Đào tạo những khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống
08:20' 20/09/2003 (GMT+7)
Các em nhỏ sẽ tìm được niềm vui khi chơi nhạc cụ dân tộc.

(VietNamNet) - Dự án "Đưa âm nhạc truyền thống về giới thiệu và đào tạo tại các trường tiểu học, phát triển khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống trong tương lai" do Nhạc viện Quốc gia Hà Nội khởi xướng vừa được khởi động. Ngoài nhạc và múa cổ điển, với chương trình này các em nhỏ sẽ có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Phóng viên VietNamNet đã phỏng vấn ông Đỗ Xuân Tùng, trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học của Nhạc viện quốc gia Hà Nội đồng thời cũng là thành viên ban thường trực dự án.

- Ông có thể cho độc giả VietNamNet biết qua về nội dung của dự án?

- Thông qua việc giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống, chúng tôi muốn các em sẽ hiểu và yêu mến nhạc truyền thống. Ngoài nhạc viện quốc gia Hà Nội, có rất ít nơi đào tạo một cách chính quy về âm nhạc cổ truyền nên thông qua dự án này, chúng tôi muốn mang đến cho các em những kiến thức cơ bản ban đầu về âm nhạc nói chung và nhạc truyền thống nói riêng mà tiêu biểu là dân ca. Nhiều bài dân ca đã rất quen thuộc với các em nhưng được thể hiện qua Piano và Organ nên chúng đã bị méo mó và biến dạng đi. Vì vậy, dự án muốn thông qua những nhạc cụ phản ánh được tâm hồn Việt Nam như Sáo, Nhị, Đàn bầu... để thể hiện đúng bản chất của dân ca.

- Vậy các em sẽ được làm quen với những nhạc cụ truyền thống nào?

- Dự án sẽ giới thiệu cho các em 8 nhạc cụ truyền thống trong đó có: Nhị, Bầu, Sáo, Nguyệt, Tỳ bà, Tam thập lục.

- Phải mất bao lâu để hiện thực hoá kế hoạch táo bạo này và các ông nhận được bao nhiêu tiền tài trợ từ Quỹ Ford?

- Chính xác là 2 năm. Quỹ Ford cấp cho dự án 45.000USD và yêu cầu chúng tôi kê chi tiết các khoản chi.

- Tại sao dự án lại lấy đối tượng là các học sinh tiểu học và các ông định triển khai với những trường nào trước tiên?

- Chúng tôi hướng đến các em từ 9-10 tuổi tức là những học sinh lớp 3-5. Đây là lứa tuổi đã khá ổn định và cảm thụ âm nhạc rất tốt. Trước tiên chúng tôi triển khai thực hiện ở 10 trường tiểu học ở Hà Nội: Kim Liên, Thăng Long, Dịch Vọng B, Lê Văn Tám, Hoàng Hoa Thám, Kim Giang, Quảng An, Nguyễn Huệ, Đoàn Thị Điểm và Phương Nam. Chúng tôi sẽ đến tận trường để hướng dẫn các em.

- Dự án sẽ được triển khai trong khoảng thời gian nào?

- Chúng tôi sẽ triển khai chương trình trong vòng 24 tháng, từ tháng 6/2003 đến tháng 6/2005 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I là sắm nhạc cụ, biên soạn và in ấn giáo trình và tổ chức các lớp học, còn sang giai đoạn II sẽ nhân rộng ra các trường trong thành phố.

- Thưa ông, công việc đã đi đến đâu rồi?

- Dự án đã khai mạc từ ngày 12/9 và sẽ đi vào ổn định vào cuối tháng này. Giáo trình giảng dạy cũng đã được triển khai thực hiện cách đây 3 tháng và chỉ còn công đoạn đóng quyển. Giáo trình được chia làm 4 phần với dung lượng khoảng 120-140 trang. Đây là giáo trình phổ cập nhạc cụ truyền thống Việt Nam đầu tiên chúng tôi biên soạn dành cho học sinh tiểu học. Chúng tôi đã cố gắng giới thiệu cho các em những kỹ thuật cơ bản cũng như cách thể hiện những nhạc cụ đó như thế nào. Những bài dân ca các em đã được làm quen ở trường cũng sẽ được đưa vào giáo trình nhưng ngoài khuông nhạc còn có lời ở dưới. Cách trình bày cũng rất dễ hiểu và ngộ nghĩnh.

- Ông đặt bao nhiêu phần trăm vào thành công của dự án này?

- Tin tưởng 100%. Tôi nói hoàn toàn có cơ sở vì Nhạc viện đã từng thực hiện rất nhiều lớp phong trào dạy nhạc truyền thống cho các em nhỏ ở Lào Cai, Quảng Ninh... và đã rất thành công. Khoá học chỉ kéo dài 3-4 tháng nhưng rất nhiều em đã có thể sang biểu diễn ở TQ. Hơn nữa chúng tôi nhận được sự ủng hộ của các trường, các quận ở Hà Nội cũng như các sở giáo dục. Với điều kiện vô cùng thuận lợi đó, không có lý do gì để dự án này không thành công. Hơn nữa, mục đích của dự án không chỉ giới thiệu cho các em biết thế nào là nhạc truyền thống mà còn đào tạo được những người biết chơi những nhạc cụ trên. 

- Cảm ơn ông và chúc dự án thành công và "liên tục phát triển"!

  • Bích Hạnh (Thực hiện)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Keith Jarrett – Koln concert: suối nguồn cảm xúc (18/09/2003)
Tìm ý tưởng thi thiết kế các biểu trưng văn hóa ở năm cửa ngõ vào TP.HCM (18/09/2003)
''Saigon SEA Games'' - bài hát chính hưởng ứng SEA Games của TP.HCM (20/09/2003)
Các nhà văn trẻ bây giờ ít dám dấn thân (18/09/2003)
Phát động cuộc thi viết thư ''Hà Nội niềm tin và hy vọng'' (18/09/2003)
Hai cuốn sách chuyên khảo về Hà Nội (18/09/2003)
Barbra Streisand ra album mới ở tuổi 62 (17/09/2003)
Đà Nẵng khai trương dự án điêu khắc đá (17/09/2003)
"Khám phá âm nhạc": Dự án kết hợp văn hoá và giáo dục (17/09/2003)
Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 4 tại Việt Nam (16/09/2003)
ASEAN - Nhật Bản xích lại gần nhau qua những sắc màu (16/09/2003)
Sôi động những ngày văn hoá Việt trên đất Thuỵ Điển (16/09/2003)
Abba được công chúng yêu mến hơn Elvis (16/09/2003)
"Tuần lễ âm nhạc Việt Nam - Thụy Điển" - đa dạng và hấp dẫn (16/09/2003)
Trưng bày phác thảo (vòng 2) cuộc thi mẫu tượng đài Lý Thái Tổ (16/09/2003)
Tro ve dau trang