Chợ nhạc sẽ là chợ trời hay chợ chơi?
11:38' 22/09/2003 (GMT+7)

NS Trương Ngọc Ninh.
(VietNamNet)
- "Chợ nhạc" đang là nơi tập trung chú ý của nhiều người. Đây là kiểu chợ đem một sản phẩm “tinh thần cao quý” ra trao đổi, mua bán. Lần đầu tiên các tác phẩm âm nhạc được chính “cha đẻ” của mình là các nhạc sĩ “chào hàng” và các “thượng đế” là các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, trung tâm biểu diễn, ông bầu, ca sĩ… trực tiếp chất vấn, ngã giá.  

 

Đây thực sự là Chợ nhạc - nơi giới thiệu các tác phẩm thực sự có giá trị về mặt nghệ thuật, nhằm thúc đẩy cung cầu, lưu thông con đường âm nhạc đang “tắc nghẽn” vì thiếu ca khúc phù hợp…? Hay đây chỉ là một “chợ trời” với những lời hoa mĩ, hoặc chăng chỉ là một “chợ chơi” - kiểu giải trí của giới văn nghệ sĩ sau cuộc nhậu? Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Giai điệu xanh - VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (NS Trương Ngọc Ninh), Phó Giám đốc Sở VH - TTin Hà Nội, Trưởng ban điều hành Chợ nhạc (gọi nôm là trưởng ban quản lý chợ) và Nhạc sĩ Đức Trịnh (NS Đức Trịnh), Thạc sĩ, Chủ nhiệm khoa Âm nhạc - Trường CĐNT Quân đội, thành viên Ban quản lý Chợ nhạc.

 

- Thưa ông, ý tưởng ra đời Chợ nhạc bắt đầu như thế nào? Từ một ý kiến đề xuất hay từ một cuộc nhậu?

 

- NS Trương Ngọc Ninh: (cười) Việc mà chúng tôi làm Chợ nhạc là nghiêm túc, nhưng nó cũng có dáng dấp là một cuộc chơi vì lấy vui làm chính. Xuất phát từ một buổi liên hoan nhỏ giữa thầy Chu Minh và các học trò của ông, ai cũng muốn “khoe” tác phẩm mới của mình. Một cuộc bình luận đầy thú vị, hào hứng, sôi nổi đã diễn ra. Mọi người bỗng bật ra ý kiến: tại sao không phổ biến việc này rộng ra, tổ chức  thành một chương trình nghiêm túc, có quy mô và mục đích để mọi người cùng tham gia, hưởng ứng. Sau khi bàn bạc cụ thể, Chợ nhạc đã hình thành và ra mắt kỳ họp đầu tiên.

 

- Chợ nhạc là cách gọi dân dã, rất thú vị nhưng vì sao những người sáng lập lại đặt tên cho chương trình của mình như vậy?

- NS Đức Trịnh: Khi xin giấy phép tổ chức thì vẫn ghi là Câu lạc bộ. Nhưng tên gọi thì vẫn là Chợ nhạc vì Ban điều hành nhận thấy đây là cái tên gọi đúng tính chất của chương trình, ở đây có bán, có mua, có chào hàng và ngã giá. Ai quan tâm thì đến…Cũng như rất nhiều các chợ khác đã có (chợ văn, chợ sách, chợ phim…) chợ nhạc cũng là nơi giới thiệu các tác phẩm đặc trưng, chuyên về âm nhạc. Mà người bán không ai khác, chính là các nhạc sĩ, người “sản xuất” ra tác phẩm. Chợ nhạc cũng là một cái tên mới, chưa xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

 

- Ông có thể khẳng định Chợ nhạc sẽ họp theo “phiên” định kỳ hay chỉ khi nào vui mớí làm?

 

- NS Đức Trịnh: Với tính chất vui là chính, nhưng ngay từ đầu, sau một tháng chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên, chúng tôi đã xác định duy trì Chợ nhạc lâu dài. Định kỳ là mỗi tháng một lần vào thứ 5 của tuần thứ hai. Mỗi kỳ họp sẽ có truyền hình đến quay và phát lại sau đó trên truyền hình. Tiến tới chúng tôi sẽ nâng cao các hình thức tổ chức đưa chợ nhạc hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn.

 

- Xin ông cho biết mục đích và cách thức tổ chức của Chợ nhạc?

 

- NS Trương Ngọc Ninh: Nhằm mục đích thúc đẩy các nhạc sĩ hào hứng sáng tác nhiều hơn và giới thiệu các gương mặt ca sĩ trẻ, triển vọng, chúng tôi mong không chỉ tạo ra một sân chơi bổ ích, lý thú mà còn làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn, phát triển hơn. Về cách thức tổ chức, thì trước mắt, trong những kỳ họp đầu tiên chúng tôi chủ yếu mời những người bạn thân đã hiểu nhau vào cuộc. Và chúng tôi cũng mời những vị khách danh dự, những nhà phê bình âm nhạc… Với tính chất là chợ nên ai có nhu cầu thì đến, có bán, có mua. Nhưng trước khi đi đến “ngã giá” thì ‘'người bán” sẽ “chào hàng” bằng cách tự trình bày tác phẩm của mình, sau đó mời ca sĩ, nghệ sĩ  thể hiện. Trong những phiên chợ tới chúng tôi sẽ liên hệ với các nhạc sĩ, có giấy mời cho từng người đem tác phẩm tới, Sau đó, khi chợ nhạc đã phổ biến thì các nhạc sĩ, những người quan tâm có thể đăng ký trực tiếp với ban điều hành Chợ nhạc.

 

- Có ý kiến cho rằng Chợ nhạc chẳng khác gì… chợ trời, kiểu này thì thiếu gì những mặt hàng kém chất lượng vì ở đây chỉ có mấy ông với nhau và chỉ nhằm mục đích thương mại, ông nghĩ sao về điều này?

 

- NS Trương Ngọc Ninh: Đã gọi là chợ thì dĩ nhiên sẽ mang tính thương mại, có bán, có mua, có mặt hàng này, có mặt hàng kia. Nhưng chợ nhac không phải là chợ trời. Mặc dù ở đây chúng tôi không làm công tác kiểm duyệt nhưng tác phẩm nào trước khi đem ra “trình làng” cũng phải qua ban điều hành, qua anh em đồng nghiệp, các nhà phê bình và chính “khách hàng”, những người sẽ sử dụng ca khúc đó. Tất cả các khâu đều được thực hiện công khai.

 

- Ông có thấy tác phẩm âm nhạc mà mang ra “rao bán” như thế thì có vẻ hàng hoá quá không?

 

- NS Trương Ngọc Ninh: Xét về mặt thương mại thì cứ thứ gì mang ra mua bán là hàng hoá. Từ một vở diễn bán vé, một bộ phim đoạt giải bán ra nước ngoài, một hội chợ sách cho tới các tác phẩm âm nhạc. Mà có phải bây giờ ca khúc mới trở thành hàng hoá đâu, từ lâu nó đã được đặt hàng, đã từng phải theo chân các nhạc sĩ đến “cửa” này “cửa” kia để tìm cơ hội ra với công chúng…Vậy tại sao chúng ta không trực tiếp  làm việc này một cách công khai.

 

- Được biết phiên chợ sắp tới của các ông, dự kiến, cũng sẽ có một bữa tiệc nhỏ, đó có phải là một hình thức kèm theo? Nguồn kinh phí để tổ chức chợ được rót từ đâu?

 

- NS Đức Trịnh:  Ban đầu, chúng tôi phải tự “đầu tư”. Còn tiếp theo để thực hiện chương trình lâu dài chúng tôi sẽ xin tài trợ, làm quảng cáo, trích một phần trong số tiền bán tác phẩm…

 

- Các tác phẩm sẽ được bán theo kiểu đấu giá hay cứ “giải trình” rồi ai trả sẽ bán ngay, thưa ông?

 

- NS Đức Trịnh: Để tổ chức một chương trình mới, chúng tôi luôn giới thiệu trước về nội dung chương trình đó với khách mời, những người quan tâm. Mỗi kỳ họp sẽ có ấn định các tác giả giới thiệu tác phẩm của mình. Sau đó mọi người cùng trao đổi, ai có nhu cầu cần tác phẩm nào thì sẽ thoả thuận trực tiếp với tác giả đó. Ở đây sự thoả thuận trực tiếp là chủ yếu.

 

- Tác phẩm được bán có theo khung giá nào không? Hay tuỳ thuộc vào quyết định của người sáng tác?

 

- NS Trương Ngọc Ninh: Ban điều hành không đưa ra một khung giá nào mà tất cả là thoả thuận (theo Nghị định 61 của Chính phủ). Bạn cứ hiểu, một bức tranh được mua bán như thế nào thì tác phẩm âm nhạc cũng được bán như thế.

 

- Sau phiên thứ nhất “Chợ nhạc” đã “thu hoạch” được những gì? Những ý kiến phản hồi mà các ông nghe được?

 

- NS Trương Ngọc Ninh: Ở phiên họp đầu tiên thì Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương đã mua 2 tác phẩm của nhạc sĩ Hà Dũng và nhạc sĩ Chu Minh. Bài ca đá bóng của nhạc sĩ Đức Trịnh được Tiểu ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng và Nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương sẽ chọn biểu diễn trong chương trình chào SEA Games. Tác phẩm này sẽ được trả theo chế độ nhuận bút vì không phải là tác phẩm được mua bản quyền. Còn ý kiến khen, chê chắc không tránh khỏi, nhưng đa số anh em nhạc sĩ rất đồng tình, ủng hộ. Nguyên thứ trưởng Đình Quang, giáo sư Dương Viết Á, nhà văn Trần Thị Trường… đã rất cổ vũ cho Chợ nhạc của chúng tôi.

 

- Để phát triển Chợ nhạc, các ông sẽ làm gì?

 

- Trước tiên chúng tôi sẽ tổ chức chương trình đều đặn, khuyến khích các nhạc sĩ gửi bài trước.

Liên hệ với các nhà hát, đoàn nghệ thuật, các trung tâm biểu diễn, sản xuất băng đĩa nhạc, các ông bầu, ca sĩ… ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Xa hơn nữa chúng tôi sẽ mời các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở miền trung và miền nam tham gia. Bên cạnh những tác phẩm mới, chúng tôi sẽ tổ chức các kỳ họp theo chủ đề. Như sắp tới nhân dịp SEA Games, chúng tôi sẽ tổ chức thể hiện những ca khúc về chủ đề thể thao. Sau những lần “họp chợ” chúng tôi sẽ chọn lọc những ca khúc hay, tập hợp thành một chương trình lớn có dàn dựng, có đầu tư qui mô. Chúng tôi rất mong sự hợp tác của đông đảo anh em nghệ sĩ, cũng như những người có nhu cầu về âm nhạc.

 

- Xin cảm ơn “chợ nhạc”

 

Ban điều hành “Chợ nhạc”:

 

1.      Ông Trương Ngọc Ninh - trưởng ban điều hành

2.      Ông Hà Dũng, và ông Trần Bình - đồng phó ban

3.      Ông Chu Minh - cố vấn

4.      Ông Đức Trịnh, ông Tuấn Phương, ông Quang Vinh – thành viên

 

“Phiên chợ” thứ hai sẽ trình bày tác phẩm của năm nhạc sĩ: Xuân Phương, Quang Vinh, Đỗ Bảo, Ngọc Châu, Phó Đức Phương. 

  • Thục Nhi
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phim rùng rợn đang mê hoặc các fan Mỹ (25/09/2003)
Vương miện Hoa hậu Mỹ 2004 lại thuộc về người da màu (25/09/2003)
Việt Nam dự triển lãm mỹ thuật tại Trung Quốc (22/09/2003)
Không khí SEA Games 22 trên những bức tranh thêu tay (22/09/2003)
'Lửa thiêng dân tộc'cùng rước đuốc Lễ khai mạc SEA Games 22. (23/09/2003)
Britney Spears giải thích về nụ hôn với Madonna (22/09/2003)
"Thế giới tươi đẹp" - cầu nối giữa Nhật Bản và Asean (20/09/2003)
“Việt Nam là người bạn mà Nhật Bản sẽ đi đến cùng” (20/09/2003)
Đào tạo những khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống (20/09/2003)
Keith Jarrett – Koln concert: suối nguồn cảm xúc (18/09/2003)
Tìm ý tưởng thi thiết kế các biểu trưng văn hóa ở năm cửa ngõ vào TP.HCM (18/09/2003)
''Saigon SEA Games'' - bài hát chính hưởng ứng SEA Games của TP.HCM (20/09/2003)
Các nhà văn trẻ bây giờ ít dám dấn thân (18/09/2003)
Phát động cuộc thi viết thư ''Hà Nội niềm tin và hy vọng'' (18/09/2003)
Hai cuốn sách chuyên khảo về Hà Nội (18/09/2003)
Tro ve dau trang