Không phải Tết, phim nội vẫn sống tốt
- Tết không còn là cửa ra duy nhất của phim nội. Phim Việt đang có xu hướng phát hành vào những thời điểm ít ngờ nhất.
Phim Việt ngày càng thu hút đựơc sự chú ý của khán giả nội. |
Từ hiện tượng "Cánh đồng bất tận"
Thời điểm hiện tại, bộ phim "Cánh đồng bất tận" đang gây sốt ngoài các rạp chiếu với các suất chiếu chật kín khán giả. Theo thông tin từ nhà sản xuất, sau dịp cuối tuần công chiếu đầu tiên (22-24/10), bộ phim này đã thu hút hơn 66.000 lượt người xem với doanh thu lên đến hơn 3 tỉ đồng.
Hai diễn viên chính trong "Cánh đồng bất tận" tham gia buổi ra mắt phim tại TP.HCM.
Tại các rạp chiếu, số người mua vé rất đông và nhiều suất chiếu trong dịp cuối tuần qua tại HN cũng đã rơi vào tình trạng cháy vé. Nhiều người dù chưa nghe nhiều thông tin về bộ phim này nhưng thấy có quá nhiều người hỏi mua vé cũng... sốt ruột theo.
Lý giải cho thành công về mặt khán giả của "Cánh đồng bất tận" thì có nhiều. Thứ nhất, bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên đã quá nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người. Thứ hai, bộ phim được PR rầm rộ ngay khi còn đang bấm máy. Thứ 3, phim được chú ý với dàn diễn viên nổi tiếng và tiếng vang dội về khi tham dự LHP Pusan mới đây. Chính vì vậy, không chỉ có khán giả mà giới truyền thông cũng lên cơn sốt "Cánh đồng bất tận" từ nhiều ngày trước.
Tuy nhiên, thành công về mặt khán giả và doanh thu của "Cánh đồng bất tận" còn cho thấy một điều quan trọng hơn nhiều: Phim nội vẫn sống tốt khi không phải Tết. Cơn sốt "Cánh đồng bất tận" là chuỗi nối dài liên tiếp hiệu ứng của các bộ phim Việt ra rạp trong thời gian gần đây.
Mới tuần trước, bộ phim "Trung uý" dù chỉ có vài suất chiếu hạn hẹp trong khuôn khổ LHPQT Việt Nam tại HN với tư cách phim tranh giải nhưng buổi nào cũng chật cứng người xem. "Giao lộ định mệnh", cái tên được nhắc đến nhiều thời gian qua với nghi án đạo phim "Shattered" cũng đã kịp làm nên một cơn sốt ngoài rạp chiếu trong cả tháng 9.
Trước đó, thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2010, bộ phim "Để mai tính" khi công chiếu cũng đã làm nên những cơn sốt tại nhiều rạp chiếu phim, thậm chí còn có sức hút ngang ngửa siêu phẩm Hollywood "Iron Man 2". Ngoài "Để mai tính", "Cánh đồng bất tận" và "Giao lộ định mệnh", từ đầu năm 2010 đến nay còn có thêm 2 bộ phim Việt Nam khác được phát hành là "Để mai tính" (23/4) và "Vũ điệu đam mê" (8/10).
Theo kế hoạch, bộ phim lịch sử "Khát vọng Thăng Long" sẽ ra rạp vào ngày 12/11 còn hai bộ phim "Sài Gòn Yo!" và "Em hiền như Ma sơ" được nhà sản xuất dự định tung ra vào thời điểm Giáng sinh. Như vậy là tính sơ sơ riêng trong năm nay đã có 7 phim được phát hành thương mại, chưa kể một số phim nhà nước đặt hàng được công chiếu trong các tuần phim đặc biệt như Nhìn ra biển cả, Long Thành cầm giả ca...
Gió đổi chiều
Từ trước đến nay Tết được coi là mùa lý tưởng nhất để các bộ phim ra rạp. Phim nào phát hành trong thời điểm này, không chỉ phim nội cũng có cơ hội cao hơn nhiều thời điểm khác. Do vậy các nhà sản xuất luôn nhắm vào mùa Tết vì đây là thời điểm phát hành an toàn nhất, ít có khả năng thua lỗ nhất. Tết có thể nói là thời điểm cực thịnh nhất của các rạp chiếu do lượng khán giả đến xem phim nhiều.
Các buổi ra mắt phim Việt ngày càng rầm rộ.
Thời điểm năm 2007, việc bộ phim "Dòng máu anh hùng" ra rạp vào thời điểm tháng 4, chẳng vào Tết cũng không rơi vào dịp Hè được cho là quyết định mạo hiểm của nhà sản xuất bởi khi đó, phim Việt gần như chỉ sống nhờ vào dịp Tết là chính. "Dòng máu anh hùng" khi đó cũng gây được ấn tượng mạnh nhờ chiến dịch PR rầm rộ của nhà phát hành và lượng khán giả đang háo hức với bộ phim hành động võ thuật hiếm hoi của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau "Dòng máu anh hùng" vẫn không có nhiều nhà sản xuất dám đưa phim ra rạp, nếu như đó không phải là dịp Tết. Tình hình chỉ thực sự thay đổi trong khoảng thời gian 1 năm trở lại đây, khi số lượng rạp chiếu không ngừng tăng lên, số phim Việt sản xuất cũng nhiều hơn còn khán giả tại các đô thị lớn thì đã duy trì thói quen đến rạp ngay cả những ngày thường.
2009 và 2010 là hai năm đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt của thị trường phim nội khi phim Việt được sản xuất nhiều hơn và được phát hành với tần suất lớn hơn vào nhiều thời điểm trong năm. Riêng trong năm 2009 đã có 4 bộ phim lớn được công chiếu ngoài thời điểm tết. Mở màn là hai bộ phim của các đạo diễn Việt Kiều: Chuyện tình xa xứ (14/2) và 14 ngày phép (24/4). Kế đến là hai bộ phim lớn được phát hành vào cuối năm, một nghệ thuật, một thương mại.
Tháng 11/2009, bộ phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau khi chu du một vòng qua hàng loạt những LHP lớn trên thế giới cũng đã chính thức được công chiếu. Doanh thu cuối cùng của phim không được nhà phát hành tiết lộ nhưng sự đón nhận của công chúng với một bộ phim thuộc dòng nghệ thuật khá kén khán giả như "Chơi vơi" vào mùa phim "thấp điểm" trong năm cũng đã là một thành công. Đây cũng có thể coi là sự mạo hiểm của nhà sản xuất bởi một bộ phim thương mại ra rạp vào thời điểm không phải là Tết cũng đã là một thách thức về mặt khán giả.
Sau "Chơi vơi", bộ phim "Bẫy rồng" được nhà sản xuất tung ra thị trường vào thời điểm trước Giáng sinh 2009. "Bẫy rồng" mặc dù được công chiếu cùng ngày với siêu phẩm phim 3D đình đám "Avatar" (18/12/2010) nhưng vẫn có rất nhiều khán giả. Diễn viên Johnny Trí Nguyễn, đồng thời là nhà sản xuất của "Bẫy rồng" cho biết thực ra hãng phim cũng rất muốn phát hành vào dịp Tết vì đó là thời điểm có nhiều khán giả tới rạp xem nhất. "Ai làm phim ở VN cũng muốn phát hành vào dịp Tết. Tuy nhiên, thời điểm đó có khá nhiều phim ra rạp, nhất là phim của chủ rạp. Nhiều NSX không phải là chủ rạp thì khó chen chân vào nên mình phải nhắm vào thời điểm khác".
Chính vì không có sự lựa chọn nên nhà sản xuất đành phải dựa vào kinh nghiệm của mình và đánh bài liều bởi trước đó rất ít phim thành công nếu không phải là phát hành vào Tết. Tuy nhiên, sự đón nhận của khán giả với "Bẫy rồng" cũng như những bộ phim "không phải là tết" được phát hành sau đó đã làm thay đổi quan trọng cục diện thị trường chiếu phim Việt Nam.
Khán giả nay đã khác
Diễn viên Johnny Trí Nguyễn cho rằng sự thay đổi quan trọng nhất ở thị trường Việt Nam là đã có nhiều rạp chiếu phim chất lượng hơn. Thời gian đầu khi mới từ Mỹ trở về VN, ngôi sao "Bẫy rồng" không thể tìm được một rạp nào đạt tiêu chuẩn để có thể ngồi xem phim thoải mái. Tuy nhiên, tình hình đã đổi khác. "Rạp chiếu tốt hơn, không khí xem phim tốt hơn. Ngay cả ngày thường những rạp chiếu phim đẹp cũng đầy khán giả", Johnny Trí Nguyễn nói.
Khán giả có thói quen đến rạp xem phim ngày càng tăng.
Thay đổi tích cực nhất ở thị trường chiếu phim Việt Nam chính là ở chỗ ngoài việc duy trì mùa phim Tết, đã có nhiều phim hơn chọn thời điểm phát hành vào những tháng khác nhau trong năm. Khi thói quen đến rạp xem phim của rất đông khán giả ở các thành phố lớn đã hình thành thì bất kể phim nào ra rạp, trừ các bộ phim có chất lượng quá kém, cũng thu hút sự chú ý. Không chỉ vào những dịp ngày lễ hay cuối tuần, các rạp chiếu phim cũng đông nghẹt khán giả.
"Thói quen đến rạp của khán giả VN đã được cải thiện nên các hãng cũng mạnh dạn đưa phim ra rạp vào các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim. Khi khán giả đến rạp nhiều, nếu phim thực sự tốt thì vẫn thu hút được người xem. Việc Marketing cho phim cũng rất quan trọng. Phim ra rạp ngoài Tết hầu hết là của các hãng tư nhân nên rất được chú trọng tới việc tuyên truyền quảng bá.
Khi có cả một chiến lược PR như vậy thì khán giả đã có hiệu ứng chờ đợi. Chúng ta cũng thấy là thị trường rạp chiếu hiện nay đã phát triển mạnh hơn so với các năm trước. Mỗi năm lượng khán giả đến rạp càng tăng. Khi đã có thói quen đến rạp thì họ sẽ lựa chọn cả phim VN bên cạnh phim Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc", chị Thuỳ Vân, phụ trách phát hành của MegaStar lý giải.
Nếu như trước đây, ngoài Tết, thời điểm còn lại trong năm chỉ có phim ngoại mà chủ yếu là phim Mỹ "độc diễn" ngoài rạp thì bây giờ khán giả Việt Nam được xem phim nội vào rất nhiều thời điểm trong năm, không cố định vào mùa nào. Chính sự thay đổi của thị trường chiếu phim nên các nhà sản xuất không chỉ chú tâm sản xuất phim cho dịp Tết mà đã tính đến việc làm phim cho các thời điểm khác trong năm.
-
Hạnh Phương