thêm cho mình những đối thủ không chỉ trong các tầng lớp cầm quyền, mà cả trong giới những đồng chí trước đây của mình - những người mà (được gọi gộp là phái “thân Slavơ”, trong đó có Dostoievski, có thi hào Tiutchev được Tolstoi một mực ái mộ, có triết gia N.N. Strakhov, một thời gần gũi đến thế với Tolstoi) trong những nỗ lực tìm kiếm cho nước Nga những con đường phát triển không giống phương Tây đã gửi gắm hy vọng vào chế độ quân chủ chuyên chế, nuôi dưỡng ý đồ thiết lập một liên mình chí công chí đức giữa Sa hoàng với nhân dân - dân tộc vượt lên trên mọi lợi ích cục bộ của các đẳng cấp xã hội.

Xuất phát không từ lập trường giai cấp, như các nhà cách mạng Nga, nhưng sắc bén không kém họ, Tolstoi đã vạch trần tính ảo tưởng của những hy vọng và ý đồ ấy. Nhưng ông còn đi xa hơn nữa. Tìm kiếm hình thức tổ chức xã hội tối ưu cho dân tộc và loài người, Tolstoi sẽ gạt bỏ mọi kiểu nhà nước và quyền lực nhà nước, nhìn thấy ở đấy một cái họa lớn và một thế lực đen tối, vây hãm nhân loại trong vòng nô lệ, và ông sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều bộ óc uyên thâm và minh mẫn (trong đó có Soloviev), họ sẽ chỉ ra tất cả sự vô lý không thể chấp nhận của cái chủ nghĩa vô chính phủ quá khích, không tính tới những điều kiện xã hội và lịch sử cụ thể như thế. Và Tolstoi sẽ thấy mình lẻ loi, cô đơn, nhưng vẫn không từ bỏ xác tín của mình.

Một thay đổi hệ trọng nữa trong lập trường tư tưởng của Tolstoi liên quan đến nhân dân của ông, dân tộc của ông. Yêu mến nhân dân lao động Nga, quý trọng những giá trị đạo đức - tinh thần của họ, Tolstoi càng về già càng cảnh giác cao độ đối với mọi ý đồ, mọi khuynh hướng cường điệu, khuyếch tán những đức tính của người Nga, biến chúng thành niềm tự hào dân tộc, thành căn cứ để gán định cho người Nga một sứ mệnh lịch sử đặc biệt nào đó (như ta biết, Dostoievski đã không tránh khỏi sai lầm này). Ông nhìn thấy nguy hại lớn cho những người Nga thuộc mọi đẳng cấp ở chính sách của giới thượng lưu cầm quyền, mơn trớn lòng tự ái dân tộc của họ để biến họ thành những công cụ thực hiện những mục tiêu ích kỷ của cường quốc Nga.

Là công dân của một đế chế hùng mạnh nhất ở châu Âu, đã chinh phục và sáp nhập rất nhiều dân tộc nhỏ và vừa, Tolstoi luôn luôn giữ thái độ không khoan nhượng đối với mọi biểu hiện của chính sách phân biệt chủng tộc, Nga hóa cưỡng bách các dân tộc bị đô hộ. Trong toàn bộ văn học Nga, không có một nhà văn lớn nào (có thể chỉ ngoại trừ Chekhov) mà lại tuyệt đối không vướng óc tự đại dân tộc, óc sôvanh nước lớn như Tolstoi. Nhưng ông còn đi xa hơn nữa. Theo đuổi lý tưởng thế giới đại đồng dựa trên tình huynh đệ của toàn nhân loại, Tolstoi sẽ nhìn thấy một chướng ngại vật lớn cho sự thực hiện lý tưởng ấy ở sự tồn tại của các dân tộc và quốc gia, mà mỗi một cấu tạo như thế tất yếu theo đuổi những lợi ích cục bộ của mình và sẽ chủ trương giải thể mọi quốc gia, lớn trước nhỏ sau và hòa mọi dân tộc vào một cộng đồng nhân loại chung.

Trong cái cộng đồng nhân loại ấy các sắc tộc sẽ vẫn giữ những đặc điểm ngôn ngữ và văn hóa của mình, nhưng tự hào dân tộc, ý thức quốc gia và chủ nghĩa ái quốc thì sẽ không còn nữa. Chủ nghĩa ái quốc như là một tàn dư lỗi thời và tệ hại của tâm lý và hệ tư tưởng bộ lạc sẽ trở thành một đối tượng công kích thường xuyên trong văn nghị luận của Tolstoi, vị tất lôi kéo quần chúng mọi thời bị đầu độc bởi hệ tư tưởng này ủng hộ đến cùng học thuyết của ông. Nếu thêm vào đấy thái độ bài bác triệt để của Tolstoi đối với ý thức giai cấp và đấu tranh giai cấp như thể những biểu hiện của con người thú vật chứ không phải con người tinh thần, thì không thể không thấy là Tolstoi đã có lý, khi đáp trả luận điệu của Thánh vụ viện Nga về ảnh hưởng xấu của những tư tưởng mà ông reo rắc, ông khẳng định rằng những người toàn tâm toàn ý đi cùng với ông trên khắp thế giới này chưa chắc đã đếm được một trăm, cho nên không việc gì phải sợ họ đến thế.

*                 *
  *

Đi với Tolstoi quả thật không dễ tí nào, bởi vì ông vừa cầu toàn đến cực đoan, lại vừa có vẻ tiền hậu bất nhất đến tùy tiện. Ông tựa như một người dẫn đường chỉ lối cho nhân quần mà lại vừa một tay vẫy gọi, hối thúc mọi người đi và đi không ngơi nghỉ, không dừng lại ở đâu trên con đường đã được xác định cho đến đích cuối cùng, đến ngày mai tươi sáng của cả loài người, nhưng bằng tay khác lại níu kéo, thúc đẩy cũng những người ấy mau mau quay gót trở lại ngày hôm qua, thậm chí hôm kia của lịch sử nhân loại. Là như thế thái độ của Tolstoi đối với phạm trù “tiến bộ lịch sử”.

Ông công nhận có sự tiến bộ ấy, từ “tiến bộ” (progress) là một trong những từ gốc ngoại hiếm hoi mà ông dùng không theo nghĩa mỉa mai. Nhưng Tolstoi nhìn thấy sự vận động đi lên của nhân loại chỉ trong lĩnh vực đạo đức - tinh thần và phủ nhận nó trong lĩnh vực mà ai ai cũng cho là thiết yếu bậc nhất cho hạnh phúc của loài người và gửi biết bao hy vọng nồng cháy vào đấy - tiến bộ khoa học - công nghệ. Sống trong thời đại khoa học và công nghệ lên ngôi, Tolstoi không ngừng bày tỏ niềm hoài nghi sâu sắc về tính hữu ích và cần thiết của nhiều ngành khoa học đang thịnh phát: nào hóa học, nào sinh học, nào địa chất học, nào thiên văn học, không nói đến những ngành khoa học xã hội mà ông cho là chỉ có hại: luật học, kinh tế chính trị học, khoa học quân sự, khoa học tài chính, v.v…; ông chế diễu chua cay những thành tựu mới nhất của công nghệ: đường sắt, điện tín, điện ảnh, hàng không, bất chấp sự có lợi đập vào mắt của chúng…

Cũng một lập trường bài bác như thế Tolstoi - bậc vương giả trong sáng tạo nghệ thuật đã chối từ những kiệt tác của chính mình - bày tỏ đối với sự phát triển của văn học - nghệ thuật thời ông. Những tìm tòi cách tân của Baudelaire và Verlaine, Beethoven và Wagner đều bị ông chê bai, cho là sự cầu kỳ rởm, sự lấy hình thức lạ mắt lạ tai che giấu cái nội dung nghèo nàn, kém ý nghĩa. Trong chuyên luận “Nghệ thuật là cái gì?” Tolstoi đem đối lập một bản xônát rất bác học của Beethoven với một bài hát đơn sơ của những phụ nữ nông dân ở quê ông và cương quyết khẳng định giá trị và sự hữu ích của cái sau so với cái trước. Ông cũng hạ bệ không nể nang nhiều thần tượng văn hóa của quá khứ.

Trong bài viết về Shakespeare, ông so sánh vở “Vua Lia” của nhà soạn kịch vĩ đại này với một vở kịch khuyết danh cùng một nội dung được viết trước nó và lại tuyên bố: vở kịch ấy hay hơn kịch của Shakespeare nhiều. Bằng những sự thách thức công luận như thế (chúng tất nhiên được các đối thủ của ông khai thác triệt để) Tolstoi đã tự tạo ra cho mình tiếng xấu như là “một trí tuệ còn bán khai”, một kẻ thù của văn hóa và văn minh hay đơn thuần một người phát ngôn của hệ tư tưởng thủ cựu hẹp hòi của tầng lớp nông dân gia trưởng đang rút khỏi vũ đài lịch sử. Thành thử không mấy người, ngay trong giới văn học - nghệ thuật, chịu khó lắng nghe tiếng nói của Tolstoi, nhưng ai chịu khó lắng nghe, như chẳng hạn nhà văn Pháp Romain Rolland (1866-1944), thì thu hoạch được nhiều và cho cả đời. Năm 1887, trả lời thư của người thanh niên Rolland thắc mắc vì sao Tolstoi lại phủ nhận khoa học và nghệ thuật, Tolstoi giải thích:

“Tại sao lại xảy ra cái việc là có những kẻ mất trí đến mức dám phủ nhận tính hữu ích của khoa học và nghệ thuật? Có những người làm nghề thủ công, có những người canh tác đất, và không lọt vào đầu ai một ý nghĩ tranh luận về sự hữu ích của họ, và không một người lao động nào nảy ra trong đầu ý nghĩ cần phải chứng minh lao động của mình là hữu ích. Anh ta sản xuất, sản phẩm của anh ta là cần thiết và là phúc lợi cho những người khác. Họ sử dụng chúng và chẳng ai nghi ngờ về sự hữu ích của chúng và lại càng chẳng ai chứng minh điều đó.

Những người làm khoa học và nghệ thuật cũng ở trong những điều kiện như thế. Thế thì tại sao lại xảy ra cái chuyện là có những người bằng mọi sức lực cố gắng chứng minh sự hữu ích của mình?

Vấn đề là ở chỗ những nhà khoa học và nghệ sĩ chân chính không chiếm hữu cho mình bất kỳ một quyền lợi nào; họ cống hiến những sản phẩm của lao động nơi họ; những sản phẩm ấy tỏ ra hữu ích, và chúng tuyệt không cần đến những quyền và những chứng minh nào đó xác nhận quyền tồn tại của chúng. Nhưng tuyệt đại đa số những người tự xưng là những nhà khoa học và nghệ sĩ biết rất rõ rằng những gì họ làm ra không xứng đáng được người đời sử dụng, và đấy là nguyên nhân duy nhất vì sao họ lại cố gắng đến thế - tựa như các linh mục của mọi thời đại - chứng minh cho bằng được rằng hoạt động của họ là không thể thiếu cho hạnh phúc của nhân loại.

Khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính muôn thuở tồn tại và sẽ tồn tại muôn thuở, tựa như tất cả các dạng thức khác của hoạt động con người và không thể và sẽ là vô bổ tranh luận hay chứng minh về sự cần thiết của chúng.

Cái vai trò giả dối hiện nay của khoa học và nghệ thuật trong xã hội của chúng ta phát sinh từ chỗ những người gọi là có học, đứng đầu là các nhà khoa học và nghệ sĩ, hợp thành một đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, tựa như các vị linh mục. Và đẳng cấp này có tất cả những khuyết tật vốn là thuộc tính của mọi đẳng cấp. Khuyết tật của đẳng cấp là nó làm bẩn và hạ thấp cái nguyên tắc mà vì nó đẳng cấp ấy được tổ chức. Thay vì tôn giáo chân chính ta có ngụy tôn giáo. Thay vì khoa học thực thụ - ngụy khoa học. Cũng là như thế với nghệ thuật. Khuyết tật của đẳng cấp còn ở chỗ nó gây áp lực đối với quần chúng và ngoài ra còn cướp đi nơi họ cái mà trước kia được dự định quảng bá giữa họ”.

Tolstoi đã không sống đến ngày khoa học và nghệ thuật bị nhà nước hay các tập đoàn tư bản lũng đoạn mua, những người làm khoa học và nghệ thuật trở thành những kẻ làm thuê, ngoan ngoãn thực hiện mọi đơn đặt của những thế lực ấy. Ông sẽ nói gì trước những bom nguyên tử, bom hóa học, bom vi trùng, trước vô vàn những tượng, tranh, bài hát, trường ca và tiểu thuyết tôn vinh Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông và nhiều nhân vật lịch sử đáng chê trách khác? Và cả trước những thế giới ảo trên mạng Internet, những thử nghiệm nhân bản vô tính ngày nay? Hay trước công nghiệp điện ảnh Holiwood và nhạc pop mê hoặc khán giả, thính giả toàn thế giới?

Cương quyết không đồng tình với óc sùng bái khoa học, với niềm cả tin rằng khoa học sẽ khám phá mọi bí ẩn của thế giới, giải quyết mọi vấn đề của xã hội loài người, cùng với công nghệ đem đến cho nó hạnh phúc muôn đời, Tolstoi cũng trong thư này gọi niềm tin ấy là “một mê tín khổng lồ mà chúng ta đang rơi vào ngay sau khi giải phóng mình khỏi cái mê tín cũ vào nhà thờ”. Và ông đối lập cái mê tín ấy với sự minh triết mà con người cần phải hướng tới.

“Minh triết con người không nằm trong sự nhận thức các sự vật. Có hằng hà sa số những sự vật mà chúng ta không thể nhận biết. Minh triết không phải là làm sao biết được thật nhiều. Minh triết của con người ở sự nhận biết cái trật tự mà trong đó sẽ là bổ ích hiểu biết sự vật; nó tựu trung là năng lực phân bố những tri thức của mình cho thích ứng với độ quan trọng của chúng”. Và tiếp theo ông trình bày quan niệm của ông về cái khoa học và nghệ thuật mang trong mình minh triết cần thiết hơn cả cho con người: “…trong tất cả các khoa học mà con người có thể biết và cần biết, chính yếu nhất là khoa học về việc cần phải sống thế nào để làm thật ít điều ác và làm thật nhiều điều thiện; trong tất cả các nghệ thuật chính yếu nhất là nghệ thuật tránh cái ác và làm cái thiện một cách ít mất sức nhất. Nếu là thế, thì té ra, giữa các khoa học và nghệ thuật có tham vọng phụng sự hạnh phúc của nhân loại, cái khoa học quan trọng nhất và cái nghệ thuật quan trọng nhất không những không tồn tại, mà còn bị loại bỏ khỏi danh sách các khoa học và nghệ thuật”.

Dễ thấy rằng Tolstoi khẳng định - và ông sẽ kiên trì làm như thế - quyền ưu tiên của khoa học nhân văn so với khoa học tự nhiên và trong khoa học nhân văn - quyền ưu tiên của đạo đức học. Và trong bối cảnh của thế giới ngày nay, trước những hậu quả tiêu cực khủng khiếp của tiến bộ khoa học - công nghệ, trước sự suy thoái ghê gớm của đạo đức cá nhân và xã hội, sự ưu thắng hiển nhiên của cái ác dưới mọi biểu hiện, từ thô bạo nhất đến tinh vi nhất, từ lộ liễu nhất đến trá hình nhất và những thắng lợi còn quá đỗi nhỏ nhoi và không bền vững tí nào của cái thiện, lẽ nào có thể vẫn khăng khăng phủ nhận lẽ phải minh triết của Tolstoi?

Và đối chiếu những yêu cầu của Tolstoi đối với nghệ thuật (hiểu theo nghĩa rộng), trong đó yêu cầu chính là hết lòng phụng sự cái hữu thiện hữu đức, cái phù hợp với ý chí của Thượng Đế và lợi ích của cả loài người, với con đường mà nghệ thuật thế giới đã đi trong hơn một thế kỷ qua - con đường của sự hoặc biến mình thành công cụ phục vụ các chính thể chiến thắng, trong đó có chính thể khó đối đầu hơn cả của xã hội đại chúng; hoặc ngạo nghễ hay đau khổ khép mình trong tháp ngà của những tìm tòi hình thức, những cách tân vì cách tân dẫn đến vị trí quá ư không hệ trọng của nghệ thuật trong thế giới ngày nay - lẽ nào lại cũng không thừa nhận là chính đáng và nhìn xa thấy trước những khuyến dụ và cảnh báo xưa cũ của Tolstoi và không phải một mình ông?

  • PGS Phạm Vĩnh Cư (Còn tiếp) 

Các tin khác