"Điều còn mãi" 2010:

Mối liên hệ nào giữa Lê Phi Phi và Ngô Bảo Châu?

Cập nhật lúc 11:15, 26/08/2010 (GMT+7)

- Thực ra con người ta suy cho cùng cũng chỉ cần đủ sống mà thôi. Tiền bao nhiêu tiêu cũng hết. Vì thế, về cơ bản những người như tôi sống ở nước ngoài không phải vì lý do thu nhập mà hoàn toàn thuần tuý về vấn đề chuyên môn - nhạc trưởng Lê Phi Phi.

TIN LIÊN QUAN

 

Mô tả ảnh.
Vị nhạc trưởng giản dị trong đời thường. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Anh không xuất hiện nhiều trong các chương trình hoà nhạc ở VN và thường là khi đã tham gia chỉ huy thì anh chỉ nhận những chương trình hoà nhạc chọn lọc. Vậy tiêu chí nào để anh cân nhắc và lựa chọn?

 - 100% các chương trình tôi tham gia đều là nhạc cổ điển. 10 năm trở lại đây tôi cộng tác rất mật thiết với Việt Nam. Nên ngoài các chương trình hợp tác thường xuyên với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN có tính chất cơ bản thì tôi cũng làm những chương trình có tính chất hơi khác với những chương trình có tính chất giao hưởng thuần tuý.

Tôi cũng đã có hai năm tham gia chương trình "Giai điệu mùa thu" cũng như chương trình kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong quá trình phát triển của văn hoá, xã hội thì luôn luôn có những mốc lịch sử mang tính chất lịch sử, chính trị và thời sự. Là người VN nên tôi rất muốn tham gia những sự kiện như vậy. Mỗi lần về VN là mỗi lần tôi có cảm giác như mình được trở về nhà

Các nhạc trưởng nói chung, đặc biệt là những nhạc trưởng có tiếng thì thường rất kỹ tính, hay nói đúng hơn là khó tính. Anh có đặt ra quy tắc riêng khi tập cùng các nhạc công?

- Trong một chương trình hoà nhạc, trách nhiệm cuối cùng luôn thuộc về người chỉ huy. Đêm biểu diễn có tốt hay không, điều đó hoàn toàn đặt gánh trên vai người nhạc trưởng chứ không một ai khác, dù nhạc công nào đó có thể nhầm một nốt hay ca sĩ hát sai một câu. Cho nên không cứ gì người trẻ hay người đứng tuổi, trách nhiệm với nghệ thuật, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với công chúng luôn luôn phải được người chỉ huy đặt ở vị trí cao nhất.

Trên đời này không có thứ nghệ thuật hoàn hảo nên mình phải cố gắng làm đến mức độ cao nhất trong điều kiện cho phép, làm sao để với vai trò người chỉ huy phải lấy ra được những cái tinh hoa nhất và mang đến chương trình tốt nhất ở điều kiện cho phép.

Trung bình mỗi năm anh tham gia mấy chương trình hoà nhạc ở Việt Nam và mỗi năm anh về VN bao lâu?

- Mặc dù bây giờ tôi vẫn đang làm việc ở nước ngoài nhưng tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Dù đi đâu diễn đi chăng nữa thì lúc nào tôi cũng ý thức mình là một nhạc trưởng đến từ Việt Nam. Tên tôi luôn được viết cạnh chữ Việt Nam chứ không viết cạnh chữ Macedonia. Do vậy, với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN tôi gần như là một chỉ huy "ruột". Do vậy trong một năm tôi có ít nhất hai buổi diễn thường xuyên với Dàn nhạc.

Ngoài ra tôi cũng hợp tác với Dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN cũng như Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM. Mỗi năm tôi có 3-4 lần về VN và mỗi lần như vậy đều đúng nghĩa là trở về để làm việc, xong chương trình lại phải đi ngay vì công việc của tôi ở nước ngoài rất nhiều. Do vậy tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi khi trở về VN.

Rất muốn biết điều gì đã thuyết phục một nhạc trưởng nổi tiếng như anh nhận lời tham gia một chương trình mới bước sang tuổi thứ 2 như hoà nhạc VietNamNet "Điều còn mãi"?

- Mặc dù hoà nhạc "Điều còn mãi" mới chỉ có 1 năm tuổi và tới đây mới là lần tổ chức thứ hai nhưng ý tưởng thực hiện nó thì Tổng Biên tập VietNamNet đã bàn với tôi khá nhiều lần trước đây. Chính vì thế chương trình này không có gì mới lạ với tôi. Đáng lẽ tôi đã tham gia chương trình hoà nhạc năm ngoái nhưng do không kịp thu xếp thời gian nên đành lỗi hẹn và phải đợi tới lần thứ hai này.

Mô tả ảnh.
Mỗi lần về VN là mỗi lần Lê Phi Phi có cảm giác như được trở về nhà. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Hiện tại anh chủ yếu vẫn sinh sống và làm  việc tại Macedonia. Tò mò muốn biết anh giờ mang quốc tịch gì hay có cả hai quốc tịch Việt Nam và Macedonia?

 - Tôi có hai quốc tịch Việt Nam và Macedonia, nhưng quốc tịch thứ hai thuần tuý mang ý nghĩa hành chính. Việc mang quốc tịch Macedonia thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc cũng như đăng ký bảo hiểm xã hội, cho con cái đi học ở đó... Song về mặt xuất xứ, tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Nói thật, đó là niềm tự hào rất lớn của bản thân tôi.

Vì khi đi đâu, bất kể đó là nước nào mà tôi được giới thiệu là nhạc trưởng đến từ VN thì sự kính phục của mọi người sẽ cao hơn là việc giới thiệu Lê Phi Phi đến từ Macedonia. Lý do là người châu Á mặc dù tham gia lĩnh vực nhạc cổ điển ở phương Tây rất nhiều nhưng chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... còn người Việt lại không nhiều. Do vậy đó gần như là một sự quảng bá về nền Văn hoá của VN dù người ta cũng biết thời gian này mình không sống ở VN. 

Anh có bao giờ nghĩ đến chuyện trở về VN hẳn?

- Với nghề này, người ta vẫn nói đùa rằng những nghệ sĩ chúng tôi là người không có tổ quốc. Sự thay đổi công chúng, thay đổi môi trường, thay đổi dàn nhạc diễn ra liên tục. Sự di chuyển với một người làm nghệ thuật rất cần thiết. Điều quan trọng không phải là anh sống ở đâu mà làm việc ở những đâu. 

Nếu có lời mời anh về chỉ huy tại VN, anh có nhận lời không?

- Thực ra lời mời đó không phải là chưa có. Nhưng hoạt động của tôi ở châu Âu đã được gần 20 năm rồi. Tức là tôi đã có một môi trường nhất định, mối quan hệ nhất định. Khi về VN, đó sẽ hoàn toàn là một mảng mới. Nhưng tại thời điểm này tôi phải hoàn tất những công việc còn đang dang dở. Tôi vẫn nghĩ rằng trong tương lai mình sẽ quay về VN, sau khi sắp xếp xong cuộc sống riêng tư. Chỉ khi các con đã lớn, hoàn tất việc học hành, có thể tự lập thì tôi mới có thể nghĩ đến chuyện đó. Do vậy đây vẫn là những lời mời bỏ ngỏ dù trong thâm tâm, không ai muốn sống xa tổ quốc.

Mô tả ảnh.
Lê Phi Phi luôn bận rộn với các chuyến lưu diễn khắp thế giới nhưng vẫn sẵn sàng gác lại nhiều kế hoạch để trở lại Việt Nam làm chỉ huy trong những chương trình lớn. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thời gian gần đây người ta đang chú ý đến sự kiện GS. Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields vốn được coi là giải Nobel trong lĩnh vực Toán học.

 Cũng đã có nhiều lời bình luận xung quanh việc mong muốn mời GS Ngô Bảo Châu về VN nhưng có ý kiến cho rằng rất khó có thể làm được việc đó bởi không chỉ là chuyện rất khó có thể trả cho GS. Ngô Bảo Châu mức lương cao như anh ấy được nhận tại Pháp cũng như tại Mỹ mà điều quan trọng nhất là nếu về VN, GS. Ngô Bảo Châu sẽ không có được một môi trường lý tưởng để tiếp tục phát triển sự nghiệp, không có những đồng nghiệp giỏi như anh ấy sẽ có tại ĐH Chicago (Mỹ), nơi GS. Ngô Bảo Châu sắp tới làm việc.

Trong nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Anh có nghĩ rằng đây là lý do mà nhiều người tài trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực nhạc cổ điển mà anh đang theo đuổi, chưa muốn trở lại VN?

- Không cứ ngành âm nhạc đâu, không quan trọng là anh ở đâu. Tôi tin là Ngô Bảo Châu dù sống ở Pháp hay ở Mỹ, nếu có mối quan hệ thuờng xuyên với những người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài thì vẫn có những đóng góp nhất định cho tổ quốc. Ví dụ như tôi, anh Đặng Thái Sơn hay Ngô Bảo Châu, khi sống ở một đất nước nào đó nhưng luôn có sự cộng tác với những người đứng đầu trong lĩnh vực mình theo đuổi thì sự hiểu biết sẽ nhiều hơn. Và khi trở lại VN, sự truyền đạt lại còn tốt hơn nhiều.

Nếu nói về chuyện kinh tế thì ở đâu cũng vậy. Thực ra con người ta suy cho cùng cũng chỉ cần đủ sống mà thôi. Tiền bao nhiêu tiêu cũng hết. Vì thế, về cơ bản những người như tôi sống ở nước ngoài không phải vì lý do thu nhập mà hoàn toàn thuần tuý về vấn đề chuyên môn. Có thể về VN tôi sẽ có công việc tốt, thu nhập khá nhưng sự cập nhật về chuyên môn sẽ chậm hơn.

  • Hoàng Vy

Ý kiến của bạn

Các tin khác