,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
437902
Festival Huế 2004: Trên đường tới chuyên nghiệp.
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Festival Huế 2004: Trên đường tới chuyên nghiệp.

Cập nhật lúc 09:57, Thứ Ba, 15/06/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Từ TP. Huế, Phó BTC Festival Huế 2004 Nguyễn Xuân Hoa; Tổng ĐD Lễ hội Nam Giao, NSND Phạm Thị Thành và nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet về Festival Huế 2004. Chương trình này do Báo điện tử VietNamNet phối hợp cùng Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện.

Các vị khách mời tham gia giao lưu trực tuyến - Ảnh: Minh Nguyên

Festival Huế 2004 đã bước sang ngày thứ 3 với bao chuyện vui buồn của người trong cuộc: Ban tổ chức đã phải  vắt kiệt sức mình đảm bảo cho các chương trình quan trọng diễn ra đúng như dự kiến bất chấp tình trạng mưa bão; du khách đội mưa đến các điểm trình diễn nghệ thuật đặc sắc... Có thể nói, Festival Huế 2004 như một thiếu nữ đẹp đi trong mưa bất chợt trở nên quyến rũ khác thường! Tuy nhiên, do mưa lớn nên Ban tổ chức đã không thể ứng phó kịp: nhiều hoạt động biểu diễn, trưng bày ngoài trời đã có những trục trặc nhỏ hoặc buộc phải hoãn lại. Nếu bạn quan tâm tới những biện pháp khắc phục sự cố bất thường và bất khả kháng của Ban tổ chức Festival Huế 2004 thì có thể đặt câu hỏi cho 3 vị khách mời trên. 

Chương trình nổi bật nhất, được nhiều người mong đợi nhất tại Festival Huế 2004 chắc chắn là Lễ hội Nam Giao sẽ diễn ra trong ngày 17/6. Đây là lễ hội phô diễn vẻ đẹp hoành tráng, tôn nghiêm của cung đình triều Nguyễn với các trình thức tế tự nghiêm nhặt đồng thời phản ánh rõ mối giao cảm cộng đồng trong xã hội thời trước. Phục dựng Lễ hội Nam Giao lần này được xem là bước chuẩn bị để tiến tới việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Làm thế nào để khôi phục được những trình thức tế tự nghiêm nhặt như vậy? Nếu gặp mưa lớn thì sẽ ứng phó ra sao?...

Đến với Festival Huế 2004 không chỉ để được sống trong không khí hội hè, được tham dự vào các hoạt động văn hoá du lịch hiện tại mà còn để cảm nhận sâu hơn những giá trị văn hoá gốc qua các biểu hiện tinh tế khó nắm bắt như: Nhã nhạc cung đình, hoa đăng trên sông Hương, không gian kiến trúc Huế, trang phục Huế, ẩm thực Huế, nghệ thuật thư pháp Huế... Đây chính là lịch sử được nối dài chứ không đơn thuần chỉ là tái hiện lịch sử xưa cũ thông qua nghệ thuật biểu diễn. Nếu những vấn đề này là mối quan tâm của bạn thì các vị khách mời của chúng tôi sẽ có câu trả lời thoả đáng...

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:

Minh Quan - Nam - Nhat Ban: Trong khai mạc festival 2004, GS Trần Văn Khê nói: ''Giữ cho nhã nhạc càng nguyên gốc các tốt. Thế nhưng, hiện xung quanh việc trình diễn nhã nhạc ở Duyệt Thị Đường, có rất nhiều ý kiến lo ngại nhã nhạc đang bị làm mới, như việc thêm đàn bầu vào, trang phục lại không đúng với trang phục cổ... Xin NSND Phạm Thị Thành nói rõ về việc này?
NSND Phạm Thị Thành: Nhã nhạc cung đình Huế (NN) được UNESCO công nhận là di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại là vinh dự rất lớn của dân tộc ta. Càng gần gốc bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Theo tôi biết Nhà hát Duyệt Thị Đường chưa đưa đàn bầu vào. Trước đây Nhà hát có sử dụng trang phục của nhiều thời kỳ khác nhau. Nhà hát cũng đã mở nhiều triển lãm trong dịp Festival Huế trưng bày các nhạc cụ NN và 2 bộ trang phục của các nhạc công đánh NN trước đây. Hiện nay nhà hát của Trung tâm bảo tồn cố đo Huế đang rất cố gắng phục cổ càng gần với nguyên bản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. 

Người Yêu Huế - Nam 29 tuổi - TP.HCM: Năm 2003, trên báo Tuổi trẻ chủ nhật (tháng 6) có đề cập đến việc làm TRẺ hoá di tích Huế. Bản thân tôi cũng đã có dịp đi lại Huế nhiều lần và tôi cũng có những cảm nhận như thế. Nếu so với Hội An, việc trùng tu di tích của họ lại không xảy ra điều tiếng gì. Ông Xuân có thể lí giải điều này được không?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Tôi cũng có nhận xét như vậy. Tôi thấy quan điểm trùng tu ở Huế khác với quan điểm trùng tu ở Hội An. Quan điểm của Huế tự thể hiện sự hiện hữu của thời đại bây giờ vào trong việc tu sửa, tức là làm đẹp hơn, sang trọng hơn và vững chắc hơn cái cũ.  ''Trường phái này'' đã bị Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính lên án, bản thân tôi đồng ý với kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và đã viết nhiều bài phản đối quan điểm trùng tu này. Đặc biệt là tôi đã viết nhiều bài về sân Ngọ môn - Kỳ đài hay là những chất liệu trùng tu không đúng với chất liệu trong quá khứ. Quan niệm của tôi là phải làm giống như cái đã có về mọi mặt để cho đời sau hiểu được di tích thật sự ra sao. Việc làm mới lại là vi phạm cái cha ông đã để lại cho chúng ta. Tôi theo đuổi quan niệm này cho tới cùng nên tôi thấy rằng câu hỏi của bạn là có tính thời sự và cần phải bàn rộng để đi đến kết luận có giá trị về khoa học trùng tu.

Người Yêu Huế - Nam 29 tuổi - TP.HCM: Theo ông Hoa, bao nhiêu năm nữa Huế mới có công nghệ festival đích thực? Những festiaval tiếp theo, liệu chúng ta nên "giao" cho một công ty hoặc tổ chức nào đó quán xuyến việc này không?

Ông Nguyễn Xuân Hoa: Theo chúng tôi, Huế đang từng bước tiếp cận với công nghệ festival quốc tế, tất nhiên, mới qua sự hỗ trợ của phía Pháp và kinh nghiệm tiếp cận với một số festival quốc tế Nhật bản, Trung Quốc, Thái Lan. Từ công nghệ tiếp thu được, những người thực hiện festival tại Huế đã kết hợp với kinh nghiệm tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng lớn tại Việt Nam để hình thành một công nghệ festival của Huế. Công nghệ này cần phải tiếp tục hoàn thiện. Ít nhất cũng qua quá trình vài ba festival nữa mới có một công nghệ đạt hiệu quả cao. Nhưng nói như thế, không có nghĩa là bây giờ chưa phải là công nghệ festival đích thực. Vấn đề là phải có một lộ trình để nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng festival Huế.

 

Theo chúng tôi, nhất thiết phải có một tổ chức với một đội ngũ chuyên viên được đào tạo có hệ thống, có kinh nghiệm am hiểu nghiệp vụ sâu, để hình thành một cơ chế thực hiện festival. Tuy nhiên, hoạt động festival có tính tổng hợp rất cao, liên quan đến nhiều mặt: văn hoá, nghệ thuật, du lịch, đối ngoại, thương mại, kinh tế đô thị, xây dựng hạ tầng đô thị, bảo vệ trật tự an toàn xã hội... Vì vậy, không thể thoát ly sự quản lý kinh tế xã hội của một cấp chính quyền ở tầm vĩ mô, không thể không gắn kết với những doanh nghiệp, những công ty chuyên ngành. Nhưng theo kinh nghiệm và thực tiễn khảo sát tại một số thành phố festival (như Avignon, La Rochene...) đã từng có kinh nghiệm trên 50 năm tổ chức festival quốc tế. Người Pháp cũng chỉ hình thành văn phòng festival được xã hội hoá rất cao, mỗi kỳ festival đều được nhà nước hỗ trợ 50% tổng kinh phí, nhưng vẫn chưa có một hình thức công ty tổ chức festival. Theo chúng tôi, mô hình hợp lý nhất vẫn là một văn phòng festival được xã hội hoá gắn kết với các công ty chuyên doanh về thiết kế sân khấu, âm thanh ánh sáng, tổ chức biểu diễn... đặt dưới sự điều hành của một ban tổ chức có sự tham gia của các ngành quản lý của địa phương và trung ương là mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Mạnh Sơn - Nam 13 tuổi - Vũng Tàu: Xin các cô chú cho hỏi Festival Huế có từ bao giờ?
Ông Nguyễn Xuân Hoa: Festival Huế được manh nha đầu tiên vào năm 1992 thông qua sự hợp tác giữa thành phố Huế và tổ chức CODEV (Pháp) trong festival gặp gỡ Pháp - Việt năm 1992 nhưng thời điểm đó mới là sự khởi động ban đầu.

Phải đến năm 2000 qua sự phối hợp giữa chính phủ Pháp, đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và các ngành chức năng của Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng ta mới thực sự tổ chức một festival có quy mô quốc gia và có tính quốc tế. Sau thành công của festival Huế 2000, Thừa Thiên - Huế tiếp tục phối hợp với Pháp và các đối tác khác để tổ chức festival Huế 2002. Chính vào thời điểm này, chính phủ Việt Nam đã có chủ trương xây dựng Huế trở thành Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Đăng Khoa - Nam 48 tuổi - 4b Trần phú Hải Phòng: Những khó khăn mà NSND Phạm Thị Thành và BTC gặp phải khi đạo diễn chương trình Lễ hội Nam Giao lần này?
NSND Phạm Thị Thành: Lễ hội Nam Giao lần này là lần đầu tiên phục dựng lại một phần trong ba phần của Lễ tế đàn Nam Giao trước đây. Vì thế nên phần kịch bản, trang phục, đạo cụ, cờ, quạt, trống chiêng, phan, lọng, kiệu, lỗ bộ... phải đặt làm mới nhưng giống cổ - đây là một khó khăn nhưng đã được BTC lo 2 tháng trước đây.

Khó khăn thứ hai là phải có voi, ngựa và những người cưỡi voi, ngựa thuần thục.  Muốn theo đúng đội hình của lễ hội thì phải tập thật nhiều để voi ngựa quen với đường đi, màu sắc trang phục, quen với tiếng nhạc, với những tiếng động khác. Ví dụ có một lần tập, đi trên đường chó ở nhà dân chạy xổ ra sủa, làm ngựa và voi chạy dạt sang bên đường!

Thứ ba, khó nhất đó là cái thần, tức là nội tâm của những người đi trong Lễ hội vì đi làm viên binh và quan, lính, nhạc công, những người vác kiệu, ngự liễn, khiêng tượng đồng nhân là những người thanh niên hôm nay, họ là sinh viên, học sinh, vận động viên, chiến sĩ trong quân đội, là diễn viên...Họ chưa hề được trải qua những cảm xúc của người dân Huế cách đây hơn một thế kỷ đi dự Lễ hội Nam Giao vì vậy, khi tập, ngoài những việc nhắc nhở anh chị em đi đúng đội hình, thái độ nghiêm túc, trang phục chỉnh tế, cầm cờ, khiêng kiệu...cho đúng quy định thì điều tôi luôn nhắc nhở là phải có một thái độ biểu diễn thành tâm, nghiêm túc, phải trang nghiêm coi việc mình đang làm như một người dân của xứ Huế xưa, đang rước ngự đạo, rước vua sau khi tế lễ ở Đàn Nam Giao để cầu cho quốc thái dân an, mưa thận gió hoà và mọi sự tốt lành cho dân cho nước. Tôi cấm nói chuyện riêng, hút thuốc lá, nhìn ngó lung tung trong khi diễn...

Hào Huế - Nam - TP.HCM: Huế được đánh giá là "bài thơ đô thị". Thế nhưng gần đây, những dãy phố kiểu Pháp ở bờ Nam Sông Huơng đang bị đe dọa bởi tốc độ đô thị hoá. Cụ thể là tòa nhà bưu điện thành phố xây quá cao, thư viện mới xây theo lối kiến trúc xa lạ với kiến trúc cố đô, khách sạn cao tầng đang xây dựng gần bờ Sông Hương... Liệu Huế có bị đánh mất mình? khi không gian nhìn từ sông Hương đang bị đe dọa bởi các nhà cao tầng như thế?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Kiến trúc ở bờ nam Sông Hương có từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do người Pháp thực hiện và người Pháp cũng đã bàn thảo rất nhiều về kiến trúc và chiều cao của kiến trúc ở bờ nam Sông Hương. Sau 30 năm trao đổi, thảo luận người Pháp đưa đến một kết luận: Để giữ cho vẻ đẹp và sự trang trọng của khu vực kinh thành Huế ở bờ bắc Sông Hương thì các kiến trúc mang phong cách châu Âu ở bờ nam Sông Hương không nên cao quá 2 tầng và phải xa bờ Sông Hương và cách Sông Hương bằng một dải cây xanh. Khi trùng tu lại khách sạn Morin tôi đã nhắc lại quan điểm này và do vậy, khách sạn Morin khi được trùng tu, chỉ làm thêm 1 tầng. Và nhiều người đã khen ngợi chuyện này. Có nhiều công trình quốc gia xác định kiến trúc đô thị ở bờ nam Sông Hương là một di sản kiến trúc đô thị rất quý giá của Huế, của Việt Nam. Rất tiếc, các nhà quy hoạch và xây dựng hiện nay vì nhu cầu phục vụ du lịch đã tận dụng diện tích hẹp ở khu kiến trúc ở bờ nam Sông Hương làm nhiều nhà cao tầng.  Việc này sẽ biến Sông Hương thành một con kênh, kinh thành Huế sẽ trở nên nhỏ bé và nếu nhìn từ trên mái xuống chỉ thấy một xóm nhà cổ nghèo nàn! Làm như vậy là vi phạm cảnh quan của di sản văn hoá đã được thế giới công nhận. Nhiều báo chí và công chúng Huế đã phản đối quyết liệt nhưng cũng chỉ hạ bớt chiều cao của các tầng nhà chọc trời ở bờ nam Sông Hương một vài tầng mà thôi. Tôi hết sức đau xót về việc này, nhưng tôi chỉ là một người cầm bút chỉ biết viết, còn cứu vãn nó được hay không thì đó là việc của những người có trách nhiệm.

Quán Trần - Nam 36 tuổi - Taiwan: Thưa NSND Phạm Thị Thành, tôi có được xem vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng do bà đạo diễn, truyền hình trên VTV. Trong vở kịch này bà cho diễn viên Chí Trung đóng vai vua Lê Tương Dực. Diễn viên Chí Trung đã thể hiện vai diễn này như một ông vua ngoài 40 tuổi. Điểm này trái với kịch bản của Nguyễn Huy Tưởng (Nguyễn Huy Tưởng quy định tuổi cho các vai rất rõ ràng trong kịch bản)cũng như sự thực lịch sử là vua Lê Tương Dực chỉ mới 24 tuổi. Vậy thưa bà, trong lễ hội Nam Giao sắp tới, liệu khán giả có phải xem những thủ pháp đạo diễn vừa trái với kịch bản vừa không đúng với sự thực lịch sử như đã từng phải xem kịch Vũ Như Tô không?
NSND Phạm Thị Thành: Rất cảm ơn anh Nam đã quan tâm đến Nghệ thuật kịch Việt Nam. Với câu hỏi của anh tôi nghĩ rằng: tôi với anh cùng một quan điểm là kịch lịch sử phải cố gắng tôn trọng lịch sử, kể cả tuổi tác của các nhân vật có thật trong lịch sử. Trong vở Vũ Như Tô, khi tôi cũng dàn dựng cho anh Chí Trung vào vai Lê Tương Dực thì anh ở độ tuổi dưới 30 tuổi. Nhưng tôi có nhắc là thời trước, cách đây ba, bốn thế kỷ thường người ta có già hơn bây giờ, nhưng khi anh Trung hoá trang thì...hơi già quá! Đó là khuyết điểm của chúng tôi, tôi xin nhận.

Còn trong Lễ hội này, kịch bản không quy định các nhân vật cụ thể, có danh xưng, tên tuổi nên chúng tôi sẽ không làm anh mất lòng.

Nguyễn Trung Toàn - Nam 27 tuổi - 108/8 Trần Mai Ninh, P12,Q.Tân Bình, TP.HCM: Xin cho hỏi: Lễ tế Nam Giao thường diễn ra vào lúc nữa đêm,vậy khi tổ chức có làm vào lúc nửa đêm không?
NSND Phạm Thị Thành: Lễ tế Nam Giao trước đây có ba phần, nhưng lần này, chúng tôi chỉ làm phần thứ ba, tức là phần "Đạo ngự hồi cung" nên làm từ lúc rước nhà vua lên Ngự Liễn để trở về thành Nội. Nghĩa là chúng tôi không làm phần lễ lúc nửa đêm.

Truong Van Dung - Nam 20 tuổi - shanghai china: Festival Huế là một hoạt động mang tính văn hóa cũng là một hoạt đông du lịch đặc sắc, nhưng tại sao một hoạt động du lịch và văn hóa mang tầm cỡ quốc gia thế này, tại sao không quảng bá rộng rãi? Trung Quốc là một thị trường rộng lớn nhưng hình ảnh của nhưng lễ hội những hoạt động tầm cỡ thế này gần như không đuợc biết đến???
Ông Nguyễn Xuân Hoa: Để quảng bá festival Huế 2000, chúng tôi đã có website festival Huế www.huefestival.com.vn được thể hiện bằng bốn thứ tiếng (Việt - Anh - Pháp - Trung Quốc). Website này đã hoạt động từ festival 2002 đến festival 2004. Thông qua đó, nhiều thông tin về Thừa Thiên Huế, về các chương trình văn hoá nghệ thuật, du lịch, lễ hội của festival 2002, 2004 đã được quảng bá tương đối rộng rãi.

Với festival Huế 2004, chúng tôi đã có cuộc họp báo tại Paris nhân dịp Huế đón nhận bằng công nhận Nhã nhạc Huế là Kiệt tác văn hoá Phi vật thể của nhân loại để giới thiệu về festival Huế 2004 với báo chí và công chúng Pháp. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á-Mỹ latin (Philippines),festival Huế 2004 đã được giới thiệu khá chi tiết. Thông qua các chuyến bay của VietnamAirlines, ấn phẩm Heritage cũng đã có chuyên mục giới thiệu về Huế và festival Huế 2004. Qua VTV4 của Việt Nam và TV5 của Pháp, festival Huế 2004 cũng đã được giới thiệu tương đối rộng rãi.

Hiện nay, đang có 557 phóng viên của 109 cơ quan báo chí trong nước và 34 phóng viên của 11 hãng thông tấn nước ngoài đang có mặt ở Huế đưa tin về festival gồm: đoàn TV5 Pháp, truyền hình Đức, BBC (Anh), Thông tấn xã AFP (Pháp), Fujil (Nhật Bản), Tân Hoa xã (Trung Quốc)... Tuy nhiên, như bạn nói, chúng tôi rất tiếc là việc quảng bá vẫn chưa đi sâu vào thị trường Trung Quốc, một thị trường rộng lớn. Điều này sẽ được khắc phục. Chúng tôi mong được tiếp tục trao đổi thông tin với bạn qua email: festivalhue@dng.vnn.vn để bàn thêm về vấn đề này. Mong các bạn giúp đỡ.

Nguyễn Trung Toàn - Nam 27 tuổi - 108/8 Trần Mai Ninh, P12, Q.Tân Bình, TP.HCM: Trong các buổi tế lễ Nam Giao, dân thường không được phép tham gia, muốn tham gia phải có giấy phép của bộ phận Tôn Nhơn Phủ. Vậy khi tổ chức lễ tê Nam Giao lần này có cho du khách đến hay không? hay chỉ có ban tổ chức và các vị chức sắc.
NSND Phạm Thị Thành: Chúng tôi không làm Lễ tế, mà chỉ rước Đạo Ngự từ trai cung về Thành Nội nên nhân dân có thể đứng xem hai bên đường.

Nguyenvietphihung - Nam 45 tuổi - QuangNam: 1.Nếu những yếu tố tâm linh của lễ hội được phát huy thì chúng ta phải nói gì với chủ nghĩa Mac Lenin.Liệu nó có còn phát huy trong tuơng lai nữa hay không, và chúng ta phải làm gì cho phù hợp với thời đại ngày nay ?. 2.Tái hiện lịch sử là đúng rồi nhưng nối dài lịch sử với những yếu tố tâm linh của lễ hội ,liệu có nên không ?. Xin cám ơn

Ông Nguyễn Đắc Xuân
: Chủ nghĩa Mác Lênin đã có mặt tại Việt Nam trên 70 năm nhưng xã hội Việt Nam không phải là ai cũng đã thấm nhuần chủ nghĩa này, đa số quần chúng hiểu chủ nghĩa Mac Lenin ở Việt Nam gần gũi với tinh thần yêu nước. Và tinh thần yêu nước của người Việt Nam thì có liên quan đến tâm linh. Tâm linh còn có sức mạnh trong quần chúng thì nhà nước cũng như các tổ chức, hội đoàn không thể loại tâm linh ra khỏi xã hội. Do đó, chúng tôi thấy ở một nước tự do như Việt Nam người ta có quyền không theo tôn giáo nào nhưng cũng có quyền theo tôn giáo này hoặc tôn giáo kia. Tất cả những việc tu hành ở chùa, nhà thờ được tự do thì những người tâm linh nghĩ về cha ông, tổ tiên cũng phải được tôn trọng. Do đó, chủ nghĩa Mac Lenin cứ phát triển bên cạnh những hoạt động của xã hội gắn liền với dân tộc nặng về tâm linh mà không có gì trở ngại cả! Trả lời câu 2: Chúng ta tái hiện lịch sử như nó đã diễn ra thì những sự kiện lịch sử đó có gắn với tâm linh, chúng ta cũng phải tái hiện nếu không tái hiện thì không đúng với sự kiện lịch sử. Có tin vào tâm linh hay không thì đó là quyền tự do của mỗi người.

Nguyễn Trung Toàn - Nam 27 tuổi - 108/8 Trần Mai Ninh,P12,Q.Tân Bình, TP.HCM: Trang phục để mặc trong lễ tế Nam Giao có giống như xưa không? và do ai chịu trách nhiệm thiết kế?
NSND Phạm Thị Thành: Ông Vĩnh Cao là thành viên của Ban tư vấn, chịu trách nhiệm vẽ thiết kế và theo dõi thực hiện phần trang phục và đạo cụ.

Nguyễn Trung Toàn - Nam 27 tuổi - 108/8 Trần Mai Ninh,P12,Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh: Tại đàn Nam Giao, có rừng thông xung quanh, ngày xưa các vị quan khi được dự lễ tế Giao phải trồng 1 cây và theo doĩ, cũng như khắc tên, chức vị lên một thẻ bằng ngà, hoặc bằng đồng để treo lên. Vậy lễ tế lần này có phục sức lại các thẻ ngà đó không?
NSND Phạm Thị Thành: Cái này các bạn nên hỏi ông Nguyễn Xuân Hoa, Phó thường trực BTC Festival Huế 2004, đồng  thời là thành viên Ban tư vấn Lễ hội Nam Giao, cũng đang giao lưu tại đây.

Pham Hong - Nam 20 tuổi - 105 Hung Vuong, Hue: Hang van nhan dan Hue va Du khach da phai that vong ve buoi Khai mac Festval 2004 tai Quang truong Ngo mon boi San khau khai mac chi phuc vu cho mot so it! Hang tram nguoi co ghe ngoi tren khan dai, con Hang van nguoi dung tren san Quang truong Ngo mon thi khong the xem thay cai gi dang dien ra tren san khau, khong thay gi het ngoai nhung cai lung cua nguoi dang dung phia truoc. Lieu Le hoi Nam Giao co de dien ra noi that vong cho so dong nhan dan Hue va Du khach nhu vay nua khong?

NSND Phạm Thị Thành: Câu hỏi này xin dành câu trả lời cho ông Nguyễn Xuân Hoa, hiện cũng đang có mặt tại đây.

Hào Huế - Nam - TP.HCM: Thưa ông Hoa, liệu tour nhà vườn, chợ quê ở cầu ngói Thanh Toàn sẽ được kéo dài bao lâu sau lễ hội?
Ông Nguyễn Xuân Hoa: Khi tổ chức tour du lịch nhà vườn ở Huế, chúng tôi muốn giới thiệu để du khách khám phá thêm về một nét văn hoá Cố đô, nhất là nghệ thuật sống và không gian văn hoá nhà vườn. Tour du lịch nhà vườn này khá đa dạng, một số nhà vườn tổ chức tốt (Tịnh Gia Viên, vườn Ý Thảo, Vũ Di Trà Định, vườn Bội Trần, Thảo Nhi Biệt Phủ...) đã đạt hiệu quả kinh tế cao, chủ nhân các ngôi nhà vườn này đang tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, hấp dẫn khách du lịch. Hiện nay, trên guidebook của nhiều hãng lữ hành quốc tế đều có giới thiệu về những ngôi nhà vườn đặc trưng của Huế với các chi tiết cụ thể: Giá trị từng ngôi nhà, giá bữa ăn, giờ ăn đặc trưng của chủ nhà... Tôi tin tour du lịch này sẽ tiếp tục phát triển tạo thành một nét riêng của Huế. Tuy nhiên, vẫn có những tour du lịch nhà vườn chưa tìm được hướng đi phù hợp (như khu nhà vườn Phú Mộng). Vì vậy, hiệu quả chưa cao. Những chủ nhân ở đây chỉ mới dừng lại ở việc chăm chút ngôi vườn của mình nhưng chưa tạo ra được dịch vụ có sức hấp dẫn khách. Cần phải có sự hướng dẫn và tham gia quảng bá của các tổ chức du lịch thì các tour du lịch nhà vườn này mới thực sự có hiệu quả.

Việc tổ chức Chợ quê ngày hội ở Cầu ngói Thanh Toàn là một điểm nhấn của festival. Chúng tôi muốn từ đây sẽ phát triển thành tour du lịch đồng quê xứ Huế, giới thiệu với du khách một không gian văn hoá đặc thù của vùng quê Cố đô. Nếu làm được như vậy, thì tour du lịch Chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn sẽ tiếp tục phát triển tốt. Đây là công việc của ngành du lịch và trước hết là của chính quyền và người dân ở địa phương này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra sự chuyển biến nhận thức của người dân, các nhà quản lý tác động hỗ trợ giúp người dân biết phương pháp tổ chức thực hiện, gắn với việc quảng bá rộng rãi hình ảnh đặc thù của chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn.

Theo tôi, thành công của các tour du lịch này phải luôn luôn gắn liền với lợi ích của người dân. Nếu thoát ly với lợi ích của dân, chỉ thực hiện theo ý chí chủ quan của nhà tổ chức thì rất khó đạt được hiệu quả.

Quán Trần - Nam 36 tuổi - Taiwan: Thưa ông Nguyễn Đắc Xuân, yếu tố thời gian (ngày,tháng) có phải là một yếu tố quan trọng có tính quyết định của việc lựa chọn thời gian làm lễ Nam Giao trong suốt lịch sử Việt Nam (ví dụ lễ Nam Giao không thể tổ chức vào ngày xấu, tiết xấu theo Âm lịch). Có bao giờ lễ Nam Giao tổ chức vào mùa hè trong lịch sử Việt Nam không ? Việc thành phố Huế năm nay tổ chức mô phỏng lễ Nam Giao vào tháng 6 là phải chăng đã nghiên cứu kỹ yếu tố thời gian là một yếu tố quan trọng cần mô phỏng của lễ Nam Giao hay đã coi yếu tố này là yếu tố không đáng phải quan tâm?

Ông Nguyễn Đắc Xuân: Với tư cách là người tư vấn cho ban tổ chức Festival Huế 2004, chúng tôi phục hồi "Ngự đạo hồi cung" trong lễ tế Nam Giao hồi xưa nhằm tôn vinh một cách hoành tráng Di sản Nhã nhạc vừa được UNESCO công nhận, chứ không phải làm lễ tế Nam Giao như ngày xưa. Do đó, yếu tố thời gian là lệ thuộc vào thời gian của lễ hội Festival Huế 2004. Yếu tố thời gian lần này không liên quan đến lễ tế Nam Giao hồi xưa tổ chức vào tháng 2 sau Tết Nguyên đán. Chúng tôi đã cố vấn cho ban tổ chức lễ hội Nam Giao năm nay còn có mục đích để rút kinh nghiệm, để đề nghị với những người trách nhiệm trong những năm tới phục hồi toàn bộ lễ tế Nam Giao như nó đã xảy ra, để không những phục vụ lễ hội du lịch mà còn làm hồ sơ xin UNESCO công nhận lễ tế Nam Giao ở Huế là một di sản văn hoá phi vật chất của nhân loại. Theo tôi, lễ tế Nam Giao chỉ có trong các nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Trung Quốc thì đã mất từ sau cách mạng Tân Hợi năm 1911, Hàn Quốc và Nhật Bản không còn, chỉ có Việt Nam cho đến năm 1942 vẫn còn nguyên vẹn. Đến nay, cả hình ảnh, phim ảnh, tài liệu chữ Hán, chữ Pháp, chữ Việt còn đầy đủ cả. Cho nên, chúng ta có khả năng phục hồi lại tốt và chắc chắn nếu chúng ta làm hồ sơ đúng theo yêu cầu của UNESCO thì Huế sẽ có thêm một di sản văn hoá nhân loại nữa.

Đình Thiện - Nam 30 tuổi - Đà Nẵng: Xin chào NSND Phạm Thị Thành. Bà có thể cho biết sơ lược bố cục của chương trình Lễ hội Đàn Nam Giao được không ạ? Nếu như trong lúc đang rước mà gặp trời mưa thì phải xử lý thế nào?
NSND Phạm Thị Thành: Lễ hội Nam Giao bố cục thành ba đạo: Tiền đạo, Trung đạo và Hậu đạo. Ngoài ra, để tôn vinh Nhã Nhạc cung đình vừa được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hoá phi vật thể của nhân loại nên chúng tôi có một xe hoa rước bằng của UNESCO cùng một số nghệ nhân lớn tuổi ngồi trên xe đó và khi về đến Ngọ Môn, các nghệ nhân sẽ cùng diễn viên biểu diễn hai bài tấu Nhã nhạc và hai điệu múa cổ là: Võ Bát dật và Văn Bát dật. Sau đó thì tất cả đi vào thành Nội

Nếu trời mưa (lạy trời đừng mưa!) thì đoàn vẫn đi nghiêm túc và BTC sẽ lo áo mưa cho họ. Như vậy họ sẽ mặc áo mưa để đi tiếp.

Thanh Thuan - Nữ 22 tuổi - Hue: That tuyet voi, troi mua lien tuc! Nhung suốt 1h30 tronglễ khai mac troi lai gan nhu khong mua,TAI SAO?. Co phai vi tam long cua cac nghe sy qua lon; Quyet tam cua ban to chuc va cua lanh dao Tinh qua cao; Long dan qua sau sac hay khong!. Xin duoc trao doi cung cac anh cac chi.
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Chúng tôi biết tất cả những người lãnh đạo, diễn viên, phục vụ cho Festival Huế 2004 đếu hết sức tâm huyết. Nhưng chúng tôi không biết sự tâm huyết đó có tác động đến trời không? Điều này thì chỉ có trời biết, và dân biết. Nếu thật sự có tác động đến trời làm cho trời phải mềm lòng, chú ý đến sự thành công của lễ khai mạc, thì đó là một hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi. Nhưng trời thì xa, dân thì gần nếu dân cũng thấy như vậy thì đó là tặng thưởng vô giá đối với chúng tôi.

Hoang Chau - Nam 27 tuổi - Da Nang: Theo tôi được biết, 5 chú Voi diễu hành trong Lễ tế đàn Nam giao đã có 4 chú không tham gia được, điều này có ảnh hướng lớn đến lễ tế không?
NSND Phạm Thị Thành: Rất tiếc, thông tin của bạn không đúng sự thật: Hiện nay năm "ông" voi - nhờ trời - vẫn khoẻ mạnh!

Việt Anh - Nam 47 tuổi - Australia: Nếu tôi nhớ không nhầm trong một lần trả lời báo chí NSND Phạm Thị Thành nói rất thích bóng đá. Những ngày này trong khi đang phải tất bật với những công việc tại Festival Huế 2004 thì Euro 2004 diễn ra rất sôi động, bà Thành có thấy tiếc không?
NSND Phạm Thị Thành: Cũng rất may mắn là những trận đấu của Euro lại diễn ra từ 11 giờ đêm và 1 giờ 45 sáng nên tôi vẫn theo dõi liên tục, chưa thiếu trận nào!

Tú Linh - Nữ 27 tuổi - Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội: Với tư cách là Tổng đạo diễn lễ hội Nam Giao, xin đuợc hỏi điều gì khiến bà lưu tâm nhất?
NSND Phạm Thị Thành: Điều tôi lưu tâm nhất là làm sao những người tham gia Lễ hội thành tâm diễn lại đúng như lễ Nam Giao xưa!

DinhVo - Nam 28 tuổi - Wuhan-China: Xin hỏi ông Nguyễn Đắc Xuân: Trong lịch sử có khi nào Nhã Nhạc Huế đã từng trình diễn dưới mưa chưa? Ông có cho rằng việc Nhã nhạc trình diễn dưới mưa tăng làm thêm tính trầm hùng hay mất đi tính trang nghiêm khi trình tấu?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Ông nội tôi là cụ Nguyễn Đắc Tiêu, đội trưởng đội Nhã nhạc của triều đình, tôi đã được ông kể khi tấu lễ nhạc là ông nghĩ đến tiếng nhạc của ông thấu đến tai trời. Cho nên trời cho nắng thì chịu nắng mà trời bắt phải đứng dưới mưa thì chịu mưa, đánh thổi hết mình thì tôi nghĩ rằng hay hoặc dở là do người nghe đó có thông cảm, hiểu thấu được cái hay trong những hoàn cảnh đó không. Nếu người hiểu thì họ thấy đánh thổi dưới mưa hết mình thì vẫn hay, nếu có người không hiểu thì cho rằng đánh thổi dưới mưa trong điều kiện da trống bị ướt, sợi dây đàn ngấm nước tiếng nhạc sẽ chùng đi, không hay. Tóm lai, nghe dưới mưa hay nắng, hay hoặc dở là tuỳ lòng người.

Tất Bình - Nam 30 tuổi - Úc: Xin hỏi ông Hoa, trong đĩa CD nhã nhạc của Ông Nguyễn Hữu Ba và GS Trần Văn khê, ở ảnh bìa, tôi thấy nhạc công mặc áo dài màu tím. Vậy sao trong đêm khai mạc, họ lại mặc áo màu đỏ, vàng? Trong việc nhã nhạc được thế giới công nhận là di sản, GS Trần Văn Khê là người có công rất lớn. Vậy thành phố Huế đã có những nghĩa cử nào nhằm ghi ơn của giáo sư Trần văn Khê chưa?
Ông Nguyễn Xuân Hoa: Trang phục Nhã nhạc có nhiều loại, Đại nhạc có màu sắc riêng khác hẳn với Tiểu nhạc. Trong mỗi triều đại, trang phục này còn có sự điều chỉnh. Hiện nay ở Huế còn khá nhiều hình ảnh, kể cả phim do người Pháp quay lại thể hiện khá rõ hình ảnh của các nhóm nhạc lễ cung đình triều Nguyễn. Chúng tôi chưa thấy một bức ảnh tư liệu nào thể hiện trang phục nhạc công Nhã nhạc màu tím, có thể đó chỉ là màu nền của ấn phẩm mà bạn đang có trong tay.

Bộ trang phục màu đỏ viền vàng là trang phục của ban nhạc lễ Cung đình khi trình tấu Đại nhạc. Bộ trang phục này được thực hiện theo đúng mẫu trang phục còn giữ lại của Đoàn nghệ thuật Ba Vũ - một đoàn nghệ thuật Cung đình có lịch sử từ đầu triều Nguyễn như ảnh tư liệu cũng thể hiện tương tự. Trong lễ hội Nam Giao tại festival Huế 2004 này, chúng tôi sẽ cho tái hiện trang phục lễ nhạc cung đình của ban Đại nhạc, ban Nhã nhạc (Tiểu nhạc), phường trống Ngũ lôi đồng cổ, đội Hoa Đăng, đội Văn Bát Dật, đội Võ Bát Dật theo đúng các tư liệu tại Huế đang có. Hy vọng bạn tiếp tục theo dõi để thấy trang phục lễ nhạc cung đình của Việt Nam xưa cũng rất đa dạng.

Đối với giáo sư Trần Văn Khê, trong dịp kỷ niệm 25 năm Thừa Thiên Huế được giải phóng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao tặng GS Giải thưởng về thành tích đóng góp xuất sắc đối với văn hoá Huế. Trong festival Huế 2004 lần này sẽ có lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hoá Phi vật thể Nhã nhạc Huế, tại buổi lễ này, GS Trần Văn Khê và nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân có công đóng góp với Nhã nhạc Huế sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên dương khen thưởng.

Phan Lộc - Nam 50 tuổi - Đà Nẵng: Câu hỏi dành cho nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân: 1. Trên đỉnh Điện Thái Hòa có bình hồ lô là có ý nghĩa gì? - 2. Trong chùa Thiên mụ, qua khỏi cổng tam quan có hai dãy nhà, mỗi bên có 3 vị mang gươm, bút và chân tựa trên các con vật như hổ, rùa vv.. 6 vị này là ai, vì sao lại để trong chùa là mang ý nghĩa gì? -3. Trong thành nội tổng số người có thể lên đến 3.000 người, vì sao không thấy dấu tích của các nhà vệ sinh, nếu tất cả mọi người đều dùng bô để đại tiện thì số lượng bô tìm thấy phải rất nhiều, nhưng thực tế thì số bô tìm thấy rất ít, tại sao? - 4. Trong Đại nội vị trí nơi ở cuả hoàng tử và công chúa ở đâu, sao không thấy trong các mô hình của thành nội?

Ông Nguyễn Đắc Xuân: Những chi tiết trên kiến trúc ở điện Thái Hoá cũng như ở chùa Thiên Mụ, sách vở đã viết rất nhiều, các bạn nên xem trong sách. Hôm nay, tôi chỉ trả lời những câu chưa đề cập tới. Về câu hỏi thứ 3, hồi xưa các vua chúa "đi ngoài" trong bô, phân dùng để chôn xuống đất hoặc thả xuống hồ nuôi cá. Về câu hỏi thứ 4, trong Tử Cấm Thành có tam cung, lục viện dành cho các bà vợ vua, các công chúa và các hoàng tử tuổi nhỏ ở với mẹ trong tam cung lục viện. Khi lớn lên, 14 -15 tuổi cho xuất phủ ra làm nhà ở ngoài kinh thành, cưới vợ (với hoàng tử) hoặc đi theo chồng (các công chúa). Riêng hoàng thái tử ở điện Quang Minh, bên trái điện Càn Thành (nơi vua ở) ở phía tây Duyệt Thị Đường ngày nay.

Tất Bình - Nam 30 tuổi - Úc: Festival năm 2002, Huế có tôn vinh những nghệ sĩ có những đóng góp cho Huế, như nhà tạo mẫu Minh Hạnh, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai... Sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại không có trong danh sách này? Ở một bài báo, Festival năm 2000 NS Trịnh Công Sơn lại không được mời... Xin hỏi ông Hoa, làm sao chúng ta lại có những thiếu sót như vậy?

Ông Nguyễn Xuân Hoa: Festival Huế 2002 chưa bao giờ có hình thức khen thưởng nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Nhà tạo mẫu Minh Hạnh - Đạo diễn lễ hội áo dài festival Huế 2002 cũng như những nghệ sĩ có tham gia xây dựng các chương trình liên quan đến festival Huế 2002 đều được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng. Đây là một hoạt động khen thưởng bình thường, không phải là một hình thức tôn vinh.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn luôn được tôn vinh trong lòng của những người dân xứ Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần tổ chức các chương trình nghệ thuật giới thiệu trang trọng về Trịnh Công Sơn. Tại cuộc họp báo giới thiệu về festival Huế 2002, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cùng tham gia với Ban tổ chức festival Huế với tư cách như người nhà. Qua các tổ chức đồng hương cũng như các cuộc tiếp xúc cá nhân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn được thông tin và mời về dự festival.

Tran Vo Ngoc Ha - Nam 20 tuổi - Huế: Xin hỏi Ban to chuc neu nhu vai ngay tới troi van mua thi ban to chuc bo tri cac chuong trinh in va off nhu the nao?
Ông Nguyễn Xuân Hoa: Lạy trời đừng mưa nữa! Chúng tôi đang có phương án 2. Nhưng bao giờ cũng muốn được thực hiện theo phương án 1.

Nguyễn Văn Quân - Nam 28 tuổi - taipei - taiwan: Xin chào nhà Huế học NGUYỄN ĐẮC XUÂN: câu hỏi tôi muốn dành cho ông là, hiện nay ở Huế rất nhiều các biệt thự mọc lên với kinh phí xây dựng hàng tỷ đồng, điều này làm mất đi những gì vốn có của Huế. Vậy Huế đã có những chính sách cũng như việc làm gì để không đánh mất mình trong sự phát triển thần tốc hiện nay ?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Tôi xin dành lại những câu hỏi này cho những người có trách nhiệm tại Huế. Riêng tôi, những kiến trúc mới ở Huế rất xấu, thiếu quy hoạch và sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại cho thành phố Huế. Đến bây giờ, tôi chưa thấy loé ra một chính sách gì để khắc phục tình trạng này. Buồn lắm, Huế ơi!

Trung huy - Nam 16 tuổi - Đà Nẵng: Chào báo điện tử VietNamNet, bản thân tôi cũng quan tâm đến nhã nhạc cung đình Huế Nay tôi muốn được học lớp nhã nhạc, vậy thì địa chỉ là ở đâu? Xin chân thành cám ơn !
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Theo tôi biết ở Huế hiện nay không có một trường chuyên nghiệp nào dạy về Nhã nhạc. Các trường ĐH nghệ thuật, trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đều có một bộ phận dạy về Nhã nhạc. Nhưng cũng có thể học Nhã nhạc trực tiếp với các bậc thầy ở Huế như cụ Trần Kích, cụ Lữ Hữu Thi... tôi không nhớ địa chỉ của các cụ này.

nvphihung - Nam 45 tuổi - QuangNam: Xin hỏi ông Nguyễn Xuân Hoa 1.Điểm khác nhau giữa chuơng trình lễ hội lân này và lần truớc là gì ?. 2.Nghe nói điện Voi ré (Thủy Biềù) là một địa danh có tiếng dưới triều Nguyễn,lần này có đợc khai thác phục vụ du lịch không?. 3.Cầu ngói Thanh Toàn so với Chùa cầu ở Hội An (QN) có điểm gì giống nhau,khác nhau ?
Ông Nguyễn Xuân Hoa: 1.Mỗi festival chúng tôi đều cố gắng tạo ra một nét mới, một sức hấp dẫn mới, hướng đến từng bước nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của một festival có quy mô quốc gia và tính quốc tế. Festival Huế 2004 khác các festival lần trước, trước hết ở chủ đề: Đây là festival Huế ''Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển'', khác với chủ đề ''Khám phá Nghệ thuật sống Cố đô'' như các festival trước.

Festival Huế 2004 diễn ra sau sự kiện Nhã nhạc Huế được công nhận là Kiệt tác Văn hoá Phi vật thể của nhân loại, vì vậy, có nhiều hoạt động chào mừng và tôn vinh Nhã nhạc sẽ diễn ra trên nhiều khu vực.

Sẽ có những hoạt động rất đặc trưng của festival Huế 2004 như lễ hội Nam Giao - một lễ hội cung đình lần đầu tiên được tái hiện tại Huế.

Lễ hội Áo dài năm nay sẽ diễn ra ở khu vực Kỳ đài, Phú Văn Lâu với 100 người mẫu chuyên nghiệp trình diễn trên 500 bộ áo dài của 20 nhà thiết kế hoàn toàn khác với lễ hội Áo dài từng diễn ra trên cầu Trường Tiền...

2. Điện Voi ré không phải là một địa danh mà là một Di tích nằm trong hệ thống di tích Cố đô Huế. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử di tích này bị hư hỏng khá nặng, chưa thể đưa vào khai thác du lịch được mà cần xây dựng các dự án để tiếp tục tôn tạo.

3. Tất nhiên là có nhiều điểm giống và khác nhau. Điểm giống nhau rõ nhất là hình thức ''Thượng gia Hạ kiều''. Điểm khác nhau nổi bật là Cầu ngói Thanh Toàn mang đặc trưng kiến trúc truyền thống Việt Nam, chùa Cầu Hội An mang đặc trưng kiến trúc Nhật Bản.

Ngo Tuan - Nam 19 tuổi - Ha Noi: Trong Festival Huế, liệu tất cả các trang phục được thiết kế giống hệt như trước kia hay không ? Và nếu có thì chúng được dựa trên tư liệu nào ? Liệu chúng ta có thể khôi phục được vẻ đẹp trong các trang phục truyền thống hay không ? Nếu có thể thì liệu chúng ta có thể lầm những bộ phim sử thi mang tính chân thật về Huế để cho mọi người trong nước và trên thế giới được biết nhiều hơn về Huế không?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Theo tôi biết, các trang phục của vua quan triều Nguyễn cho đến nay chỉ mới có một người phục hồi tốt và tương đối đúng với trang phục xưa là ông Trịnh Bách. Còn những trang phục mà khách du lịch thấy trong các khách sạn, đoàn hát thì chưa đúng. Khi may trang phục cho lễ hội Nam Giao chúng tôi đã căn cứ: Sách Đại Nam Hội điển, các sách, tạp chí có viết về trang phục xưa (Bùi Bằng Đoàn, tập san Đô Thành Hiếu Cổ), bích hoạ trên tường ở các lăng và đặc biệt trên bộ ảnh Vua quan triều Nguyễn mà chúng tôi đã sưu tập trong mấy chục năm qua. Với thử nghiệm của ông Trịnh Bách, chúng ta có thể phục hồi được trang phục ngày xưa, nếu không đúng 100% thì cũng được 80-90% . Còn làm phim sử thi, trang phục chưa đủ mà còn cần phải có kịch bản nữa.

Anh Khoa - Nam 21 tuổi - HCM: Xin hỏi Huế đã làm gì để thu hút đối tuợng trẻ thích thú học hỏi về nhã nhạc cung đình Huế nhiều hơn?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Những người có trách nhiệm về Nhã nhạc đã làm: Thứ nhất là biểu diễn cho lực lượng trẻ xem. Thứ hai, nói chuyện cho tuổi trẻ hiểu để họ thích. Thật sự có làm nhưng chưa đủ độ để hấp dẫn đối tượng trẻ. Đây là vấn đề cần phải quan tâm, đẩy mạnh. Người có thể làm cho lực lượng trẻ thích chính là giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê.

Trannamphi - Nam 28 tuổi - dienban-quangnam: xin cho biet la o festival lan nay co bao nhieu nuoc tham du,va o HUE co tat ca bao nhieu diem den cua festival lan nay?
Ông Nguyễn Xuân Hoa: Ngoài Việt Nam, festival Huế 2004 có 8 nước tham dự vào các chương trình nghệ thuật trong đó Pháp, Trung Quốc, Argentine tham gia vào chương trình In; Mỹ, Ấn Độ, Đức, Úc, Hàn Quốc tham gia vào chương trình OFF.

Tại trại điêu khắc quốc tế, festival Huế 2004 cũng có mặt 28 nhà điêu khắc đến từ 17 nước thuộc các châu lục.

Ngoài 3 trung tâm Đại nội, Cung An Định, Hồ Tịnh Tâm còn có trên 40 điểm diễn ra các hoạt động văn hoá nghệ thuật và lễ hội cộng đồng. Hệ thống trên 70 ngôi chùa và hàng trăm di tích Cố đô Huế đang mở rông vòng tay đón khách du lịch đến với festival.

Tôi rất tiếc do công việc phải điều hành cụ thể Festival Huế 2004 nên đành phải gửi lời xin lỗi tới độc giả của VietNamNet là không thể tiếp tục giao lưu với các bạn.

Mong các bạn thông cảm, cần trao đổi thêm, mời các bạn liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ: festivalhue@dng.vnn.vn.

Xin cảm ơn các bạn.

Nguyễn Vũ Khánh Linh - Nữ 26 tuổi - Việt Trì: NSND Phạm Thị Thành luôn đuợc mời làm tổng đạo diễn các chương trình lớn, bà thường xuyên phải vắng nhà. Vậy các con của bà có phàn nàn về vấn đề này không?
NSND Phạm Thị Thành: Tôi làm nghề đạo diễn từ lúc học ở nước ngoài về, cách đây đã gần 30 năm và cũng đi đạo diễn cho nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành phố quen rồi. Thành ra, con cháu đều quen nếp làm việc trong nghề nghiệp của mẹ nên các cháu cũng thông cảm và vui vẻ, thỉnh thoảng nhớ nhà thì lại gọi di động! 

NGUYỄN VĂN THI - Nam 27 tuổi - 164/11 THOẠI NGỌC HẦU P18 Q.TÂN BÌNH HCM
- Sáng nay khi đọc báo Thanh Niên tôi rất vui mừng vì mình cũng như du khách khắp nơi sẽ được chứng kiến và nhìn thấy LÁ NGỌC CÀNH VÀNG mà một nghệ nhân Huế cất lâu nay. Được biết, sau LÁ NGỌC CÀNH VÀNG còn rất nhiều di sản quý giá mà người Huế còn cất giữ. Với tư cách là người làm công tác bảo vệ di sản ông có những khuyến khích nào để người dân mang ra trình diển như LÁ NGỌC CÀNH VÀNG không?
Ông Nguyễn Đắc Xuân: Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu tự do, trước đây, người dân sợ nhà nước ''công hoá'' những tài sản của quốc gia trước kia ở trong tay tư nhân, cho nên dân chúng sợ đưa những báu vật mình đang giữ ra trình bày. Hiện nay nhà nước đã có luật di sản, nước mình là một nước nghèo, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt nên những báu vật bị hư hại và mất cắp. Bây giờ, nước ta hội nhập với thế giới, không những ta phải khuyến khích mọi người góp sức làm cho người ngoài thấy Việt Nam không những có dầu hoả, xuất khẩu gạo mà còn có một di sản văn hoá quý giá có giá trị. Nên tôi khuyến khích tất cả những người nào có báu vật nên trưng bày cho mọi người được xem. Và nhà nước có trách nhiệm giúp cho dân chúng các điều kiện cần thiết để cho dân cùng với nhà nước vinh danh đất nước bằng những của cải, báu vật riêng của gia đình.

  • VietNamNet 

,
,