Cuốn thứ nhất là cuốn sách giàu tư liệu và xác thực của André Masson (cùng tên với một hoạ sĩ siêu thực), nhân viên lưu trữ tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, in tiếng Pháp lần đầu vào năm 1929 (Hanoi pendant la periode heroique 1873-1888, P. Geuthner, Paris 1929), vừa được dịch ra tiếng Việt (Hà Nội - giai đoạn 1873-1885, Lưu Đình Tuân dịch, NXB Hải Phòng 2003, giá bìa 20.000đ).
Cuốn sách không đồ sộ lắm, chỉ có 192 trang khổ 13x19 (cm) nhưng đã mô tả lại chi tiết những thay đổi của Hà Nội trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt khi đô thị này chuyển mình từ thành thị phương Đông bao gồm thành luỹ phong kiến và các phường thợ thủ công sang một đô thị theo kiểu Âu châu dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp. Đồng thời, cuốn sách cũng có ích cho việc tìm hiểu vai trò và quan điểm của những nhà cầm quyền thực dân tại Đông Dương, đặc biệt là tại Hà Nội trong việc bình định vào thời kỳ đầu của quá trình bảo hộ, khi mà việc cai trị nặng mùi thuốc súng và phá hoại.
Nhưng cuốn sách cũng cho thấy thái độ ứng xử đáng hoan nghênh của những nhân vật được nhắc tới như là những người bảo vệ cho một đô thị bản xứ với những di tích và lối sống cổ truyền trước sự hăm hở phổ biến mô hình phương Tây của những nhà khai hoá. Lời tựa của Paul Boudet, Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, đã khẳng định thái độ ấy: "Lợi ích của một số công trình và một số địa điểm không chỉ nằm trong vẻ đẹp của chúng mà còn nằm trong các kỷ niệm lịch sử chúng gợi ra. Làm sống lại những kỷ niệm đó là những lý do mới để gắn chúng ta vào những công trình hay địa điểm đó và buộc chúng ta phải bảo vệ chúng. Vì thế những trang dành cho thành Hà Nội biện minh đầy đủ cho đề nghị xếp hạng lịch sử cho những vết tích cuối cùng của tường luỹ. Tương tự, những chi tiết chính xác về các khu khác, là những lập luận vững chắc nhất để ngăn chặn sự lấn chiếm các công trình hiện đại vào mảnh đất gắn với nhiều kỷ niệm".
Rất nhiều ý kiến, thư từ, hồi ký, văn bản được trích dẫn từ những nhân vật lịch sử ảnh hưởng đến Hà Nội, từ Francis Garnier cho đến Henri Rivière (hai sĩ quan chỉ huy Pháp trong 2 lần đánh thành Hà Nội 1873 và 1882), từ thống chế Lyautey cho đến toàn quyền Paul Bert, hay Bonnal, trú sứ Pháp tại Hà Nội, Puginier, giám mục, và những hoạt động của các quan chức An Nam, những người chống đối cũng như những người hợp tác tích cực. Một cuốn sách nhỏ nhưng hiện lên rõ rệt cá tính của các nhân vật lịch sử, dù tác giả không hề bình luận. Mọi vẻ xấu tốt đều thông qua sự đánh giá của chính những nguồn trích dẫn.
Cố nhiên, tác giả quan sát với tư cách người chinh phục và có sức mạnh, nên cuốn sách hào hứng và lạc quan khi nói đến sự hình thành khu phố Pháp, mặt khác đề cao vai trò của khu phố này cũng như của phong cách Âu châu, nghĩa là một giọng điệu thực dân, ngay từ tên của cuốn sách trong tiếng Pháp: Một giai đoạn hào hùng. Bản dịch tiếng Việt rút lại để êm thuận, mà bản tiếng Anh cũng có tên tương tự: The transformation of Hanoi, 1873-1888, Jack A. Yaeger dịch, Daniel F. Doeppers biên tập và rút gọn. (Madison: Center for Southeast Asian Studies, University of Wisconsin-Madison, 1983). Kết luận cuốn sách cũng vậy: "Thành phố cổ An Nam từ nay trở đi là một thành phố hoàn toàn Pháp, nhanh chóng cuốn vào nhịp điệu cuộc sống hiện đại. Tất cả những ai, Pháp và An Nam, hôm nay đang hưởng những tiến bộ không được quên những hy sinh của những người lao động trong thời kỳ hào hùng".
Cuốn sách có ưu điểm là người viết làm chủ được thông tin. Người dịch đã tỏ ra cẩn thận và kỹ càng khi chú thích cho các phần tên gọi tiếng Pháp hoặc đối chiếu địa danh ngày nay để người đọc hiểu được cũng như dùng một văn phong sáng sủa, khoa học. Đồng thời lỗi in ấn về chữ nghĩa cũng không xuất hiện. Tiếc rằng, chất lượng bản in không tốt lắm, nhất là các hình ảnh trích dẫn.
Quyển thứ hai, được in ấn tốt hơn rất nhiều, là tập san nghiên cứu kiến trúc đô thị và xã hội thuộc dự án Đào tạo chuyên ngành đô thị Hà Nội, hợp tác giữa Hội đồng vùng Ile-de-France (Pháp) với UBND TP. Hà Nội: Hà Nội - Chu kỳ của những đổi thay, người dịch: Mạc Thu Hương, Trương Quốc Toàn, NXB Khoa học và Kỹ thuật - Hà Nội, 2003, 18x25 cm, 344 trang, giá bán tại Hiệu sách NXB Khoa học và Kỹ thuật, 70 Trần Hưng Đạo: 20.000 đồng (dịch từ bản tiếng Pháp Hanoï - Le cycle des métamorphoses, Pierre Clément và Nathalie Lancret chủ biên, xem trang giới thiệu tiếng Pháp tại địa chỉ www.editrech.freesurf.fr/hanoi.html).
Sách tập hợp các bài viết có giá trị của 22 tác giả đến từ các đơn vị như Viện nghiên cứu kiến trúc, đô thị và xã hội Pháp (Ipraus), Viện Kiến trúc Pháp (IFA), Đại học Kiến trúc Paris-Belleville, Paris-La Villette và Paris-Villemin, Viện đô thị Pháp thuộc Đại học Paris VIII, Đại học Kiến trúc Nancy, Đại học Kiến trúc Marseille, Viện Viễn Đông Bác Cổ. Một vài người thực hiện bài viết khi là sinh viên của khoá cao học tại Viện quy hoạch đô thị. Trong tập san còn có bài viết của 3 tác giả Việt Nam là Nguyễn Quốc Thông (Lịch sử Hà Nội: thành phố trong mỗi khu phố), Trần Quốc Vượng (Hà Nội giữa hệ thống sông hồ vùng châu thổ Bắc Bộ), Trần Hùng (Bảo tồn di sản kiến trúc trong sơ đồ quy hoạch thủ đô). Các bài viết chủ yếu nằm trong khoảng các năm 1995-2001, trong thời gian dự án nói trên diễn ra.
Mặc dù là tập hợp của nhiều tác giả và các chương trình khác nhau, nhưng cấu trúc và hệ thống thông tin của cuốn sách rất hoàn chỉnh. Người đọc có thể hình dung rõ nét nhất về sự biến đổi của Hà Nội từ thời phong kiến đến hiện đại, trong quan hệ mọi mặt kinh tế - văn hoá - xã hội. Các tác giả, là những nhà khoa học, tránh những lối mòn và nhận định chủ quan, lãng mạn hoá hay bi quan về đối tượng nghiên cứu, nhưng vẫn khiến cho người đọc ngạc nhiên và say mê trước những điểm nhìn mới lạ.
Cuốn sách gồm 5 phần: Mở đầu, Thăng Long: Vùng đất sinh ra từ những dòng nước, Hình ảnh thành phố qua bản đồ, Ký ức lắng đọng: từ những mô hình đô thị tới các công trình, Hình thái kiến trúc và tương lai của thành phố. Dễ thấy là nội dung quyển sách một mặt dành phần lớn dẫn dắt người đọc tìm hiểu về di sản và hình thái đặc trưng của thành phố, nhưng mặt khác, cũng rất thiết thực khi phân tích chúng dưới góc độ hiện tại. Ví dụ, thật tuyệt vời khi xem được mặt bằng, mặt cắt của phố Lương Văn Can trong khu phố cổ vào 3 thời điểm: buổi sáng sớm, ban ngày và khi trời tối, ta biết được sự biến đổi không gian và cách thức sinh hoạt cùng sự chuyển dịch luồng người trên mặt phố hay trong ngôi nhà ống (Bài Nhà ống ở Hà Nội: cấu trúc/tính năng sử dụng/biến thái của Asma Khawatmi).
Người xem ấn tượng với hệ thống bản đồ được cung cấp, từ những bản đồ sớm nhất về Hà Nội cho đến bản quy hoạch phát triển không gian đến năm 2020 mới lập, người xem có thể kiểm chứng được những khu vực đã được hình thành và phát triển theo đúng kế hoạch, cũng như những ý tưởng không bao giờ thực hiện được.
Lưu ý rằng hầu như tất cả các bản đồ và bản vẽ của người Pháp chú thích rất chi tiết về người thực hiện. Đặc biệt, người vẽ một số bản đồ chính là những quan chức, ví dụ Giám đốc Sở Giao thông V. Leclanger là tác giả bản đồ thành phố Hà Nội, vẽ ngày 9/4/1890 hay bản đồ Hà Nội năm 1873 do Phạm Đình Bách vẽ, chi tiết và giàu chất mỹ thuật nhưng vẫn theo hoạ pháp mới (có tỷ lệ 1:12500).
Quyển sách được in bìa cứng, giấy couché bóng, có lẽ là giá trị nhất trong số những sách chuyên khảo về Hà Nội những năm gần đây. Một cuốn sách khoa học có cá tính, khác rất nhiều sách về Hà Nội vẫn được in ra hàng loạt nhưng không hấp dẫn người đọc bởi sự trùng lặp, sự ít ỏi về cứ liệu cũng như vô vị về cách thể hiện.
(Theo T.L) |